TS.Vũ Ngọc Hoàng: Cần đưa cao đẳng chuyên nghiệp trở lại bậc giáo dục đại học

04/05/2022 06:42
Linh Hương (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đào tạo cao đẳng thuộc giáo dục đại học, là giáo dục đại học, mọi chính sách chế độ nói chung không nên phân biệt với đại học.
  • LTS: Được biết, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiều lần có kiến nghị gửi các cấp lãnh đạo có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo tập trung quản lý nhà nước về giáo dục đại học vào một đầu mối; có nghĩa là trả trình độ cao đẳng về lại bậc giáo dục đại học và đưa quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng về chung một đầu mối với các trình độ khác thuộc giáo dục đại học, tức là về lại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để hiểu hơn về kiến nghị này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phóng viên: Ông có đánh giá như thế nào về hệ cao đẳng của Việt Nam (trừ cao đẳng sư phạm) từ khi chuyển qua Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước (năm 2015)?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tôi được biết vấn đề này đang có những ý kiến rất khác nhau. Đã có những báo cáo đánh giá cho rằng, từ khi chuyển về Bộ Lao động – Thương binh và xã hội thì hệ cao đẳng phát triển nhanh, mạnh, đáp ứng tốt hơn cho yêu cầu về nguồn nhân lực của xã hội. Đồng thời lại có ý kiến khác cho rằng không phải thế, mà ngược lại đã cơ bản xóa sổ khối cao đẳng chuyên nghiệp rồi, coi như không còn nữa. Sao mà có những ý kiến ngược nhau như vậy?

Cả hai loại ý kiến khác và ngược nhau đó đều có những lý lẽ của mình. Tôi nghĩ, sở dĩ như vậy là do cách hiểu khác nhau, nhận thức khác nhau quá nhiều. Vì vậy, việc đáng nói trước tiên ở đây là cách hiểu về vị trí, sứ mệnh của khối cao đẳng (chuyên nghiệp). Khi nói đến cao đẳng, tôi phải mở ngoặc viết chữ chuyên nghiệp trong đó để nói cao đẳng như trước đây nhiều chục năm đã hiểu đúng, thời gian gần đây lại có thêm cách hiểu khác theo hướng giáo dục nghề nghiệp – dạy nghề. Hiểu khác nhau, góc nhìn khác nhau thì đánh giá khác nhau là tất yếu, không có gì lạ. (Còn riêng từ chuyên nghiệp hiểu thế nào cho đúng thì sẽ bàn sau vào dịp khác).

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Sau khi chuyển đầu mối quản lý nhà nước đối với trên 200 trường cao đẳng (chuyên nghiệp) từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì các trường cao đẳng chuyên nghiệp được thay đổi mục tiêu, chương trình đào tạo, đưa về đồng nhất với hàng trăm trường cao đẳng dạy nghề, vốn là tác phẩm trước đây của Tổng Cục dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), và gọi chung là cao đẳng.

Về nội dung thì các trường cao đẳng chuyên nghiệp trước đây đã chuyển thành trường cao đẳng nghề, gắn chặt với dạy nghề, theo hướng trường nghề, kể cả được hạ chuẩn đầu vào và đầu ra để tăng số lượng tuyển sinh.

Như vậy, nếu hiểu cao đẳng như mô hình hiện nay do Bộ Lao động, Thương binh và xã hội quản lý thì đó là cao đẳng nghề, với số lượng tăng lên gấp bội, nên nói có phát triển mạnh hơn, nhiều hơn thì cũng không sai. Tức là phát triển mạnh hơn, cũng cái cần thiết, nhưng đó là phát triển một cái khác, không phải cao đẳng (chuyên nghiệp) nữa, trong khi cần nó nhiều hơn chứ không phải hết nhu cầu và lại các trường đó đã có kinh nghiệm đào tạo.

Còn nếu hiểu cao đẳng theo mô hình cao đẳng chuyên nghiệp như trước đây thì nói rằng nó đã bị xóa sổ, không còn nữa, kể cả tên gọi đã khác, mục tiêu đã khác và chuẩn đã hạ xuống rồi, thì cách nhận định đó là hoàn toàn đúng.

Vấn đề ở đây là cần làm rõ cơ sở khoa học để có nhận thức chung đúng đắn, chứ không thể vừa thế này và vừa thế kia, hiểu cách gì và làm cách gì cũng được. Trước hết phải làm rõ nhận thức chung rồi mới bàn tiếp được.

Vậy theo ông nên nhận thức thế nào là đúng, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ cần phải kế thừa tinh thần cơ bản về cao đẳng chuyên nghiệp như nhiều chục năm trước đây đã hiểu, đã làm, đã được thực tế thừa nhận, dù có hay không dùng từ ấy (chuyên nghiệp).

Tất nhiên là luôn có đổi mới để ngày càng hoàn thiện hơn, trong đó chú ý xu hướng đa ngành của giáo dục đại học thời nay – thời đại của sự kết nối.

