Cứ trước mỗi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, nhiều người lại băn khoăn, rằng khi có quá nhiều kẻ đi “cửa sau” thì cơ hội tiếp cận với giáo dục ĐH của những học sinh thực sự có năng lực sẽ thế nào? Và phải chăng, khi mà người người, nhà nhà đua nhau đi học ĐH thì khả năng thất nghiệp sau khi ra trường của sinh viên sẽ trở nên đáng lo ngại hơn?
Thực tế liệu có hẳn là vậy? TS Lê Đông Phương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) chia sẻ một góc nhìn mới xung quanh vấn đề này.
TS Lê Đông Phương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) |
Xã hội như vậy, giáo dục không thể “trắng bong”
Phóng viên: Hiện nay, việc “chạy trường, chạy lớp” đã không còn là cá biệt. Hầu như trường nào cũng có hiện tượng này (dù ít hay nhiều, kín đáo hay lộ liễu). Dưới quan điểm của một nhà nghiên cứu giáo dục, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
TS Lê Đông Phương: Khi nói về “chạy trường, chạy lớp” thì chắc ta phải nhìn sự đồng dạng của chuyện này với “chạy chức, chạy quyền”. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho điều mà nền giáo dục vẫn thường rao giảng, đó là: “Giáo dục không tách biệt với xã hội”. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khi nhắc tới khái niệm đó, hẳn ít người có thể cảm thấy tự hào.
Bản thân tôi nghĩ, đừng đòi hỏi giáo dục phải “trắng bong” khi mà xã hội có quá nhiều vết màu tối. Chỉ có thể có được nền giáo dục tiên tiến khi ý thức xã hội trở lên tốt hơn.
Phóng viên: Theo ông, nguyên nhân của những sự “chạy” nêu trên là gì?
TS Lê Đông Phương: Như đã trình bày ở trên, khi xã hội không tuyệt đối “trắng bong” thì giáo dục cũng khó có thể tránh khỏi sự tác động. Bên cạnh đó, ở Việt Nam hiện nay có quá nhiều người muốn vào học ĐH. Quy mô tuyển sinh ngày một tăng cao khiến/giúp những người có năng lực sàn sàn vẫn có thể trúng tuyển. Những người có năng lực yếu hơn một chút khi đó sẽ nghĩ rằng, tại sao ta không “rốn lên” để cũng được học ĐH.
Tâm lý “sính” bằng cấp đang ăn sâu vào tâm lý của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam. Khi mà người người, nhà nhà đi học, có bằng ĐH thì nghiễm nhiên những kẻ yếu năng lực nhưng mạnh tài chính cũng sẽ tìm cách để có được tấm bằng như ai. Hơn nữa, ai cũng học ĐH, mình không học thì chẳng phải thua kém họ sao? Đó là một trạng thái tâm lý rất đáng lo ngại ở giới trẻ.
Phóng viên: Trong thời gian tới, để loại bỏ dần trạng thái tâm lý đó trong giới trẻ, chúng ta nên làm gì, thưa ông?
TS Lê Đông phương: Đơn giản là phải làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Làm thế nào để các em hiểu rằng, ĐH không phải là con đường duy nhất để thành công. Nếu năng lực hạn chế, các em có thể học trường nghề, trung cấp, cao đẳng rồi học liên thông lên ĐH. Nên coi việc học tập là quá trình suốt đời chứ không phải chỉ là 4-5 năm trên ghế giảng đường.
Phóng viên: Ông có nghĩ rằng, việc có quá nhiều kẻ đi “cửa sau” có thể khiến cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của những sinh viên thực sự có năng lực giảm sút (vì chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của các trường là có hạn)?
TS Lê Đông Phương: Thực ra, tôi chưa dám khẳng định như bạn. Câu hỏi có thể đặt ra là ta có thừa cơ hội không? Khi mà có tới ½ số học sinh tốt nghiệp THPT có thể trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì vấn đề cơ hội không còn là điều tối quan trọng nữa. Vấn đề là làm thế nào để đảm bảo chất lượng giáo dục khi ai ai cũng đi học ĐH.
