LTS: Tết đến xuân về, mỗi người, mỗi cảm xúc khác nhau, nhưng tựu chung lại đó là nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình và nhớ bạn bè.
Đặc biệt, với những người con xa quê vào mỗi độ Tết về thì nỗi niềm nhớ nhà, nhớ quê hương lại càng dâng trào hơn lúc nào hết.
Chia sẻ câu chuyện từ chính những đồng nghiệp của mình, tác giả Đỗ Quyên đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về nỗi niềm khó khăn của người giáo viên khi phải công tác xa nhà.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hơn 20 mươi năm sống ở mảnh đất phương Nam, khá nhiều giáo viên chưa một lần dám về quê chơi vào những ngày Tết.
Chẳng phải họ không nhớ quê, không muốn gặp cha mẹ, người thân, gặp lại bạn bè, không muốn nhớ về kỉ niệm một thời bé thơ nơi ấy…có người nói, nỗi nhớ cứ luôn cồn cào, da diết nhất là mỗi khi đến dịp xuân về.
Thế nhưng, dù nhớ cũng phải nén chặt vào lòng để an vui vì biết rằng điều kiện của mình không cho phép.
Nỗi nhớ nhà của những người con xa quê hương (Ảnh minh họa: phunuvagiadinh.vn). |
Không có tiền mua quà, mừng tuổi thì đừng về con ạ
Cô giáo Mai - người có hơn 20 năm sống xa nhà cho biết “hồi còn độc thân cũng vài năm về tết một lần. Từ ngày có gia đình chưa bao giờ dám về quê cả nhà vào dịp tết. Nhớ lắm nhưng đành chịu”.
Cô Thủy chia sẻ “Nhiều lúc tặc lưỡi, Tết này nhất định phải về quê một chuyến”. Nhưng sau sự háo hức và quyết tâm ấy, món tiền ít nhất lận lưng phải hơn 20 triệu đồng, nếu đi cả gia đình phải có được 30 triệu đồng làm mọi hứng khởi trong tôi bỗng chùng xuống và cảm giác buông xuôi lại ập về đè nặng.
30 triệu đồng là con số không hề nhỏ so với đồng lương nhà giáo ít ỏi của chúng tôi. Một năm dù tằn tiện chi tiêu, chúng tôi cũng không thể để dành được khoản tiền như thế. Về quê đương nhiên phải vay mượn và đến bao giờ có thể trả nổi đây?”.
30 triệu đồng nghe nhiều nhưng chẳng thấm là bao khi tiền xe và tiền ăn đường đi về cho 4 người đã gần 10 triệu đồng.
Nhưng, khổ nhất vẫn là tiền quà bánh cho lũ trẻ con xóm làng, cho bà con thân thuộc hai bên dòng họ. Cái tục lệ nơi này một nhà có người đi xa về từ trẻ con đến người lớn quanh chòm xóm đều đến thăm hỏi, chia vui.
Những bà con thân thiết, cháu chắt nội ngoại (dễ đến mấy chục người) mỗi người phải có một phần quà. Tùy vai vế, thân sơ để tặng quà nhưng ít nhất cũng 100 ngàn đồng. Tiền quà thôi cũng đi đứt hàng chục triệu đồng.
Chưa kể vào dịp Tết, tiền mừng tuổi trẻ nhỏ quanh làng, mừng tuổi bà con, cháu chắt thì không biết bao nhiêu cho đủ.
Cô bạn kể, người ta cứ mừng tuổi trẻ nhỏ tiền trăm ngàn đồng (người ít nhất cũng 50 ngàn đồng) mình mừng chục ngàn đồng thì khó coi lắm.
Có bạn trong này khuyên “nhớ quê thì về thăm quê, thăm ba mẹ, không có tiền thì đừng quà cáp, lì xì đám trẻ chỉ tượng trưng thôi. Ai nỡ trách mình? Mà có trách cũng mặc họ”.
Vì bạn không phải người ngoài quê nên nói cứ nhẹ như không. Chứ bản thân mình cũng hiểu người quê mình họ sống nặng về tình làng nghĩa xóm, dù không đặt nặng quà cáp nhưng theo thông lệ con cháu đi xa về không có quà biếu bà con thân thuộc nhất định là không thể được.
Mang tiếng ở xa, chẳng cần biết làm ăn thế nào mà khi về quê nếu không có quà biết bà con nội ngoại xem như cũng ê mặt vì lời ra tiếng vào.
Mình chỉ ở vài ngày là đi khỏi nhưng bố mẹ cũng khó sống với họ vì tiếng dè bửu khinh khi “tưởng nó vào Nam sống thế nào chứ như đứa ăn mày thì ở quê sướng hơn”.
Thế nên có lần mẹ gọi điện vào “không có tiền thì đừng về con ạ. Về vừa tốn kém lại mang tiếng ra”. Thế là cứ lần lữa mãi mà hơn 20 năm tôi chưa dám về quê một lần đúng nghĩa.
Về một lần “kéo cày” vài năm trả nợ
Trong những gia đình nhà giáo nơi đây có lẽ gia đình thầy Dũng là ‘chịu chơi” nhất. Cứ vài năm thầy lại về quê một lần. Khi mình thầy, lúc cả gia đình.
Thầy cho biết “về một năm kéo cày trả nợ ba năm mới hết. Nhưng không về con cái sẽ chẳng biết đến quê hương”.
Thầy Dũng bật mí, chi phí cho cả gia đình về quê ăn tết gần 30 triệu đồng “là mình chắt chiu dành dụm hết sức”. Vì lương hai vợ chồng hơn chục triệu nhưng nuôi 2 con tuổi ăn học cũng chẳng dư giả gì.
Về quê rồi, khi vào đi dạy phải gom góp dành dụm trong vài năm mới trả hết, trả xong lại về tiếp và cứ thế nên cái nhà còn chưa xây nổi để ở cho đàng hoàng đây.
Nếu như các ngành nghề khác, cả năm làm quần quật nhưng cuối năm nhận được vài triệu đồng tiền thưởng hay lương tháng 13 cũng đủ góp nhặt cho cả nhà về quê ăn tết.
Thế nhưng giáo viên đi dạy cả năm may mắn nhận được tiền thưởng tết vài triệu, xui hơn chỉ có cân đường hộp sữa thì mơ gì đến chuyện đi đâu.
Có thầy cô ước ao “giá chỉ lo tiền xe đi về cũng chẳng đến nỗi nào. Đằng này đủ khoản lễ nghĩa nên đành bấm bụng chịu đựng”.
Gánh nặng quà cáp, vì hủ tục tiền mừng tuổi đầu năm (không ít người vẫn đánh giá, xét nét qua những mệnh giá tiền khách mừng tuổi con cái họ).
Vì những điều đó đã níu chân biết bao gia đình nhà giáo nghèo xa quê hương nhưng không dám một lần về quê ăn tết.