Là người Việt lòng ta là Nguyên Đán

15/02/2019 06:06
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - Qua các trang thơ tôi đọc thấy những tấm lòng tha thiết tưởng nhớ quê hương của những người vì những lý do khác nhau mà chưa có một lần trở lại quê nhà.

Vừa qua, tôi có dịp làm việc tại Hoa Kỳ. Tôi có điều kiện đọc một số các báo và tạp chí tại đây.

Báo và tạp chí ở đây rất nhiều và được phát không tại các chợ, các cửa hàng của người Việt. Nhiều nhất là quảng cáo, cáo phó, báo hỷ và tin tức thế giới, trong nước.

Không có chuyện gì trong nước mà không có, nhất là những chuyện tiêu cực đã ít nhiều được thổi phồng thêm lên.

Tuy nhiên, qua các trang thơ tôi đọc thấy những tấm lòng tha thiết tưởng nhớ quê hương của những người đã có dịp về thăm đất nước và kể cả những người vì những lý do khác nhau mà chưa có một lần trở lại quê nhà.

(Ảnh minh họa: phunuvagiadinh.vn).
(Ảnh minh họa: phunuvagiadinh.vn). 

Nhân dịp Xuân về tôi xin phép trích đăng những vần thơ đầy tha thiết đối với quê hương của bà con đang sinh sống tại Hoa Kỳ:

Nếu mùa Xuân không đến/ Đâu biết mình nhớ thương/ Nhớ mùa Xuân quê cũ/ Ngày Tết đến xôn xao/ Thương mẹ già tóc trắng/ Ngóng trông con phương nào/ Ngày đi tóc còn xanh/ Bây giờ tóc đã bạc/ Mới hay đời mong manh (Bùi Quang Tuấn, Florida).

Sáng nay dường như nắng/ Cơn gió lặng heo may/ Có một người ở đây/ Tim bâng khuâng khép mở/ Có gì như nỗi nhớ/ Cứ làm buốt lòng em/ Len vào trong tâm tưởng/ Khi mỗi người mỗi phương/…Đất trời thì vui lắm/ Dường chỉ em buồn thôi (Hồ Thị Mỹ Hạnh).

Năm tàn nhớ kỷ niệm thời trai trẻ/ Gửi đến em… lưu lạc tận phương nào/ Hãy vui sống trong niềm hy vọng nhé/ Được một lần ta hội ngộ cùng nhau (Huy Đạo, Orlando).

Gửi cho em tình yêu thương mãi mãi/ Của muôn vạn người xa lánh quê hương/ Gửi cho em, tình anh mãi yêu thương/ Tình yêu Tổ quốc của người xa xứ (Song An Châu).

Tiếc thước chi kiếp đoạ đầy/ Dưới này lắm kẻ giơ tay níu Trời/ Tha hương đây có một người/ Đốt thơ gửi giáo lên Trời thăm mây (Phạm Tăng).

Là người Việt lòng ta là Nguyên Đán ảnh 2Tết Kỷ Hợi đến với Việt kiều trên khắp mọi miền Cộng hòa liên bang Đức

Đừng hỏi tôi sao Tết hay thường/ Ngồi nghe khúc nhạc điệu quê hương?/ Những khúc ca xưa, ngày Xuân cũ/ Để thoát ly xa những chán chường!

Buồn tôi viết mấy vần thơ/ Trăng chìm, Mây ngủ, gió giờ lặng im/ Thôi thì thơ gửi về tim/ Đêm về ru giấc đi tìm quê hương (Minh Sơn Lê).

Xứ lạnh xuân về tuyết trắng rơi/Lòng thêm vương vấn Tết quê người/ Xuân sang đất khách buồn khôn tả/ Đón Tết nơi này chẳng mấy vui/… Biết mấy năm rồi xa quê hương/ Mỗi lần Xuân đến lại thêm buồn/ Quê nhà nắng ấm mừng Xuân đến/ Đất khách vui gì, Tết vấn vương

…Hôm qua ngồi viết lại tình thơ/ Vẫn nhớ về em tuổi dại khờ/ Nhớ thuở ngày xưa tà áo trắng/ Công viên hò hạnh chuỗi ngày mơ (Nguyễn Vạn Thắng).

Đêm Noel sao lòng không yên tĩnh/ Tiếng chuông đời lắng đọng những âm ba/ Lời gió về lạnh buốt bài thánh ca/ Treo nỗi nhớ đỉnh đầu cây thánh giá (Phạm Tương Như, Houston).

Những năm dài, ôi tuổi mộng tiêu hao/ Đời chồng chất biết bao là nỗi khổ/ Nghe chồng chất trong trái tim đổ vỡ/ Nghe đau thương lắng xuống tự bao giờ/ Tiếng chuông ngân giữa hương chiều ngây ngất/ Xoa dịu hồn bao năm tháng bơ vơ (Nguyên Nhung, Houston).

Ta xa xứ bao năm, ừ xa xứ/ Thời gian trôi bạc trắng một đời người/ Ngó chừng lại, quê nhà xa tít tắp/ Mẹ già ta ai têm miếng trầu tươi (Trần Thanh Quang).

Cho tôi xin lại những ngày xưa/ Đông về trời đổ suốt tháng mưa/ Gió lùa lất phất từng cơn lạnh, Tay sưởi bàn tay mấy cho vừa/…Cho tôi xin đổi cả cuộc đời ? Để tôi được sống lại cho tôi/ Để tôi nắm lấy bàn tay ấy/ Chẳng để vuột đi suốt cuộc đời (Nguyễn Tú).