Phóng viên: Hiện tại có không ít nhà quản lý giáo dục phản đối cái gọi là “Thị trường giáo dục”. Quan điểm của ông về vấn đề này là như thế nào?
TS Lê Đông Phương: Thị trường giáo dục là thực tiễn khách quan, tồn tại ngoài ý chí của con người. Ta có không muốn thì nó vẫn cứ tồn tại, bởi có rất nhiều người sẵn sàng đánh đổi các cơ hội và chi phí khác để đổi lấy kỳ vọng cao hơn từ hệ thống giáo dục. Liệu chúng ta có dám nhìn thẳng vào sự thật khách quan này và kiến tạo cho mình cách ứng xử phù hợp với quy luật thị trường hay không? Chỉ cần dám nhìn thẳng và nói thật, cơ hội để ta điều khiển được sự phát triển của nó là rất lớn.
Phóng viên: Mỗi năm, chúng ta mở thêm hàng chục trường ĐH, CĐ. Vào mùa tuyển sinh, các trường thi nhau vơ vét sinh viên. Rồi sau đó khi không tuyển đủ người học thì lại… đóng cửa ngành đào tạo. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hệ thống giáo dục nói chung, thưa ông?
TS Lê Đông Phương: Theo tôi, điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan của thị trường. Cái gì “thị trường” không chuộng nữa ắt sẽ phải giảm bớt hoặc tự rút lui. Học được bài học về quy luật cung-cầu và thị hiếu khách hàng sẽ giúp chúng ta phát hiện ra điểm yếu của hệ thống và có cách khắc phục sai lầm. Cá nhân tôi nghĩ, ảnh hưởng này sẽ rất tốt.
Sinh viên phải biết “nắn mình”
Phóng viên: Số liệu thống kê chỉ ra rằng, sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ hằng năm không tìm được việc làm hoặc phải làm trái ngành lên tới hơn 50%. Con số đó có khiến một nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách giáo dục như ông cảm thấy lo lắng?
TS Lê Đông Phương: Không có xã hội nào cân bằng được tỉ lệ giữa quy mô đào tạo và nhu cầu nhân lực thực tế. Ngay cả những quốc gia phát triển, có nền giáo dục hàng đầu thế giới như Mỹ mà số người thất nghiệp cũng đâu phải là ít.
Thị trường nhân lực là thị trường linh hoạt, có độ co giãn cao nên không cần quá câu nệ về sự cân bằng. Vấn đề là làm sao có thể thích ứng và điều chỉnh hệ thống giáo dục kịp với những biến động của thị trường lao động khi biên bộ dao động của thị trường vượt khỏi giới hạn co giãn kia.
Theo quan điểm của tôi thì sinh viên Việt Nam ra trường gần như không thất nghiệp (bởi nếu không thì tại sao người ta vẫn tồn tại được ngay cả ở những thành phố đắt đỏ như Hà Nội hay TP. HCM?). Hình như họ chưa tìm được những công việc nào nhẹ nhàng mà lương cao (như câu chuyện mà báo chí đề cập gần đây: Sinh viên Ngoại thương phải được trả 1.000$/tháng mới làm!). Nếu thất nghiệp hàng loạt, chắc chẳng ai muốn vào ĐH nữa.
Cũng phải nói thêm rằng, kiến thức nền tảng mà sinh viên ở các nước khác được học có khi còn ít hơn ở Việt Nam. Nhưng họ có tính chủ động, sáng tạo và sẵn sàng dấn thân. Nhờ vậy mà họ có thể làm được rất nhiều việc sau khi tốt nghiệp. Quan trọng không phải là bạn muốn gì, bạn có thể làm gì mà là cách bạn “nắn mình” thích ứng với những sự thay đổi của xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm |
|