Trường tư thục phát triển thành đại học quốc gia là mô hình không nên áp dụng

23/06/2022 06:48
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, trường đại học tư có sứ mệnh riêng và có những quyền riêng, kiến nghị đại học tư thành đại học quốc gia là không phù hợp.

Một trường đại học tư có trở thành đại học quốc gia được không là vấn đề được đặt ra tại hội thảo góp ý xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 46/2017/NĐ-CP do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vừa qua.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho biết, theo Luật số 34/2018/QH14 có một mô hình mới gọi là mô hình đại học, xu hướng giống với mô hình đại học quốc gia, đại học vùng, có quyền tự chủ cao hơn, là một hệ thống bao gồm các trường đại học thành viên.

Dù còn có ý kiến tranh cãi về mô hình đại học nhưng khi đã được luật hóa thì không thể không triển khai. Hiện nay, các trường đại học hoàn toàn có thể phấn đấu trở thành đại học, bao gồm cả các trường đại học tư.

Tuy nhiên, bản chất một trường tư thục lại gắn với tên gọi “quốc gia” là mô hình không nên áp dụng.

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Các trường đại học tư có thể phấn đấu thành đại học theo Luật 34 nhưng không có cơ sở pháp lý cũng như không có tính hợp lý về mặt logic để trở thành đại học quốc gia.

Chữ quốc gia (national university) với một số nước đó là dấu hiệu để nhận diện trường đại học công. Đã là đại học quốc gia thì phải là trường công, chứ không thể là đại học tư.

“Hệ thống giáo dục phải đảm bảo yếu tố tường minh, mạch lạc, rõ ràng, không thể trong một hệ thống mà có sự lẫn lộn giữa các mô hình.

Các trường đại học tư có thể phấn đấu thành một đại học tư gồm nhiều trường thành viên. Tuy nhiên, mô hình này sẽ có những điểm khác so với mô hình đại học quốc gia. Vì đại học quốc gia có cơ chế đặc biệt của Chính phủ, là sự đầu tư của Nhà nước đối với hệ thống giáo dục công”, Tiến sĩ Hiệp nêu quan điểm.

Tiến sĩ Phạm Hiệp cũng cho biết thêm, nếu các trường đại học tư muốn cạnh tranh về mặt chất lượng, thương hiệu thì nên thực hiện bằng những cách khác, ví dụ như tham gia các bảng xếp hạng đại học, thể hiện qua các thông số đảm bảo chất lượng, không nên gây ra sự lẫn lộn trong tên gọi giữa các mô hình đại học và lẫn lộn về thiết chế pháp lý.

Đại học Harvard, Oxford ở Mỹ, hay Đại học Waseda ở Nhật đều là những trường đại học tư nổi tiếng nhưng họ cũng không có nhu cầu trở thành đại học quốc gia.

Bởi các trường đại học này đều có hướng đi riêng, mỗi trường có một sứ mệnh, con đường phát triển riêng, không lẫn lộn, dẫm chân nhau.

“Phải hiểu rõ ràng, ngay cả đại học quốc gia cũng không thể làm một số việc mà đại học tư làm, vì đại học tư có sứ mệnh riêng, quyền riêng của họ.

Hệ thống giáo dục đại học ngoài cạnh tranh lẫn nhau còn phải cùng phục vụ xã hội, vì vậy nên phân công nhiệm vụ rõ ràng, tôi cho rằng kiến nghị trường tư thành đại học quốc gia là không phù hợp”, Tiến sĩ Hiệp nêu quan điểm.

Còn việc trường đại học tư có phấn đấu thành đại học tư hay không, việc này tùy vào sứ mệnh, chiến lược phát triển của từng trường đại học hoặc của những tổ hợp giáo dục. Vì khung pháp lý đã ra đời và tất cả các trường đều có quyền thực hiện.

Hiện nay đã có một số trường đại học chung của một tập đoàn, đó là những điều kiện ban đầu để họ phát triển thành một đại học.

“Theo tôi được biết, ở nước ngoài, không có đất nước nào có đại học tư là đại học quốc gia. Nhưng có những trường tư phát triển đủ mạnh để vị thế, đẳng cấp của họ bằng hoặc hơn cấp quốc gia.

Ví dụ, khi nói về giáo dục đại học Mỹ, người ta nhắc đến đầu tiên là Đại học Harvard trước khi nhắc đến những đại học công khác. Hoặc khi nói về giáo dục đại học Anh, người ta sẽ nhắc đến Đại học Oxford, Đại học Cambridge. Vậy rõ ràng, thương hiệu, đẳng cấp của những trường đại học tư đã vươn tầm quốc tế.

Dù là đại học tư nhưng họ có nhiều hoạt động mang tầm vóc quốc gia và phục vụ lợi ích chung của quốc gia.

Trường tư cũng có thể nhận tài trợ của Chính phủ theo những cách khác nhau nếu họ xây dựng được một cơ sở giáo dục phát triển, thậm chí lớn mạnh hơn đại học công quốc gia”, Tiến sĩ Hiệp cho biết.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, các trường đại học công thực hiện sứ mệnh mà Nhà nước giao và cần thực hiện theo đúng sứ mệnh được giao.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)

Cụ thể, đại học quốc gia đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực ở tầm quốc gia. Đại học vùng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của một vùng. Riêng đại học địa phương đào tạo nhân lực bám sát điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương.

Còn các trường đại học tư không thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh Nhà nước giao mà do chính các nhà đầu tư định hướng con đường phát triển. Chính vì vậy, trường đại học tư trở thành đại học quốc gia là không phù hợp.

Nếu xét về mặt đẳng cấp thì không có sự phân biệt giữa trường tư hay trường công. Các trường đại học đều có thể phấn đấu để đạt đẳng cấp quốc gia, thậm chí đạt đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, cần có sự phân định rõ giữa các mô hình đại học với những sứ mệnh riêng.

Phạm Minh