Lào Cai: Có 590 giáo viên đăng ký dạy thêm sau khi Thông tư 29 có hiệu lực

23/05/2025 06:37
Đình Nam

GDVN - Theo Sở GD&ĐT Lào Cai, toàn tỉnh ghi nhận 590 giáo viên đăng ký dạy thêm tại 216 cơ sở ngoài công lập (25 doanh nghiệp và 191 hộ kinh doanh).

Sau khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm được ban hành và có hiệu lực, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng triển khai nghiêm túc, bài bản công tác quán triệt, tuyên truyền, tham mưu và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 29.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, ghi nhận ban đầu cho thấy những phản hồi tích cực trong công tác quản lý và tổ chức dạy thêm, học thêm tại địa phương.

590 giáo viên đăng ký dạy thêm tại 216 cơ sở ngoài công lập

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Dương Bích Nguyệt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết, sau khi Thông tư 29 chính thức có hiệu lực, Sở đã nhanh chóng chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, cũng như các đơn vị trường học trên địa bàn, tiến hành rà soát và báo cáo danh sách giáo viên có tham gia hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh ghi nhận 590 giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông đăng ký dạy thêm tại 216 cơ sở ngoài công lập, bao gồm 25 doanh nghiệp và 191 hộ kinh doanh.

Trong quá trình triển khai Thông tư số 29, giáo viên và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn.

Về thuận lợi, Thông tư số 29 đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, giúp giáo viên dễ dàng thực hiện các thủ tục đăng ký và mở cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường khi có nhu cầu chính đáng. Đối với các nhà trường, Thông tư cũng là công cụ quan trọng trong việc tăng cường công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm tràn lan, trái quy định.

Đồng thời, việc thực hiện Thông tư yêu cầu các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng các giờ học chính khóa, qua đó đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ngay trong nhà trường, giảm áp lực phải đi học thêm không cần thiết cho học sinh.

480630169-647679177643256-1205386029483555105-n-4904.jpg
Một tiết học tại Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng (thành phố Lào Cai). Ảnh: website nhà trường.

Một điểm nổi bật trong quy định là việc cấm giáo viên dạy thêm có thu tiền đối với chính học sinh mà mình đang giảng dạy chính khóa. Điều này buộc giáo viên phải đầu tư nghiêm túc hơn cho nội dung bài giảng, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục trong lớp học chính thức, đồng thời góp phần ngăn chặn tình trạng ép buộc học sinh học thêm hoặc tạo tâm lý lo lắng cho phụ huynh về sự công bằng trong đánh giá học sinh.

Ngoài ra, việc giảm bớt các lớp dạy thêm cũng tạo điều kiện để nhà trường tập trung hơn vào các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, văn nghệ, thể thao, các câu lạc bộ và những hoạt động phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh.

Về khó khăn, phía giáo viên còn gặp phải vướng mắc khi một bộ phận học sinh có nhu cầu học thêm với giáo viên chính khóa - những người có kinh nghiệm, chuyên môn tốt nhưng lại không được đáp ứng theo quy định của Thông tư. Điều này đôi khi gây ra sự tiếc nuối và hạn chế lựa chọn của học sinh cũng như phụ huynh.

Về phía các nhà trường, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường lại gặp nhiều trở ngại. Việc này đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý giáo dục và các đơn vị liên quan vì thường phải thực hiện ngoài giờ hành chính.

Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT ngày 7/3/2025, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng phải làm việc đủ 40 giờ mỗi tuần, trong khi việc giám sát ngoài giờ lại không có chế độ hỗ trợ, dẫn đến áp lực và bất cập trong quá trình triển khai. Vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng trong vấn đề này là rất lớn, nhưng lại chưa được hỗ trợ tương xứng về thời gian và chính sách.

Thành lập đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư 29 ở các cơ sở giáo dục

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, đơn vị đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở, hộ kinh doanh có hoạt động dạy thêm - học thêm đã đăng ký theo quy định tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.

Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra nhằm đánh giá việc triển khai thực hiện Thông tư tại các cơ sở giáo dục và các điểm dạy thêm ngoài nhà trường. Qua quá trình kiểm tra, đoàn công tác đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, đồng thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc cũng như nguyện vọng chính đáng của học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản gửi Ủy ban nhân dân các thị xã, thành phố, đề nghị tăng cường chỉ đạo và quản lý hoạt động dạy thêm trên địa bàn theo hướng phân cấp quản lý và quy định tại Thông tư số 29.

Các địa phương cũng được yêu cầu chủ động thành lập những đoàn kiểm tra để giám sát hoạt động dạy thêm trong và ngoài nhà trường một cách thường xuyên và hiệu quả.

495575871-997351682559254-8143269417455729828-n.jpg
Một tiết học tại Trường trung học cơ sở Ngô Văn Sở (thành phố Lào Cai). Ảnh: website nhà trường

Song song với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cũng chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra nội bộ, kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nhằm đảm bảo hoạt động dạy thêm - học thêm diễn ra đúng quy định, minh bạch và lành mạnh.

“Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT đã tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng và thuận lợi hơn cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm cả trong và ngoài nhà trường. Nhờ đó, tình trạng dạy thêm tràn lan, không đúng quy định từng tồn tại trước đây đã từng bước được kiểm soát và chấn chỉnh.

Trước khi Thông tư được ban hành, phần lớn giáo viên tham gia dạy thêm tại các cơ sở ngoài nhà trường chưa thực hiện đăng ký kinh doanh, dẫn đến tâm lý lo ngại, thiếu yên tâm trong quá trình giảng dạy.

Trong khi đó, việc đăng ký doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục (mã ngành 8559) đòi hỏi phải đáp ứng nhiều điều kiện nghiêm ngặt về nhân sự và cơ sở vật chất. Việc cho phép giáo viên đăng ký theo mô hình hộ kinh doanh với thủ tục đơn giản, linh hoạt hơn đã tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên thực hiện hoạt động dạy thêm đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính minh bạch và chính danh trong công tác giảng dạy ngoài nhà trường”, bà Dương Bích Nguyệt chia sẻ.

Nhằm triển khai hiệu quả Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, bên cạnh việc tăng cường chỉ đạo, quán triệt công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả quản lý chuyên môn và đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp cụ thể.

Trong đó, ngày 01/4/2025, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã ban hành Văn bản số 561/SGD&ĐT-KHTH gửi Ủy ban nhân dân các thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc về việc thực hiện kinh phí hỗ trợ cho giáo viên tham gia dạy thêm, ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2024-2025 tại các cơ sở giáo dục công lập.

Đây là một trong những động thái thiết thực nhằm hỗ trợ đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi để việc thực hiện Thông tư số 29 đi vào thực chất và hiệu quả trong toàn ngành.

Đến thời điểm này, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 42/2025/QĐ-UBND ngày 25/4/2025 Ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 858/SGD&ĐT-GDPT ngày 09/5/2025 về việc tổ chức thực hiện Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Các văn bản này đã hướng dẫn cụ thể, đầy đủ việc quản lí, tổ chức dạy thêm, học thêm, nhằm thực hiện đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nguyện vọng của học sinh, giáo viên và xã hội.

Đình Nam