Lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị với người làm báo hiện đại

18/06/2019 06:11
Đỗ Công Tiến
(GDVN) - Từ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 94 năm qua báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành về số lượng và chất lượng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đầu tiên đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là nhà báo lỗi lạc của nền báo chí.

Ngày 21/6/1925, Tờ báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, chỉ đạo và là người biên tập chính ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam.

Với ngòi bút sắc sảo, sự nghiệp báo chí của Người đã góp phần quan trọng làm nên diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam trong một thời kỳ oanh liệt và hào hùng của dân tộc.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong khoảng 50 năm cầm bút, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký, Bác có gần 200 bút danh. 

Người đã để lại cho các thế hệ nhà báo nhiều bài học lớn về nghề báo, trong đó có cách viết, cách nói.

Trải qua 94 năm, báo chí Việt Nam ngày nay không ngừng lớn mạnh về cả nội dung và hình thức cũng như sự lớn mạnh chưa từng có của đội ngũ những người làm báo.

Vượt qua thử thách của thời gian, đến nay những giá trị của sự nghiệp báo chí Hồ Chí Minh vẫn là tài sản quý giá đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam, trước hết đối với sự nghiệp báo chí và những người làm báo hiện nay.

Bác dạy người làm báo rằng: Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu. (Ảnh minh họa: vannghequandoi.com.vn).
Bác dạy người làm báo rằng: Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu. (Ảnh minh họa: vannghequandoi.com.vn).

Hồ Chí Minh chưa một lần nhận mình là một nhà thơ, nhưng Người tự nhận mình là nhà báo: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi là nhà tuyên truyền tôi cũng không tranh cãi, nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng nhất”.[1]

Cuộc đời hoạt động làm cách mạng, làm báo của Người được đánh dấu bằng bài báo đầu tiên “Vấn đề bản xứ” được đăng trên tờ L’Humanitê  ngày 2/8/1919 và khép lại với bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1/6/1969.

Cuộc đời hoạt động cách mạng Hồ Chí Minh đã để lại hàng nghìn bài báo với đủ thể loại, là người sáng lập, tổ chức, điều hành hoạt động, biên tập, trình bày hàng chục tờ báo cách mạng qua các thời kỳ khác nhau.

Với bề dày và kinh nghiệm của một người làm báo đích thực, tại buổi nói chuyện ở Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 8/9/1962), Bác nói: “Bây giờ Bác lấy tư cách một đồng chí ít nhiều có kinh nghiệm về báo chí, nêu vài ý kiến sau đây:

Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của báo chí đòi hỏi người làm báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, không ngại gian khó, hy sinh (kể cả hy sinh tính mạng), vì nhân dân phục vụ.

Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng, chứ không phải làm báo để lưu danh thiên cổ, muốn viết cho ai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. [2]

Ra mắt cuốn sách Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí

Để người làm báo ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, tác phẩm báo chí ngày càng có hiệu ứng tích cực đối với xã hội. Trong thư gửi lớp viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng, Người nói:

“Muốn viết báo khá thì cần:

1. Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.

2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người.

3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi cho những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu.

4. Luôn luôn học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ”.[3]

Sau ngày đất nước được thống nhất, nền báo chí nước ta đã không ngừng phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước.

Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn.

Báo chí đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam

Hồ Chí Minh – tấm gương lớn về sự nêu gương

“Nhưng phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng có nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra.

Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền.…”[4].

Chưa bao giờ báo chí nước ta lại phát triển mạnh mẽ, đông đảo cả về số lượng và chất lượng như hiện nay.

Trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng hội nhập quốc tế dưới ngọn cờ của Đảng ở nước ta hiện nay, báo chí cách mạng ngày càng có vai trò hết sức quan trọng.

Và điều đó đòi hỏi nhân cách người làm báo phải ngang tầm. Muốn có được những phẩm chất tương xứng đó, việc học và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, nhất là những căn dặn của Bác đối với người làm báo là việc làm cần thiết. 

Tài liệu tham khảo:

1. Hà Minh Đức, Sự nghiệp báo chí và văn học của Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, H.2000

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.9, Nxb Sự thật, H.2011

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, T.5, Nxb Sự thật, H. 2011

4. Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí, Tạ Ngọc Tấn biên soạn, Cục xuất bản, H.1995

Đỗ Công Tiến