Vạn người xin ấn, nghìn người dâng sao, ít người đến hội thề

20/02/2019 07:00
Trần Phương
(GDVN) - Lễ hội ngày nay đã có nhiều biến tướng, dường như những giá trị linh thiêng đã biến thành sự cầu cạnh thánh thần để mong đạt được mưu lợi cá nhân.

"Hội Xin" thì đông, "Hội Thề" thì vắng

Đầu Xuân Kỷ Hợi, đang có rất nhiều hình ảnh trái ngược nhau ở các lễ hội.

Vào đêm khai ấn, Đền Trần (Nam Định, 14 tháng Giêng) năm nào cũng có hàng vạn người chen nhau xin ấn.

Mặc dù Ban tổ chức thông báo 5h sáng 15 tháng Giêng mới bắt đầu phát ấn nhưng từ đêm hôm trước, hàng nghìn người dân và du khách đã có mặt tại khuôn viên đền Thiên Trường chờ vào lễ khai ấn Đền Trần.

Hàng ngàn người từ thập phương đổ về, họ chấp nhận chen lấn, ngủ ngoài trời, vật vã chờ đến lượt nhận ấn (đóng lên giấy màu vàng hoặc một miếng vải màu vàng).

Người người, nhà nhà tìm mọi cách lấy ấn đền Trần, ý nghĩa của tờ giấy có in ấn có ý nghĩa như thế nào hẳn không nhiều người biết.

Lễ hội Minh Thề đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nâng tầm cấp Quốc gia vào năm 2018, là di sản văn hóa phi vật thể. (Ảnh: Lã Tiến)
Lễ hội Minh Thề đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nâng tầm cấp Quốc gia vào năm 2018, là di sản văn hóa phi vật thể. (Ảnh: Lã Tiến)

Nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến hẹn lại lên, dù chen đến “bẹp ruột” thì người ta vẫn cứ chấp nhận để giành được chiếc ấn.

Cảnh tượng tương tự cũng xuất hiện tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội), hàng ngàn người ngồi tràn cả ra lề đường cúng sao giải hạn, làm lễ cầu an đầu năm.

Mặc dù, nghi thức lễ cúng Rằm tháng Giêng diễn ra vào lúc 19h ngày 14 tháng Giêng lịch (ngày 18/2) nhưng trước đó 5 tiếng đồng hồ, hàng ngàn người dân đã có mặt từ trong sân chùa đến ngoài đường xếp hàng, nhận chỗ ngồi chờ đến giờ vào lễ. Thậm chí vì quá đông, không thể vào chùa, cả ngàn người sẵn sàng đứng luôn ngoài cổng, tràn cả ra đường để bái vọng.

Vạn người xin ấn, nghìn người dâng sao, ít người đến hội thề ảnh 2“Phú quý trung bình sinh lễ nghĩa tăm tối”

Cũng trong ngày 14 tháng Giêng (ngày 18/2/2019) diễn ra Lễ hội Minh Thề (Hải Phòng).

Đây là lễ hội đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nâng tầm cấp Quốc gia vào năm 2018, là di sản văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên, dù ở tầm quốc gia, nhưng lễ hội vắng bóng quan chức, du khách tham.

Không biết có phải do đây là lễ hội Thề không tham nhũng hay không?

Tại hội Minh Thề, sau các nghi thức cầu cúng thánh thần sẽ là lời “minh thệ”: “Tất cả chức sắc chức dịch, bô lão và nhân dân; từ kẻ sĩ đến nhà nông trong hương thôn, ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ngược lại người nào lấy của công về làm của tư xin thần linh đả tử y như lời thề”.

Dù không đông nhưng những giá trị của Hội Minh Thề vẫn được cộng đồng, làng xã giữ gìn, phát huy đúng với những giá trị vốn có.

Hàng nghìn người đứng xuống lòng đường để dâng sao giải hạn chùa Phúc Khánh. ảnh: Hoàng Anh
Hàng nghìn người đứng xuống lòng đường để dâng sao giải hạn chùa Phúc Khánh. ảnh: Hoàng Anh

Phơi bày "sân si" khi đi hội

Một đất nước có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm, là một quốc gia như một đại gia đình gồm 54 dân tộc anh em nên mang trong mình rất nhiều bản sắc riêng.

