Sinh viên nữ có rất nhiều thế mạnh khi chọn nghề báo

28/01/2021 15:23
Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phụ nữ làm báo khó khăn và vất vả hơn nam giới tuy nhiên nhiều phóng viên nữ làm các mảng điều tra rất tốt, đạt nhiều giải báo chí.

Chiều 27/1, Khoa Phát thanh Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã phối hơp với Viện tư vấn Phát triển kinh tế xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Định kiến giới đối với nhà báo nữ”.

Ông Vũ Quang Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng phụ nữ làm báo có rất nhiều thế mạnh (Ảnh: Nhật Minh)

Ông Vũ Quang Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng phụ nữ làm báo có rất nhiều thế mạnh (Ảnh: Nhật Minh)

Buổi tọa đàm có sự hiện diện của ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Phó Giáo sư Đinh Thị Thu Hằng, Phó Trưởng khoa Phát thanh Truyền hình; bà Phan Thu Hương, quản lý chương trình bình đẳng giới của tổ chức Oxfam…cùng nhiều chuyên gia nghiên cứu, lãnh đạo cơ quan báo chí, giảng viên, phóng viên và đông đảo sinh viên đang học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giáo sư Đinh Thị Thu Hằng cho biết trong những năm qua đa số sinh viên trúng tuyển vào Khoa Phát thanh Truyền hình là sinh viên nữ. Chỉ tính riêng hệ đào tạo đại học có 1.157 sinh viên trong đó nữ chiếm 80%.

Cần xóa bỏ nếp suy nghĩ chân yếu tay mềm đối với các nhà báo nữ (Ảnh: Nhật Minh)

Cần xóa bỏ nếp suy nghĩ chân yếu tay mềm đối với các nhà báo nữ (Ảnh: Nhật Minh)

Các nhà báo thành danh tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong những năm gần đây rất đông đảo, trong đó có nhiều gương mặt nổi bật. Tuy nhiên định nhiều ý kiến cho rằng nghề báo là một nghề dành cho nam giới vì tính chất công việc phải di chuyển nhiều đặc biệt là mảng phóng sự điều tra gai góc.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, các bạn sinh viên mong muốn lắng nghe ý kiến của các nhà tuyển dụng, chuyên gia, cựu phóng viên. Một số khía cạnh sinh viên báo chí quan tâm bao gồm vấn đề xin việc sau khi ra trường, áp lực khi tác nghiệp và định kiến về giới trong nghề báo…

Buổi tọa đàm giúp nhiều bạn sinh viên nữ giải đáp được nhiều thắc mắc khi lựa chọn nghề báo (Ảnh: Nhật Minh)

Buổi tọa đàm giúp nhiều bạn sinh viên nữ giải đáp được nhiều thắc mắc khi lựa chọn nghề báo (Ảnh: Nhật Minh)

Để trả lời những vấn đề này, ông Vũ Quang Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đại diện cơ quan tuyển dụng cho biết Phụ nữ làm báo khó khăn và vất vả hơn nam giới vì bên cạnh công việc còn phải chăm sóc gia đình, con cái.

Tuy nhiên, không phải phóng viên nữ là chân yếu tay mềm, nhiều mảng điều tra phóng viên nữ làm rất tốt, số lượng nhà báo nữ đạt các giải báo chí cũng rất nhiều.

Chính vì thế lời khuyên của ông Vũ Quang Hải dành cho các bạn sinh viên nữ hãy cố theo đuổi đam mê, trau dồi kỹ năng, tri thức để phục vụ cho công việc sau này. Ngoài ra nhà báo nữ cũng có thể lựa chọn những mảng chuyên sâu và phát triển thế mạnh của mình.

Đồng quan điểm với ông Vũ Quang Hải, nhà báo – diễn viên Đan Lê chia sẻ thẳng thắn: "Học viện Báo chí và Tuyên truyền có truyền thống là có nhiều sinh viên nữ bởi đơn thuần đó là nguyện vọng của em sinh viên, còn khi đi làm ở các cơ quan báo chí, cơ hội được chia đều cho cả nam và nữ giới. Nữ giới cũng không cần phải gồng mình để cho giống với nam giới mà chỉ cần tập trung phát huy thế mạnh của mình".

Đại diện Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia, khách mời (Ảnh: Nhật Minh)

Đại diện Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các chuyên gia, khách mời (Ảnh: Nhật Minh)

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, bà Phan Thu Hương, quản lý Chương trình Bình đẳng giới của tổ chức Oxfam cho rằng nguyên nhân gốc rễ của vấn đề định kiến giới đối với nhà báo nữ xuất phát từ gia đình và cộng đồng.

Theo bà Hương trong các gia đình con gái thường có xu hướng được bố mẹ định hướng theo các môn xã hội, con trai phù hợp với các môn tự nhiên. Từ quan điểm này đã ảnh hưởng đến việc lựa chọn nguyện vọng nghề nghiệp của các em.

Tuy nhiên cũng theo bà Phan Thu Hương và nhiều nữ phóng viên, phụ nữ làm phóng viên có rất nhiều thế mạnh mà nam giới không thể nào so bì được. Trong đó nổi bật là sự cẩn thận, chỉnh chu và tư duy.

Kết thúc buổi tọa đàm nhiều sinh viên chia sẻ các em đã có được câu trả lời thỏa đáng qua đó tự tin bước tiếp trên con đường mình đã chọn.

Nhật Minh