Tôi sẽ không đi sâu nhắc lại những “hạt sạn chi chít” mà các chuyên gia trong lĩnh vực ngôn ngữ và giáo dục tiểu học đã phân tích và chỉ ra.
Tôi muốn bàn về một vấn đề quan trọng hơn: thái độ và phẩm giá của người trí thức trong xã hội của chúng ta hôm nay qua sự cố nghiêm trọng này.
Con người quan trọng hơn triết lý?
Ngay khi sự cố sách Tiếng Việt Cánh Diều xảy ra, thầy giáo cũ thời tiểu học của tôi vừa về hưu cách đây hai năm đã chụp hình và gửi cho tôi xem hai trang bìa đầu và cuối của một quyển sách này.
“Tổng chủ biên kiêm chủ biên” là sao?” – là câu hỏi mà Thầy gửi kèm với hai trang bìa của bộ sách cho tôi xem.
Rồi Thầy phân tích: “kiêm” ở đây có nghĩa là kiêm nhiệm, chỉ cá nhân nào đó cùng lúc đảm nhiệm hai công việc, hai vai trò khác nhau. Nhưng ở đây chỉ có một việc duy nhất là “chủ biên”.
Vậy nên đã “tổng chủ biên” mà còn “kiêm chủ biên” là cách nói thừa thãi. Sau đó, Thầy còn bảo tôi đọc kỹ những dòng giới thiệu có tính “tiếp thị” ở cuối bìa sách.:
“…Nội dung và hình thức trình bày các bài học trong sách hấp dẫn, khơi gợi trí tò mò khoa học, phát huy tính tích cực, khả năng tự học, tự vận dụng những điều đã học vào cuộc sống và bồi dưỡng tình cảm, đạo đức, lối sống cho học sinh. Tổng chủ biên cuốn sách là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết. Tác giả là những nhà giáo, nhà khoa học giàu kinh nghiệm và tâm huyết trong giáo dục tiểu học.”
Như sợ tôi không hiểu hết ý, Thầy còn gọi điện để nói cho tường tận hơn. Qua điện thoại Thầy nói: “viết sách cho bọn trẻ chưa rành mặt chữ mà như thế thì hỏng; cả đời làm giáo dục đây lần đầu tiên tôi mới thấy người ta “đối thoại” với những đứa trẻ như vậy”.
Nghe lời than thở của Thầy qua điện thoại, bất chợt tôi lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của cố Giáo sư Hoàng Tụy: nền giáo dục của chúng ta đang bị “lạc đường”. Và nhất ý kiến của học giả Nguyễn Văn Trung:
“Người trí thức không phải là người có kiến thức đại học hoặc sau đại học, mà là người có kiến thức chuyên sâu nhờ đọc sách và kinh nghiệm tiếp xúc. Thực ra, điều cốt yếu đáng nói không phải là vốn kiến thức, mà là thái độ trí thức đối với các vốn ấy và, nhất là, đối với những vấn đề cuộc sống trước mặt đặt ra” . [1]
(Ảnh từ website Sachcanhdieu.vn) |
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa về tri thức và văn hóa hôm nay, “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà” là một chủ trương đúng và cần thiết. Và đây cũng là một “vấn đề cuộc sống đặt ra” cho tất cả chúng ta hôm nay.
Tham gia vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện này đương nhiên là những nhà giáo, khoa học, những người có học vấn và chuyên môn cao. Tôi tạm gọi đây là những người thuộc thành phần trí thức và tinh hoa trong xã hội.
Có người nói vấn đề quan trọng nhất của cuộc đổi mới này là xác định triết lý giáo dục rồi mới bắt tay vào làm các khâu còn lại trong đó có vấn đề biên soạn sách giáo khoa. Quan điểm này, theo tôi là không sai. Tuy vậy, trong bối cảnh của xã hội Việt Nam hôm nay, tôi nghĩ việc lựa chọn người “cầm trịch” để lèo lái con thuyền giáo dục nước nhà mới là yếu tố mang tính quyết định nhất.
Triết lý giáo dục đương nhiên cần thiết vì nó là kim chỉ nam định hướng chung cho cả nền giáo dục. Nhưng triết lý cũng do chính con người nghĩ ra nên quyết định nhất vẫn là yếu tố con người.
Cho dù chúng ta có xác lập một triết lý hay ho đến đâu đi nữa nhưng vẫn sử dụng những con người cũ để thực thi thì cũng khó mà tạo nên sự đột phá theo hướng tích cực, tiến bộ.
Nói khác đi, phải chăng chúng ta đang đổi mới nhưng hình như vẫn không/chưa thể tập hợp được hết những cá nhân ưu tú và tử tế nhất của đất nước để cùng nhau chung tay gánh vác sự nghiệp giáo dục nước nhà?