Con số gần 9.000 lễ hội hàng năm, trung bình 25 lễ hội/ngày chính là thể hiện sự đa dạng, phong phú, mang tính chất riêng biệt của mỗi dân tộc, vùng, miền địa lý, lịch sử…

Tuy nhiên, sự tương phản giữa “Hội Thề” và “Hội Xin” đang cho thấy từ trong suy nghĩ thì một bộ phận người Việt chỉ mong cầu được lộc, được của, được chức tước... và chính những suy nghĩ như vậy đã tạo điều kiện cho nhiều kẻ "buôn thần bán thánh" có đất sống.

Lễ hội là dịp người Việt ở các làng, xã nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui. Nhưng đáng tiếc ngày nay nhiều lễ hội đã và đang dần bị biến tướng, bị thương mại hoá, bị lợi dụng...

Theo cách nghĩ truyền thống thì lễ hội ở Việt Nam là những sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng.

"Lễ" là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện.

"Hội" là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống đi kèm theo “Lễ”.

Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng bao giờ cũng hướng tới một đối tượng linh thiêng cần được tôn thờ, kính ngưỡng, trọng vọng… như một cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, một sự tiếp nối truyền thống để không bao giờ bị đứt gãy, đứt đoạn hay biến mất.

Nhưng lễ hội ngày nay là dịp để người ta phơi bày những thứ “sân si” trong con người.

Cảnh chen lấn “mướt mồ hôi, lôi thôi đồ lễ” năm nào cũng diễn ra vô cùng phản cảm.

Người ta đi hội, đi lễ không phải cầu được những giá trị tốt đẹp nữa mà bất chấp tất cả để tìm đến một giá trị tâm linh huyễn hoặc, hư ảo mong muốn biến nó thành những thứ vật chất phục vụ cá nhân.

Vật vã, thức trắng đêm để xin ấn đền Trần (Ảnh: Hoàng Bích/NĐT)
Vật vã, thức trắng đêm để xin ấn đền Trần (Ảnh: Hoàng Bích/NĐT)

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám Đốc Bảo tàng Dân tộc học, cho biết: “Niềm tin tín ngưỡng, tâm linh có thể cho con người thêm sự bình thản, cân bằng trong cuộc sống chứ không phải đền đình chùa phủ để cầu thăng quan, tiến chức, cầu danh lợi bằng mọi giá, bất chấp chen lấn.

Nhìn cách người ta chen chúc ở các đền, chùa, phủ hiện nay ở nhiều nơi ở đồng bằng Bắc Bộ, dễ có cảm giác đây là chốn để làm kinh tế với thần thánh, nó khác với truyền thống xưa kia…”.

Vạn người xin ấn, nghìn người dâng sao, ít người đến hội thề ảnh 5Cải cách giáo dục nên bắt đầu từ vàng mã, cúng sao, xin ấn

Lễ hội ngày nay đã có nhiều biến tướng, dường như những giá trị linh thiêng đã biến thành sự cầu cạnh thánh thần để mong đạt được mưu lợi cá nhân.

Ngày nay, người ta đến với thần, phật không tín vì lòng thành mà tín vì sư mê muội, sẵn sàng bỏ ra những số tiền lớn để "hối lộ" thánh thần, mong được phù trợ để thăng quan, nhiều lộc.

Họ mang tâm lý “mâm quả to, lộc lớn, thánh độ nhiều”; hay có những người lại nghĩ rằng "tiền xuất là phật biết".

Thật đáng tiếc vì đó là suy nghĩ ấu trĩ, những hành động u mê, vì chẳng ai có đấng siêu nhiên nào giúp con người thăng quan hay bỗng nhiên giàu có. Tất cả đều phải đến từ sự nỗ lực của bản thân, và muốn gặp được nhiều may mắn thì chẳng có cách nào khác là phải làm việc thiện.

Người xưa đã dạy: Gieo nhân nào, gặt quả ấy!

Trần Phương