The Wall Street Journal ngày 11/10 cho biết, trong khi một kết quả thăm dò dư luận xã hội Philippines cho thấy 76% số người được hỏi ủng hộ Tổng thống Rodrigo Duterte, thì người đỡ đầu cho ông tranh cử vào Điện Manacanang lại bất ngờ chỉ trích Duterte.
Hôm Chủ nhật, cựu Tổng thống Fidel Ramos đã cảnh báo ông Rodrigo Duterte rằng, nếu không thay đổi, ông sẽ làm tổn thương đất nước Philippines.
Fidel Ramos là người mà Rodrigo Duterte rất kính trọng. Ông không chỉ khuyến khích cựu Thị trưởng Davao ra tranh cử Tổng thống và ủng hộ hết mình, mà còn được ông Duterte chọn mặt gửi vàng, làm đặc sứ bắc cầu đối thoại với Bắc Kinh.
Những chỉ trích bất ngờ
Phát biểu với báo giới hôm Chủ nhật, cựu Tổng thống Fidel Ramos đánh giá chính sách đối nội, đối ngoại của ông Rodrigo Duterte đang gây thất vọng lớn.
Cựu Tổng thống Fidel Ramos và đương kim Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte. Ảnh: Philstar. |
Về đối nội, thay vì giải quyết các mối quan tâm của công chúng về nghèo đói, quản trị xã hội yếu kém, chủ nghĩa khủng bố và các vấn đề khác, ông Rodrigo Duterte đang mắc kẹt trong cuộc tranh cãi bất tận về các vụ giết người ngoài vòng pháp luật với các nghi phạm ma túy.
Còn về đối ngoại, thiên hướng sử dụng những từ ngữ chợ búa để lăng mạ nguyên thủ, lãnh đạo nước khác thay vì dùng ngôn ngữ văn minh đã khiến Fidel Ramos thất vọng. [1]
Rappler ngày 12/10 cho biết, cựu Tổng thống Fidel Ramos nhận xét về chính sách của Rodrigo Duterte:
"Đối với một nhà lãnh đạo, tôi xin lỗi phải nói điều này: Tổng thống Duterte, Tổng thống của tôi, Tổng thống của chúng ta, đó là suy nghĩ của thế kỷ 20.
Còn bây giờ chúng ta đang ở trong thế kỷ 21, chúng ta phải nhìn về phía trước, hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn như những gì thế hệ trẻ của chúng ta đang khao khát."
Trong tháng 9 khi sang Lào dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 11, thay vì đọc một bài phát biểu được chuẩn bị trước, kêu gọi tôn trọng Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông, ông Duterte bất ngờ giơ bằng chứng vụ thảm sát Bud Dajo do lính Mỹ gây ra năm 1906.
Những tuần gần đây, ông Rodrigo Duterte lại xới lại câu chuyện này để đáp trả các cáo buộc của Hoa Kỳ về chiến dịch chống tội phạm ma túy tại Philippines. Ông gọi Washington là đạo đức giả.
Ông Ramos bình luận:
"Tất nhiên vụ thảm sát Bud Dajo đã xảy ra. Tất nhiên các vụ thảm sát khác nhau ở Mindanao cũng đã diễn ra.
Thủ tướng Singapore: Không thể để luật rừng thay luật pháp ở Biển Đông |
Nhà lãnh đạo của chúng ta không nên tập trung vào vấn đề đó ở thời điểm này.
Hãy lãnh đạo như một câu nói trong Kinh Thánh, đưa nhân dân đến một vùng đất hứa, một miền đất tốt hơn, nơi mà các thói hư tật xấu của con người sẽ biến mất từng chút một."
Cựu Tổng thống Fidel Ramos bác bỏ quan điểm cho rằng, không nên mong "ông già" Rodrigo Duterte thay đổi cách ứng xử thô lỗ khi đã bước sang tuổi 71:
"Ở tuổi 71 Duterte vẫn còn đủ trẻ. Như tôi 88 tuổi, vẫn thay đổi từng ngày, vẫn học hỏi từ chính đứa cháu của mình về cách nhìn cuộc sống." [2]
Tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc
The Wall Street Journal lưu ý, cựu Tổng thống Fidel Ramos tốt nghiệp Học viện Quân sự West Poit một năm trước khi Mỹ - Philippines ký Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951.
