Từ năm 2017, các trường cao đẳng, trung cấp (trừ trường cao đẳng sư phạm mầm non) thuộc quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo chia sẻ của cán bộ tư vấn tuyển sinh và lãnh đạo một số trường cao đẳng cho thấy, việc không xuất hiện trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tuyển sinh của các trường nghề.
Trường nghề khó tuyển sinh, giảng viên trình độ tiến sĩ phải tìm kế sinh nhai
Không có tên trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vào đợt cao điểm tuyển sinh, mỗi ngày cán bộ tư vấn tuyển sinh của Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định phải tiếp nhận hàng chục câu hỏi, cuộc gọi cần hỗ trợ của thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào trường.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Lan - Trưởng phòng Phòng Đào tạo, phụ trách tư vấn tuyển sinh của Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định cho biết: “Có những thí sinh khi gọi điện vào số hotline của nhà trường chia sẻ rằng các em muốn đăng ký nguyện vọng vào trường nhưng trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại không tìm thấy tên, mã Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định để đăng ký. Khi đó, nhà trường lại phải hướng dẫn cho thí sinh truy cập vào website của trường hoặc đến trực tiếp trường để đăng ký".
Việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, cô Lan cho rằng đây là một nguyên nhân làm ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của trường cao đẳng, trung cấp. Bởi, theo cô Lan, phần lớn học sinh phổ thông đều được định hướng đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong khi đó các trường cao đẳng, trung cấp nghề lại không có tên trong hệ thống nên các em chắc chắn không có cơ hội tiếp cận thông tin trường nghề.
Khi không thấy tên Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ có một số thí sinh tha thiết học cao đẳng mới tìm cách liên lạc với nhà trường để được tư vấn, hướng dẫn đăng ký học. Và cũng có những học sinh không thấy tên nhà trường trên hệ thống tuyển sinh chung, không biết cách đăng ký vào trường như thế nào nên có thể các em sẽ chọn trường khác mà không phải là Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định. Thực tế này rõ ràng đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến quá trình tuyển sinh của trường cao đẳng, trung cấp.
Cô Lan tâm sự rằng, việc thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên trình độ cao ở trường cao đẳng, trung cấp nghề luôn là thách thức lớn. Các trường cao đẳng, trung cấp nghề luôn phấn đấu để xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên trình độ tiến sĩ. Nhưng do tuyển sinh không đạt như kỳ vọng, có giảng viên trình độ tiến sĩ phải tìm kế sinh nhai bằng cách chuyển công tác, điều này càng khiến trường cao đẳng, trung cấp nghề thêm khó khăn trong xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao.
Từ thực tế của trường hiện nay, cô Lan kiến nghị, các trường cao đẳng, trung cấp nghề nên được có tên trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thuận lợi cho thí sinh tìm hiểu, đăng ký vào trường cao đẳng, trung cấp khi điểm số của các em không có nhiều khả năng đỗ đại học.
“Trong trường hợp các trường cao đẳng, trung cấp không thể xuất hiện trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng nên xây dựng một hệ thống tuyển sinh chung đối với trường cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp để thí sinh có định hướng, đăng ký nguyện vọng dễ dàng, giúp các trường nghề đỡ vất vả và tăng hiệu quả tuyển sinh”, cô Lan chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô Lan cũng mong muốn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thêm các chính sách đãi ngộ cho người học cao đẳng nghề (như hỗ trợ học phí, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp,...); trang bị cơ sở vật chất cho trường cao đẳng, trung cấp nghề nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo ngày càng cao. Đồng thời, công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông cần được chú trọng hơn, trong đó nhấn mạnh tư vấn cho học sinh không có khả năng học đại học thì nên lựa chọn học nghề.
Cùng chia sẻ với phóng viên, một cán bộ làm công tác tuyển sinh tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai cho biết, trong quá trình làm công tác tuyển sinh, nhà trường cũng tiếp nhận nhiều cuộc gọi của phụ huynh, học sinh về việc cần được hỗ trợ tư vấn các ngành nghề đào tạo cũng như hướng dẫn cách đăng ký vào học tại trường.
