Nạn sách giả, sách lậu gây thiệt hại khó đong đếm được hết với ngành xuất bản

30/09/2024 08:58
Thúy Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo Giám đốc, Tổng biên tập NXB Tri thức, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bản quyền, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất và kinh doanh sách giả. 

Nhiều năm qua, vấn nạn sản xuất và buôn bán sách lậu, sách giả vẫn luôn là một câu chuyện nhức nhối, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đơn vị xuất bản và phát hành mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tác giả của các tổ chức, cá nhân.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2022, toàn ngành đã tiến hành 1.632 cuộc thanh tra, kiểm tra (tăng 126% so với năm 2021 - 722 cuộc), thu hồi, tiêu hủy trên 128.476 ấn phẩm; xử lý 7,27 tấn bán thành phẩm không rõ nguồn gốc, xử phạt hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, sách lậu vẫn tiếp tục vẫn tiếp tục hoành hành tại các điểm phát hành và cả trên các không gian mạng, sàn thương mại điện tử.

Cụ thể, những loại sách thường bị in lậu là sách giáo khoa, tham khảo, sách giáo trình; Sách dạy và học ngoại ngữ; Sách văn học; Sách phổ biến kiến thức, sách chính trị, pháp luật; Sách “đen”. [1]

Thiệt hại doanh thu, ảnh hưởng uy tín và quyền sở hữu trí tuệ

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Thị Bích Hồng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri Thức cho biết, vấn nạn sản xuất, buôn bán sách giả là câu chuyện thực sự nhức nhối trong nhiều năm qua, gây thiệt hại vô cùng lớn cho ngành xuất bản. Trong đó, các nhà xuất bản, tác giả và người đọc là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Ngay thời điểm hiện tại, có 1 cuốn sách do Nhà xuất bản Tri thức xuất bản đang bị làm giả và bán tràn lan trên mạng xã hội, thậm chí, các đối tượng này còn ngang nhiên chạy quảng cáo, lừa dối được rất nhiều người mua sách.

Đó là cuốn “Gia đình, Bạn bè, Đất nước” - Hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Khi đặt sách theo trang Facebook đó, người mua đã trả 199.000 đồng cho 1 cuốn sách phô tô, mực in mờ, chất lượng giấy kém, khổ sách khác hẳn so với khổ sách của Nhà xuất bản Tri thức.

Hiện tại, Nhà xuất bản Tri thức cũng đang lên kế hoạch phối hợp với tác giả tái bản cuốn sách này trong thời gian tới, để mang đến cho bạn đọc những cuốn sách thật sự chất lượng”, bà Hồng cho hay.

Cũng theo Giám đốc, Tổng biên tập Phạm Thị Bích Hồng, Nhà xuất bản Tri thức là một trong những đơn vị xuất bản chịu ảnh hưởng không ít bởi vấn nạn sản xuất, buôn bán sách giả trong thời gian vừa qua.

Có khá nhiều cuốn sách của Nhà xuất bản Tri thức hoặc các đối tác liên kết đã bị làm giả, điều này đã gây thiệt hại trực tiếp đến doanh thu của nhà xuất bản, công ty sách. Không những thế, bạn đọc cũng là đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng bởi vấn nạn này khi mua phải sản phẩm chất lượng kém, nội dung sách không đầy đủ hoặc sai lệch với số tiền, thậm chí còn đắt hơn sách thật.

Nữ Giám đốc nhấn mạnh, việc sản xuất, buôn bán sách giả của các đối tượng đã gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến uy tín của nhà xuất bản, doanh thu của các công ty sách và niềm tin của người đọc, thiệt hại hữu hình và vô hình là không thể đong đếm được.

Cũng trăn trở về vấn nạn nhức nhối này, ông Nguyễn Anh Dũng - Người sáng lập Công ty cổ phần SBOOKS lên tiếng: “Là một đơn vị xuất bản - phát hành còn “trẻ” trong ngành sách, Công ty đã nỗ lực hết sức mình để xuất bản nhiều đầu sách hay và đưa đến với bạn đọc mọi lứa tuổi.

Chỉ nửa đầu năm 2024, SBOOKS đã tiến quân nhanh chóng vào thị trường xuất bản, phát hành trên toàn quốc những tựa sách hay, được nhiều người đón đọc như: Đắc nhân tâm, Tư duy ngược, Làm chủ số phận, Biến mọi thứ thành tiền, Chiến thắng con quỷ trong bạn,…

Ngoài ra, SBOOKS đã nhanh chóng theo kịp định hướng mới trên các sàn thương mại điện tử, điển hình như Tiktok, Shopee, tiên phong trong việc quảng bá sách thông qua hình thức video ngắn.

Tuy nhiên, chính những thành tựu này đã bị các đối tượng xấu lợi dụng, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho đơn vị”.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, đội ngũ của Công ty đã có những thống kê về nạn sách lậu, sách giả và nhận thấy rằng, vấn nạn này “phủ sóng” trên rất nhiều nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử lớn như: Facebook, Shopee, Lazada, Tiktok,...

Đơn vị này đã tổ chức riêng một Phòng Kiểm soát bản quyền và thương mại, với 05 nhân sự tập trung tìm kiếm, xác minh, và thống kê được những thiệt hại do nạn sách lậu, sách giả gây ra.

Theo đó, thống kê trong khoảng 06 tháng, chỉ riêng sàn thương mại điện tử Lazada có 20 gian hàng và 108 đường link bán sách lậu, vi phạm bản quyền của SBOOKS, con số thiệt hại ước tính khoảng 2,3 tỷ đồng.

0839d3ee-be34-4d77-a685-a8fa86ba86ac.jpg
Ông Nguyễn Anh Dũng - Người sáng lập Công ty cổ phần SBOOKS. Ảnh: NVCC.

Ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh, vấn nạn sản xuất, buôn bán sách giả không chỉ gây thiệt hại về tài chính cho các nhà xuất bản, công ty sách, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các đơn vị này.

“Đội ngũ nhân sự của Công ty ngày nào cũng phải tiếp nhận ý kiến phàn nàn, chê bai của độc giả về chất lượng sách do mua phải sách giả, chất lượng kém, ví dụ như: sách lỗi, bung gáy, giấy tối màu, thông tin sai lệch,...

Như vậy, có thể thấy rằng, nạn sách giả, sách lậu không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp”, ông Dũng cho hay.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho biết thêm, hầu hết các đối tượng sản xuất và buôn bán sách giả chỉ “đu” theo những cuốn sách đã được đẩy mạnh truyền thông, thu hút nhiều độc giả tìm kiếm.

Việc “đu” theo những cuốn sách đã nổi, sản xuất và buôn bán sách giả đã phần nào khiến các đơn vị xuất bản, phát hành “chùn bước”, không dám mạnh dạn đầu tư và truyền thông, khiến cho hoạt động xuất bản và phát hành bị đình trệ, gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của đơn vị.

Theo Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức, nạn sản xuất, buôn bán sách giả đã gây ra rất nhiều hệ lụy đối với thị trường sách và người tiêu dùng. Cụ thể, đối với thị trường sách, vấn nạn này đã gây thiệt hại kinh tế cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách và tác giả khi đã bị sách giả “cướp” đi nguồn doanh thu chính đáng, không chỉ vậy, Nhà nước cũng sẽ mất đi nguồn thu từ thuế.

Sách giả thường có chất lượng in ấn kém, nội dung sai lệch, thậm chí có những thông tin sai trái, thiếu chuẩn mực, gây hiểu lầm cho người đọc, từ đó khiến niềm tin của người đọc bị “lung lay”, ảnh hưởng đến uy tín của sách chính hãng.

Chị Hồng NXB Tri thức.jpg
Bà Phạm Thị Bích Hồng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ thêm, nữ Giám đốc chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sản xuất, buôn bán sách giả tràn lan như hiện nay, trong đó, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ nguồn thu lợi nhuận cao.

“Trong khi các nhà xuất bản và các công ty sách phải đầu tư rất nhiều chi phí: sản xuất sách, chi phí bản quyền, nhuận bút, công nghệ in chất lượng,..để sản xuất ra một cuốn sách thì các đối tượng làm sách giả thường chỉ sao chép gần như toàn bộ và sử dụng giấy chất lượng kém, phô tô đơn giản nên chi phí thấp, thu về nhiều lợi nhuận. Điều này đã khiến cho các đối tượng bất chấp pháp luật, lách luật để sản xuất và buôn bán sách giả, thu lợi bất chính”, bà Hồng phân tích.

Nguyên nhân thứ hai được chỉ ra là do trên thực tế, việc kiểm soát và xử lý các hoạt động sản xuất, buôn bán sách giả còn khó khăn.

