Mùa của giấy khen và những điểm 10 cho ai?

01/06/2019 06:10
Tùng Dương
(GDVN) - Điểm 10 của học sinh sẽ thành điểm 10 của giáo viên, của công đoàn trường, của phụ nữ trường, đoàn trường, và dĩ nhiên là của Hiệu trưởng, của Phòng Giáo dục.

Tổng kết năm học cũng đồng thời là mùa của giấy khen, mùa học sinh giỏi, mùa điểm 10, mùa của thành tích. Cũng chẳng biết nên vui hay nên buồn nữa?

Trò chuyện với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà văn Nguyễn Yên Mô, chia sẻ: “Những năm 60, 70, 80 của thế kỉ trước, học sinh được điểm 9, điểm 10 thật là hiếm hoi. Điểm 10 môn Văn lại càng hiếm.

Thời tôi đi học phổ thông 40 năm trước, suốt ba năm cấp ba thì thi thoảng mới có học sinh được điểm 10 môn Toán, Lý, Hóa, còn môn Văn thì không.

Được điểm 10 là biết ngay, vang động toàn trường. Học sinh đạt điểm 10 được tuyên dương trước toàn trường trong buổi chào cờ sáng thứ hai đầu tuần trong con mắt thèm muốn, nể phục như thần tượng của đám học sinh đầy khao khát.

Tôi được tiếng là học sinh giỏi Văn, nhưng cả năm may ra cũng chỉ được vài điểm 8. Chỉ khi đi thi học sinh giỏi Văn của Tỉnh thì mới được điểm 9 là cao nhất.

Cả đời học hành của tôi, và nhiều bạn bè tôi chưa bao giờ được điểm 10. Ông bạn tôi là Giáo sư, Tiến sĩ Toán, mà thời học học phổ thông cũng chỉ vài ba lần được điểm 10.

Tôi cũng lấy làm lạ: Môn Văn được điểm 10 thì khó, chứ môn Toán thì đáp số nào thầy cũng đánh chữ đ (đúng), có nghĩa là không sai, và giải cũng đúng quy trình đi đến kết quả đúng, chứ không giải tắt, nhưng thầy cũng chỉ cho đến điểm 9 là cùng.

Còn 1 điểm nữa là đủ 10 nhưng thầy không cho, có thể thầy trừ vào viết chữ xấu và trình bày không đẹp, hoặc thầy ngăn chặn tính tự kiêu tự đại và tâm lý dễ thỏa mãn dừng lại của học sinh”?

Xin đừng lấy điểm 9, điểm 10 là kết quả nỗ lực khát khao của người lớn để làm thước đo học lực của học sinh.Ảnh: Tùng Dương.
Xin đừng lấy điểm 9, điểm 10 là kết quả nỗ lực khát khao của người lớn để làm thước đo học lực của học sinh.Ảnh: Tùng Dương.

Bây giờ, tiết học thường cũng như sơ kết học kỳ, tổng kết năm học... điểm 9, điểm 10 tưng bừng. Cả tổ điểm 10, cả lớp điểm 10. Tất nhiên là giấy khen cũng cả lớp, cả trường.

Trên mạng có cô giáo khoe ảnh lớp học, học sinh mặc đồng phục ngồi nghiêm chỉnh mỗi em cầm một tờ giấy khen giơ trước ngực với nỗi niềm đầy tự hào và hân hoan. Khen 100% mà, không có em nào là không giấy khen.

Vừa qua có 1 trường Trung học cơ sở ở thành phố Vũng Tầu, Tỉnh Bà Rịa một lớp 6 có 43 học sinh thì 42 em học sinh giỏi, chỉ 1 em học sinh khá. Cuối cùng, cả lớp 43 em đều được tặng giấy khen.

Nghĩ mà thương các thầy cô hiệu trưởng phải ngày đêm mỏi tay ký giấy khen thưởng. Cô và trò thì chắc chắn mừng vui rồi. Nhưng những người quan tâm đến sự học nước nhà thì chả biết vui hay buồn?

Điểm 10 dành cho ai ?

Có một nghịch lý là: Giáo viên suốt ngày kêu Bộ giảm tải. Học sinh và phụ huynh bốn mùa than thở: Chương trình học nặng quá, nhiều môn, lắm bài quá, khó học, khó nhớ. Học hành không còn cảm xúc nhưng, làm sao lắm điểm 9, nhiều điểm 10 như thế?

Sơ kết điểm giỏi, tổng kết càng nhiều điểm giỏi? Một kết quả mưa điểm 10, nhưng lại có nhiều nguyên nhân: Điểm 10 của học sinh học giỏi thật sự? Điểm 10 của phụ huynh? Điểm 10 của thầy cô? Điểm 10 của bệnh thành tích ngành Giáo dục?

Công bằng mà nói, học sinh giỏi xuất sắc cũng có, nhưng ít, hiếm. Bằng tài năng và học hành nghiêm túc, có những em tốt nghiệp chương trình học phổ thông không mấy khó khăn, điểm 9 điểm 10 là của các em thực sự.

Song, cũng có em điểm giỏi nhưng không phải của mình, mà từ đâu đó dội xuống. Không được điểm 9, điểm 10 thì cô giáo giận và bản thân cô không đạt danh hiệu dạy giỏi, phụ huynh cũng bực tức... vô cớ.

Em nào cũng phải gồng sức lên, quyết giành cho được điểm 9, điểm 10 bằng mọi giá. Khóc lóc xin cô tăng điểm... đủ cả. Nhân cách bị lệch lạc phần nào cũng bởi cuộc chiến giành giật điểm giỏi.

