Danh hài Hoài Linh: Khán giả đưa anh lên thì cũng có thể đẩy anh xuống vực

13/01/2015 13:33
Lê Vân
(GDVN) - "Nếu khán giả có thể đưa anh lên thì khán giả cũng là người đẩy anh xuống được nên tôi nghĩ mình cứ sống y như mình từ xưa tới giờ...", Hoài Linh chia sẻ.

Sinh năm 1969 trong một gia đình trước đó không có ai hoạt động nghệ thuật, đến với nghề cũng tình cờ như một cơ duyên, trải qua hơn 20 năm với nghiệp diễn Hoài Linh đã trở thành danh hài nổi tiếng nhất nhì của Việt Nam với lượng người hâm mộ đông đảo, với nhiều tầng lớp xã hội đặc biệt là tầng lớp bình dân.

Hoài Linh để lại ấn tượng với khán giả đặc biệt qua những vai giả gái duyên dáng, hay những vai diễn hài hóm hỉnh, mang lại tiếng cười cùng với những thông điệp ý nghĩa…

Danh hài Hoài Linh
Danh hài Hoài Linh

Qua những năm tháng tuổi thơ lăn lộn bươn chải với nhiều nghề từ bán trái cây, bán trà đá… để phụ giúp cho gia đình phần nào cải thiện cuộc sống, những ngày làm “thông dịch viên” bất đắc dĩ cho bà ngoại và mẹ khi ở vùng kinh tế mới đã trở thành những kinh nghiệm quý cho sự nghiệp diễn xuất sau này của anh… Không được đào tạo qua trường lớp diễn xuất nào, nghề diễn đến với Hoài Linh như một ơn huệ được ban từ ơn trên và Tổ nghiệp.

Trong chương trình “Lần đầu tôi kể” mới đây, xuất hiện với tư cách là vị khách mời đặc biệt, danh hài gốc Quảng Nam đã chia sẻ cùng khán giả những kỷ niệm về tuổi thơ của mình, và những kỷ niệm những ngày đầu bén duyên với nghệ thuật…

- Không hiểu tại sao Hoài Linh là gương mặt khiến rất nhiều khán giả mê mệt và cuồng nhiệt đến thế?

Hoài Linh: Tôi cảm thấy trong nghề mình có được sự may mắn giống như được ông Trời sắp xếp cho mình vậy. Tới giờ này khi đã nổi tiếng hai mấy năm, nhiều khi ngủ giật mình không biết tại sao mình nổi tiếng? Ngoài việc mình không được học qua trường lớp… mình còn nghĩ về tâm linh hơn đó là nghề chọn mình, và nghề đã chọn mình thì quyết theo đuổi đến cùng còn chuyện nổi tiếng hay nhận được sự yêu thương đó là do khán giả.

- Nếu nói về Hoài Linh đó là một câu chuyện khá dài của một người từ Khánh Hòa vào Biên Hòa - Đồng Nai rồi qua Mỹ thành danh và trở về Việt Nam. Có vẻ như Hoài Linh đã trở thành thần tượng của rất nhiều thế hệ?

Hoài Linh: Công việc của tôi gắn liền với nhiều cấp độ tuổi khác nhau ở nhiều tầng lớp xã hội. Mình vui vì bây giờ khi ra đường các cháu nhỏ vẫn biết và gọi tên mình, vì lớp nhỏ đó mà còn thương mình thì chắc mình sẽ sống được thêm chục năm nữa (cười). Những khán giả của Hoài Linh là ông bà, anh chị cũng rất nhiều. Tôi cảm ơn Ơn trên Tổ nghiệp đã cho mình sự yêu thương của khán giả, vì mình nghĩ người nghệ sĩ sống như cây tầm gửi, sống nhờ vào sự thương yêu của khán giả, nếu không có khán giả chắc sẽ không bao giờ làm nên tên tuổi một người nghệ sĩ, và tôi nghĩ đó là cái nợ của khán giả dành cho mình và cái nợ của mình dành cho khán giả.

Thực tình khi bước vào nghề này tôi không xác định lấy nó làm công việc để sống, nó không phải là cái nghề mà chỉ là cái nghiệp thôi. Khi mình đã đeo mang rồi thì mình phải cố gắng. Khán giả của ai cũng có, tuy nhiên để có sự yêu thương, sự gần gũi thì do người nghệ sĩ quyết định. Nếu khán giả có thể đưa anh lên thì khán giả cũng là người đẩy anh xuống được nên tôi nghĩ mình cứ sống y như mình từ xưa tới giờ thì có lẽ tình cảm của khán giả dành cho mình vẫn tốt hơn.

- Có thể Hoài Linh đã hóa thân vào được nhiều dạng nhân vật đa dạng từ trẻ đến già, nam, nữ cho nên lượng khán giả cũng đa dạng, anh có nghĩ như thế không?

