Tuyển ít hơn chỉ tiêu, Phó HT Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN nêu lý do

17/09/2023 06:49
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội từ mức 11.570 năm 2019 đã giảm mạnh chỉ còn 2.798 sinh viên vào năm 2020

Thời điểm hiện tại, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã niêm yết ba công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị mình.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho thấy, bài đăng mới nhất vào ngày 7/2/2023 có dữ liệu về ba công khai của năm 2020 và các năm liền kề trước đó. Phóng viên không tìm thấy dữ liệu ba công khai vào các năm gần đây nhất là năm 2021, 2022 và 2023 của trường đại học này.

Theo đó, dữ liệu mới nhất về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được ghi nhận trong Đề án tuyển sinh năm 2023 cho thấy, trong tổng số 1.132 giảng viên, trường đại học này có 20 giảng viên chức danh giáo sư68 giảng viên chức danh phó giáo sư.

Danh sách các bài đăng hàng đầu trong mục "Ba công khai" của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho thấy ngày đăng gần nhất là ngày 7/2/202 có dữ liệu thông tin ba công khai của năm 2020 và các năm liền kề trước đó, không tìm thấy dữ liệu ba công khai của năm 2023. Ảnh chụp màn hình
Danh sách các bài đăng hàng đầu trong mục "Ba công khai" của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho thấy ngày đăng gần nhất là ngày 7/2/202 có dữ liệu thông tin ba công khai của năm 2020 và các năm liền kề trước đó, không tìm thấy dữ liệu ba công khai của năm 2023. Ảnh chụp màn hình

Ngoài ra, theo số liệu mà phóng viên tiếp cận được, về đội ngũ giảng viên cơ hữu trong năm 2018, số giảng viên trong toàn trường có tổng số 1.116 người. Trong đó có 26 giảng viên chức danh giáo sư và 53 giảng viên chức danh phó giáo sư.

Số giảng viên chức danh Giáo sư phân bổ trong Khối ngành III là 6 người, Khối ngành V là 5 người, Khối ngành VI là 7 người và Khối ngành VII là 8 người. Bên cạnh đó, số lượng giảng viên chức danh phó giáo sư của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong năm này phân bổ ở khối ngành III là 26 người, Khối ngành V là 8 người, Khối ngành VI là 14 người và Khối ngành VII là 5 người.

Ghi nhận trong năm 2019, toàn trường đại học này có tổng số 1.166 giảng viên. Trong đó có 21 giáo sư, 61 phó giáo sư.

Trong đó, số giảng viên chức danh giáo sư được phân bổ trong các khối ngành tương ứng như sau: Khối ngành III có 2 người, Khối ngành V có 4 người, Khối ngành VI có 7 người và Khối ngành VII có 5 người. Riêng Khối ngành II không có giảng viên chức danh giáo sư.

Khảo sát tiếp của phóng viên trong báo cáo công khai về đội ngũ giảng viên trong năm 2020 của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho thấy, trong năm này số lượng giảng viên toàn trường không có nhiều biến động so với năm liền kề trước đó. Cụ thể, tổng số giảng viên toàn trường vẫn là 1.166 người với 21 giáo sư, 61 phó giáo sư.

Sự phân bổ lượng giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư tại các khối ngành trong năm 2019 cũng tương tự như năm trước đó.

Chi tiết thêm về sự biến động số lượng giảng viên chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội qua các năm:

Chức danh Năm 2023 Năm 2020 Năm 2019 Năm 2018
Giáo sư 20 21 21 26
Phó Giáo sư 68 61 61 53
Tổng số giảng viên toàn trường 1.132 1.166 1.166 1.116

Đồng thời, trong báo cáo ba công khai về chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ở các năm 2018, 2019, 2020 trường này cũng đã nêu lên con số thống kê về quy mô đào tạo.

Theo đó, trong năm 2018 quy mô đào tạo đại học chính quy của trường đại học này thể hiện, có 194 sinh viên ở Khối ngành II, có 7.831 sinh viên ở Khối ngành III, 2.560 sinh viên ở Khối ngành V, 469 sinh viên ở Khối ngành VI và 2.876 sinh viên ở Khối ngành VII.

Cũng tại báo cáo công khai trong năm 2018 của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho thấy, tổng số sinh viên trúng tuyển nhập học tại một số khối ngành cao hơn hẳn so với chỉ tiêu.

Cụ thể, với tổng chỉ tiêu là 10.400 nhưng trong năm này, cơ sở này có 10.660 sinh viên trúng tuyển nhập học. Trong đó, ở Khối ngành III có 4.200 chỉ tiêu nhưng có đến 4.800 sinh viên trúng tuyển nhập học. Ở Khối ngành V có 2.691 sinh viên trúng tuyển nhập học dù chỉ tiêu chỉ là 2.600.

Bên cạnh đó, cũng ghi nhận trong năm này có một số khối ngành, lượng sinh viên trúng tuyển nhập học ít so với chỉ tiêu như: Khối ngành II có 290 sinh viên/ 400 chỉ tiêu; Khối ngành V có 469 sinh viên/ 800 chỉ tiêu.

Sự tương phản giữa số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học ở các khối ngành cũng thể hiện khá rõ. Trong tổng số 6.439 sinh viên tốt nghiệp, ở Khối ngành III nhiều nhất với 4.008 sinh viên, Khối ngành V với 1.367 sinh viên.

Tuy nhiên ở Khối ngành II lại chỉ có 101 sinh viên tốt nghiệp. Ở các khối ngành còn lại như: Khối ngành VI và Khối ngành IV không có số liệu thống kê về số lượng sinh viên tốt nghiệp.

Năm 2018, tổng số trúng tuyển nhập học là 10.660 sinh viên. Ảnh chụp màn hình

Năm 2018, tổng số trúng tuyển nhập học là 10.660 sinh viên. Ảnh chụp màn hình

Năm 2019, số lượng trúng tuyển nhập học là 11.570 sinh viên. Ảnh chụp màn hình

Năm 2019, số lượng trúng tuyển nhập học là 11.570 sinh viên. Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, tại năm gần nhất mà phóng viên có dữ liệu của ba công khai là năm 2020 thì số lượng trúng tuyển nhập học chỉ là 2.798 sinh viên. Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, tại năm gần nhất mà phóng viên có dữ liệu của ba công khai là năm 2020 thì số lượng trúng tuyển nhập học chỉ là 2.798 sinh viên. Ảnh chụp màn hình

Cũng theo khảo sát của phóng viên trong báo cáo công khai về quy mô đào tạo trong năm 2019 cho thấy sự biến động giữa các khối ngành. Cụ thể: có 122 sinh viên ở Khối ngành II, 7.066 sinh viên ở Khối ngành III, 3.567 sinh viên ở Khối ngành V, 665 sinh viên ở Khối ngành VI và 3.324 sinh viên ở Khối ngành VII.

Tại bảng thống kê về sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường tại trường đại học này có thể thấy, ở một số khối ngành có lượng sinh viên trúng tuyển nhập học cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo đó năm 2019, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có tổng chỉ tiêu là 9.600 nhưng số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học lên đến 11.570 sinh viên.

Trong đó, Khối ngành III chiếm ưu thế với 6.370 sinh viên trúng tuyển nhập học/ 4.200 chỉ tiêu. Tiếp sau đó là Khối ngành V với 2.799 sinh viên trúng tuyển nhập học/ 2.600 chỉ tiêu. Các khối ngành có số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học ít hơn như: Khối ngành VII có 2.098 sinh viên/ 2.400 chỉ tiêu, Khối ngành III có 303 sinh viên/ 400 chỉ tiêu.

Tổng số sinh viên tốt nghiệp trong năm 2019 của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là 6.862. Trong đó, ở Khối ngành II có 151 sinh viên, Khối ngành III có 4.193 sinh viên, Khối ngành V có 1.376 sinh viên và Khối ngành VII có 1.142 sinh viên.

Còn trong năm 2020 số lượng sinh viên đại học chính quy tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có 132 sinh viên ở Khối ngành II, 7.766 sinh viên ở Khối ngành III, 5.326 sinh viên ở Khối ngành V và 3.586 sinh viên ở Khối ngành VII.

Cũng trong năm này, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ghi nhận có tổng số 2.798 sinh viên trúng tuyển nhập học, tập trung chủ yếu ở Khối ngành III với 34 sinh viên, Khối ngành III với 1.635 sinh viên, Khối ngành V với 579 sinh viên và Khối ngành VII với 550 sinh viên. Riêng Khối ngành VI không có sinh viên trúng tuyển nhập học.

Đáng chú ý, trong báo cáo ba công khai nói trên không thấy trường đại học này nêu con số thống kê về tổng chỉ tiêu cũng như chỉ tiêu cụ thể tại các khối ngành.

Về lượng sinh viên tốt nghiệp, trong năm này Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ à Nội có tổng số 1.225 sinh viên tốt nghiệp. Trong đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp ở các Khối ngành cụ thể như: Khối ngành II có 17 sinh viên, Khối ngành III có 749 sinh viên, Khối ngành V có 191 sinh viên và Khối ngành VII có 268 sinh viên.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: hubt.edu.vn

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: hubt.edu.vn

Liên quan đến quy mô đào tạo đại học chính quy, dữ liệu mới nhất mà phóng viên có được trong Đề án tuyển sinh năm 2023, trường đại học này thống kê quy mô với 22.329 sinh viên.

Ngoài ra, cũng trong Đề án tuyển sinh năm 2023, trường này công bố có 2.665 chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và 4.085 chỉ tiêu theo phương thức xét học bạ trung học phổ thông.

Tính tổng chỉ tiêu các phương thức, trong năm 2023 Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có 6.750 chỉ tiêu cho tất cả các khối ngành. Như vậy, so với các năm trước đó, thì chỉ tiêu tuyển sinh của trường đại học này đã giảm đi khá nhiều.

Còn chỉ tiêu và số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học trong năm trước liền kề năm tuyển sinh là năm 2022 được trường này thống kê trong đề án tuyển sinh thì có 5.200 chỉ tiêu. Trong khi đó, con số thống kê cho thấy có 3.366 sinh viên trúng tuyển nhập học.

Đồng thời, trong năm này số liệu thống kê cho thấy có 2.306 sinh viên tốt nghiệp.

Dưới đây là bảng đối sánh về chỉ tiêu, số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học, lượng sinh viên tốt nghiệp của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội qua các năm:

Năm 2023 2022 2020 2019 2018
Chỉ tiêu 6.750 5.200 - 9.600 10.400
Số lượng SV trúng tuyển nhập học - 3.366 2.798 11.570 10.660
Số lượng SV tốt nghiệp - 2.306 1.225 6.862 6.439

Chia sẻ về nguyên nhân của việc số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học vào Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có xu hướng giảm dần qua các năm, Hiệu phó nhà trường, Giáo sư Vũ Văn Hóa cho rằng, đó là hệ quả tất yếu của sự phát triển và cạnh tranh giữa các trường đại học với nhau trong bối cảnh hiện nay.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vị này thông tin thêm: "Bây giờ có thể nhiều sinh viên họ ưa chuộng các trường khác hơn so với trường tôi, vì cùng chung ngành đào tạo thì hiện cũng đang có rất nhiều trường đại học khác có đào tạo, thậm chí điểm đầu vào của một số ngành đào tạo đó còn có thể thấp hơn trường tôi.

Hơn nữa, với một số ngành đào tạo mà chúng tôi đang có ưu thế như ngành Răng - Hàm - Mặt hay Y đa khoa thì lại giới hạn bởi chỉ tiêu tuyển sinh. Hàng năm dù có nhiều hồ sơ đăng ký vào nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể tiếp nhận ở mức cho phép theo quy định.

Đó là chưa kể một số ngành đào tạo đang cạnh tranh khốc liệt với các trường đại học ở tốp đầu cũng khiến lượng thí sinh đầu vào hàng năm bị ảnh hưởng".

Tuy nhiên, Giáo sư Vũ Văn Hóa nhận định, việc này không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của nhà trường. Theo vị này, con số thống kê trên thực tế là như vậy nhưng hàng năm số lượng đăng ký đầu vào cũng tương đối nhiều, nhà trường lựa chọn thí sinh dựa trên các tiêu chí, trong đó có chỉ tiêu và mức điểm trúng tuyển của thí sinh nên có thể một số ngành có thể ít thí sinh, tuy nhiên độ thu hút thí sinh thì vẫn không thay đổi.

"Mặc dù Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ là một cơ sở giáo dục đại học tư thục tuy nhiên mọi điều kiện về dạy học chúng tôi đều đảm bảo yêu cầu để có thể thu hút được sinh viên.

Đó là số lượng giảng viên đầy đủ, giảng viên chức danh là giáo sư và phó giáo sư nhiều và kinh nghiệm giảng dạy. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng việc đổi mới và sửa sang cơ sở vật chất hàng năm để phục vụ yêu cầu học tập và giảng dạy của sinh viên", Giáo sư Vũ Văn Hóa nhấn mạnh.

Trung Dũng