EMagazine

TS Đàm Quang Minh: Cần thêm chính sách tạo sự công bằng giữa GD công và tư

TS Đàm Quang Minh: Cần thêm chính sách tạo sự công bằng giữa GD công và tư

23/05/2025 09:54
Mộc Trà

GDVN- Theo TS Đàm Quang Minh, cần tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 35 về xã hội hóa GD và ban hành nghị quyết mới, khuyến khích GD tư thục phát triển mạnh mẽ hơn.

Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số... Tầm nhìn đến 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Giáo dục tư thục cũng là một trong những thành phần của kinh tế tư nhân. Những năm qua, giáo dục tư thục đã và đang góp phần đa dạng hóa các loại hình giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và sự lựa chọn của phụ huynh. Điều này giúp đảm bảo quyền được học tập của học sinh, đặc biệt trong bối cảnh còn tình trạng thiếu trường lớp tại nhiều địa phương, nhất là ở các thành phố lớn.

Tập đoàn Giáo dục EQuest là một trong những tổ chức giáo dục tư nhân lớn tại Việt Nam với hơn 25 đơn vị thành viên, bao gồm các trường phổ thông, trường đại học, cao đẳng dạy nghề, dạy ngoại ngữ cùng các nền tảng công nghệ giáo dục (EdTech).

Trong suốt hơn 20 năm thành lập và phát triển, Tập đoàn Giáo dục EQuest vẫn luôn kiên trì theo đuổi triết lý giáo dục “đào tạo ra một thế hệ tương lai có thể đóng góp nhiều cho cộng đồng và đất nước”.

equest-18.png

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Chủ tịch Khối phổ thông Tập đoàn Giáo dục EQuest đã có những chia sẻ về những đóng góp của Tập đoàn nói riêng cũng như giáo dục tư thục nói chung đối với hệ thống giáo dục quốc dân trong những năm qua.

“Có thể nói, lịch sử phát triển giáo dục tư thục tại Việt Nam cũng đã trải qua một thời gian tương đối dài, những trường tư thục đầu tiên được thành lập tính đến nay cũng đã gần 40 năm. Và đã mang đến những giá trị to lớn, những đóng góp quan trọng trong nền giáo dục Việt Nam” - Tiến sĩ Đàm Quang Minh nhìn nhận.

equest-14.png

Chủ tịch Khối phổ thông Tập đoàn Giáo dục EQuest chỉ ra: “Giáo dục ngoài công lập nói chung, cũng như giáo dục tư thục nói riêng đã mang đến những sự đổi mới, đặc biệt ở hai yếu tố: Một là, tính quốc tế hóa, khi ngày càng có nhiều học sinh Việt Nam tự tin du học và phát triển toàn diện tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, giúp giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế. Hai là, màu sắc vô cùng đa dạng, sinh động, mang lại nhiều giá trị mới cho hệ thống giáo dục quốc dân.

Chúng ta có thể thấy, các trường năng động nhất, tích cực nhất trong đổi mới giáo dục chính là các trường tư thục. Ngay cả ở những “sân chơi” truyền thống mà trước đây vốn là thế mạnh của các trường chuyên hay các trường công lập lâu đời, như kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, cũng như các cuộc thi lớn khác, học sinh các trường tư thục đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều và ổn định hơn, đánh dấu một bước tiến mới cho nền giáo dục, trong đó có sự đóng góp to lớn của hệ thống giáo dục tư thục.

Đặc biệt, tại các thành phố lớn, giáo dục tư thục ngày càng đóng góp một vị trí quan trọng và đem lại hiệu quả tích cực trong hệ thống giáo dục nói chung.

Ví dụ điển hình như tại Hà Nội, rất nhiều trường tư thục hiện nay đã có những thành tích cao, thậm chí đứng trong “top” của toàn thành phố hay trên địa bàn quận, huyện…

Sự tín nhiệm đối với hệ thống giáo dục tư thục ngày càng được mở rộng, đặc biệt là trong xu hướng Việt Nam hội nhập ngày càng cao. Với chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, các trường tư thục đã đóng góp một vai trò rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông…”.

equest-7-537.png

Tập đoàn Giáo dục EQuest được thành lập bởi những du học sinh luôn trăn trở về việc làm sao để đưa giáo dục Việt Nam hội nhập với quốc tế. Ngay từ những ngày đầu tiên, đã có một mục tiêu lớn là đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai và giúp cho học sinh Việt Nam tiếp cận với những nền giáo dục xuất sắc trên thế giới.

