Nằm trong các mặt hàng bình ổn, giá sữa sẽ hết cảnh lên xuống thất thường
Nâng chất lượng giáo dục ĐH, bình ổn giá sữa
Nhận xét về Luật Giáo dục đại học, Luật sư Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Luật quy định 4 vấn đề mới: Phân tầng đại học; xã hội hóa giáo dục đại học; quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và kiểm soát chất lượng đào tạo. Có thể nói, điểm mới nổi trội của Luật Giáo dục ĐH là quy định quyền tự chủ đi kèm với tự chịu trách nhiệm của mỗi trường. Luật quy định, mỗi trường được tự chủ in phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học, gắn chất lượng đào tạo với tên tuổi của nhà trường.
Tuy vậy, việc tăng quyền cũng được quy định đi kèm với những điều khoản giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo trong suốt quá trình sinh viên học tập tại trường. Thay vì quy định chương trình khung như trước, luật quy định về chuẩn tối thiếu kiến thức, kỹ năng đối với người học sau khi tốt nghiệp.Việc kiểm định là bắt buộc đối với tất cả các trường để thực hiện quyền tự chủ. Trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng, các trường sẽ được xếp hạng theo những tiêu chí cụ thể. Để nâng cao tính cạnh tranh, luật “cởi trói” cho trường đại học được thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao, thu học phí tương xứng. Luật còn quy định giá trị tích lũy trong quá trình hoạt động của các trường tư thục (như đất đai nhà nước giao, tài sản được ủng hộ, hiến tặng…) không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới mọi hình thức.
Theo Luật sư Võ Đình Hải, điểm nổi bật của Luật Giá là tập trung vào các quy định về danh mục hàng bình ổn giá gồm: Xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm; phân NPK; vaccine phòng bệnh cho gia súc, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn, thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu. Bên cạnh đó, Luật còn quy định phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ niêm yết giá của các cá nhân, đơn vị này. Điểm mới trong luật là giá những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đó cũng phải nhất quán theo nguyên tắc thị trường.
Còn đối với Luật Công đoàn, Luật sư Hải nhấn mạnh, Luật Công đoàn (sửa đổi) thiết lập một số điều khoản mới làm rõ thêm trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp và cơ chế giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật công đoàn. Một trong những điểm nổi bật của Luật Công đoàn là quy định các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Luật Bảo hiểm tiền gửi được ban hành nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng. Để khắc phục những hạn chế trong quy định về chủ thể được bảo hiểm tiền gửi. Luật cũng quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân mà không bảo hiểm tiền gửi của hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.
Cùng thời điểm có hiệu lực với các luật trên, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật quy định về quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân. Luật lấy ngày 9-11 hàng năm (ngày ban hành Hiến pháp năm 1946) là Ngày Pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, Luật Giám định tư pháp quy định về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp. Một điểm mới cơ bản của Luật là quy định có 2 loại tổ chức giám định tư pháp: công lập và ngoài công lập. Đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính... có quyền tự yêu cầu giám định tư pháp sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Quy định này đã tạo điều kiện chủ động cho các bên đương sự, là bước tiến đáng kể trong hoạt động tư pháp.
Cấm quảng cáo nhiều hành vi, hoàn thiện khung pháp lý về biển
Về Luật Quảng cáo, luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội nhận xét, luật quy định các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo gồm thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ, sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình vú, vú ngậm nhân tạo; thuốc kê đơn, sản phẩm hàng hóa có tính chất kích dục, kích động bạo lực... Đối với hành vi cấm quảng cáo, luật bổ sung thêm một số nội dung mới như: Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến giới, về người khuyết tật, quảng cáo sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp, làm ảnh hưởng đến trẻ em… Ngoài việc cung cấp các thông tin cần thiết, trung thực, chính xác, người quảng cáo còn phải cung cấp các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo, chịu trách nhiệm về các thông tin đó. Người quảng cáo không chỉ chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình mà còn phải liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện.
Còn về Luật Tài nguyên nước, luật sư Hồng Vân nhận định, một trong những điểm mới của Luật là bổ sung quy định cụ thể về các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó và khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước…, các biện pháp bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy... Trong việc phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, Luật đã có nhiều quy định mới và cụ thể hơn như: hoạt động khai thác, sử dụng nước phải tuân thủ quy hoạch tài nguyên nước; không xây dựng mới các bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến có nước thải nguy hại trong hành lang bảo vệ nguồn nước. Luật quy định rõ, việc xả nước thải vào nguồn nước phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng và tổ chức, cá nhân liên quan.
Cũng theo luật sư Hồng Vân, Luật Phòng, chống rửa tiền là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng chống rửa tiền ở Việt Nam, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia. Luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền, hợp tác quốc tế trong phòng chống rửa tiền.
Về Luật Biển Việt Nam, luật sư Hồng Vân nhấn mạnh, lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo nước ta.
Luật quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam... Luật Biển Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Nhà nước ta là giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước láng giềng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.
Mọi tổ chức, cá nhân khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam là phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia của Việt Nam, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan.
Luật quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam... Luật Biển Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Nhà nước ta là giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước láng giềng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.
Mọi tổ chức, cá nhân khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam là phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia của Việt Nam, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có liên quan.
Bên cạnh 10 Luật trên, một số văn bản pháp luật quan trọng khác liên quan đến đời sống của người dân cũng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Thông tư số 17 ngày 24-10-2012 của Bộ Y tế quy định trẻ sinh tại nhà vẫn được cấp giấy chứng sinh. Người thân của trẻ có trách nhiệm điền vào đơn đề nghị cấp giấy chứng sinh theo mẫu quy định và trong thời hạn ba ngày làm việc, trạm y tế xã phải xác minh việc sinh và làm thủ tục cấp giấy chứng sinh cho trẻ.
Thông tư số 14 của Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành ngày 12-10-2012 quy định: Người dùng phải trả phí hòa mạng 25.000 đồng (trả sau là 35.000 đồng). Quy định này nhằm hạn chế tình trạng sim rác tràn lan như hiện nay. Thông tư 190/2012 của Bộ Tài chính lại quy định mức thu lệ phí cấp thị thực, thẻ tạm trú tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ tăng lên. Còn theo Nghị định 103/2012 của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng cao sẽ cao hơn mức lương hiện nay 250.000-350.000 đồng/tháng, được áp dụng đối với một số nhóm đối tượng.
Thông tư số 14 của Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành ngày 12-10-2012 quy định: Người dùng phải trả phí hòa mạng 25.000 đồng (trả sau là 35.000 đồng). Quy định này nhằm hạn chế tình trạng sim rác tràn lan như hiện nay. Thông tư 190/2012 của Bộ Tài chính lại quy định mức thu lệ phí cấp thị thực, thẻ tạm trú tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ tăng lên. Còn theo Nghị định 103/2012 của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng cao sẽ cao hơn mức lương hiện nay 250.000-350.000 đồng/tháng, được áp dụng đối với một số nhóm đối tượng.
Huệ Linh/An ninh thủ đô