Theo đó, cao đẳng chuyên nghiệp phải nằm trong khung trình độ quốc gia, sau trung học phổ thông, thuộc bậc giáo dục đại học, liên thông chặt chẽ và gắn kết mật thiết với đào tạo đại học, có thể hiểu nó là trình độ đầu tiên của bậc giáo dục đại học, là đại học bậc 1(không ngẫu nhiên mà thế giới nhiều nước còn gọi đó là đại học cộng đồng, đại học địa phương, đại học ngắn hạn…), bảo đảm yêu cầu của giáo dục đại học, không nên đi tắt và rút gọn, nó đào tạo ra đội ngũ kỹ thuật viên (không phải thợ) hoặc tương đương, là loại nhân lực rất quan trọng trong cơ cấu nhân lực không thể thiếu của yêu cầu công nghiệp hóa đất nước, đồng thời nó lại chuẩn bị nền tảng cho các cấp độ học tiếp theo của giáo dục đại học.

Lâu nay ở Việt Nam ta và thế giới phổ biến đã hiểu, đã quy định giáo dục đại học bao gồm 4 trình độ: cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Đến nay chưa có cơ sở khoa học nào để nói cao đẳng không thuộc về giáo dục đại học.

Đào tạo cao đẳng thuộc giáo dục đại học, là giáo dục đại học, mọi chính sách chế độ nói chung không nên phân biệt với đại học.

Còn giáo dục nghề nghiệp hay chính xác hơn là giáo dục/đào tạo nghề thì vẫn rất cần, thậm chí còn thiếu nhiều nữa chứ không phải đã dư thừa. Đó chủ yếu là dạy nghề, cũng có nhiều trình độ từ thấp đến cao: sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Thậm chí cả trên cao cấp.

Dạy nghề tạo ra những người thợ tức là nguồn nhân lực trực tiếp tham gia vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ (không phải kỹ thuật viên). Những người thợ ấy nếu giỏi có thể rất điêu luyện, như nghệ nhân với những bàn tay vàng, thời gian rèn nghề có thể vất vả đến mức không khác gì tiến sĩ, lương bổng khi làm việc có thể rất cao, được xã hội rất tôn trọng.

Cần phải thay đổi nhận thức một cách căn bản về vấn đề nghề nghiệp. Đừng nghĩ cứ phải đại học, phải thạc sĩ mới là danh giá, còn trung cấp, cao cấp nghề thì không danh giá bằng nên phải “khoác” thêm cho nó “tấm áo học vị”. Đó là suy nghĩ lạc hậu do cái bệnh “sính bằng cấp”. Quan trọng nhất ngoài nhân cách là làm được sản phẩm gì bằng năng lực thực chất của mình.

Giáo dục nghề nghiệp hay chính xác hơn là giáo dục nghề thật quan trọng, nhưng đó là một hệ khác, có sứ mệnh khác, nhu cầu của xã hội rất đa dạng, không thể giản đơn hóa chúng, không thể lấy cái này thay cho cái kia, lấy thợ thay cho kỹ thuật viên, thay cho kỹ sư thực hành. Do đó không nên nhầm lẫn giữa cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề.

Theo tôi, rất nên nghiên cứu để đề xuất với Quốc hội xem xét cho điều chỉnh tên Luật Giáo dục nghề nghiệp thành Luật Giáo dục nghề (theo đúng nội dung của nó), có các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao cấp, thậm chí cao hơn. Còn từ cao đẳng thì dùng cho việc đào tạo kỹ thuật viên và phải đặt nó vào bậc giáo dục đại học, như các nước vẫn làm, để tránh nhập nhòa, dễ nhầm lẫn.

Nếu vậy, như ông nói, thì nên giải quyết cụ thể như thế nào đối với các trường cao đẳng chuyên nghiệp trước đây thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước nhưng nay đang gọi cao đẳng do Bộ Lao động-Thương binh và xã hội quản lý?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ việc đó không có gì phức tạp, chỉ cần điều chỉnh nhẹ nhàng. Trước tiên nên nhận thức rằng, cao đẳng chuyên nghiệp thì rất cần và cao đẳng nghề (hay chính xác là cao cấp nghề) cũng rất cần. Sứ mệnh này và sứ mệnh kia đều phải quan tâm, không thể bỏ cái nào, để đảm bảo cơ cấu nhân lực hợp lý. Trường nào cũng có khả năng, kinh nghiệm đào tạo, đội ngũ cán bộ…và nguyện vọng thế này hay thế kia.

Căn cứ vào đó mà xác định sứ mệnh chủ yếu của mỗi trường. Trường nào muốn dạy nghề cao cấp thì cứ tiếp tục như hiện nay. Trường nào đào tạo cao đẳng chuyên nghiệp thì theo chương trình của cao đẳng chuyên nghiệp và Chính phủ nên giao đầu mối quản lý nhà nước cho Bộ Giáo dục và Đào tạo vì nó thuộc về bậc giáo dục đại học. Điều quan trọng là từ nay việc phát triển trường mới, ngành mới thì phải theo hướng mới.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

Linh Hương (thực hiện)