Kêu gọi điều tra bộ ảnh thời trang lấy cảm hứng từ vụ hiếp dâm tập thể

08/08/2014 08:08
Lê Vân
(GDVN) - Sau khi đăng tải loạt hình thời trang được chụp trên xe buýt lên mạng, nhiếp ảnh gia người Ấn Độ đã gặp phải vô số những lời chỉ trích đến từ cộng đồng mạng.

Bộ ảnh của nhiếp ảnh gia người Ấn Độ, Raj Shetye có tên “The Wrong Turn” xuất hiện trên mạng internet những ngày gần đây, đã gây ra làn sóng phẫn nộ của cộng đồng mạng. Sau khi nhận những lời chỉ trích dữ dội, nhiếp ảnh gia đã gỡ bỏ bộ ảnh, tuy nhiên những hình ảnh đó cũng xuất hiện trên nhiều các phương tiện truyền thông.

Trong loạt hình của  Raj Shetye mô tả hình ảnh của một phụ nữ Ấn Độ khoác trên mình bộ quần áo thuộc dòng thời trang cao cấp, bị một nhóm người đàn ông đụng chạm vào cơ thể, và cô gái đang cố gắng tìm cách chống lại những hành động của nhóm người kia. Bối cảnh chụp ở trên một chiếc xe buýt.

Bộ ảnh của nhiếp ảnh gia người Ấn Độ, Raj Shetye có tên “The Wrong Turn" gây phẫn nộ cộng đồng mạng Ấn Độ
Bộ ảnh của nhiếp ảnh gia người Ấn Độ, Raj Shetye có tên “The Wrong Turn" gây phẫn nộ cộng đồng mạng Ấn Độ

Sau khi đăng tải loạt hình này trên mạng, nhiếp ảnh gia đã gặp phải vô số những lời chỉ trích đến từ cộng đồng mạng tại Ấn Độ. 

Bởi người ta cho rằng, Raj đang cố ý gây shock khi lấy ý tưởng của bộ ảnh dựa vào một câu chuyện bi thảm về cô gái Ấn Độ bị hãm hiếp tập thể trên xe buýt từ 2 năm trước.

Cô gái sau đó đã qua đời và sự việc đã trở thành một trong những cuộc tranh luận gay gắt về việc phụ nữ bị hãm hiếp và bạo lực tình dục ở Ấn Độ trong thời gian đó.

Sự tương đồng trong buổi chụp hình thời trang với sự việc trên đã gây phẫn nộ trên các trang xã hội.

Nhiều cư dân mạng dùng những từ “kinh tởm”, “không thể hiểu nổi” để lên án người chụp và cả ekip chụp ảnh trên.

Bà Nirmala Samant, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ đã viết một bức thư cho cảnh sát trưởng kêu gọi một cuộc điều tra những bức ảnh trên.

"Bất kỳ người nào khi xem những bức ảnh cũng sẽ hiểu chúng chỉ để nhằm  tôn vinh bạo lực. Tôi cho rằng cần phải xử lý việc này vì đây không phải là tự do nghệ thuật, chắc chắn không phải", bà Samant nói.

Hồi cuối năm 2012  ở New Delhi, Ấn Độ, một nhóm sáu người đàn ông đã hãm hiếp nữ sinh viên vật lý trị liệu 23 tuổi, sau khi cô bị lừa lên một xe buýt tư nhân trên đường về nhà từ rạp chiếu phim. 13 ngày sau, cô gái đã qua đời vì những tổn thương.

Bốn người đàn ông bị kết tội và nhận án tử hình năm ngoái. Một người đã tự tử và chết trong tù. Và người chưa đến tuổi vị thành niên bị kết án tối đa là ba năm tù giam.

Các băng đảng hiếp dâm tại Ấn Độ là mối đe dọa lớn đối với phụ nữ ở đây, sau sự việc này  pháp luật đã cứng rắn hơn để ngăn chặn những kẻ hiếp dâm, mặc dù nhiều cuộc tấn công phụ nữ hàng ngày trên khắp đất nước vẫn tiếp tục được các báo đưa tin.

Sự tương đồng trong buổi chụp hình thời trang với sự việc cô gái qua đời vì bị hãm hiếp trước đó đã gây phẫn nộ trên các trang xã hội
Sự tương đồng trong buổi chụp hình thời trang với sự việc cô gái qua đời vì bị hãm hiếp trước đó đã gây phẫn nộ trên các trang xã hội

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Huffington Post, Shetye cho biết, các bức ảnh không có sự liên tưởng nào đến vụ việc hiếp dâm tập thể như cộng đồng mạng đã nhận xét. Anh nhấn mạnh mục đích của buổi chụp hình là để nâng cao nhận thức về vấn đề an toàn cho phụ nữ ở Ấn Độ.

Khi được hỏi lý do tại sao anh muốn nói lên điều này thông qua một buổi chụp hình thời trang, Shetye trả lời rằng đó là cách duy nhất anh biết.

"Là một nhiếp ảnh gia, phương tiện duy nhất tôi có thể giao tiếp là bằng hình ảnh. Đối với tôi, nó đơn giản như vậy. Đó là nghệ thuật. Làm phim, viết báo, hay làm một bài thơ đấy cũng  là những cách giải quyết vấn đề này. Là một nhiếp ảnh chụp hình  thời trang, thì đây là những gì tôi có thể làm tốt nhất.

Những tấm hình đó, tôi chụp để làm nổi bật những xung đột xã hội, xung đột giàu nghèo, phân biệt giới tính đối với một người phụ nữ ở Ấn Độ. Có nhiều người không nhìn vào thành quả lao động của người khác mà đã phẫn nộ, chửi bới, chỉ bởi a dua theo phong trào.  

Mọi người có quyền chỉ trích, nhưng họ chạy theo dư luận mà không cần xem xét, kiểm tra lại vấn đề…”, nhiếp ảnh gia cho biết thêm. Anh cảm thấy mục đích của mình đã bị công chúng hiểu sai lệch đi.

Shetye cho biết, các bức ảnh không có sự liên tưởng nào đến vụ việc hiếp dâm tập thể như cộng đồng mạng đã nhận xét.
Shetye cho biết, các bức ảnh không có sự liên tưởng nào đến vụ việc hiếp dâm tập thể như cộng đồng mạng đã nhận xét.
Nhiếp ảnh gia nhấn mạnh mục đích của buổi chụp hình là để nâng cao nhận thức về vấn đề an toàn cho phụ nữ ở Ấn Độ.
Nhiếp ảnh gia nhấn mạnh mục đích của buổi chụp hình là để nâng cao nhận thức về vấn đề an toàn cho phụ nữ ở Ấn Độ.

Raj Shetye là nhiếp ảnh gia tạo ấn tượng với những hình ảnh tinh tế. Anh là nhiếp trẻ tuổi nhất được làm việc với các thương hiệu quốc tế như Roda, Alviero Martini, tạp chí Elle, Harpers Bazaar…Sau khi tốt nghiệp ngành quảng cáo, anh tiếp tục theo học nhiếp ảnh tại Milan. Raj bắt đầu hành trình nhiếp ảnh của mình từ tuổi 12.

Nhiếp ảnh gia Raj Shetye
Nhiếp ảnh gia Raj Shetye
Lê Vân