Hoài Linh: Cái đó cũng có, vì với những khán giả ở vùng sâu vùng xa hay ở miền quê thì mình có kịch khác, còn đối với những khán giả ở trên thành thị mình có vai diễn khác, đó là những cái sau này mình thu thập được thôi. Thời gian sau này tôi hay đi diễn tỉnh, xa xôi bao nhiêu mình cũng đi, đi để gặp được khán giả để tôi nói lời cảm ơn. 

Trước đó mình đã nói nhiều trên sóng truyền hình điều đó rồi nhưng tôi vẫn cảm thấy đó vẫn chưa phải là cái mà mình nói với khán giả. Tôi thích đi vùng sâu vùng xa mặc dù rất cực để nói lời cảm ơn với khán giả, mặc dù họ ở xa, chưa bao giờ được gặp mình nhưng họ vẫn ủng hộ. Đó là điều khiến mình rất hạnh phúc.

- Nhìn gương mặt Hoài Linh so với nhiều năm về trước vẫn không thay đổi nhiều, có đôi mắt hình như thiếu ngủ?

Hoài Linh: Tôi bị mất ngủ kinh niên, phải uống thuốc mới ngủ được nhưng người thân, bạn bè, anh em và fan cũng khuyên đừng nên uống thuốc ngủ nhiều vì sợ ảnh bưởng đến trí nhớ và thần kinh nên tôi cũng đã bớt lại, nhưng bớt lại thì cảm thấy khó ngủ, trằn trọc và ngủ không được thẳng giấc. Tới giờ khoảng 7 giờ sáng là thời điểm mình ngủ ngon thì lại giật mình dậy đi làm. 

- Hoài Linh ngủ không được là do sức khỏe, hay là vì lo cho cuộc sống, cho công việc nhiều quá?

Hoài Linh: Không, vì trước kia tôi hay bay tới bay lui bị thay đổi múi giờ liên tục, tôi cũng là người hay suy nghĩ nên từ đó bắt đầu bị mất ngủ, sau đó thành nếp rồi. Có thời gian tôi đã bỏ được thuốc ngủ nhưng bỏ thì ngủ không ngon. Bác sĩ cũng đã nhiệt tình giúp đỡ, và cũng đã uống các thuốc, có thời gian ngủ được trở lại nhưng sau đó do công việc nhiều nên mình lại mất ngủ. 

Mình là người sống nội tâm nên hay suy nghĩ lắm, nếu anh sống tình cảm, thấy ai mình cũng quý cũng thương, thì từ đó mình phải lo nên khổ ̣(cười). Tôi nghĩ trong cuộc sống mình với họ phải có duyên có nợ với  nhau mới gặp được nhau và lo lắng cho nhau được.

Tôi vô nghề này không có sự tính trước hoặc là do nghề của gia đình truyền thống cha truyền con nối mà là một tay ngang. Vào nghề rất bất ngờ đến nỗi gia đình cũng không ngờ được, ngày đó mình vào nghề chỉ vì ham vui thôi.

Tôi quê gốc ở Quảng Nam, được sinh ra tại Khánh Hòa, sau năm 1975 được bảy tuổi vô Đồng Nai ở ngã ba Dầu Giây. Tuổi thơ không có gì gọi là dữ dội nhưng tôi thích cho nó dữ dội thôi (Cười). Tôi là người hiếu động, từ nhỏ đã thích đi làm, lăn lộn bươn chải, ai làm gì mình làm theo cái đấy, từ việc hái rau, bắt ốc, nhảy tàu lửa bán bến xe, đến bán chôm chôm, bán mít, trà đá… 

Ngày đó khu tôi ở giống như vùng kinh tế mới, người các miền tập trung về ở, mẹ tôi làm y tá hộ sinh, làm cô đỡ đẻ cho mọi người, người này tới nói giọng này, người kia nói giọng khác nên mình bắt chước để thông dịch cho bà nội, bà ngoại. Thông dịch qua lại thành quen các giọng Quảng Bình, Nghệ An… Tôi cũng không nghĩ sau này nó vận vào trong cuộc sống và nghề của mình, vậy nên khi tôi nói tiếng của miền nào khán giả miền đó sẽ không thấy phản cảm vì nói gần với họ quá. Những từ lóng, dân dã, những từ cũ nhất tôi cũng đi sưu tập thêm để nói cho gần gũi với họ.

- Thời học sinh của Hoài Linh chắc có nhiều niềm vui?

Hoài Linh: Từ Dầu Giây, tôi đi học mất 15 cây số, đi về 15 cây số. Khi nào khỏe thì đạp xe đạp, còn khi nào mệt thì đạp không nổi vì khi đó người tôi nhỏ xíu, không ai nghĩ bây giờ cao được mét bảy, học từ nhỏ đến lớn toàn đứng hàng đầu. Cấp 1, cấp 2 thì học được hơn, khi lên cấp 3 mình ham đi làm, đi buôn đi bán hơn.

- Hồi đó Hoài Linh muốn đi kiếm tiền cho gia đình hay chỉ muốn được đi làm thôi?