Sau đó ông từng là sĩ quan quân sự hàng đầu của Philippines, rồi Bộ trưởng Quốc phòng trước khi trở thành Tổng thống năm 1992.
Trong khi ông Duterte coi sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Philippines bắt đầu và kết thúc bằng đàn áp của thực dân, Ramos cho biết: điều này không đúng.
Mỹ giải phóng Manila khỏi sự chiếm đóng của Nhật và đứng sau hỗ trợ cuộc nổi dậy chống lại chế độ độc tài Ferdinand Marcos năm 1986, mà Fidel Ramos là một trong những người dẫn đầu cuộc nổi dậy. [1] [3]
The Wall Street Journal cho rằng, quân đội Philippines có thể trở thành nguy cơ đặc biệt đối với Tổng thống Rodrigo Duterte, nếu ông hy sinh chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia của đất nước để đổi lấy tiền đầu tư của Bắc Kinh.
Ông hiện đang thăm viếng các đơn vị quân sự, hứa tăng lương cho quân nhân, một nỗ lực được xem như chống lại nguy cơ đảo chính mà những người tiền nhiệm đã từng phải đối mặt.
Do đó, giữ mối quan hệ tốt đẹp với Fidel Ramos sẽ giúp Rodrigo Duterte duy trì được mối quan hệ "trơn tru" với quân đội.
Đó là lý do tại sao Rodrigo Duterte coi những lời chỉ trích của Fidel Ramos như là "lời khuyên của một người cha."
Tờ báo Mỹ "hy vọng" Rodrigo Duterte biết lắng nghe. Bất kỳ sự "độc tài" nào trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại có thể làm tổn thương người dân Philippines và lợi ích quốc gia của họ. [1]
"Philippines chỉ có một đồng minh là Mỹ, không liên minh quân sự với Trung Quốc" |
The Straits Times ngày 12/10 dẫn lời ông Noel Medina, một nhà phân tích chính trị của Viện Cải cách Chính trị và Bầu cử nhận xét, Fidel Ramos mặc dù "thân Mỹ" nhưng là một nhà tư tưởng thực tiễn:
"Ông ấy thực sự nghĩ rằng, Duterte đang quá trớn trong các cuộc công kích nhằm vào Mỹ và phương Tây. Đó là điều không cần thiết." [4]
Người viết cho rằng dường như The Wall Street Journal có hơi hướng chuyển tải một thông điệp "nhắc nhở" từ Washington đến ông Rodrigo Duterte, qua việc nhấn mạnh vai trò của Fidel Ramos và quan hệ của cá nhân vị cựu Tổng thống này với Mỹ.
Cũng nhiều người cho rằng Fidel Ramos là "thân Mỹ", thậm chí có những tổ chức chính trị ở Philippines chụp mũ cho ông là tay sai của Mỹ. [4]
Nhưng những gì ông và Rodrigo Duterte đã và đang làm cho thấy, cả hai ông đều là những người yêu nước. Chỉ có điều cách yêu nước của mỗi người khác nhau.
Người viết tin rằng, không có chuyện ông Rodrigo Duterte "đánh đổi chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc" lấy tiền đầu tư từ Bắc Kinh.
Đã đến lúc Mỹ hiệu chính chính sách đối với đồng minh, đối tác
Không riêng gì Philippines là một nước nhỏ, tiềm lực và thế lực yếu, lại đang phải đương đầu với Trung Quốc lớn mạnh gấp nhiều lần trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, hàng hải ở Biển Đông, ngay cả Singapore cũng nhận ra rằng: không thể để nước lớn biến mình thành con tốt trên bàn cờ khu vực.
Đó là lý do tại sao Singapore cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự Changi để neo đậu 4 tàu chiến, làm căn cứ cho máy bay trinh sát hải quân lưu trú để tiện theo dõi mọi động thái diễn biến ở Biển Đông, nhưng cho Mỹ đóng quân và kết đồng minh hiệp ước thì không.
Câu nói của Rodrigo Duterte không đơn giản là nói cho vui, mà thể hiện một tầm nhìn, đánh giá chiến lược về cục diện quốc tế và sức mạnh thực sự của Hoa Kỳ, Trung Quốc:
"Hãy nhìn Putin. Ông ấy muốn Crimea. Ông ta đến và chiếm đóng nó. Mỹ chẳng làm gì được." [5]
Hay: "Tôi không có ý hủy bỏ liên minh quân sự. Nhưng tôi hỏi các ông, các ông có thực sự nghĩ rằng chúng ta cần nó?
