UBND huyện phê duyệt Đề án dạy và học bằng tiếng nước ngoài có phù hợp?

02/10/2024 06:40
Quỳnh Nguyễn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Có ý kiến lo ngại một số UBND quận, huyện có thể thiếu chuyên môn trong lĩnh vực GD, dẫn đến việc phê duyệt Đề án không phù hợp hoặc không hiệu quả.

Sau 10 năm thực hiện Quyết định 72/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác, đã cho thấy vẫn còn những hạn chế như: trình độ chuyên môn của người dạy, cơ sở thiết bị dạy học chưa rõ ràng, kinh phí liên kết quốc tế còn hạn hẹp…

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ngành liên quan, xây dựng dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trình độ ngoại ngữ của giáo viên chưa đồng đều, học sinh thiếu động lực học tập là rào cản lớn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về tình hình dạy và học bằng tiếng nước ngoài tại địa phương, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh cho biết: “Trong thời gian qua, Sở đã chỉ đạo thí điểm việc dạy và học môn Toán, Tin học và các môn thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) bằng Tiếng Anh theo hình thức dạy học chuyên đề, áp dụng tùy theo mức độ tiếp thu của học sinh cũng như khả năng của giáo viên.

Có tiết được giảng dạy với mức độ cung cấp từ vựng chuyên ngành trong tiết học để học sinh làm quen, có tiết được giảng dạy kết hợp vừa tiếng Anh vừa tiếng Việt, có tiết được dạy và học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Các tiết học được thực hiện tại Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo và Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Lê Kha.

Các đơn vị sử dụng soạn giảng bằng các phần mềm để hỗ trợ dạy Toán bằng tiếng Anh như hướng dẫn học sinh viết báo cáo và trình chiếu theo chuẩn quốc tế bằng Latex; biên soạn trên OverLeaf; các phần mềm mô phỏng (ngôn ngữ tiếng Anh) khác…”.

ad-4nxdhjwrqnrjlijvsn-62-cdtcdyqfmq0fz5zyskskmqz5smasx1moixv23mq-tl0szzm9vdkzk8cuodht9bdvlic9hg8ouyihexbvrvnm9uy5kete-c6gtxibmklw9l3cnkaspiufbykfao7f4-q3lvzh-u-9232.jpg
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh. Ảnh: NVCC.

Ông Phước cũng thông tin thêm, năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo khu vực của SEAMEO tại Việt Nam tổ chức Khóa bồi dưỡng phương pháp giảng dạy môn Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh cho 20 giáo viên (không chuyên ngành Tiếng Anh) của Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Lê Kha và Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo (thành phố Tây Ninh).

Kết quả, có 20/20 giáo viên hoàn thành Khóa bồi dưỡng. Toàn bộ kinh phí thực hiện do Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ. Năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh xây dựng kế hoạch tiếp tục bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án ngoại ngữ của địa phương cho 20 thầy cô trên để từng bước chuẩn hóa theo quy định, đảm bảo các giáo viên đủ điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ khi triển khai việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài.

Theo thầy Dương Xuân Bình, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Điềm Thụy (tỉnh Thái Nguyên), để có thể thực hiện tốt chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài, cụ thể là tiếng Anh, những năm qua, nhà trường luôn quan tâm đến đội ngũ giáo viên giảng dạy ngoại ngữ.

“Hằng năm, trường đều cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực, khuyến khích giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học. Đến nay, đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh của nhà trường đều đạt chuẩn (chuẩn C1 theo khung năng lực Châu Âu). Toàn bộ giáo viên ngoại ngữ được bồi dưỡng đều đặn hằng năm trong dịp hè theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo. Đội ngũ giáo viên tiếng Anh đáp ứng được việc dạy học môn Tiếng Anh trong giai đoạn hiện nay” - thầy Bình cho biết.

Trong thực tiễn triển khai, mặc dù có nhiều giáo viên giỏi, nhưng vẫn còn một số giáo viên chưa đáp ứng đủ yêu cầu về trình độ và phương pháp dạy học, một số chương trình học chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, dẫn đến việc học sinh không hứng thú với việc học ngoại ngữ.

Thầy Dương Xuân Bình chia sẻ, trình độ giáo viên ở Trường Trung học phổ thông Điềm Thụy (nói riêng) và một số cơ sở giáo dục (nói chung) còn chưa đồng đều. Theo Quyết định 72/2014/QĐ-TTg có nêu, “Chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam có thể được dạy và học một phần hoặc hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, ưu tiên đối với các lĩnh vực toán, khoa học tự nhiên, công nghệ và tin học”.

a.jpg
Thầy Dương Xuân Bình, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Điềm Thụy (tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, thực tế, giáo viên dạy các môn thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên còn hạn chế về năng lực ngoại ngữ. Từ đó, dẫn tới việc truyền tải các khái niệm, kiến thức, thuật ngữ bằng ngoại ngữ còn chưa hiệu quả.

Cụ thể, vị Hiệu trưởng chỉ ra: “Đối với đội ngũ giáo viên dạy các môn thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, nhà trường cử giáo viên đi bồi dưỡng tại các lớp dạy Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Mỗi năm, trường đã cử 6 giáo viên các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh tham gia bồi dưỡng và tham gia dạy 2-4 tiết/môn bằng tiếng Anh. Với số lượng tiết như vậy, việc dạy học bằng Tiếng Anh đối với các môn văn hóa khác mới chỉ dừng ở mức độ thử nghiệm. Do đó, khả năng phát huy trình độ của người dạy và việc khai thác tiềm năng của người học vẫn chưa cao.

Về phía học sinh, năng lực tiếng Anh của học sinh vùng nông thôn còn thấp, một phần lý do là điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, không có cơ hội để tiếp xúc với ngoại ngữ nhiều. Mặt khác, nhận thức về việc học ngoại ngữ của phụ huynh và học sinh còn hạn chế, việc học ngoại ngữ chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Nhiều hộ gia đình và con em còn giữ quan niệm chỉ cần học xong trung học phổ thông, đi làm công nhân tại các khu công nghiệp...

Do đó, hiện nay, nhiều học sinh thiếu động lực học ngoại ngữ, chưa kể đến việc học các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng nước ngoài. Đây chính là rào cản rất lớn đối với việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài tại các trường phổ thông, trong đó có Trường Trung học phổ thông Điềm Thụy”.

Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng (thành phố Hải Phòng) cũng có những chia sẻ tương tự.

Cụ thể, cô Vân Anh cho biết một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chính là: “Quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác” là việc thiếu hụt giáo viên có trình độ cao và phương pháp giảng dạy hiện đại. Nhiều giáo viên vẫn chưa được đào tạo đầy đủ về kỹ năng sư phạm và khả năng sử dụng ngoại ngữ, dẫn đến việc giảng dạy không hiệu quả.

“Cơ sở vật chất còn chưa được đảm bảo. Nhiều trường học vẫn thiếu trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ, như phòng học đa phương tiện, thiết bị nghe - nhìn, tài liệu học tập. Hệ thống giáo dục hiện tại vẫn còn nặng về thi cử, dẫn đến việc học sinh có thể chỉ học để thi mà không thực sự phát triển kỹ năng giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ trong thực tế” - cô Vân Anh phân tích.

Chuyển giao thẩm quyền có thể dẫn đến thiếu đồng bộ trong triển khai

Theo Khoản 3, Điều 10 của dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục, có nêu: Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện phê duyệt Đề án tổ chức dạy và học bằng tiếng nước ngoài của các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý.

Như vậy, thẩm quyền phê duyệt được chuyển từ Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (theo Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg) sang Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện.

Đánh giá về nội dung này, cô Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ: “Việc chuyển thẩm quyền phê duyệt Đề án như vậy là một bước đi quan trọng trong việc quản lý và triển khai giáo dục ngoại ngữ tại địa phương”.

Theo đó, cô Vân Anh chỉ ra ưu điểm của việc chuyển thẩm quyền này đem lại có thể bao gồm:

Thứ nhất, việc chuyển giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện có thể giúp tăng cường tính chủ động và linh hoạt trong việc triển khai các Đề án dạy và học ngoại ngữ, phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng địa phương.

Thứ hai, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện có cái nhìn sâu sắc hơn về tình hình giáo dục, nhu cầu và điều kiện thực tế của các trường học trong khu vực, từ đó có thể phê duyệt các Đề án phù hợp, nhanh chóng hơn.

Thứ ba, việc Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện phê duyệt có thể thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, bao gồm phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học và các tổ chức giáo dục khác, tạo ra một hệ thống giáo dục đồng bộ và hiệu quả hơn.

Thứ tư, việc Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện tham gia vào quy trình phê duyệt có thể nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý và phát triển giáo dục ngoại ngữ.

ad-4nxcd-lrx9uhfkhfkmrasp6lkwvugqhpdy-zjr-opjm3fkdu8jnncidkbunsjpggrqu8wpksa4dbergomprcad3bojxhhykemqjrv-5ttxwbus5zgj2ugzc0859pdpgznsurgs4uo50vcudn50oxtxygng7sr-9042.jpg
Cô Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng (thành phố Hải Phòng). Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, cô Vân Anh cũng đề cập đến những điểm hạn chế như: Việc chuyển giao thẩm quyền có thể dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong việc triển khai các đề án giữa các quận, huyện khác nhau, nếu không có hướng dẫn và quy định rõ ràng từ cấp trên. Hơn nữa, một số Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện có thể thiếu chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục, dẫn đến việc phê duyệt các Đề án không phù hợp hoặc không hiệu quả.