Sự cố sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều hiện nay phải chăng đã ít nhiều cho thấy điều đó?
Thái độ và phẩm giá
Đổi mới giáo dục trước hết là đổi mới về nhận thức và tư duy của người làm giáo dục; sau đó là đổi mới cách thức, phương thức tổ chức và thực hiện ở tất cả các khâu còn lại.
Tuy vậy, để đánh giá trình độ phát triển giáo dục của một quốc gia lại cần một cái nhìn bao quát rộng lớn thông qua nhận thức và mức độ hiểu biết của mọi người dân thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội chứ không phải chỉ nhìn vào những bản báo cáo thành tích xơ cứng hay phát biểu của một vài cá nhân “nổi tiếng” nào đó.
Không nghiêm trọng hay phức tạp hóa vấn đề nhưng tôi cho rằng sách giáo khoa Tiếng 1 Cánh Diều là một thất bại.
Và một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến sự thất bại này là do những người biên soạn đã không đặt nền móng giáo dục trẻ em lên trên hết.
Jean Piaget (1896 - 1980) - nhà giáo dục và là một nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ từng nói:“Lợi ích chung của tất cả các nền văn minh chính là giáo dục trẻ em” [2]. Thế nhưng tiếc thay, những người tham gia vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của đất nước hôm nay có vẻ như ít khi chú ý đến vấn đề này.
Không những vậy, chúng ta tổ chức viết sách giáo khoa cho trẻ em nhưng lại thiếu những chuyên gia, những người am tường về tâm lý học trẻ em; thiếu những công trình nghiên cứu một cách hệ thống và bài bản nhằm phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng những vấn đề liên quan đến trẻ em Việt Nam trong bối cảnh xã hội hôm nay.
Ở một phương diện khác, ngay sau khi sự cố xảy ra, những người có liên quan trực tiếp lại thiếu một sự chân thành và cầu thị.
Chuyện nào ra chuyện đó. Cá nhân tôi cũng không chấp nhận những ý kiến mang tính công kích cá nhân những người trong cuộc.
Tuy vậy, “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, giá như ngay khi xảy ra sự cố cả ông Tổng Chủ biên và Chủ tịch Hội đồng thẩm định công khai nhận lỗi và hứa khắc phục thì tin chắc đã có thể xoa dịu cơn cuồng nộ của cộng đồng trên mạng xã hội.
Đến đây, tôi lại nhớ đến quan niệm rất hay của Giáo sư Cao Huy Thuần, trong bất cứ cảnh huống nào “người trí thức không có vai trò nào khác. Họ là và chỉ là lương tâm của thời đại”. [3]
Thay lời kết
Ở giác độ văn hóa, sự giận dữ của nhiều người hiện nay trước sự cố sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều nói cho cùng cũng là một “vấn đề của cuộc sống” trong xã hội Việt Nam hôm nay.
Chúng ta không chấp nhận sự cực đoan của một bộ phận dân chúng trên mạng xã hội nhưng ở chiều ngược lại, tất cả sự giận dữ ấy nói lên một thực tế: tuy mất niềm tin nhưng người dân cũng rất kỳ vọng với lần đổi mới căn bản và toàn diện này.
Trách nhiệm của người trí thức là phải biết đón nhận, chấp nhận tất cả những vấn đề phát sinh trong xã hội bằng tinh thần phản tư, phản tỉnh cao độ.
Nếu những người trong cuộc cảm thấy bị tổn thương vì sự cực đoan của một bộ phận dân chúng hay nói khác đi, nếu xem đây là biểu hiện của sự suy đồi văn hóa thì, một cách biện chứng cũng nên tự hỏi rằng có phải tất cả "chúng ta" đang góp phần tạo ra sự suy đồi văn hóa ấy?
Nói tóm lại, qua sự cố rất ngiêm trọng này, thiển nghĩ những người trong cuộc với tư cách là những trí thức với vai trò đầu tàu nhằm dẫn dắt xã hội, trước hết, phải dũng cảm nhìn lại mình.
Đặc biệt, hãy đặt lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên những toan tính riêng tư và tự ái cá nhân. Có như thế, may ra công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà” mới thành công như mong muốn.
Tài liệu tham khảo:
[1]: Đỗ Lai Thúy, Vẫy vào vô tận. Nhà xuất bản Phụ nữ, 2014 (sđd, tr.385)
[2]: https://chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/giao_duc_cuu_roi_xa_hoi.html
[3]: Cao Huy Thuần, Khi tựa gối khi cúi đầu. Nhà xuất bản Tri thức, 2017