Đừng để một cái Tết mất vui vì phong bao lì xì

19/01/2020 06:24
Phan Tuyết
(GDVN) - Mỗi phong bao lì xì trẻ khoảng 10 ngàn, 20 ngàn tiền mới là được. Và với việc lì xì như thế, chỉ cần bọc túi một hai triệu đồng là đi chơi hết mùa Tết vẫn vui.

Ai cũng hiểu mục đích của chuyện lì xì (có nơi gọi mừng tuổi) là mang đến điều may mắn, tốt đẹp cho con trẻ nhân dịp đầu xuân năm mới.

Lì xì trẻ nhỏ chỉ nên bỏ phong bì 10 ngàn hoặc 20 ngàn là được (Ảnh minh họa Báo Giáo dục và thời đại)
Lì xì trẻ nhỏ chỉ nên bỏ phong bì 10 ngàn hoặc 20 ngàn là được (Ảnh minh họa Báo Giáo dục và thời đại)

Vì vậy, ý nghĩa tốt đẹp ấy không nằm ở giá trị vật chất (tiền nhiều hay ít) của phong bao lì xì mà nằm ở giá trị tinh thần: Năm mới nhận được lời cầu chúc may mắn sẽ hên và hanh thông cả năm.

Thế nhưng, không ít cha mẹ chưa thật sự quan tâm đến chuyện này nên đã để những đứa trẻ ngây thơ trở nên so đo tính toán, so bì hơn kém chạm vào lòng sĩ diện của không ít người đang mang đến điều tốt đẹp cho chính họ.

Cô chú lì xì gì mà keo thế?

Sau buổi đi thăm bà con bên chồng về, cô em họ mặt buồn so vào phòng nằm lì trong đó. Khi chúng tôi hỏi chuyện, cô em mới bức xúc kể lại. Thì ra, mọi chuyện đều xuất phát từ chiếc phong bao lì xì.

Do hai vợ chồng mới cưới nên em tôi phải cùng chồng đi thăm hết bà con trong dòng họ. Thăm nom vào dịp Tết phải chuẩn bị khá nhiều phong bao, tiền mừng tuổi người già, tiền lì xì con trẻ.

Đừng để một cái Tết mất vui vì phong bao lì xì ảnh 2
Chú chưa lì xì cho con - câu chuyện buồn ngày Tết

Vốn kinh tế cũng chẳng dư giả gì nên phong bao cho người lớn để 100 ngàn, còn của trẻ nhỏ chỉ có 20 ngàn.

Mừng tuổi người lớn không sao vì các ông các bà đều cười vui vẻ và nói lời cảm ơn vợ chồng em chu đáo.

Nhưng rắc rối ở đám trẻ nít. Vừa thấy bóng dáng vợ chồng cô em đến sân, đám trẻ đang chơi quanh đó chạy tới bu quanh như vẻ đứng chờ.

Chưa kịp đưa phong bì, có đứa còn lên tiếng nhắc nhở: “Cô chú lì xì tụi con đi chớ!”. Từng chiếc phong bao được đưa ra cùng lời chúc năm mới chăm ngoan, học giỏi.

Hình như không quan tâm đến những lời chúc ấy, đám trẻ xé toạc chiếc phong bao cầm lên tờ 20 ngàn, có đứa bĩu môi nói: “Có 20 ngàn thôi bay, cô chú lì xì gì mà keo thế?”.

Rồi vài đứa trẻ khác cũng đồng thanh lên tiếng làm cô em ngượng chín mặt với nhà chồng. Hết cả buổi sáng, cô em bị đưa vào tình cảnh ấy cũng vài lần như vậy. Ông chồng chẳng thông cảm lại quay qua trách vợ: “Đã bảo bỏ tờ 50 ngàn thì lại cứ tính toán nên mới ra nông nổi ấy”.

Thế là rút kinh nghiệm, cứ cô vợ lì xì trước, anh chồng lại lì xì sau. Vì thế, số tiền dự kiến cho chuyện lì xì không còn như dự định ban đầu mà em tôi vẫn bị mang tiếng là keo kiệt.

Nên dạy cho con trẻ ý nghĩa về chuyện lì xì

Đừng để một cái Tết mất vui vì phong bao lì xì ảnh 3
Dạy con cách nhận tiền lì xì sao cho đẹp

Vì chuyện lì xì mà không ít người đã chẳng dám đi chơi Tết. Có người lại bực bội, buồn rầu cả mấy ngày Tết.

Chuyện lì xì tiền nhiều hay ít còn tùy thuộc vào  điều kiện, hoàn cảnh gia đình của từng người.

Thế nên người lớn cần giáo dục con em mình về ý nghĩa của việc lì xì để trẻ nhỏ biết tôn trọng người đang chúc cho mình nhiều điều may mắn như việc không bao giờ các con tự mở phong bao mỗi lần nhận được.

Không bàn tán tiền nhiều hay ít, không chê bai với thái độ coi thường. Khi được lì xì, các cháu cần vòng tay cảm ơn cùng lời chúc may mắn cho người vừa chúc mình rồi bỏ phong bao vào túi.

Để tránh mang phiền não vào người, mỗi người lớn chúng ta cũng không nên lì xì trẻ với số tiền khá lớn để làm khó cha mẹ có con vừa nhận lì xì.

Không ít người cảm thấy áy náy, người lì xì sau phải lì xì nhiều hơn người trước. Và áp lực của việc lì xì cũng sinh ra từ đây.

Vậy nên, mỗi phong bao lì xì trẻ khoảng 10 ngàn, 20 ngàn tiền mới là được. Và với việc lì xì như thế, chỉ cần bọc túi một hai triệu đồng là đi chơi hết mùa Tết vẫn vui.  

Phan Tuyết