Phan Đình Tùng lần đầu chia sẻ việc bị gièm pha vì tình yêu chênh lệch

20/06/2013 06:58
Đ.Tuyết (ghi)
(GDVN) - Chuyện hôn nhân hay tình yêu môn đăng hộ đối luôn bị mọi người chê cũ kĩ, lỗi thời, lạc hậu. Nhưng thực tế chuyện kinh tế, giàu nghèo vẫn là một nguyên nhân chính ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi. Trong chương trình "Đàn ông nói" tuần vừa rồi, ca sĩ Phan Đinh Tùng đã có chia sẻ thú vị chủ đề về "Tình yêu chênh lệch”.
MC Như Quỳnh: Đã bao giờ chuyện tiền bạc là chuyện lớn ảnh hưởng đến mối quan hệ của anh hay bạn bè chưa?
Phan Đình Tùng: Có lẽ chưa bao giờ chuyện tiền bạc là nguyên nhân chính gây đổ vỡ, xích mích trong mối quan hệ giữa bạn bè và anh em.
Như Quỳnh:  Nói về chuyện yêu đương, vậy bạn bè của anh, những cặp đôi yêu nhau thôi đa phần là khá giả nên chuyện tiền bạc không phải vấn đề lớn? Anh nghĩ vậy không?
Phan Đình Tùng: Chắc vậy. Nhiều khi mỗi người gặp một tình huống khác nhau có thể mình là người ít gặp, va chạm về điều đó nên chưa có kinh nghiệm nhiều.
Như Quỳnh: Em nghĩ như vậy là rất may mắn?

Phan Đình Tùng: Đúng vậy. Thời buổi này đồng tiền chi phối rất nhiều và còn tồn tại trong nhiều mối quan hệ nữa.

Như Quỳnh: Phim ảnh có những bộ phim nổi tiếng hay lấy chủ đề môn đăng hộ đối, có thể cô gái là một tiểu thư con nhà giàu còn chàng trai là người bình thường vất vả hoặc ngược lại. Hầu như những mối tình đó trở thành đề tài phim ảnh rất nhiều đúng không?

Phan Đình Tùng: Tùng nghĩ người ta làm ra những đề tài như vậy để cho mọi người có một niềm tin, niềm hi vọng và sự mơ ước. Thực chất trong đời sống thật khó có điều đó. Có cũng chỉ với xác suất rất thấp mà thôi.

Như Quỳnh: Có một nghịch lý, nếu người đàn ông khá giả và một người phụ nữ gọi là  thiếu thốn một tí thì không sao, nhưng ngược lại đó lại là vấn đề xã hội đàm tiếu và gièm pha?

Ca sĩ Phan Đình Tùng
Ca sĩ Phan Đình Tùng

Phan Đình Tùng: Đó là điều tự nhiên của “luật bất thành văn” mà xã hội đã quy định. Người đàn ông luôn là trụ cột, là người chèo chống gia đình, phải là người làm ra kinh tế còn người vợ quán xuyến, chăm lo gia đình, vun vén cho gia đình đó tươm tất và  hạnh phúc. Nhưng trong thời đại văn mình bây giờ đã có sự thay đổi cân bằng hơn, người vợ có thể ra ngoài làm kinh tế phụ giúp cho chồng. Có nhiều gia đình, phụ nữ còn là trụ cột kinh tế trong gia đình.

Như Quỳnh: Theo anh, đến thời bây giờ chuyện chênh lệch giàu nghèo ảnh hưởng đến các mối quan hệ có còn hay không?

Phan Đình Tùng: Vẫn còn ảnh hưởng nhiều chứ. Tùng nghĩ, theo thời đại nó sẽ giảm dần và sẽ tiến đến một mức độ cân bằng. Trước đây người phụ nữ thường không có tiếng nói, còn bây giờ thì hoàn toàn khác.

Như Quỳnh: Vấn đề kinh tế thường ở hai góc độ thời gian yêu nhau hoặc là vượt qua hoặc là người này đi tìm một người khác giàu hơn với mục đích của riêng họ. Đứng một góc độ khi sống với nhau tiền bạc đâu phải là vấn đề riêng của hai người. Nhưng có một số người đàn ông, nghĩ mình là người làm ra tiền, vợ chỉ là người lệ thuộc nên luôn khắt khe và quản chi tiêu của vợ. Điều đó khiến nhiều người phụ nữ  cảm thấy rất bức xúc, họ lên mạng chia sẻ vì cảm thấy tủi thân, cảm thấy bị lệ thuộc…Những hiện tượng đó anh đã nghe qua chưa và anh đánh giá hiện tượng đó như thế nào?

Phan Đình Tùng: Về bản thân anh, sau một thời gian cưới vợ rồi anh thấy vợ mình có năng lực quản lý, tài sản vật chất và chi tiêu tiền bạc nên anh để toàn bộ cho vợ quyết. Cái đó không phải mình nói đến điều gì mà nói đến tình yêu. Khi mình cảm nhận thấy tình yêu thật sự và tin tưởng vào nhau thì không còn lo lắng hay tính toán gì nữa.

Ai cũng có một lo lắng ban đầu, họ không biết người mình lấy làm vợ có đủ năng lực giúp mình quán xuyến gia đình, tài sản đó hay không. Tuy nhiên khi mình cảm thấy tin tưởng người đó thì giữa hai người nên có sự chia sẻ với nhau.

Như Quỳnh: Đã có rất nhiều cuộc li hôn  xảy ra vì người vợ giàu có hơn, người vợ được trọng dụng, tôn vinh còn người chồng chỉ là người bình thường. Đa phần các anh chọn cách cho người phụ nữ thấp hơn hoặc bằng mình để cái sĩ diện, cái tôi đàn ông được nâng lên. Theo anh hiện tượng đó như thế nào?

Phan Đình Tùng : Đây là vấn đề khá nhạy cảm. Bản thân anh cũng là một người luôn có tư tưởng phải là trụ cột trong gia đình, phải gồng gánh cho dù thế nào đi chăng nữa. Điều đó đã ăn sâu trong tâm trí con người Việt Nam, cho nên nếu mình không làm được việc đó sẽ cảm thấy vô dụng và không xứng đáng. 

Tuy nhiên nếu anh đã có bản lĩnh đó anh sẽ khó thất bại. Chẳng hạn mình bị sa cơ thất thế không thực hiện điều đó thì phải biết chờ thời cơ, thời điểm hứa hẹn với bản thân mình để một ngày nào đó lấy lại vị thế. Chấp nhận mà đánh mất chính mình sẽ trở thành vô dụng, còn chấp nhận và đánh mất tạm thời thôi nhưng vẫn còn vị thế của người đàn ông. Đó là  điều tuyệt vời không phải nói.

Như Quỳnh:
Cám ơn ca sĩ Phan Đình Tùng về những chia sẻ vừa rồi!
Đ.Tuyết (ghi)