Từ vụ nữ sinh nghi tự tử cần nhìn lại vấn nạn dạy thêm ép buộc trong nhà trường

10/12/2020 06:06
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sự việc đau lòng của ở An Giang, các trường cần nghiêm túc nhìn lại việc tổ chức dạy thêm, đừng vì món lợi ép học sinh phải tham gia học khi không có nhu cầu.

Nữ sinh N.T.N.Y- học sinh lớp 10, Trường trung học phổ thông Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) tự tử trong nhà vệ sinh đã khiến cho dư luận bàng hoàng, nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng cho môi trường giáo dục luôn được xem là nơi an toàn nhất.

Ngày càng nhiều trường phổ thông tổ chức học 2 buổi/ngày (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa Truyền hình Bắc Giang)Ngày càng nhiều trường phổ thông tổ chức học 2 buổi/ngày (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa Truyền hình Bắc Giang)

Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột của em thì điều mấu chốt đầu tiên khiến em liên tiếp chịu uất ức lại xuất phát từ vấn đề không đi học phụ đạo do điều kiện bản thân và gia đình không cho phép khiến ai cũng cảm thấy xót xa và bất bình.

Nhà trường yêu cầu học sinh phải học phụ đạo 5 môn nhưng do sức khỏe yếu (bị bệnh hen phế quản, bệnh tim, tay phải bị gãy, thường xuyên bị đau nhức) nên gia đình xin trường cho em chỉ học môn tiếng Anh. Gia đình cam kết cuối năm Y. sẽ không xếp loại yếu.

Thế nhưng, em thấy được sự khó chịu từ cô giáo, thậm chí cả cô thủ quỹ nhà trường khi cho rằng dù học một môn cũng phải nộp tiền tất cả các môn. [1]

Theo quan điểm của cá nhân người viết, phải khẳng định ngay rằng, trong sự việc nữ sinh nghi tự tử thì nhà trường (từ giáo viên đến Ban giám hiệu) đều hoàn toàn sai, sai ngay từ việc ép học sinh phải đi học thêm trong trường khi các em không có nhu cầu đến việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật.

Thế nhưng ở bài viết này, chúng tôi không bàn sâu về việc ấy mà sẽ nói rõ hơn việc dạy phụ đạo trong nhà trường hay nói thẳng ra là dạy thêm bắt buộc đang làm khổ rất nhiều học sinh, phụ huynh ở nhiều trường học hiện nay.

Dạy phụ đạo - một hình thức dạy thêm bắt buộc trong nhà trường

Hiện nhiều trường học ở 2 bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông đang tổ chức dạy buổi 2 cho học sinh tại trường.

Gần như trường nào cũng đưa lý do học sinh học yếu cần phụ đạo, để giúp học sinh đạt kết quả trong các kỳ thi nên tổ chức dạy phụ đạo…

Dù thế, họ lại quên mất nghĩa của 2 từ phụ đạo. Phụ đạo được hiểu nghĩa là giảng thêm ngoài giờ lên lớp, giúp cho học sinh hiểu thêm bài.

Vậy thì lẽ ra, những học sinh nào thật sự cần thầy cô giảng thêm để hiểu bài thêm (có thể môn học ấy còn yếu hay cần học nâng cao hơn) mới cần đi phụ đạo.

Thế nhưng hiện nay, nhà trường đã tổ chức dạy phụ đạo thì buộc học sinh phải đi học đầy đủ theo sĩ số 100%.

Gần như chưa hoặc vô cùng ít trường hợp học sinh không tham gia học. Thế rồi, dù không muốn học những môn mình đã nắm vững kiến thức thì nhiều học sinh vẫn phải đến lớp để ngồi cho hết buổi.

Và, tối đến lại phải chạy tất tả chạy xô vào các lớp học thêm đúng môn học mình muốn phụ đạo, đúng giáo viên mình yêu thích và tin tưởng.

Nhiều phụ huynh bức xúc, nhiều học sinh không muốn học phụ đạo kiểu này nhưng vẫn buộc phải đi

Đã có những em bức xúc chia sẻ với chúng tôi rằng, con chỉ muốn học 2 môn toán và Anh văn nhưng nhà trường buộc học tất cả 6 môn để thi tốt nghiệp. Thậm chí có điều vô lý như những học sinh ấy thi ban A nhưng vẫn phải học phụ đạo thêm môn Lịch sử mặc dù không có nhu cầu.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được đơn phản ánh của phụ huynh, học sinh tại tỉnh Kiên Giang về những áp lực khi học sinh phải học 2 buổi/ngày.

Con tôi đi học 2 buổi ở trường mà thấy xót xa. Học cả ngày, tối về còn phải đi học thêm 1-2 ca nữa.

Đêm nào cũng về tới nhà cũng 10 giờ đêm, có học sinh nhà xa còn về muộn hơn nhiều.

Cả tuần cha mẹ con cái không được ăn với nhau một bữa cơm chiều vì khi mình ở nhà chúng đi học, khi mình đi ngủ chúng mới về.

Rất nhiều học sinh lớp 12 một trường Trung học phổ thông đã đến gặp chúng tôi để phản ánh việc mình không muốn đi học phụ đạo nhưng nhà trường vẫn cứ ép buộc. Vậy mà, sau khi báo đăng bài phản ánh thứ nhất, cũng vẫn những học sinh ấy lại đến năn nỉ xin tác giả đừng phản ánh nữa vì “chúng em bị nhà trường nhắc nhỏ, gây khó khăn trong học tập nên rất sợ”.

Và các bạn cho biết, thôi thì cứ đến cho đủ số lượng và tối về tìm thêm thầy cô giáo dạy lại những môn mình cần đầu tư để thi đại học.

Để buộc tất cả học sinh phải tham gia học buổi 2 tại trường, nhà trường, thời khóa biểu học 2 buổi/ngày thường được nhiều trường xếp các tiết học chính khóa và tăng cường sáng chiều lẫn lộn nên dù không muốn các em cũng không thể không đi.

Thời khóa biểu một trường trung học phổ thông xếp đan xen tiết chính khóa với tiết phụ đạo thế này bảo sao học sinh không thể không đi học? (Ảnh: CTV)

Thời khóa biểu một trường trung học phổ thông xếp đan xen tiết chính khóa với tiết phụ đạo thế này bảo sao học sinh không thể không đi học? (Ảnh: CTV)

Bộ đã ra công văn chỉ đạo nhưng nhiều trường học vẫn làm ngơ?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn khuyến khích các trường ở bậc trung học tổ chức hình thức dạy học 2 buổi/ngày.

Trong Công văn 7291/BGDĐT-GDTrH chỉ đạo của Bộ Giáo dục về việc Hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học Bộ đã quy định rất rõ:

“Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày chỉ được thực hiện ở những nơi học sinh có nhu cầu, cha mẹ học sinh tự nguyện cho con em tham gia học tập...

Thế nhưng khi triển khai, không ít trường học trong cả nước đã phớt lờ sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo không lấy ý kiến phụ huynh, học sinh (có chăng chỉ lấy ý kiến Ban đại diện cha mẹ học sinh vì ban này phần đông là cách tay đắc lực của nhà trường) và tự nhà trường đưa ra quyết định buộc học sinh phải học 2 buổi/ngày.

Điều này, đã tạo cho các em áp lực rất lớn về học tập, sự lãng phí về thời gian của học sinh, tạo gánh nặng về kinh tế cho nhiều gia đình khó khăn và gây nên nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Hy vọng rằng, qua sự việc đau lòng trên của nữ sinh An Giang, các trường học cần nghiêm túc nhìn lại việc tổ chức dạy phụ đạo trong nhà trường hiện nay. Đừng vì món lợi đằng sau để ép học sinh phải tham gia học thêm trong khi bản thân các em không có nhu cầu.

Bên cạnh đó, các sở giáo dục cũng cần rà soát lại việc tổ chức dạy buổi 2 ở các trường trung học đúng theo tinh thần đã chỉ đạo của Bộ Giáo dục trong Công văn 7291/BGDĐT-GDTrH.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/giao-duc/nu-sinh-lop-10-uong-thuoc-tu-tu-vi-uat-uc-1312987.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Đỗ Quyên