Người thông tin 42/43 học sinh giỏi, đã nói gì?

28/05/2019 06:59
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Ngành giáo dục, phụ huynh nên thay đổi cách đánh giá học trò. Điểm số chỉ là “kết quả học tập” không phải là “thành quả” của cuộc đời.

LTS: Thông tin một lớp học có 42/43 học sinh đạt học sinh giỏi đang khiến dư luận lại có dịp lên tiếng về vấn đề dạy và học hiện nay.

Thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này trong bài viết sau đây.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cuối năm học, dư luận xôn xao về giáo dục nước nhà. Từ chuyện chạy điểm “chỉ có 1 tỷ” đến phần thưởng học sinh chỉ là “tờ giấy”; nhưng rộn ràng không kém là 42/43 học sinh đạt học sinh giỏi, 1 học sinh khá của lớp 6A2, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình, thành phố Vũng Tàu.

Chuyện gần cả lớp đạt học sinh giỏi có là cá biệt? Dư luận cho rằng không, chẳng qua không ai “vạch áo cho người xem lưng” nên không biết, sau vụ “42/43” chắc chắn càng ít người biết.

Những năm trước, mùa này là “mùa khoe giấy khen”, phụ huynh chỉ muốn con mình là “nhất” nên không thể “khoe” cả lớp con mình đều có giấy khen.

Mùa “khoe giấy khen” năm nay “thất bát”, họa hoằn lắm mới thấy “màu phượng hồng” trên Facebook, sau một thời gian, nhận được lời bình luận “tích cực” rồi cũng xóa đi. Người ta chẳng còn quan tâm con bạn, con mình có được giấy khen không.

Phải chăng phụ huynh đã biết “sợ” thành tích “ảo tung chảo”? Phải chăng phụ huynh đã không đánh giá con mình bằng “điểm số”? Nếu được vậy, công không nhỏ phải dành cho tác giả “thông tin 42/43”!

Ảnh chụp màn hình
Ảnh chụp màn hình

Người viết đã tìm đến anh Công Vinh, người đã so sánh “học với hành”, đánh giá kĩ năng, năng lực của cháu mình với điểm số.

Anh Công Vinh tâm sự “Khi nhận được kết quả học tập của lớp cháu, tôi rất bất ngờ với con số đó, nên chụp lại rồi đăng lên Facebook. Sự thật có như vậy hay không thì tôi không rõ.

Phản ánh sự việc là chuyện bình thường, tôi phản ánh trung thực.

Cháu tôi không quan tâm tới vấn đề đó, dù tôi đã nói lại với cháu vài lần.

Nhà trường đến giờ chưa liên hệ trực tiếp với tôi, mà nhiều lần gọi điện cho chị dâu tôi (Mẹ ruột cháu bé).

Có vẻ như nhà trường rất kém kỹ năng giải quyết vấn đề khi được truyền thông, báo chí liên hệ để phản ánh sự việc nêu trên.

Chị dâu tôi, mắng tôi quá trời, do sợ này sợ nọ. Còn tôi, tôi không sợ.

Việc 42/43 học sinh trong lớp là học sinh giỏi là điều nhà trường công bố. Nếu nhà trường dạy tốt, các cháu học tốt thì đó là điều rất mừng, đáng để tuyên dương.

Tôi với vai trò là một phụ huynh, một công dân thắc mắc về vấn đề đó là điều bình thường; khi truyền thông, dư luận cũng thắc mắc, đấy chính là cơ hội để nhà trường thể hiện, chứng tỏ khả năng dạy và học của mình.

Hẳn khi đó mọi người sẽ rất cảm phục và nhà trường rất hãnh diện. Một cú PR rất tuyệt vời.

Việc gì phải sợ truyền thông, nếu mình không làm gì sai? Còn nếu họ sai thì họ sợ và hoảng lên là chuyện dễ hiểu”.

Người thông tin 42/43 học sinh giỏi, đã nói gì? ảnh 2Phụ huynh đã biết sợ thành tích?

Đang thẩm định lại đề kiểm tra liên quan đến lớp ­6A2, người viết rất mong kết quả là thật. Một thành tích dạy, học đáng biểu dương, khen thưởng.

Nếu năm nay, anh Công Vinh không đi họp phụ huynh thay anh chị mình, thông tin này dư luận chắc cũng không biết! Dẫu sao đi nữa, vẫn cảm ơn người “rung chuông vàng”!

Ngành giáo dục, phụ huynh nên thay đổi cách đánh giá học trò. Điểm số chỉ là “kết quả học tập” không phải là “thành quả” của cuộc đời.

Hãy nhìn xem, con mình đã biết yêu thương, đã biết chia sẻ; đã biết ơn người khác; đã biết tự tôn trong mình, tôn trọng người khác; đã biết chịu trách nhiệm với việc mình làm, không đổ lỗi cho ai đó; đã có kỹ năng sinh tồn, kĩ năng v.v...

Đó mới là những điều cần nhất cho cuộc sống. Có năng lực, kĩ năng rồi, kiến thức không khó để trang bị cho học trò,

Mỗi thầy cô giáo nói riêng, người lớn nói chung hãy là tấm gương sáng cho con trẻ noi theo. Trung thực với mọi người, đầu tiên phải trung thực với chính mình; đừng lấy những giá trị “ảo” làm thước đo; cuộc sống chỉ thật sự đẹp khi sống thật với chính mình.

Sơn Quang Huyến