Dân gian có câu: “Lợi bất cập hại” và “Gậy ông lại đập lưng ông”. Áp lực điểm giỏi đến từ nhà trường, cô giáo, phụ huynh, khiến học trò nào cũng... gắng gượng, gồng mình quá sức.

Hậu quả của mưa điểm giỏi là học sinh mệt mỏi,  gầy mòn, không còn thời gian để nghỉ ngơi, hồn nhiên của lứa tuổi. Để được điểm 10 các em phải chịu áp lực rất lớn”, nhà văn Nguyễn Yên Mô nói.

Có em phải kêu lên: Có quá nhiều thứ phải học, đến vài chục phút nghỉ ngơi cũng không. Trên mạng lan truyền nhiều hình ảnh các em học sinh với các tư thế ngủ: dựa vào cây ngủ, gục xuống bàn, nằm gục vào lan can ngủ, ngồi sau xe máy của bố mẹ với cái bánh mì cầm trong tay cũng ngủ...

Con phấn đấu đạt điểm 10, bố mẹ cũng quyết liệt giành điểm 10. Điểm 10 của bố mẹ cũng lắm nỗi bi ai. Không may, con bị điểm 7, điểm 8 về nhà bố mẹ mắng mỏ; phụ huynh nào nhẹ thì cũng lặng im làm mặt giận.

Có bà mẹ chì chiết: Con người ta toàn được 9, được 10; con nhà mình thì mỏi mắt chờ trông. Đi làm nghe bạn bè khoe con cái mà mẹ tủi thân muốn khóc.

Sợ cô giáo không bằng sợ mẹ. Cứ nhìn thấy là mẹ kêu học đi học đi. Có học trò được điểm 9 mà không dám về nhà vì mẹ cuồng điểm 10. Có học sinh than thở “Để học giỏi rất mệt. Bị bố nhắc. Mẹ ngồi bên kèm. Con phải học thêm ngoài giờ học”.

Dường như phụ huynh chẳng bao giờ hài lòng với điểm số của con mình. Được điểm 8, mẹ không hài lòng muốn con được điểm 9. Được điểm 9 lại muốn con được điểm 10. Giá như có thang điểm 11 thì phụ huynh cũng khao khát, bắt con mình giành bằng được để sánh vai với bên nhà hàng xóm.

Báo cáo kêu như chuông, như là niềm tự hào. Điểm mười do bệnh thành tích mà ra.Ảnh minh họa: vov.
Báo cáo kêu như chuông, như là niềm tự hào. Điểm mười do bệnh thành tích mà ra.Ảnh minh họa: vov.

“Học sinh giỏi và xuất sắc nhiều như thế, dĩ nhiên thầy cô cũng giỏi và xuất sắc. Mùa điểm 10 thuộc về công lao các thầy cô, thành tích của nhà trường. Đã là thành tích thì được đem để ví dụ, để tuyên dương, để xét thưởng, lên lương, lên chức, để so sánh với trường bạn.

Điểm 10 của cá nhân học sinh sẽ thành điểm 10 của cô, của tổ giáo viên, của công đoàn trường, của phụ nữ trường, đoàn trường, và dĩ nhiên là của trường, của Phòng Giáo dục, của Sở.

Ở đâu cũng đem kết quả dạy và học toàn điểm giỏi ấy vào bản báo cáo cuối năm. Báo cáo kêu như chuông, như là niềm tự hào. Điểm mười do bệnh thành tích mà ra.

Thành tích lại bắt nguồn từ thói háo danh, thua chị kém em một tí là không chịu được. Bao nhiêu danh hiệu đổ lên đầu giáo viên, hiệu trưởng phải phấn đấu: “Trường chuẩn Quốc gia”, “lớp giỏi”, “giáo viên dạy giỏi”, “học sinh giỏi”...

Thế là cô chủ nhiệm dễ tính sốt ruột, mà cô bộ môn cũng sốt ruột dễ tính phóng bút chấm điểm 9, điểm 10. Học sinh được điểm xuất sắc cứ ảo tưởng nghĩ rằng mình tài giỏi, mà không biết cả thầy cô, cả phụ huynh, cả nhà trường làm nên điểm 10”, nhà văn Nguyễn Yên Mô nêu quan điểm.

Tôi có anh bạn nhà nghèo, anh ấy chủ trương giành thời gian, tạo điều kiện hợp lý cho con ăn học: mua tài liệu, học thêm ngoại ngữ, vợ chồng còng lưng làm các việc nặng dành thời gian cho con học bài, đưa con đến thầy giỏi để phụ đạo với thời gian hợp lý...

Mùa của giấy khen và những điểm 10 cho ai? ảnh 3Người thông tin 42/43 học sinh giỏi, đã nói gì?

Đứa con anh bạn tôi học xong Đại học thi được học bổng toàn phần đi Nhật học Thạc sĩ và Tiến sĩ.

Đầu tư vào Giáo dục, nâng cao tri thức của vợ chồng anh bạn tôi xem ra rất có hiệu quả. Hiệu quả ở chỗ: đầu tư cho con tích luỹ tri thức chứ không đầu tư để thu nhận những điểm 9, điểm 10.

“Đầu tư lấy điểm 10 của thầy cô chắc chắn sẽ được tuyên dương toàn trường, được giấy khen của cô hiệu trưởng, được tiếng thơm, phụ huynh mát mày mát mặt với người thân và bạn bè. Nhưng đó là ảo.

Xin đừng lấy điểm 9, điểm 10 là kết quả nỗ lực khát khao của người lớn để làm thước đo học lực của học sinh. Bởi tương lai được định đoạt từ hiện tại”, nhà văn Nguyễn Yên Mô nhấn mạnh.

Tùng Dương