Uẩn khúc đề thi tốt nghiệp môn Sinh, bao giờ mới có câu trả lời?

27/12/2021 06:38
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên luyện thi môn Sinh đoán trúng 37/40 câu trắc nghiệm với 4 mã đề gốc được chọn trong kỳ thi tốt nghiệp chỉ 1 buổi ôn tập trước kỳ thi là bất thường.

Ngày 8/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bước đầu đánh giá công tác tổ chức đợt 1 kỳ thi thành công, đảm bảo mục tiêu kép là chất lượng, an toàn, đúng quy chế và phòng dịch. [1]

Thế nhưng, trung tuần tháng 7/2021, nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin, trên mạng xã hội một giáo viên chỉ ra bài ôn tập trước ngày thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp của thầy Phan Khắc Nghệ (Hà Tĩnh) giống đề chính thức đến 80%.

Và những ngày qua, vấn đề này lại được báo chí liên tục xới lên vì Bộ Giáo dục chưa làm rõ có hay không “sự cố” về đề thi tốt nghiệp môn Sinh.

Sự trùng hợp kì lạ giữa đề luyện thi và đề tốt nghiệp

Sau kì thi tốt nghiệp 2021, giáo viên dạy Sinh ở nhiều tỉnh thành trên cả nước thông tin về 1 buổi học kì lạ của một lớp học “online” – có hơn 4.000 học sinh luyện thi, trong đó giáo viên ôn tập đã giới hạn nội dung kiến thức và các câu hỏi có độ tương đồng đến khoảng 80% so với đề thi chính thức thi sau đó 1 ngày.

Nhận được thông tin này, thầy Đ.Đ.H (Hà Nội) dạy môn Sinh đã tiến hành so sánh, đối chiếu giữa đề ôn tập và đề thi chính thức của Bộ Giáo dục về nội dung, câu từ, hình vẽ và nhận thấy sự tương đồng ở mức độ cao đến 80%.

Người bị “tố” có nội dung ôn tập đúng đến 80% đề thi tốt nghiệp môn Sinh chính thức là thầy giáo Phan Khắc Nghệ - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh. Trước đó, thầy Nghệ tổ chức buổi tổng ôn trực tiếp trên môi trường internet (live) ngay sát ngày thi chính thức cho môn Sinh (bao gồm 1 video củng cố kiến thức trọng tâm phát ngày 5/7/2021 và 1 video chữa đề khóa luyện thi VIP ngày 7/7/2021).

“Không có chuyện đề tôi ôn giống đề thi chính thức đến 80%. Đề thi cũng phát triển từ nội dung sách giáo khoa. Tôi giảng bài cũng phát triển kiến thức sách giáo khoa, hai nội dung ấy tất nhiên phải giống nhau”, thầy Nghệ khẳng định khi trả lời phỏng vấn báo chí. [2]

Thầy giáo Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Thầy giáo Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Báo Thanh Niên ngày 23/12/2021 đưa tin, theo biên bản làm việc của tổ chuyên gia trong đoàn công tác liên ngành: các câu hỏi trong 4 mã đề thi được chọn với các câu hỏi xuất hiện trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ cho thấy sự trùng lặp rất lớn.

Cụ thể, trong tổng số 40 câu của từng mã đề thô được chọn có 39 câu trùng (chiếm tỷ lệ 97,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của ông Nghệ.

Trong số 39 câu trùng nói trên thì có 37 câu trùng ở cả 4 mã đề (chiếm 94,87%); riêng câu 81 chỉ trùng với mã đề 210; câu 105 trùng hoàn toàn với mã đề 210 và 212, trùng 1 phần với 2 mã đề 211 và 213.

Đặc biệt, một dấu hiệu bất thường nữa mà biên bản chỉ ra, đó là: có 1 câu về “diễn thế sinh thái” (câu số 106 đề thô được chọn) có cả 4 mã đề là câu ra ngoài chương trình với dạng đồ thị chưa từng có trong sách giáo khoa. Tuy vậy, câu hỏi này cũng xuất hiện trong video của thầy Nghệ.

Ở khía cạnh khác, biên bản của tổ chuyên gia cũng chỉ ra rằng câu hỏi trong 4 mã đề bị loại 203, 205, 215, 216 được tổ chuyên môn lựa chọn ngẫu nhiên từ 16 mã đề bị loại với các câu hỏi xuất hiện trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ cho thấy có sự trùng lặp rất thấp, phần lớn là khác biệt. [3]

Đề thi đã có sự can thiệp hay do lỗ hổng quy trình ra đề?

Cá nhân người viết cho rằng, Bộ Giáo dục cần sớm làm rõ về “sự cố” đề thi môn Sinh kì thi tốt nghiệp 2021 vì những lí do sau đây.

Thứ nhất, quy trình ra đề thi trắc nghiệm được Bộ Giáo dục quy định ở Điều 17 Thông tư 15/2020/TT-BGDĐ ngày 16/5/2020:

“Thư ký dùng phần mềm rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm từ ngân hàng câu hỏi thi để chuyển cho các tổ trưởng ra đề thi (có sự chứng kiến của Chủ tịch Hội đồng ra đề thi và các tổ trưởng ra đề thi); tổ trưởng ra đề thi phân công các thành viên trong tổ ra đề thi thẩm định từng câu trắc nghiệm;

Tổ ra đề thi làm việc chung, lần lượt tinh chỉnh từng câu trắc nghiệm và tổ hợp thành đề thi theo đúng yêu cầu về nội dung đề thi được quy định tại Điều 15 Quy chế này; sau khi tinh chỉnh lần cuối, tổ trưởng ra đề thi ký tên vào các đề thi và bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng ra đề thi;

Thư ký thực hiện khâu trộn đề thi thành nhiều phiên bản khác nhau; tổ ra đề thi rà soát từng phiên bản của đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi bài thi tự luận và ký tên vào từng phiên bản đó của đề thi.” [4]

Có thể nhận thấy, quy trình ra đề thi trắc nghiệm được Bộ Giáo dục quy định rất chặt chẽ, vậy ban ra đề thi trắc nghiệm môn Sinh có làm đúng quy trình hay không?

Thứ hai, thầy Phan Khắc Nghệ không phải thành viên của tổ ra đề nhưng nội dung, đề ôn tập môn Sinh lại trùng khớp với đề thi tốt nghiệp lên đến 97,5% (39/40 câu trùng), có 37 câu trùng ở cả 4 mã đề (chiếm 94,87%) – sao lại có sự bất thường như thế?

Một số nhà giáo nghi vấn, không biết ngân hàng của Bộ Giáo dục là ngân hàng câu hỏi hay ngân hàng đề thi? Nếu ngân hàng chỉ gồm những câu hỏi khi đã hòa chung với hàng vạn câu hỏi khác trong ngân hàng thì sự trùng lặp giữa đề ôn tập và đề thi tốt nghiệp có xác suất cực kì thấp.

Nhưng nếu là ngân hàng đề thi thì sự trùng lặp có xác suất rất cao như ở kỳ thi tốt nghiệp vừa qua. Bằng chứng là 4 mã đề được chọn trùng với nội dung ôn tập của thầy Nghệ, 12 đề còn lại trùng rất ít. Hơn nữa, việc rút câu hỏi là do máy tính lựa chọn tự động, chọn ngẫu nhiên hay đã có sự can thiệp của cán bộ tham gia ra đề thi?

Thứ ba, điều lạ lùng hơn nữa đó là, có 1 câu ra nội dung ngoài chương trình nhưng vẫn xuất hiện trong video luyện thi của thầy Nghệ.

Như thế, cần làm rõ mối quan hệ giữa thầy Nghệ với cán bộ phụ trách ngân hàng đề, cán bộ tham gia ra đề thi của Bộ Giáo dục năm 2021 – kể cả những năm trước.

Bởi, Báo Người Lao Động ngày 22/12/2021 đưa tin, biên bản làm việc của Tổ chuyên gia trong đoàn công tác liên ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an xác minh thông tin báo chí phản ánh về đề thi môn Sinh học nêu rõ:

“Phân tích các câu hỏi trong đề duyệt chốt và các tư liệu trong các tệp dữ liệu trao đổi giữa ông Phan Khắc Nghệ và bà Phạm Thị My, ông Bùi Văn Sâm qua các năm 2015, 2016, 2017, 2018 và 2021 cho thấy ông Nghệ, bà My, ông Sâm đã có trao đổi các câu hỏi môn Sinh học cho nhau, gắn nội dung câu hỏi vào các ô ngân hàng đề thi, hẹn gặp trực tiếp để liên hệ nội dung trao đổi liên quan đến đề thi tốt nghiệp qua các năm, trong đó có năm 2021”. [5]

Thứ tư, liên quan đến “sự cố” đề thi môn Sinh, từ giữa tháng 7/2021, đại diện Bộ Giáo dục cho hay đã nắm được thông tin này và đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh sự việc và sẽ thông tin cụ thể khi có kết quả.