Từ năm 2018, EQuest mở rộng sang giáo dục đại học, cao đẳng và đặc biệt là giáo dục phổ thông. Kể từ đó, EQuest đã có những bước tiến rất mạnh mẽ, nhất là khi có được sự đầu tư của các tổ chức tài chính lớn trên thế giới như TAEL Partners (Singapore), KKR (Hoa Kỳ). Từ khi có nền tảng tài chính tốt, EQuest đầu tư ngày càng sâu hơn và toàn diện hơn trong lĩnh vực giáo dục.

equest-1235.png
equest-22.png

Theo Tiến sĩ Đàm Quang Minh, giai đoạn những ngày đầu thành lập các trường tư thục, Tập đoàn Giáo dục EQuest cũng gặp phải những khó khăn nhất định.

Khó khăn ban đầu chính là định kiến giữa giáo dục tư thục và công lập. Từ những ngày đầu, giáo dục tư thục vẫn chưa nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía phụ huynh, xã hội… điều đó đã trở thành một thách thức khá lớn đối với hệ thống. Đồng thời, cũng vì thế, các trường khó thu hút đội ngũ giáo viên giỏi tham gia giảng dạy, bởi hầu hết giáo viên thời điểm đó cho rằng, phải vào môi trường công lập thì mới có điều kiện phát triển hết năng lực của mình cũng như có tính ổn định cao hơn.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, những định kiến ấy đã dần được thay đổi. Hệ thống các trường phổ thông tư thục đã thu hút được nhiều học sinh giỏi đến từ các môi trường giáo dục “mũi nhọn”, thậm chí cả các thủ khoa cũng lựa chọn trường tư. Từ đó, học sinh trong hệ thống ngày càng chinh phục được nhiều giải thưởng từ các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế. Các giáo viên giỏi cũng ngày càng đến với trường tư thục nhiều hơn, thậm chí, còn có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn.

Một khó khăn thứ hai đặt ra đối với các trường tư thục đó là hệ sinh thái giáo dục, vì trường tư thục luôn luôn mong muốn triển khai cái mới, muốn cải cách giáo dục; song, đôi khi hệ thống khung pháp lý chưa theo kịp và còn phức tạp, dẫn đến nhiều khó khăn khi các trường tư thục muốn áp dụng.

Mặc dù những khó khăn đó cũng dần dần từng bước được tháo gỡ, nhưng vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn, bởi những khung pháp lý phức tạp vẫn còn tồn tại, các trường vẫn phải thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính. Đặc biệt, đối với khối phổ thông, tính tự chủ của mỗi cơ sở giáo dục vẫn còn chưa cao, mặc dù, trường cũng đã thực hiện kiểm định và được đánh giá rất tốt bởi các tổ chức kiểm định trên thế giới.

Khó khăn thứ ba, để phát triển trường, nguồn lực về đất đai, về cơ sở vật chất cũng đặc biệt khó khăn, càng ở các thành phố lớn lại càng khó kiếm “quỹ đất” phù hợp để phát triển, cơ chế còn nhiều điểm chưa phù hợp cho phát triển giáo dục. Bởi, phát triển giáo dục cần quỹ đất lớn, trong khi đó, chi phí lại cần phải rất hợp lý để đáp ứng được sự cạnh tranh giữa công và tư. Đôi khi còn có sự bất bình đẳng rất lớn giữa công và tư, các trường công được đầu tư phát triển cơ sở vật chất, cung cấp chi phí vận hành; trong khi đó, các trường tư vừa phải đầu tư xây trường, vừa duy trì vận hành, trả lương cho giáo viên… Chính vì vậy, cạnh tranh trong giáo dục giữa công và tư là cạnh tranh bất bình đẳng lớn nhất.

equest-1-1603.png

Liên quan đến vấn đề tiếp cận “quỹ đất”, Tiến sĩ Đàm Quang Minh cũng chỉ ra thêm một khó khăn khác, đó là việc quy hoạch quá “cứng nhắc”, dẫn đến một số trường hợp do không tính toán chuẩn so với sự phát triển của địa phương và nhu cầu học tập thực tế trên địa bàn trong tương lai.

Chẳng hạn, đối với một khu đô thị mới, đương nhiên, nhu cầu về các trường tiểu học sẽ nhiều hơn các cấp học khác; tuy nhiên, sau khoảng 5-10 năm, nhu cầu trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tăng lên, thì nên cho phép mở rộng quy hoạch, miễn là đất phục vụ đúng mục đích giáo dục…

“Nếu có chính sách phát triển giáo dục tư thục một cách mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện hơn để có nguồn tiếp cận về cơ sở hạ tầng, chắc chắn, giáo dục tư thục sẽ có nhiều bước phát triển mạnh mẽ hơn” - Tiến sĩ Đàm Quang Minh nhấn mạnh.

Vừa qua, trong một cuộc tiếp xúc cử tri trước thềm Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến chủ trương ưu tiên sắp xếp trụ sở dôi dư sau sáp nhập để mở trường, cơ sở y tế và không gian sinh hoạt cộng đồng. Trên tinh thần đó, nhiều chuyên gia đề xuất nên ưu tiên cho giáo dục tư thục được tiếp cận nguồn lực này.

Chủ tịch Khối phổ thông Tập đoàn Giáo dục EQuest đánh giá: “Đây là một đề xuất rất tích cực, góp phần tạo sự bình đẳng trong chính sách đối với giáo dục công và tư, bởi, người hưởng lợi cuối cùng vẫn là người học.

Khi được tạo điều kiện, các nhà đầu tư giáo dục bài bản và có chiều sâu thậm chí có thể tạo được những điểm khác biệt mà khối công lập không làm được. Bởi vậy, chủ trương trên có thể tạo “cú hích”, “cầu bật” để nâng cao chất lượng cũng như giảm tải cho hệ thống công lập trong thời gian tới.

Nếu được tiếp cận với nguồn lực này, EQuest cũng sẵn sàng tham gia cùng đầu tư đồng hành với các địa phương để phát triển giáo dục”.

equest-3-1735.png

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Đàm Quang Minh cũng đề cập, để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục tư thục, cần lưu ý: “Thứ nhất, quán triệt tinh thần những mảnh đất nằm ở vị trí trung tâm, thuận lợi về giao thông cần phải bố trí ưu tiên cho giáo dục cũng như các dịch vụ công ích của xã hội. Bởi, hiện nay vẫn có một nghịch lý, có những khu phát triển rất mạnh về thương mại dịch vụ, nhưng hoàn toàn không có trường, hoặc thiếu trường một cách nghiêm trọng, do một số khu vực đã bỏ quên quy hoạch về mặt phát triển giáo dục.

Thứ hai, các nhà đầu tư giáo dục uy tín, có nhiều đóng góp cho giáo dục địa phương cần phải được ưu tiên tiếp cận nguồn lực này để tối ưu hóa nguồn lực, tận dụng phát triển giáo dục toàn diện. Đồng thời, nên rà soát lại quy tắc về quản lý tài sản công và cho thuê tài sản công một cách linh hoạt và mở rộng. Có những trường hợp liên quan đến tài sản công, việc sửa sang, nâng cấp, cải tiến cũng gặp những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, khi phải đảm bảo tính nguyên trạng của tài sản công, có thể rất khó phù hợp mục đích sử dụng và đôi khi công năng sử dụng rất hạn chế, gây lãng phí trong việc khai thác.

Vì vậy, cần có các quy định cụ thể về việc sử dụng tài sản công, tái đầu tư để mang đến hiệu quả sử dụng cao hơn. Ví dụ, nếu một tòa nhà không phù hợp, có thể tháo dỡ, thay thế bằng những công trình phù hợp hơn với bối cảnh”.

equest-5-4909.png

Trước đó, ngày 04/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký Công điện số 56/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thủ tục hành chính nội bộ, bảo đảm bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, hoàn thành việc thực thi 100% phương án về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Đàm Quang Minh cho rằng, những năm qua, giáo dục đại học đã có sự tiến bộ đáng kể khi ngày càng khẳng định được tính tự chủ, đặc biệt, rất nhiều trường cả công lập và tư thục đã vươn lên và ghi tên mình vào các bảng xếp hạng thế giới. Trong khi đó, tính tự chủ ở giáo dục phổ thông vẫn chưa được thực hiện tốt, dẫn đến còn nhiều “rào cản”.

