Tự hào và băn khoăn ngày trở về

22/11/2012 16:00
(GDVN) - Hai ba năm trở lại trường cũ, tự hào xiết bao mà cũng lo lắng xiết bao trước nguy cơ nền văn hóa vật chất hưởng thụ tràn vào các cổng trường. Giật thót như thể mái nhà thân yêu của mình, nơi mình mãi mãi nợ một cái ơn được trồng thành người, cũng nằm trong nguy cơ chung đó, sắp bị đe dọa và xáo trộn mà mình lại chỉ có thể dự cảm trong nỗi bất lực.

Hai ba năm trở lại mái trường Đại học Sư phạm 2 Hà Nội, trở lại ngôi nhà thân thương của mình, cảnh cũ còn đây, nhưng thầy cô không còn lại mấy người, bạn bè lại mỗi đứa một nơi, khiến lòng tôi bồi hồi khôn xiết. Nhớ những buổi gò mình nắn nót từng chữ cổ văn theo thầy Xuân Thảo,nhớ bài giảng tiếng Nga năm canh sáu cách quá khó của cô Tuyền…. Nhớ khu làng văn Unicef tối tối sinh viên ngồi chong đèn dầu học bài, khói mù như sương toả. Thiếu thốn vật chất như thế nhưng chúng tôi thời đó say mê học hành và quây quần trong tình bạn bè ấm ấp, trong sáng. Trong sáng đến nỗi có lần tôi, Hiền, Tươi và Giang Khắc Bình đi trực kho gạo của trường vào ca đêm mới 21h cả 4 đứa chúng tôi ôm nhau ngủ khì vô tư. Và trong sáng đến nỗi đi học trễ bị thầy Nghị giáo vụ khoa bắt được thường xuyên phạt đứng úp mặt vào tường mà tôi cứ ấm ức rằng thầy ghét mình do mình… xấu.

Tự hào nhớ câu nói của thầy Thành Thế Thái Bình “K11 các em đúng là một quả đấm thép”. Tự hào xiết bao từ mái trường này, hầu hết trong lứa sinh viên chúng tôi đã thực sự thành nhân, có đóng góp tích cực cho xã hội, dù không phải ai cũng làm công tác giảng dạy. Như chị Hoàng Thử, Huyền Nga, Bùi Hoa, Vũ Kiên…. hiện là những cô giáo có tiếng tại các trường mà các chị và các bạn đang giảng dạy.

Tôi và một số bạn không đứng trên bục giảng nhưng chúng tôi đang là những người góp phần không nhỏ tạo công ăn việc làm cho rất nhiều các bạn trẻ mới ra trường… bạn Hoa Ngân chưa một lần học nghề kinh doanh nhưng hiện tại bạn rất thành công trong việc điều hành doanh nghiệp của mình có hiệu quả và có một gia đình rất hạnh phúc, bạn Hà Hải Yến Giám đốc nhà xuất bản giáo dục dân tộc mặc dù nền kinh tế đang rất khó khăn nhưng bạn vẫn vững tay chèo lái doanh nghiệp kinh doanh có lãi và không ngừng nâng cao năng lực kiến thức hiện bạn đã bảo vệ xong luận án Tiến sĩ…

Riêng tôi cảm nhận được rất rõ niềm vui,niềm tự hào,niềm kiêu hãnh trong ánh mắt cô Hòa, thầy Tỉnh vào ngày mà thầy,cô chứng kiến tận mắt tôi được nhận huân chương lao động hạng III do nhà nước trao tặng tại Thủ đô HN.Một đời trồng người để thầy cô nhận được những khoảnh khắc hạnh phúc đích thực của người đưa đò thầm lặng là đây. Hơn hai mươi năm miệt mài phấn đấu, tôi nhẹ lòng biết mình không phụ niềm tin của những người mình yêu kính.

Ngày đó tôi và bạn bè trang lứa của mình đã học và đã thành người trong tâm thế chắc hẳn là khác bây giờ lắm. Chúng tôi xem thầy cô như những thần tượng trên bục giảng, như thầy Thành Thế Thái Bình,thầy Trần Hòa Bình,Thầy Hoàn, thầy Ngọc, thầy Bùi minh Toán,thầy Danh,cô Hòa,thầy Quang, cô Thức, Cô Thạch, cô Nhàn, cô Lan… Các thầy cô vừa nghiêm khắc để chúng tôi ý thức đúng tầm quan trọng của “lễ” – gốc rễ của đạo đức, lại vừa rất gần gũi nhân hậu, hướng chúng tôi bộc lộ đúng thiên hướng tự nhiên của bản thân. Từ nhân cách, diện mạo, kiến thức… của các thầy cô đã cho chúng tôi sự ngưỡng mộ, kính trọng tuyệt đối.

Tác giả bài viết trong một chuyển về thăm trường ĐH Sư phạm 2
Tác giả bài viết trong một chuyển về thăm trường ĐH Sư phạm 2
Có một điều chắc chắn rằng, cái chúng tôi nhận được nhiều nhất từ nhà trường, từ các thầy cô chính là sự định hình nhân cách. Riêng với tôi, điều đó đã quá rõ ràng ngay từ lúc tôi còn là sinh viên của trường. Thêm nữa, tôi không quan trọng thành tích, điểm số mà cái chính là vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế như thế nào. Có lẽ từ lối tư duy này mà điểm số của tôi tại trường ít khi cao, thậm chí có năm học tôi thi môn Cổ Văn 3 kỳ liên tiếp mà cộng lại chỉ có… 9 điểm. Bù lại, nhờ chú trọng rèn giũa nhân cách và chú trọng tính thực tiễn của kiến thức, dễ thấy nhất là tôi đã thành công trong chuyên môn và điều hành doanh nghiệp của mình.

Trưởng thành và ra đi từ mái trường ĐHSPHN 2, đến nay tôi được mọi người công nhận là người phụ nữ thành đạt trên cương vị là Chủ tịch,Tổng giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính(bảo hiểm AAA). Nhưng cũng từ cương vị này, khi phải đóng vai trò là nhà tuyển dụng nhân sự cho doanh nghiệp của mình, tôi cảm thấy ray rứt nhiều về chất lượng giáo dục đào tạo của các trường cao đẳng, đại học hiện nay. Không ray rứt sao được, khi với 300 ứng viên, đa số là sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, nhưng tôi chỉ tuyển vào được dưới 10 em , rồi sàng lọc và đào tạo lại từ những kiến thức nền – những kiến thức lý thuyết mà lẽ ra các em phải nắm vững ngay khi ngồi ghế giảng đường.

Tôi hiểu giáo dục là chuyện trăm năm - “Bách niên chi kế mạc như thụ nhân”. Hơn nữa, một thời gian dài, ngành giáo dục bị bội bạc, rẻ rúng với quan niệm “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Rồi khi ra trường với đồng lương chết đói thì “Thầy giáo tháo giày đi chân đất/ Nhà trường nhường trà uống nước lã”, khiến nhiều giáo viên bỏ dạy hoặc vừa dạy vừa chạy chợ. Đau lòng hơn, những thầy của thầy, cũng buộc lòng phải chân trong chân ngoài, thì trách sao các thầy cô không thể toàn tâm giảng dạy. Cho đến mấy năm qua, giáo dục bỗng bị đem ra kinh doanh.  Các trường đại học, cao đẳng mở ra tưng bừng, mặc cho trường thiếu lớp, lớp thiếu thầy, giảng viên thì chắp vá, vay mượn, chạy sô, sinh viên thì vơ vét điểm sàn cho đủ số để thu học phí… Một môi trường giáo dục chung như thế mà sinh viên ra trường không bị những lỗ hổng kiến thức mới là chuyện lạ.

Hăm ba năm trở lại trường cũ, tự hào xiết bao mà cũng lo lắng xiết bao trước nguy cơ nền văn hóa vật chất hưởng thụ tràn vào các cổng trường. Giật thót như thể mái nhà thân yêu của mình, nơi mình mãi mãi nợ một cái ơn được trồng thành người, cũng nằm trong nguy cơ chung đó, sắp bị đe dọa và xáo trộn mà mình lại chỉ có thể dự cảm trong nỗi bất lực. Ai đó gom hết giùm tôi những cái khoanh tay cúi chào thầy cô kính cẩn, ai đó giữ gìn hết giùm tôi một thời trong trẻo lặn ngụp trong biển kiến thức chắt lọc của các thầy cô… Câu chuyện “nhất tự vi sư” đã có từ ngàn đời nhắc hoài sao vẫn mới, như thể bầu trời xanh muôn thuở có bao giờ cũ.

ĐỖ THỊ KIM LIÊN

(Cựu sinh viên ĐHSPHN2, khóa 1985-1989 – Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm AAA, Đại sứ danh dự nước CH Nam Phi tại TP.HCM)