Những câu chuyện cảm động từ hồng tâm cuộc chiến chống Covid-19

12/08/2020 06:19
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những bữa cơm nghĩa tình, những chuyến xe 0 đồng,... tất cả đều được ký gửi bằng tình yêu thương đến với tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Sự tồn tại của Covid-19 là điều không ai mong muốn, nhưng nó đã xảy ra, ập đến rất nhanh và gieo rắc nhiều nỗi sợ. Nhưng vào chính thời điểm cả nước phải chiến đấu với dịch bệnh cũng là lúc chúng ta được ôn lại truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc.

Trong cuộc sống thường nhật, những hình ảnh, những câu chuyện về tình yêu thương vẫn luôn được ngợi ca, lan tỏa trong cộng đồng. Nhưng hôm nay, giữa “rốn dịch” Đà Nẵng, trong hoàn cảnh đặc biệt, có nhiều câu chuyện thực sự chạm đến trái tim.

Bảo vệ bác sĩ nơi tuyến đầu chống chống dịch

“Ngày hôm đó, chuyến hàng hỗ trợ vật liệu y tế của chúng tôi đến với Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, khi mấy anh em dưới sân đang loay hoay chuẩn bị trao tặng đồ thì từ trên tầng cao, các bác sĩ đang làm nhiệm vụ trong vòng cách ly đồng loạt vòng tay hình trái tim.

Chúng tôi hiểu rằng đó là lời cảm ơn mà các bác sĩ gửi đến mình. Đáp lại tình cảm ấy, chúng tôi cũng thực hiện động tác vòng tay trái tim gửi đến các bác sĩ.

Giây phút ấy với tôi xúc động vô cùng, những trái tim trao gửi đến nhau mang theo thông điệp dù cách ly nhưng chẳng thể cách lòng”.

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Bình Nam – một người con của Đà Nẵng đang dốc lòng tiếp sức cho các bệnh viện của thành phố.

Những ngày cuối tháng 7, sự xuất hiện trở lại của dịch Covid-19 với số ca nhiễm tăng lên từng ngày làm đảo lộn hoàn toàn nhịp sống sôi động vốn có của thành phố Đà Nẵng.

Thực hiện lệnh giãn cách xã hội, cuộc sống trở nên trầm lắng đan xen cùng những căng thẳng, lo âu. Vậy là Đà Nẵng chính thức bước vào cuộc chiến cam go và thử thách.

Trong hoàn cảnh ấy, anh Nguyễn Bình Nam liên hệ đến các bệnh viện ở Đà Nẵng, đặc biệt những bệnh viện đang bị cách ly. Anh muốn tìm hiểu thời điểm này, các bệnh viện thiếu gì và cần gì?

Khi nhận được câu trả lời rằng các bệnh viện đang cần đồ bảo hộ y tế, khẩu trang, anh Nam bắt đầu tạo ra chương trình “Bảo vệ bác sĩ”, kêu gọi mọi người cùng chung tay góp sức để mua đồ bảo hộ trao tặng cho các bệnh viện.

Khoảnh khắc mọi người trao nhau những trái tim được một sinh viên vẽ lại gây xúc động. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Khoảnh khắc mọi người trao nhau những trái tim được một sinh viên vẽ lại gây xúc động. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hơn 10 ngày qua, những chuyến xe mang theo vật liệu y tế đã đến với các bệnh viện tại Đà Nẵng, Quảng Nam và cả những điểm chốt chống dịch trên một số bản vùng cao.

Có khoảng 3000 bộ đồ bảo hộ, hơn 8000 khẩu trang y tế các loại đã được anh Nam kêu gọi hỗ trợ gửi tới các bác sĩ.

Khi được hỏi về khó khăn trong hành trình tiếp sức này, anh chỉ cười: “Bọn anh làm có khó khăn gì đâu. Mình chỉ thương các bác sĩ, các nhân viên y tế đang gồng mình chống dịch.

Với những bộ đồ bảo hộ này, anh chỉ mang trong một giờ đã vã mồ hôi và bức bí vô cùng. Vậy mà các bác sĩ phải mang suốt mấy giờ liền, thậm chí là trong cả một ngày dài như thế. So với những hi sinh ấy, những việc bọn anh làm chẳng thấm tháp gì đâu!".

Anh Nam còn kể thêm về câu chuyện những người làm nhiệm vụ lái xe cho trung tâm 115 quận Liên Chiểu. Họ phải mang đồ bảo hộ và làm việc với cường độ cao. Những chuyến xe cấp cứu liên tục trong ngày khiến họ kiệt sức, đổ gục trong bộ quần áo ướt sũng mồ hôi.

Cùng thành phố vượt qua bão tố

Đà Nẵng trong cuộc chiến chống Covid dù còn khó khăn, dù gian nan nhưng chưa bao giờ đơn độc. Nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã hỗ trợ tích cực cho Đà Nẵng.

Từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến, những anh hùng áo trắng giỏi nhất từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã đổ bộ vào “tâm dịch”, sẵn sàng tiếp sức cho Đà Nẵng.

Đến nay, các địa phương Hải Phòng, Bình Định, Phú Thọ cũng đã gửi đội ngũ bác sĩ chi viện cho khúc ruột miền Trung đang “oằn mình” chống dịch.

Ngay cả những người con của Thành phố Đà Nẵng – họ cũng đang nỗ lực từng ngày, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù Covid-19.

Trong những ngày tháng khó khăn nhất, mọi người vẫn kề vai sát cánh, đoàn kết một lòng, vững tâm chống dịch.