Chính vì thế, nên có những quy định liên quan đến đảm bảo chất lượng và nên quản lý linh hoạt hơn đối với những cơ sở giáo dục nào đã được công nhận kiểm định, có cơ chế đảm bảo chất lượng khác với cơ chế kiểm tra hiện nay để tăng sức sáng tạo cho các nhà trường.

“Để đảm bảo chất lượng giáo dục, cơ quan quản lý sẽ giám sát theo nguyên tắc công khai. Đồng thời, thay vì đánh giá quá trình, cơ quan quản lý sẽ kiểm soát kết quả, tức là sẽ đặt ra những chuẩn đầu ra để đánh giá chất lượng. Khi những cơ sở giáo dục tư thục đạt được những kết quả tích cực về chất lượng học sinh tốt nghiệp, thì việc đánh giá quá trình giảng dạy trở nên ít quan trọng.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục tư thục thường gặp khó khăn trong việc triển khai các chương trình tích hợp, liên kết quốc tế, khi thủ tục còn khá rườm rà. Tất nhiên, các nhà trường vẫn đảm bảo yêu cầu trên, song, tốc độ cập nhật của các chương trình hiện nay khá nhanh, nhất là khi có các ứng dụng mang tính công nghệ cao… mỗi lần thay đổi chương trình, các trường lại phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, nhiều khi kéo dài đến 1-2 năm.

Nếu được tạo điều kiện giảm bớt hoặc rút ngắn thủ tục trên, sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các cơ sở giáo dục tư thục, đồng thời, nâng cao hiệu quả đào tạo” - Tiến sĩ Đàm Quang Minh nhấn mạnh.

equest-16.png
equest-20.png

Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Theo Chủ tịch Khối phổ thông của Tập đoàn Giáo dục EQuest, từ khi ra đời, với mục tiêu đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của giáo dục tư thục, Nghị quyết số 35/NQ-CP cũng đã tạo ra những thuận lợi nhất định: “Chẳng hạn, một số địa phương đã tích cực hơn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư và chính nhờ thế, các thủ tục hành chính được tạo điều kiện xử lý nhanh hơn. Một số địa phương thực sự coi phát triển giáo dục tư thục là nhiệm vụ, đưa vào chiến lược phát triển. Có thể kể đến một số địa phương như tại thành phố Hải Phòng, nhà đầu tư giáo dục được tạo điều kiện rất thuận lợi trong việc đầu tư giáo dục trên địa bàn mới. Đồng thời, thấy rõ hơn vai trò cần thiết phải có sự phát triển tư thục bên cạnh khối công lập.

Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn này, sự đầu tư của Tập đoàn Giáo dục EQuest vào các địa bàn mới cũng rất lớn. Có thể thấy rõ nét nhất đó là, trong vòng 2-3 năm qua, năm nào Tập đoàn cũng mở thêm các trường phổ thông mới, tại các địa phương như Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng…

Hiện tại, Tập đoàn Giáo dục EQuest cũng đang có kế hoạch chuẩn bị đầu tư vào các địa bàn mới khác”.

equest.png

Tuy nhiên, Tiến sĩ Đàm Quang Minh cũng cho rằng, mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục tư thục theo Nghị quyết số 35/NQ-CP tính đến nay vẫn còn khá khiêm tốn.

“Chính vì vậy, cần có sự đánh giá lại và trong giai đoạn tới, nên có một nghị quyết mới để kế thừa, phát huy, tiếp nối Nghị quyết số 35 với mục tiêu cụ thể và rõ ràng hơn, để tiếp tục khuyến khích cho giáo dục tư thục phát triển mạnh mẽ hơn. Trong đó, nên tập trung vào gỡ những “nút thắt” căn bản của phát triển giáo dục tư thục.

Những “nút thắt” đó bao gồm: Một là, thủ tục đất đai, đấu giá quỹ đất; Hai là, giảm thiểu thủ tục hành chính để phát triển tốt hơn; Ba là, có những sự ghi nhận, khuyến khích, động viên đối với giáo dục tư thục nhiều hơn, ví dụ được khen thưởng, tuyên dương hay có những sự đầu tư công bằng giữa hai khối công - tư” - Chủ tịch Khối phổ thông Tập đoàn EQuest phân tích thêm.

Mộc Trà