Mây trắng bay bay ở cuối trời/ Con nhìn, nhớ Mẹ, Mẹ hiền ơi/ Chiều nay trên bước đường phiêu bạt/ Bỗng thấy cô đơn giữa cuộc đời/ Ngày ngày hối hả, đêm thao thức/ Thương một thời tuổi trẻ đã qua/ Giữa Thu cứ ngỡ mùa Đông tới/ Đất lạ trời xa nỗi nhớ nhà/ Thương quá quên nhà chiều xuống chậm/ Tràn dâng nước mắt khóc quê hương/ Xa quá, nghìn trùng xa Tổ quốc/ Chất ngất niềm riêng, vạn nỗi buồn (Hoàng Yến).

Mây trắng bay vẫn bay/ Phương nào ai hay biết/ Tóc xanh giờ đổi thay/ Bạc màu buồn da diết/ Năm cũ rời giã biệt/ Thời gian vèo qua sông/ Lột vỏ từng tờ lịch/ Con chữ sầu bên trong/ Một cành đào nở sớm/ Xuân về người biết không/ Ngày mới hương xuân đượm/ Sao lệ chớm lưng tròng? (Nguyễn Lạc).

Là người Việt lòng ta là Nguyên Đán ảnh 3Người Việt tại Frankfurt Main – Cộng hòa liên bang Đức đón Xuân trở về nguồn cội

Tôi sẽ thắp hương trước mẹ cha/ Nghe lòng đau đớn nghĩa chia xa/ Ra đi mang nặng bao hoài bão/ Hiện tại chưa tròn, con xót xa/ Tôi sẽ hôn lên mắt mẹ già/ Thương từng sợi bạc trắng đông qua/ Mẹ ơi mỗi bước con lưu lạc/ Chờ gặp tình quê mắt mẹ già/

Tôi sẽ ôm chầm mỗi đứa em/ Trào dâng nỗi nhớ buốt qua tim/ Xa nhau thấm thía tình huynh đệ/ Mới hiểu vì sao hứa ruột mềm/ Từ lâu con chưa về thăm mẹ/ Con hiểu những gì mẹ đợi, em mong/ Con sẽ gắng, mẹ ơi đừng buồn nhé/ Một ngày vui, con ghi khắc trong lòng (Dương Ngọc Ánh (Georgia).

Những tưởng âm thanh chẳng có hương/ Trưa nay nghe tiếng gọi bên tường/ Tiếng con chim vịt bên tường gọi/ Ngát cả trời đầy hương cố hương/… Em vẫn là em gái Huế xưa/ Vẫn còn răng rứa, vẫn tê mô/ Con Sông Hương chảy trong dòng máu/ Chảy suốt đời người, đẹp lắm o/ Cùng với trăng lên nỗi nhớ nhà/ Đêm dài thăm thẳm, sáng bao la/ Chạnh thương đòi đoạn vườn dâu mẹ/ Nghe ấm vô lòng tiếng nói cha (Vi Khuê, Washington).

Nếu chẳng phải vì thay tờ lịch mới/ Chắc là con không biết có xuân sang/ Đời nước Mỹ tháng ngày qua quá chóng/ Chưa kịp xoay đã hết một năm tròn/ Bỗng sực nhớ đến lời ai đã nhắc/ Lại đi tìm câu nói dối cho xong/ Mười một mùa xuân miệt mài đất khách/ Con dối đi dối lại biết bao lần/ Năm mới đến con cũng già thêm tuổi/ Xa mẹ hiền một tuổi nặng bằng hai/ Tuổi nước Việt chất chồng lên quá khứ/ Tuổi xứ người quần quật với tương lai (Trần Trung Đạo).

Ngồi trong quán nhỏ chiều mưa bay/ Đất khách nương thân nỗi nhớ đầy/ Rót chén quê hương mình uống cạn/ Môi mềm, vị ngọt, chuốc men cay/ Ngoài kia trắng xoá cơn mưa lạ/ Chút bọt bèo trôi lạc xứ người/ Hỡi núi sông ngăn, rừng cách biệt/ Nhớ sao là nhớ thuở nào nguây? (Vương Đức Lệ).

Tôi khép mắt, mắt trào nước mắt/ Tôi mím môi bằn bặt nỗi đau/ Bốn mươi năm và nửa quả địa cầu/ Bao xa cách bây giờ tôi trở lại/ Cánh cửa cuối cùng dẫn ra phòng đợi/ Tôi lạc hồn vào giữa những người thân/ Có tiếng ai thảng thốt kêu lên/ Em tôi đó - một bà già run rẩy/ Cánh tay gầy ôm, mắt tràn lệ tủi/ Anh anh ơi, anh thật đấy ư?

Bốn mươi năm dài và nỗi chia xa/ Đã mất hẳn người em tuổi nhỏ/ Phút gặp lại sao xót xa quá thế?/ Lời kêu mừng như khóc trước áo quan/ Cuộc trùng phùng hay vĩnh biệt quan san/ Tôi không biết tôi là ai nữa?/… Tôi bước đi trang nghiêm thầm lặng/ Mặt đất mềm là những nụ hôn thiêng/ Hy vọng từ đây biển lặng sóng êm/ Chim sẽ hót trên cành xanh lộc mới/ Đất nước chúng ta quanh năm là hội/ Lớp lớp người về tìm lại anh em/ Bốn bề năm châu bát ngát niềm tin/ Là người Việt lòng ta là Nguyên Đán (Phan Lạc Tiếp).

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng