Chúng tôi đến với vùng Cùa (xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) không khỏi bất ngờ khi được ghé thăm trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Cảnh.
Còn nhớ cách đây không lâu khi chính quyền địa phương còn phải vận động bà con không phá bỏ vườn tiêu, cắt bỏ cây mít (trụ tiêu) để lấy gỗ bán vì cây tiêu khó trồng. Nay đứng giữa những vườn tiêu xanh ngắt bao quanh trang trại chăn nuôi của những “tỷ phú, triệu phú” vùng Cùa, nhiều người không khỏi bỡ ngỡ.
Màu xanh cây tiêu trên vùng đất Cùa. Ảnh L.Chung |
Người bắt đất phải đổi thay
Vùng Cùa trải qua chiến tranh không biết bao nhiêu lần bị bom cày đạn xới, từ lâu đời sống người nông dân cũng luôn khó khăn bởi sự khắc nghiệt của khí hậu. Nhưng từ trong những khó khăn lại xuất hiện những con người biết kiên trì vươn lên làm giàu, không những vậy họ còn giúp cho nhiều người khó khăn biết cách làm kinh tế.
Bên tách trà nóng, ông Nguyễn Văn Cảnh kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng khó khăn của mình: “Cùa là vùng đất phì nhiêu, rộng rãi nhưng thời tiết ở đây cũng rất khắc nghiệt. Ngày được chính quyền cấp đất tôi cũng như mọi người luôn suy nghĩ tìm cách phát triển kinh tế gia đình.
Thấy cây hồ tiêu có nhiều triển vọng, nhiều người trong vùng cũng đang trồng thử nghiệm với hy vọng tìm ra cây trồng để thay đổi cuộc sống nhưng quả thực rất khó.”
Những ngày đầu ấy, khó khăn cứ đeo đuổi những người nông dân trên vùng đất khó. Khí hậu hanh khô đặc trưng, mùa hè thiếu nước, mùa đông hay sâu bệnh khiến vườn tiêu của những hộ trong vùng cứ chết dần chết mòn.
Những cây còn giữ lại được thu bán chẳng bù lại được sức người bỏ ra. Cộng thêm đó giá cả thị trường bấp bênh, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Nhìn nhiều hộ gia đình khác trước đây là những hộ tiên phong đi đầu nay lần lượt phá bỏ, ông Cảnh không khỏi nóng ruột.
“Ngày trước thấy ai cũng ngó lơ cây tiêu tôi cũng thấy nản. Lúc đó tôi cũng trăn trở suy nghĩ, không lẽ trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ như thế này nhưng vì thời tiết khắc nghiệt lại không thể phát trồng được gì? Nếu mình làm được thì sẽ mở ra hướng đi mới cho rất nhiều người. Nhất định phải giữ lại bằng được vườn tiêu này!”, ông Cảnh tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Cảnh bên vườn tiêu xanh ngắt. Ảnh L.Chung |
Nghĩ là bắt tay vào làm, sau khi tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, thông qua sách báo, internet,… ông Nguyễn Văn Cảnh tiến hành trồng phục hồi vườn tiêu bằng hệ thống kênh hào.
Những ngày gió Lào thổi như “tát vào mặt”, cây cối tiêu điều xơ xác ông thường xuyên tưới tiêu đều đặn hơn để đảm bảo cây xanh tốt không bị vàng lá rồi chết cháy. Nhờ cải tiến kỹ thuật và chăm sóc đúng cách, vườn tiêu của gia đình ông đã dần xanh tốt trở lại và bắt đầu cho nguồn thu nhập ổn định.
Sau 5 năm đi vào hoạt động, sự kiên trì cố gắng của nông dân Nguyễn Văn Cảnh rốt cuộc cũng khiến sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây phải “chiều” theo lòng người. Tính đến nay vườn của ông Cảnh có gần 600 gốc tiêu đang cho thu hoạch, đàn lợn gần 200 con cả lợn nái lẫn lợn thịt, hàng năm mang về cho ông khoản thu nhập ổn định trên 400 triệu đồng.
Giúp nhau thoát nghèo
Ban đầu với ý định chỉ nuôi trồng thử nghiệm để tìm cách phát triển kinh tế gia đình nhưng khi thấy cách làm này có hiệu quả, ông Nguyễn Văn Cảnh không ngần ngại hướng dẫn giúp đỡ mọi người cùng làm theo.