Hoài Linh: Tôi muốn đi kiếm tiền phụ cho gia đình, thời đó khó khăn bao cấp mà, đi buôn bán chẳng lãi được bao nhiêu nhưng cứ gom góp vào. Cứ mùa hè mình mới tranh thủ đi bán ở trạm kiểm soát cách nhà gần 2 cây số, bán các loại trái cây mùa nào thức nấy từ chôm chôm, mít, cả bán trà đá… Còn những ngày đi học thì khi đi học về, ăn cơm xong bỏ sách vở đó chạy ra ruộng để bắt cá, bắt cua, hái rau… Những công việc ở làng quê mình làm được hết vậy nên tới giờ dù có cực khổ như thế nào tôi vẫn cảm thấy bình thường vì tất cả những nghề đã trải qua hết rồi, không có gì có thể khó khăn cực khổ hơn được. 

Thực ra mẹ không muốn điều này, mẹ muốn tập trung cho con cái đi học nhưng xung quanh bạn bè đều đi làm như thế mà mình ở nhà thấy không vui. Đầu tiên đi làm vì ham vui nhưng sau đó thấy có đồng ra đồng vào cũng thích, mẹ la cấm nhưng thấy mẹ cực quá nên vẫn đi. Từ những khó khăn đó sau này đã cho tôi nhiều kinh nghiệm.

- Ngày đầu tiên anh kiếm được tiền là từ bán gì?

Hoài Linh: Bán chôm chôm. Lúc đó không có vốn liếng nhưng nhờ lanh lợi trèo cây nên đi hái giùm chôm chôm cho người ta. Hái chôm chôm có những trái chôm chôm chưa chín thì được chủ vườn cho, sau đó mình mang bán. Kiếm được những đồng tiền không dễ dàng gì mình cảm thấy rất vui và đáng quý. Khi 14, 15 tuổi  đã biết suy nghĩ rồi thì gom góp những tiền lời để khi hết hè mua tập vở cho  mình và 2 đứa em nữa, như thế là mẹ cũng đỡ lo được chút rồi.

- Lúc đi học, Hoài Linh có tham gia văn nghệ ở trường không?

Hoài Linh: Mình tham gia hoạt động văn nghệ ở trường từ nhỏ, cũng đi thi, đạt giải và tham gia theo phong trào chứ không nghĩ mình thích cái đó.

- Hoài Linh có thần tượng là ca sĩ hay các nghệ sĩ cải lương nào không?

Hoài Linh: Có chứ, tôi mê Tiếng trống Mê Linh của nghệ sĩ Thanh Nga và nghệ sĩ Thanh Sang. Sau này lớn lên thích chị Lệ Thủy, Minh Vương… Về dân ca thích chị Hương Lan và Bảo Yến.

Có thời gian chờ xuất ngoại, Hoài Linh đi học tiếng Anh ở Nha Trang, có cuộc thi Tiếng hát thành phố, các anh em mới đăng ký thi và đoạt giải, sau đó  mấy anh em đi uống nước mía ở bãi biển Nha Trang và gặp anh Thanh Lộc (trong nghề gọi anh Lộc mập), anh thấy mấy anh em nói chuyện qua lại thấy vui anh nói hay vô đoàn hát, lúc đó tôi cũng rảnh nên mới vô đoàn. Tôi vào đoàn ca múa nhạc Ponaga Khánh Hòa, sau đó chuyển sang đoàn Đăk Lak, rồi tăng cường cho bên Hải Đăng, thời điểm đó cũng chịu chạy "sô" lắm (Cười) đi diễn chung với chị Siu Black, anh Y-Moan khi đó chưa có ai nổi cả.

Khi đó không phải mình đam mê nghề này mà do đi học buồn quá được anh Lộc rủ nên đi làm đi chơi cho vui thôi. Khi bước chân vào nghề cũng bất ngờ vì tưởng anh Lộc rủ vào đoàn chơi thôi nhưng không ngờ lại vào thật. Sau đó đi làm mình cũng thích vì được đi đây đó. Đầu năm 1993 Hoài Linh nghỉ làm.

- Có ai khen Linh hát hay diễn giỏi khi được bày cho diễn tấu hài không?

Hoài Linh: Khi về đoàn lúc đầu Linh chỉ hát, sau đó đoàn giải thể, các diễn viên được chia về các đoàn. Sau đó anh Lộc rủ mình làm nhóm hài vì thiếu người. Vì được diễn với các anh chị được đào tạo bài bản nên mình cũng được hướng dẫn chỉ bảo nhiệt tình và học hỏi từ đó. Lú đó gia đình cũng không chú tâm vào năng khiếu nghệ thuật hát hò của con cái đâu, nếu anh là con nhà nòi thì anh sẽ để ý xem con có năng khiếu nghệ thuật gì không để bồi dưỡng nhưng với gia đình mình không có chút mảy may liên quan đến nghệ thuật, gia đình, bạn bè cũng không bao giờ nghĩ mình sau này lại theo nghệ thuật.

- Cảm ơn Hoài Linh về buổi trò chuyện!

Lê Vân