Cũng theo bà Hồng, vấn nạn sản xuất, buôn bán sách giả đến nay vẫn tồn tại bởi nhiều người có tâm lý ham rẻ, muốn sở hữu sách với giá cả phải chăng khiến nhiều người vô tình hoặc biết nhưng vẫn lựa chọn sách giả. Thêm vào đó, do công nghệ in ấn ngày càng hiện đại đã giúp việc sản xuất sách giả trở nên dễ dàng hơn.

Tăng cường sự phối hợp của liên ngành để đẩy lùi vấn nạn sách lậu, sách giả

Nhiều năm qua, nạn sách giả, sách lậu đã gây ra những tổn thất to lớn đến thị trường sách, tác giả và độc giả, dù đã nhiều lần được phản ánh bởi báo chí - truyền thông, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, vấn nạn này vẫn chưa được giải quyết. Vậy câu hỏi được đặt ra là: “Lỗ hổng” nào đã khiến vấn nạn này tồn tại lâu như vậy?

Bà Phạm Thị Bích Hồng cho rằng: “Dù đã có các quy định pháp luật hiện hành về bản quyền và chống hàng giả nhưng mức phạt theo quy định chưa đủ sức răn đe với các đối tượng sản xuất và kinh doanh sách giả.

Hơn nữa, việc xác định một cuốn sách là sách giả hay sách thật đòi hỏi các kỹ năng chuyên môn và phải có bằng chứng cụ thể, trong khi đó, các đối tượng sản xuất sách giả thường hoạt động rất tinh vi, khó để bắt quả tang.

Quy trình xử lý vi phạm còn chậm, từ khi phát hiện đến khi xử lý xong một vụ việc liên quan đến sách giả thường mất khá nhiều thời gian”, bà Hồng chia sẻ.

Trao đổi thêm, nữ Giám đốc cho rằng, hiện nay, các cơ quan chức năng chưa có đủ nguồn lực để kiểm soát chặt chẽ toàn bộ thị trường sách, đặc biệt là các kênh phân phối nhỏ lẻ, do vậy, các đối tượng xấu đã lợi dụng “lỗ hổng” này tiếp tục hoạt động.

Về phía người tiêu dùng, bà Hồng cho hay, nhiều người tiêu dùng vì muốn tiết kiệm chi phí mà sẵn sàng mua sách giả, mặc dù biết chất lượng của những cuốn sách này không đảm bảo.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa có ý thức đầy đủ về quyền sở hữu trí tuệ, dẫn đến việc xem nhẹ hành vi vi phạm bản quyền. Đặc biệt, ở một số địa phương, nhiều người dân còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và mua sách chính hãng, khiến họ dễ dàng bị cuốn vào các kênh phân phối sách giả.

Bà Phạm Thị Bích Hồng cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bản quyền, tăng cường xử lý nghiêm các hành vi sản xuất và kinh doanh sách giả; tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng về tác hại của sách giả, hướng dẫn cách phân biệt sách thật và sách giả.

Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến sách giả; xây dựng hệ thống phân phối sách chính hãng: các nhà xuất bản và công ty sách cần phát triển các kênh phân phối sách chính hãng, tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc tiếp cận với các ấn phẩm chất lượng.

Ông Nguyễn Anh Dũng cho rằng: “ Theo tôi, để ngăn chặn được vấn nạn này, cần tăng cường quản lý hoạt động in ấn, sản xuất sách giả, cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị quản lý thị trường, biện pháp xử lý đảm bảo đủ sức răn đe đối với các đối tượng sản xuất, buôn bán sách giả.

Có vậy, công cuộc chống sách lậu, sách giả mới có hiệu quả, trả lại cho thị trường sách sự cạnh tranh lành mạnh”.

Bà Hồng cũng cho rằng, người mua sách cần nâng cao hiểu biết, cân nhắc và lựa chọn sách thật, sách chất lượng qua các kênh tin cậy của nhà xuất bản và đơn vị phát hành.

“Độc giả khi mua sách nên cẩn trọng xem xét, mua ở những địa chỉ uy tín hoặc liên hệ với nhà xuất bản và đơn vị phát hành để tránh tình trạng mua phải sách giả, tiền mất tật mang.

Mua sách thật sẽ khiến cho trải nghiệm đọc của độc giả tốt nhất, là cách tôn trọng “sự đọc” của bản thân, tôn trọng tác giả, tôn trọng nhà xuất bản và góp phần xây dựng ngành xuất bản của Việt Nam phát triển, chất lượng”, nữ Giám đốc bày tỏ.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/nhan-dien-hanh-vi-pham-in-lau-lam-gia-xuat-ban-pham-1491910417

Thúy Quỳnh