Chuyên gia XHH hàng đầu 'mổ' hiện tượng Hồng Hà, Mỹ Xuân

14/06/2012 06:35
Tuệ Minh
(GDVN) - Các chuyên gia xã hội học hàng đầu mổ xẻ nguyên nhân sâu xa của việc nữ sinh, người mẫu, hoa hậu bán dâm đang gây xôn xao dư luận.
Hàng loạt vụ hoa hậu, người mẫu, nữ sinh các trường đại học đi bán dâm với nhiều lý do khác nhau đã khiến dư luận rúng động. Gần đây nhất là đường dây mại dâm do Hoa hậu Nam Mê Kông Võ Thị Mỹ Xuân đã bị bóc gỡ. Nhằm tìm ra đáp án cho câu hỏi: “Điều gì đã khiến những người được coi là có tương lai sáng lạn này dấn thân vào con đường ô nhục như vậy?”, phóng viên Giáo dục Việt Nam đã tìm đến các chuyên gia xã hội học.

Mỹ Xuân đang bị tạm giam vì môi giới và bán dâm nghìn USD.
Mỹ Xuân đang bị tạm giam vì môi giới và bán dâm nghìn USD.

Không nhiều nữ sinh bán dâm vì khó khăn về kinh tế
Chuyên gia xã hội học - PGS.TS Nguyễn An Lịch lý giải: “Trước tiên cần phải khẳng định rằng đó là vấn đề rất lớn, gây tác hại nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân có thể lý giải hiện tượng đó ở đây là sự ăn chơi, đua đòi, không muốn lao động vất vả mà lại có thể kiếm được nhiều tiền một cách dễ dàng”.

“Điều đáng báo động là hiện tượng đi bán dâm cũng xuất hiện ngày càng nhiều ở giới sinh viên. Có 2 loại đối tượng, khó khăn về kinh tế cũng có nhưng phần lớn là vì ăn chơi đua đòi muốn có nhiều tiền. Nguyên nhân của hiện tượng này từ việc bản thân những sinh viên đó do đua đòi mà sa đọa vào con đường ăn chơi, do gia đình và nhà trường buông lỏng quản lý. 

PGS.TS Nguyễn An Lịch
PGS.TS Nguyễn An Lịch

Đặc biệt nhiều nhà trường dửng dưng trước sự việc này. Sinh viên các khối tự nhiên đi bán dâm ít lắm nhưng lại không ít sinh viên khối xã hội và nhân văn đi bán dâm rất nhiều. Nguyên nhân sau xa của việc này cũng một phần xuất phát từ những trang web khiêu dâm trên mạng. Đó là thứ “văn hóa” đồi trụy. Tôi nhấn mạnh rằng giáo dục trong nhà trường về vấn đề này là rất quan trọng”, TS Lịch nói.

Cùng quan điểm với PGS.TS Nguyễn An Lịch, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Trước đây mại dâm là từ ngữ được dùng cho nhóm yếu thế để kiếm sống nhằm đảm bảo mức sống ở mức tối thiểu. Nhưng hiện nay, trong xã hội ta lại lại rộ lên hiện tượng đó là người đẹp, người mẫu, nữ sinh viên dấn thân vào con đường nhơ nhuốc đó để kiếm sống. Điều đó gọi là xu hướng thì có thể mang tính to tát quá, nhưng nó cho thấy hành vi thác loạn như thế cốt kiếm được tiền. Đó là một lối sống của tinh thần vị kỷ lên ngôi.

Hầu hết những người đó không phải nghèo khó mà người ta đã tự biến mình thành miếng mồi ngon cho giới đại gia (những khách hàng mua dâm cao cấp – có đủ tiền để trả) để có được nhiều tiền nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân “phong phú và đa dạng” thậm chí là để đạt được mục đích thăng tiến của mình.  Đó là một sự lệch lạc và tha hóa. Cái đáng lên án của bộ phận này là ở chỗ đó”.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình phân tích: “Có thể có nhiều nguyên nhân. Ở đây nếu đặt ra vấn đề về giáo dục thì có thể những bài giảng ở tầm vĩ mô đã không với tới được những cá nhân loại này. Họ không cần đến câu “đói cho sạch, rách cho thơm” mà họ cần thảo mãn đời sống nhiều tiền, nhiều của. Khi giới này nhiều tiền lên thì nó tỷ lệ nghịch với sự lành mạnh và trong sáng. Từ đó ta có thể thấy được điều gì đó bất ổn từ tầm xã hội vĩ mô. Dù xã hội văn minh phát triển lên không đồng nghĩa với việc tiêu diệt được tất cả các thứ tệ nạn này nhưng rõ ràng một tinh thần vị kỷ cùng chủ nghĩa tiêu dùng đang có tính chất mỗi ngày một phổ quát hơn. Đó là một sự đáng báo động trong giới trẻ về nhân cách”.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình
PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Ngăn ngừa chưa tốt, luật pháp chưa nghiêm

Khi được hỏi về nguyên nhân khách quan của hiện tượng này, chuyên gia Trịnh Hòa Bình cho biết: “Trong thế giới mở, tất nhiên những vấn đề như mại dâm, ma túy cũng có ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, ma túy, mại dâm được xem là hàng “bán kèm” của việc xã hội phát triển hiện đại chứ bản thân hiện tượng này không hẳn là ảnh hưởng từ xã hội nước ngoài đưa vào. Thậm chí là những nước Á Đông như Trung Quốc và Hàn Quốc cũng có những hiện tượng như ở nước ta. Điểm nhấn ở đây là cái lối sống bất chấp mọi giá để thu nhập cao.

Xung quanh câu chuyện “dùng vốn tự có” để thỏa mãn cái tôi tầm thường thì đó là một sự băng hoại đạo đức. Những người dân thân vào con đường ô nhục này thì họ khong quan tâm đến vấn đề đạo đức mà họ chỉ quan tâm đến giá trị tuyệt đối mà họ thu được để “cải thiện đời sống”.
Nói về các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu hiện tượng được coi là một sự lệch chuẩn này, ông Bình cho biết: “Bài toán này của xã hội đặt ra với các xã hội kể cả phương Đông và phương Tây. Phương Tây có thể cởi mở nhưng họ rất nhiêm khắc về mặt lề luật, tư duy pháp luật của họ rõ ràng hơn. Ở ta, ranh giới giữa cái lệch chuẩn với tội phạm là rất mờ. Và điều đó làm cho công tác phòng chống tội phạm kiểu này ít hiệu quả. Điều đó cho thấy, sự ngăn ngừa của chúng ta chưa tốt và việc thực hiện pháp luật của chúng ta vẫn chưa nghiêm.
Để ngăn ngừa tốt nhất thì câu chuyện pháp luật và ý thức pháp luật phải được đặt ra mạnh mẽ hơn nữa. Đi đôi với pháp luật là giá trị sống, tính hướng đích đặt ra cho giới trẻ đặc biệt là bộ phận nữ sinh viên, người mẫu là một bài toán đối với cả xã hội. Theo tôi việc đưa vào các trại phục hồi nhân phẩm là không có ý nghĩa. Đó chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa” vì sau đó họ trở lại xã hội, họ lại tiếp tục như vậy. Về mặt xã hội, câu chuyện giáo dục cần phải được xem trọng, từ thiết chế gia đình cho đến luật pháp. Phải quy ra án và có mức xử phạt thích đáng và có giáo dục răn đe”. 
Tuệ Minh