Mỗi người chọn một công việc, một nhiệm vụ. Có thể cách làm của họ là khác nhau nhưng trong trái tim lại hướng tới một mục tiêu duy nhất là đưa thành phố đi qua những ngày giông bão.

Mười ba ngày qua, anh Hồ Ngọc Thanh – chủ nhiệm câu lạc bộ “Bếp cơm vạn tình” thường thức dậy vào 3 giờ sáng để nấu cơm tiếp sức cho các bác sĩ.

Mỗi ngày, câu lạc bộ của anh nấu khoảng 1500 suất cơm và chuyển đến Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Hải Châu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng…

Những suất ăn của “Bếp cơm vạn tình” gửi đến các bác sĩ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Những suất ăn của “Bếp cơm vạn tình” gửi đến các bác sĩ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Là một trong những người sáng lập nên “Quỹ xe 0 đồng”, anh Thanh còn hỗ trợ những người hết thời hạn cách ly trở về nhà.

“Những ngày thường, Quỹ xe 0 đồng của chúng tôi mở ra với mục đích giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, trong những ngày này, chúng tôi quyết định hỗ trợ những người hoàn thành nhiệm vụ cách ly trở về với gia đình”, anh Thanh tâm sự.

Với nhiệm vụ này, anh Thanh và những người bạn đồng hành trên chuyến xe 0 đồng phải đảm bảo kiểm tra đầy đủ giấy tờ chứng nhận hết thời gian cách ly của những “khách hàng đặc biệt”.

Thức dậy từ sáng sớm để cùng mọi người nấu cơm tiếp sức cho bác sĩ, sẵn sàng bất cứ lúc nào chuyến xe 0 đồng cần hỗ trợ, anh Hồ Ngọc Thanh tâm sự rằng mình chưa bao giờ thấy mệt mỏi.

Ngược lại, đó chính là niềm vui khi anh được góp sức vào công cuộc chống dịch của thành phố.

“Tôi nhớ mãi chuyến xe 5 giờ sáng mà mình hỗ trợ một sản phụ sắp sinh. Vì giãn cách xã hội nên chị không thể thuê xe. Trong thời điểm cấp bách đó, mình đã đưa chị đến bệnh viện. Thế mới thấy chuyến xe 0 đồng trong những ngày này càng đặc biệt hơn”, anh Thanh chia sẻ.

Có một Đà Nẵng đong đầy yêu thương

Lệnh cách ly, giãn cách xã hội buộc chúng ta phải tuân thủ tốt yêu cầu về khoảng cách. Thế nhưng, người dân Đà Nẵng đã biến khoảng cách đó trở thành “thanh nam châm” kết nối những trái tim lại gần bên nhau.

Không riêng gì anh Nam, anh Thanh, không chỉ có bếp cơm vạn tình, chuyến xe 0 đồng,… mà khắp nơi đều đang hát chung bài ca yêu thương, lan tỏa thông điệp “cách ly chẳng cách lòng”.

Hội Thiện nguyện Hương Sen Đà Nẵng trao quà đến những hoàn cảnh khó khăn trong đợt dịch. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hội Thiện nguyện Hương Sen Đà Nẵng trao quà đến những hoàn cảnh khó khăn trong đợt dịch. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Với tinh thần ấy, Hội Thiện nguyện Hương Sen Đà Nẵng đã thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa, đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống dịch.

Chỉ trong 10 ngày, câu lạc bộ này đã hỗ trợ vật liệu y tế, nhu yếu phẩm cho Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang; tặng đồ bảo hộ cho các trạm y tế; hỗ trợ lượng thực, nước uống cho các chốt kiểm dịch; đồng thời tặng quà cho những gia đình khó khăn, những sinh viên đang bị mắc kẹt tại Đà Nẵng.

Anh Đào Kim Long – Hội trưởng Hội Thiện nguyện Hương Sen Đà Nẵng chia sẻ: “Những ngày qua, Đà Nẵng đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Là một người con của Đà Nẵng, tôi rất xúc động, hạnh phúc và trân trọng tình cảm ấy.

Hội thiện nguyện của chúng tôi cũng mong muốn góp chút sức mình, làm cầu nối đưa quê hương vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Bạn Bùi Quốc Hào, sinh viên Đại học Kinh tế Đà Nẵng chia sẻ: “Mặc dù bị kẹt tại đây nhưng em và các bạn chưa bao giờ cảm thấy cô đơn hay buồn tủi. Mỗi ngày, chúng em đều được nhận sự chia sẻ, giúp đỡ của mọi người, từ mì tôm, nước uống đến các đồ ăn đóng hộp,…

Tình yêu thương của người Đà Nẵng thực sự ấm áp và giúp chúng em an tâm với niềm tin dịch bệnh sẽ sớm qua đi”.

Kẻ thù Covid-19 có thể khiến cuộc sống của mọi người bị đảo lộn nhưng lại làm sâu sắc thêm tình yêu thương và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

Với anh Nam, anh Thanh, với những người đang dốc sức cùng Đà Nẵng chống dịch, những vật phẩm y tế hay những suất cơm nghĩa tình không chỉ có giá trị vật chất.

Quan trọng hơn, đó là thông điệp của của những trái tim giàu yêu thương – nơi đây, dù cách ly nhưng chẳng cách lòng, dù khó khăn nhưng cuộc chiến này sẽ không ai bị bỏ lại phía sau!

Phạm Minh