“Những trường hợp học sinh, phụ huynh gọi điện thoại đến trường nhờ tư vấn thường quan tâm đến danh mục ngành nghề, thời gian học và học phí. Sau khi học sinh lựa chọn ngành nghề cần được tư vấn, nhà trường sẽ gửi chi tiết thông tin cho học sinh, hướng dẫn cách đăng ký online và làm hồ sơ nộp tại trường. Một số ngành nghề được nhiều em quan tâm như Điện, Tự động hóa, Cơ khí, Ô tô, Công nghệ thông tin, Kế toán, Quản trị doanh nghiệp,...”, vị này chia sẻ.
Trong khi đó, Tiến sĩ Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, trường cao đẳng, trung cấp nghề không thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiễm nhiên không xuất hiện thông tin trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây chính xác là một trở ngại lớn cho công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp nghề.
“Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dù đã đăng tải thông tin về các ngành nghề đào tạo của các trường nghề lên hệ thống website của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, học sinh phổ thông lại ít quan tâm đến thông tin của website này.”, thầy Sáng chia sẻ.
Về lâu dài, thầy Sáng kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa thông tin của trường cao đẳng, trung cấp nghề vào Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho các trường nghề, giúp học sinh tiếp cận thông tin một cách hệ thống, chính xác.
Hệ thống tuyển sinh chung cần có thông tin trường cao đẳng, trung cấp nghề
Trường cao đẳng, trung cấp nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nên không có tên trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khiến công tác tuyển sinh của Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều vất vả.
Chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Thọ Chân - Phó Hiệu trưởng, trực tiếp phụ trách Trung tâm tuyển sinh - đào tạo thường xuyên của Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vào những ngày cao điểm tuyển sinh, mỗi ngày, bộ phận tư vấn tuyển sinh của nhà trường tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn của thí sinh, phụ huynh gửi về trường nhờ giải đáp thắc mắc. Để bộ phận tư vấn không bị quá tải công việc, nhà trường phải phân công nhiệm vụ rất cụ thể, rõ ràng.
“Những thắc mắc của thí sinh về trường chủ yếu là thời gian học bao lâu, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra sao, ký túc xá và học phí như thế nào. Nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký tuyển sinh, trên website của nhà trường có thiết kế phần đăng ký online, thí sinh có thể đăng ký vào trường dễ dàng”, thầy Chân chia sẻ.
Đánh giá về thực tế công tác tuyển sinh của trường nghề, thầy Chân ví von rằng tuyển sinh của trường cao đẳng, trung cấp nghề hiện nay giống như việc cố gắng chữa bệnh nan y vì phải tìm đủ mọi cách trong khả năng của nhà trường để tuyển sinh nhưng kết quả ra sao còn phụ thuộc nhiều vào quyền quyết định của thí sinh.
Một trong những khó khăn của Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh khi không nằm trong Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo là trong những đợt nhà trường tổ chức tư vấn trực tiếp tại các trường trung học phổ thông, không chỉ có thí sinh thắc mắc, mà ngay cả nhiều giáo viên cũng đặt nghi vấn vì sao trên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có tên trường. Chính vì lý do này mà một số trường phổ thông cũng tỏ ra ngần ngại khi nhà trường đến tư vấn tuyển sinh.
Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nếu trường cao đẳng, trung cấp nghề cùng có thông tin trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi học sinh phổ thông thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển sẽ theo dõi được cả thông tin về trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. Từ đó, các em có sự đối sánh, lựa chọn trường phù hợp với mức điểm thi, năng lực, phục vụ tốt cho việc phân luồng thí sinh.
Thầy Chân cũng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có sự phối hợp để cùng xây dựng một hệ thống tuyển sinh chung - “việc phối hợp này không có khó khăn vì trước năm 2017, các trường đại học, giáo dục nghề nghiệp đã từng có tên trên cùng một hệ thống tuyển sinh chung. Chứ hiện nay các trường cao đẳng, trung cấp nghề đang phải tự bơi để tuyển sinh nên rất mong muốn có một hệ thống tuyển sinh chung giúp cho công tác tuyển sinh mỗi năm được tốt hơn”, thầy Chân bày tỏ.