Lừa bịp, truyền bá mê tín dị đoan đẩy người dân vào vòng đau khổ

06/06/2019 06:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Giáo lý, giáo luật của đạo Phật không có việc dâng sao giải hạn, thỉnh vong gọi hồn hoặc đốt vàng mã chuyển họa thành phúc hoặc chuyển hung thành cát.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 5/6, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (đoàn Bến Tre) đề cập việc xử phạt với hành vi vi phạm liên quan vụ chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh) với mức 5 triệu đồng là quá nhẹ so với tác động vụ việc gây ra.

Mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi này đủ sức răn đe chưa, biện pháp gì để tránh tái diễn những việc như ở chùa Ba Vàng và những nơi tâm linh khác?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: "Vụ việc ở chùa Ba Vàng vừa vi phạm luật pháp, vừa ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống và văn hoá. Chúng ta cần phải lên án và cần phải xử lý.

Ủy ban nhân dân Thành phố Uông Bí đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm nếp sống văn hóa với bà Phạm Thị Yến là 5 triệu đồng.

Theo quy định của pháp luật, theo Nghị định 158 thì đây là mức phạt cao nhất. Chúng tôi thấy rằng phạt tiền 5 triệu là rất nhỏ và mức phạt có lên đến 100 triệu thì cũng không phải lớn. Cho nên vấn đề xử phạt tiền chỉ là một phần, rõ ràng chúng ta phải tăng nặng hình thức xử phạt, nhưng quan trọng hơn là phải  lên án và phê phán hành vi phản văn hóa, phi đạo đức.

Tôi nghĩ rằng phải kết hợp cả hai hình thức vừa xử phạt và vừa lên án, phê phán sẽ tốt hơn".

Phạm Thị Yến truyền bá mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng. ảnh: Báo Lao động.
Phạm Thị Yến truyền bá mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng. ảnh: Báo Lao động.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu cũng đã đặt ra băn khoăn về các hoạt động mê tín dị đoan núp bóng tâm linh.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, hiện nay các dịch vụ của thầy cúng, thầy bói, thầy tướng phát sinh nhiều. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có giải pháp để kiểm soát và chấn chỉnh, không để tình trạng mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh diễn ra ngày càng trầm trọng.

Những kẻ bất chấp thủ đoạn đang làm ô uế nơi thanh tịnh
Những kẻ bất chấp thủ đoạn đang làm ô uế nơi thanh tịnh

Đại biểu Trương Anh Tuấn (đoàn Nam Định) cũng cho rằng, hoạt động mê tín dị đoan đang diễn ra phức tạp, các hoạt động xem bói, xin xăm, rút quẻ thẻ, đồng bóng, gọi hồn diễn ra công khai tại nhiều cơ sở thờ tự, nhiều địa bàn dân cư.

Đang có sự khác nhau trong nhận thức, thậm chí có sự nhầm lẫn về khái niệm mê tín dị đoan, tâm linh, tín ngưỡng.

Điều đó đang là mảnh đất mê tín dị đoan núp bóng tâm linh tín ngưỡng, là nguyên nhân dẫn đến sự ngần ngại với xử lý mê tín dị đoan.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) cũng cho rằng, dư luận rất bức xúc về hành vi mê tín dị đoan bằng các thủ đoạn lừa bịp ở một số nơi, buôn thần bán thánh bằng cách reo nỗi sợ hãi vô căn cứ qua hình thức dâng sao giải hạn, đóng tiền gọi vong trả nợ tiền kiếp, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận nhân dân để trục lợi.

Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cũng cho rằng, giáo lý, giáo luật của đạo Phật không có việc dâng sao giải hạn, thỉnh vong gọi hồn hoặc đốt vàng mã chuyển họa thành phúc hoặc chuyển hung thành cát.

Vậy mà các hình thức mê tín dị đoan này vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi thờ tự của phật giáo như chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) chùa Phúc Khánh ở Hà Nội.

Vạn người xin ấn, nghìn người dâng sao, ít người đến hội thề
Vạn người xin ấn, nghìn người dâng sao, ít người đến hội thề

Đại biểu Trương Anh Tuấn (Hà Nội) đặt câu hỏi: Hoạt động mê tín dị đoạn diễn ra tràn lan, đang có mâu thuẫn trong nhận thức giữa hoạt động tâm linh, tín ngưỡng với mê tín, dị đoan. Bộ trưởng cho biết sự khác nhau giữa mê tín, dị đoan và tâm linh, tín ngưỡng?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, mê tín dị đoan là những hành vi làm mê hoặc người khác trái tự nhiên. Những hoạt động văn hóa mê tín dị đoan bao gồm xem bói, phù chú cầu lợi cho mình gây hại cho người khác… Cùng với sự phát triển các hoạt động mê tín dị đoan đa dạng và phong phú hơn.

Ranh giới giữa mê tín dị đoan và tâm linh rất mong manh nhưng mê tín dị đoan là hành vi vi phạm pháp luật cần phải chống.

Theo Bộ trưởng Thiện: "Nguyên nhân của hiện tượng mê tín dị đoan có nhiều, trong đó có thể kể đến tác động mặt trái của kinh tế thị trường, thói quen người dân chưa thay đổi, kẻ xấu lợi dụng, trình độ dân trí, quy định của pháp luật còn chưa cụ thể...

Đây là vấn đề cần loại bỏ khỏi đời sống xã hội, nhưng không thể giải quyết được trong thời gian ngắn nên chúng ta phải kiên trì xử lý việc này. Trước hết phải tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng". 

Ngọc Quang