Ông Nguyễn Văn Cảnh chăm sóc vườn tiêu của mình. Ảnh L.Chung |
Mô hình trang trại của người nông dân giàu sự kiên trì được nhiều người học hỏi nhân rộng, màu xanh cây tiêu dần giúp đời sống người dân trên vùng Cùa đất đỏ thay đổi rõ rệt. Sắp tới, tiêu trên vùng đất Cùa còn được mọi người hứa hẹn đưa ra thị trường để xây dựng thành một thương hiệu riêng của địa phương.
Nhưng những thành công từ trang trại chỉ là một phần nhỏ để nhiều người hay mến gọi ông Cảnh là tỷ phú của vùng đất Cùa.
Không chỉ giỏi trồng trọt chăn nuôi, ông còn là hình ảnh tiêu biểu của một người nông dân kiểu mới, kiểu người nông dân đa năng có thể làm tốt cùng một lúc nhiều công việc khác nhau để làm giàu bền vững. Vốn xuất thân chỉ là nông dân chân lấm tay bùn nhưng ông Cảnh cho thấy mình cũng là người có đầu óc làm ăn hết sức nhạy bén.
Nhận thấy nhu cầu chăn nuôi trang trại của người dân trên địa bàn thì rất lớn nhưng nguồn thức ăn chăn nuôi để phục vụ lại không có. Ông Cảnh quyết định mở đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi.
Ban đầu chỉ là đại lý nhỏ phục vụ cho bà con chăn nuôi nhỏ lẻ. Mỗi năm phân phối từ 10 đến 30 tấn thức ăn chăn nuôi. Từ khi xây dựng được nhiều hộ quen dùng, chăn nuôi lợn từ 20 đến 200 con, đại lý dần phát triển thành đại lý cấp 1 phục vụ nhu cầu thức ăn chăn nuôi trên toàn địa bàn.
Ông cảnh tâm sự: “Để tạo điều kiện cho bà con nông dân trong vùng khắc phục những khó khăn về chi phí sản xuất ban đầu, tôi không ngại cho bà con mua nợ thức ăn chăn nuôi từ đại lý mình. Khi nào bà con xuất bán thu lại nguồn vốn thì tôi sẽ lấy lại.
Ông Nguyễn Văn Cảnh kiểm tra đàn lợn mới sinh. Ảnh L.Chung |
Nhờ sự tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau đó mà nhiều hộ gia đình ở xã Cam Chính đã phát triển được kinh tế từ chăn nuôi trang trại còn công việc phân phối thức ăn chăn nuôi của đại lý cũng được diễn ra thuận lợi”.
Với cách làm ăn nhạy bén, hợp tình hợp lý mà hết sức hiệu quả này, tổng sản lượng phân phối thức ăn chăn nuôi của đại lý hàng năm luôn giữ ở mức bình quân nghìn tấn/năm mang về cho gia đình ông Cảnh nguồn thu nhập trên 700 triệu đồng.
Học hỏi theo cách làm của ông Nguyễn Văn Cảnh mà nhiều hộ gia đình khác giờ cũng đã là triệu phú trên vùng đất khó Cam Chính, Cam Lộ, Quảng Trị.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, cán bộ địa chính Nông nghiệp xã Cam Chính cho chúng tôi biết: “Ông Nguyễn Văn Cảnh là hộ gia đình gương mẫu đi đầu trong việc vượt lên khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, phát triển kinh tế địa phương.
Việc làm kinh tế hiệu quả từ trang trại trồng tiêu, nuôi lợn và phân phối thức ăn gia súc không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà gia đình ông hiện cũng đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho một số người dân trên địa bàn với thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Từ việc đi đầu thử nghiệm, nay cách làm kinh tế của mình được ông mang đi giúp đỡ cho rất nhiều người. Đó là một đóng góp không hề nhỏ cho xã hội.”
Kiên trì, đa năng, không ngại gian khó, những thành quả của ông Nguyễn Văn Cảnh đã được chủ tịch tỉnh Quảng Trị, chủ tịch huyện Cam Lộ trao tặng nhiều bằng khen “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”.