Ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, một trong những nội dung dư luận đặc biệt quan tâm tới Hội nghị Trung ương 8 là Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Theo ông Thưởng, chúng ta đã có Quy định 101 của Ban Bí thư, Quy định 55/TW... về trách nhiệm nêu gương của cán bộ các cấp, bao gồm cả cán bộ cấp cao.
Ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: VOV |
“Nhưng kỳ này Trung ương đưa ra quy định cụ thể với cán bộ, nhất là với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương.
Thực tế thời gian vừa qua, tiêu cực cũng không loại trừ cán bộ cấp cao.
Nhiệm kỳ này, Trung ương đã phải xử lý đến cả một Ủy viên Bộ Chính trị.
Tiêu cực, sai phạm có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào, vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên hơn lúc nào hết lại càng trở nên vô cùng quan trọng.
Chính vì thế, phải quy định trách nhiệm nêu gương của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng để cụ thể hơn.
Quy định này là nâng tầm chỉ đạo hơn về vấn đề nêu gương. Chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu”, ông Thưởng phân tích.
Vị nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, Quy định nhấn mạnh đến việc xây dựng trên nguyên lý “có xây, có chống”, “xây trước, chống sau” là một nguyên lý xưa nay.
Xây là cơ bản, thường xuyên, còn chống thì khi nào cần mới chống.
Cách chức Ủy viên Trung ương của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son |
"Rõ ràng, có vi phạm, có biểu hiện suy thoái thì phải chống.
Việc này là để làm trong sạch, giữ uy tín của Đảng.
Thực tế thời gian qua, nhiều cán bộ cấp cao bị đã bị xử lý là minh chứng cho việc “có xây, có chống”, ông Lê Quang Thưởng đánh giá.
Cũng đưa quan điểm vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long hoàn toàn ủng hộ quy định này.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức chỉ rõ, chuyện nêu gương chúng ta nói nhiều rồi nhưng lần này không nói suông mà đưa ra các điểm rất cụ thể khẳng định việc này.
Đặc biệt là nêu gương từ các cán bộ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương.
“Tôi là người làm văn hóa, tôi đã nói nhiều lần. Nêu gương là phải nêu gương từ trên xuống, người lớn nêu gương cho trẻ em.
Trong gia đình ông bà nêu gương cho con cháu, không thể nêu gương ngược được.
Con mà phải nêu gương, phải nhắc nhở bố mẹ thì là loạn.
Vì thế, tôi hoàn toàn ủng hộ việc quy định rõ trách nhiệm nêu gương từ cán bộ cấp cao. Nội dung quy định là rất rõ, cụ thể nêu gương từng điểm gì.
Đây là điểm rất mới và tôi rất ủng hộ”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nói.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh: “Đừng nghĩ điều này nói mãi rồi.
Rõ ràng, lần này có điểm mới và rất khác nên cần ủng hộ, trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết.
Đảng viên là tự tu dưỡng chứ người khác bắt tu dưỡng sao được. Thấy mình xứng đáng, đủ điều kiện thì tiếp tục phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng nếu thấy mình không xứng đáng thì phải tự rút lui”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, từ chức là văn hóa chứ không phải là cứ có chuyện xấu xa mới từ chức.
Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ cần phải nêu gương như thế nào? |
Trong trường hợp, cán bộ mà tự thấy mình không đảm đương được nhiệm vụ thì từ chức, có như thế thì mới thi đua nhau.
Có từ chức mới có tích cực để mà hoàn thành nhiệm vụ.
Uy tín, sức khỏe không còn, không hoàn thành nhiệm vụ thì từ chức để cho người khác có đủ điều kiện, năng lực, đạo đức đảm nhiệm.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho rằng: “Chức vụ càng cao thì nhiệm vụ càng nặng nề chứ không phải chức vụ càng cao thì hưởng thụ càng lớn.
Tất cả những điều đó trở thành văn hóa trong Đảng, trong xã hội thì rất là tốt”.