Tại Điều 5 của dự thảo có nêu: Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 4, giáo viên trung học phổ thông phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Thầy Dương Xuân Bình đánh giá, nội dung này là phù hợp trong điều kiện hiện nay và cũng cụ thể, rõ ràng hơn so với Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trước đó. (Theo Quyết định này: Giáo viên phổ thông phải có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tối thiểu cao hơn 2 bậc so với yêu cầu năng lực ngoại ngữ đối với học sinh đạt được sau khi học xong cấp học, tính theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương). Quy định cũ chưa được rõ ràng, bởi trình độ năng lực ngoại ngữ của học sinh ở mỗi vùng miền là khác nhau. Nếu chỉ đánh giá chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tối thiểu cao hơn 2 bậc so với học sinh thì sẽ gây ra tình trạng chênh lệch đánh giá, kiểm tra năng lực giữa mỗi cơ sở giáo dục”.

Mặc dù vậy, qua thực tiễn quá trình thực hiện chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, cho thấy, việc giáo viên trung học phổ thông có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 là một khó khăn khá lớn.

Bên cạnh đó, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh, đội ngũ giáo viên để có thể dạy học bằng ngoại ngữ, cần đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ, trong khi mức lương được chi trả lại khiêm tốn và không có chế độ ưu đãi tương xứng.

Cần đẩy mạnh hợp tác, tạo môi trường sử dụng ngoại ngữ trong trường học

Để cải tiến trình độ ngoại ngữ của giáo viên và học sinh trong các cơ sở giáo dục, tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, có nêu rõ nhiệm vụ: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới”.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng cho biết: “Để thực hiện tốt yêu cầu này, khó khăn lớn nhất là kinh phí; trong đó, có kinh phí để giao lưu, liên kết và kinh phí để có thể đưa giáo viên từ các cơ sở giáo dục nước ngoài về giảng dạy tại trường. Nếu chỉ dừng lại ở việc giao lưu thì chưa tác động nhiều đến chất lượng giảng dạy. Đồng thời, các thủ tục hành chính có thể gặp rắc rối do khác biệt về văn hóa giáo dục”.

GDVN_TA.JPG
Ảnh minh họa: M.T.

Bên cạnh đó, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh chia sẻ thêm: “Để khuyến khích các cơ sở giáo dục trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới, theo tôi, khó khăn lớn nhất là cơ chế, chính sách.

Hiện nay, thủ tục tiếp nhận viện trợ tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh đang được quy định theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ: “Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức nước ngoài dành cho Việt Nam” và Quyết định số 15/2023/QĐ-UBND ngày 16/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc “Quyết định ban hành quy chế và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”.

Tuy nhiên, quá trình Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đồng ý phê duyệt chủ trương xây dựng dự án/phi dự án còn mất nhiều thời gian. Trong khi dự án của các tổ chức nước ngoài thường triển khai tiến độ theo năm tài chính. Điều này làm mất đi cơ hội tiếp nhận dự án, làm mất niềm tin đối với bên cung cấp viện trợ”.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, từ năm 2022 đến nay, Sở đã hướng dẫn Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Lê Kha làm đề nghị tiếp nhận trợ giảng Tiếng Anh Fulbright theo Thư giới thiệu hằng năm về chương trình Trợ giảng Tiếng Anh Fulbright từ Chương trình Fulbright tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa được Đại sứ quán Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Hà Nội chấp thuận.

Ngoài ra, vị Giám đốc Sở bày tỏ, việc mời các chuyên gia, tình nguyện viên quốc tế về làm việc tại địa phương gặp nhiều khó khăn về thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy phép lao động, cơ chế quản lý người nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh,… Chế độ đãi ngộ và các chính sách ưu đãi hiện nay chưa thu hút được đội ngũ chuyên gia về làm việc tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Từ những khó khăn trong thực tiễn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh đề xuất một số giải pháp hiệu quả để việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, liên kết giáo dục đào tạo với nước ngoài triển khai thuận lợi. Cụ thể như sau:

Một là, rà soát và hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hợp tác và đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; rà soát cơ chế, chính sách để thu hút các chuyên gia, tình nguyện viên quốc tế, các quy định về tiêu chuẩn, bằng cấp của giáo viên nước ngoài giảng dạy tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Hai là, đẩy mạnh hợp tác, tạo môi trường sử dụng ngoại ngữ trong nhà trường. Chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, trong đó ưu tiên các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác thường xuyên; thúc đẩy hợp tác với các nước có nền giáo dục chất lượng hàng đầu thế giới. Đẩy mạnh việc ký kết và triển khai hiệu quả các thỏa thuận, dự án và các chương trình học bổng thuộc diện sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học; đổi mới quản lý, chương trình và phương pháp giảng dạy; hoạt động đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế.

Bốn là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh nhận thức về hội nhập quốc tế; tổ chức bồi dưỡng định kỳ về chuyên môn nghiệp vụ về hội nhập quốc tế cho sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo và các cơ sở giáo dục phổ thông.

Quỳnh Nguyễn