Nếu một cuộc xung đột nổ ra, sẽ chẳng có viện trợ nhiều hơn từ Mỹ. Khi Nga "sáp nhập" Crimea, Mỹ đã không thể làm bất cứ điều gì." [6]
Máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc thị uy ngoài Scarborough, ảnh: Forbes. |
Một ví dụ “nhãn tiền” nữa mà ông Rodrigo Duterte đã nhìn ra: Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Scarborough, xây đảo nhân tạo khổng lồ và quân sự hóa bất hợp pháp ở Trường Sa, Mỹ cũng chẳng làm gì được.
Mặc dù vậy Rodrigo Duterte vẫn muốn tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, nhưng tập trung vào giáo dục và y tế chứ không phải liên minh quân sự. [5]
Bởi lẽ biến mình thành tiền đồn của Mỹ trong cuộc so găng tranh giành ảnh hưởng, vị thế lãnh đạo với Trung Quốc ở khu vực chỉ đẩy Philippines vào ngõ cụt.
Những phát ngôn gây sốc của ông Rodrigo Duterte về Mỹ và quan hệ đồng minh Philippines - Hoa Kỳ thời gian qua, theo người viết, đó là một thủ thuật của ông chủ Điện Manacanang.
Vì ông hiểu rõ Mỹ cần Philippines, cần một chỗ đứng chân có thể luân phiên cắt quân đồn trú hòng cạnh tranh với Trung Quốc ở Biển Đông chứ không thể cho tàu chiến, máy bay chạy liên tục trên biển.
Ngoài đồng minh hiệp ước là Philippines ra, trong khu vực có lẽ không quốc gia nào sẵn sàng cho Mỹ đóng quân trên lãnh thổ nước mình ở thời điểm này.
Nên phải chăng Rodrigo Duterte tự tin, có "chửi" vậy chứ "chửi" nữa, Washington cũng không dám bỏ?
Trong khi đó, những câu nói gây sốc "chót lưỡi đầu môi" này có thể trở thành món quà làm mát lòng, mát dạ Trung Nam Hải trong chuyến thăm sắp tới.
Kinh tế Philippines cần vốn đầu tư, nông sản của Philippines cần thị trường tiêu thụ. Trung Quốc đáp ứng được điều này chứ không phải Mỹ.
Vì vậy, nếu thực sự muốn có chỗ đứng vững chắc trong khu vực, các nhà hoạch định chiến lược Washington nên chăng cân nhắc đầy đủ lợi ích của đồng minh đối tác, thay vì chỉ xem họ là một con cờ trong ý đồ chiến lược của mình.
Chỉ khi nào Mỹ thực sự coi trọng, trân trọng và đối xử công bằng, có trách nhiệm với đồng minh, đối tác, bảo vệ hòa bình và ổn định, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế chứ không chỉ là vị thế độc tôn của mình, thì khi đó Hoa Kỳ mới thực sự nhận được sự chào đón, ủng hộ hết lòng của khu vực.
Về phần Trung Quốc, Bắc Kinh đang tìm cách khẳng định địa vị siêu cường mới nổi của mình cả về kinh tế lẫn an ninh. [7]
Con đường Tơ lụa hay Một vành đai, một con đường đều không nằm ngoài mục tiêu này. Trung Quốc muốn hất Mỹ khỏi châu Á để một mình một chiếu, nhưng không phải cứ muốn là được.
Vai trò, vị thế siêu cường chỉ có thể được thừa nhận bằng con đường trỗi dậy hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế chứ không phải thói hành xử cá lớn nuốt cá bé, đại ca giang hồ tranh giành địa bàn với Mỹ.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.wsj.com/articles/ramos-rebukes-duterte-1476227137
[2]http://www.rappler.com/nation/148921-duterte-change-fidel-ramos
[3]http://www.straitstimes.com/asia/se-asia/ramos-turns-critic-in-bid-to-salvage-us-ties
[4]http://www.straitstimes.com/asia/se-asia/ramos-turns-critic-in-bid-to-salvage-us-ties
[7]http://www.straitstimes.com/asia/time-for-new-security-framework-says-china