Tuy vậy, nghi vấn lộ đề môn Sinh kì thi tốt nghiệp đã trôi qua nửa năm nhưng Bộ Giáo dục vẫn im lặng khiến dư luận rất băn khoăn, thắc mắc kể cả sự bức xúc, bất bình của giáo viên, học sinh vẫn còn đó.

Bà Phạm Minh Hiền, đại biểu Quốc hội khóa XIV, cho rằng không sớm thì muộn, Bộ Giáo dục cần phải đối diện với những câu hỏi thẳng và buộc phải trả lời thật trước dư luận xã hội về vấn đề nghiêm trọng này.

“Đây không hề là chuyện đơn giản, mức độ trùng hợp giữa đề thi và đề ôn tập trên 90% thì không thể bình thường được nữa, có thể xem ở mức tương đương với lộ, lọt đề thi. Phải làm rõ và trả lời trước công luận là điều phải đối mặt, không thể tránh né được. Giấy không thể gói được lửa!” - bà Phạm Minh Hiền nói với Báo Người Lao Động. [6]

Thứ năm, phổ điểm môn Sinh kì thi tốt nghiệp 2021 như sau: điểm 9.0 (2139 thí sinh); 9,25 (1720); 9,50 (1410); 9,75 (1080); 10.0 (582). Trong khi đó, phổ điểm môn Sinh kì thi tốt nghiệp năm 2020 tính từ 9.00 trở lên lần lượt là: điểm 9.0 (1654 thí sinh); 9,25 (1174); 9,5 (702); 9,75 (328); 10.0 (121). [7], [8]

Năm 2021, tỉ lệ học sinh được điểm 10 môn Sinh gấp 4.25 lần so với năm 2020 (từ 121 thí sinh lên 582 thí sinh). Mức điểm từ 9.00 đến 9.75 cũng cao hơn nhiều so với năm 2020. Năm 2019 chỉ có 39 bài thi đạt điểm 10.00.

Phải chăng đề thi môn Sinh năm 2021 dễ hơn các năm trước hay thí sinh học giỏi hơn hoặc có những khuất tất nào khác?

Ngày 22/12/2021, chia sẻ với Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Đại biểu Quốc hội khóa XV nêu quan điểm, “thời gian vừa qua, đã xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực dẫn đến ảnh hưởng uy tín và tạo dư luận không tốt với ngành giáo dục, đặc biệt ở 2 lĩnh vực là sách giáo khoa và thi cử. Vì vậy, Bộ Giáo dục cần công khai giải quyết rõ ràng để tăng uy tín cho ngành, tạo niềm tin xã hội”. [9]

Tài liệu tham khảo:

[1] //vtv.vn/giao-duc/dot-1-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2021-thanh-cong-an-toan-so-thi-sinh-vi-pham-giam-20210708183206243.htm?

[2] //baophapluat.vn/thay-giao-bi-to-ra-de-on-tap-giong-80-de-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2021-post402859.html

[3] //thanhnien.vn/lat-lai-vu-de-thi-mon-sinh-thpt-2021-giong-90-de-on-tap-cua-giao-vien-post1414059.html

[4] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-15-2020-TT-BGDDT-Quy-che-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-444173.aspx?v=d

[5] //nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bat-thuong-de-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2021-lam-ro-quan-he-cua-nguoi-luyen-thi-va-nguoi-ra-de-20211221193634155.htm

[6] //nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bat-thuong-de-thi-tot-nghiep-thpt-2021-bo-gd-dt-can-nhin-thang-vao-su-that-20211222230746551.htm

[7] //thanhnien.vn/bo-gd-dt-cong-bo-pho-diem-cac-mon-ly-hoa-sinh-post1093647.html

[8] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/pho-diem-mon-sinh-hoc-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2020-669606.html

[9] //laodong.vn/giao-duc/vu-to-lo-de-thi-mon-sinh-du-dung-hay-sai-cung-can-cong-khai-minh-bach-987379.ldo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên