Bác Hồ dạy làm báo

21/06/2019 06:19
LAM HỒNG
(GDVN) - Lời Bác dạy nhẹ nhàng mà thấm thía, là nhà báo phải biết ngoại ngữ, càng nhiều càng tốt, để không ngừng trau dồi vốn kiến thức, mài sắc ngòi bút của mình.

Nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), chúng ta cùng có dịp ôn lại những lời dạy của Bác về công việc cũng như phẩm chất cần có của một nhà báo chân chính.

Những lời dạy quý báu ấy của Bác vẫn còn mang tính thời sự sâu sắc cho mỗi nhà báo, mỗi bạn viết tự soi mình vào để có những bài viết sắc sảo, mang tính chiến đấu cao… 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghiên cứu, tìm tòi để bổ sung thông tin cho mỗi bài báo. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghiên cứu, tìm tòi để bổ sung thông tin cho mỗi bài báo. Ảnh: Tư liệu

Hồi ấy, đang còn tiết đông giá, nhưng sáng ngày 18/1/1957 trời bỗng bừng nắng ấm. Trên đường tới số nhà 71 Hàng Trống, chiếc ô tô từ từ lăn bánh vào toà soạn Báo Nhân Dân.

Bác! Bác đến! Bác đến! Cùng với tiếng reo mừng, mọi người ùa ra quây tròn lấy Bác.

Giữa vòng vây phóng viên và biên tập viên, Bác hỏi:

Ở đây, có cô chú nào biết tiếng Nga thì giơ tay lên?

Lẻ tẻ có hai cánh tay giơ lên.

Cô chú nào biết tiếng Trung Quốc?

Lại một hai người giơ tay.

- Những ai biết tiếng Pháp?

Có nhiều cánh tay giơ lên.

- Đã làm báo thì mỗi người phải biết ít nhất là ba, bốn thứ tiếng nước ngoài. Không biết sinh ngữ thì thiệt lắm.

Lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị với người làm báo hiện đại
Lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị với người làm báo hiện đại

Thí dụ: các chú yêu một cô nước ngoài mà phải nhờ chú phiên dịch dịch hộ là “Tôi yêu cô”, và chú phiên dịch cũng dịch đúng như vậy thì chú phiên dịch yêu mất người yêu của các chú rồi!

Xôn xao nhiều tiếng cười.

Khoảng cách giữa lãnh tụ và quần chúng bị xoá nhoà từ lúc nào không biết. Bác nói tiếp:

Hôm nọ thấy Báo Nhân Dân đăng trang nhất tin bắt gián điệp, lại còn đóng khung cái tên ấy.

Công an bắt được mật thám là chuyện bình thường chứ có gì đặc biệt mà phải đóng khung, đưa lên trang nhất. Thế rồi lại còn chuyện in sai ở trang nhất, đem đính chính ở trang bốn.

Bác chỉ tay lên trán: nhọ ở đây, rửa ở đây - Bác chỉ tay vào lưng thì sạch làm sao được, đã sai ở đâu thì phải sửa ngay ở đấy.

Mắt Bác ánh lên nụ cười thân yêu. [1]

Lời Bác dạy nhẹ nhàng mà thấm thía, là nhà báo phải biết ngoại ngữ, càng nhiều càng tốt, để không ngừng trau dồi vốn kiến thức, mài sắc ngòi bút của mình.

Bên cạnh đó, việc đưa tin cần phải thận trọng, không phải tin nào cũng “đóng khung” và việc “đính chính” khi có sai sót trên mặt báo (sai sót trang nào phải “đính chính” ngay trang đó cho rõ ràng, cầu thị…).                                 

Chữ và nghĩa                           

Bác Hồ rất siêng đọc báo. Ngoài nội dung tư tưởng, chính trị, Người rất quan tâm, chăm sóc chữ và nghĩa của các nhà báo.

Hồ Chí Minh – tấm gương lớn về sự nêu gương
Hồ Chí Minh – tấm gương lớn về sự nêu gương

Vào những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi bình luận sự kiện Mỹ đổ quân ào ạt vào Miền Nam nước ta, có nhà báo đã viết trên Báo Nhân Dân: “Thế là đế quốc Mỹ đã lao đầu vào cuộc chiến tranh xâm lược…”.

Đọc đến đây, Bác gạch chân chữ “lao đầu” và ghi vào bên lề: “Không những chúng “lao đầu” mà còn lao cả “đít” nữa!”.

Mùa xuân năm 1966, Quân Giải phóng liên tiếp thắng những trận lớn giòn giã, những Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plei me, Đà Nẵng…

Một nhà báo hứng khởi hạ một câu bình luận: “Đó là những trận đánh lịch sử tuyệt đẹp”. Bác lẳng lặng gạch bỏ chữ “tuyệt đẹp”, thay vào đó chữ “lớn” với ghi chú bên lề "Một trận đánh chết nhiều người sao gọi là“tuyệt đẹp?”. [1]

Bài học ở đây cho chúng ta thấy, đã là một cán bộ, viên chức thì cần phải siêng năng đọc báo chí.

Dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian đọc báo, nắm tình hình về mọi mặt của khắp mọi miền đất nước.

Bên cạnh đó, bài học cho người làm báo là phải cân nhắc dùng từ ngữ trong bài viết của mình. Từ ngữ dùng đúng lúc, đúng nơi, mang tính nhân văn cao sẽ mang hiệu quả truyền tải thông tin tới người đọc.

Tài liệu tham khảo:

[1] Giai thoại nhà văn Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, 1996.

LAM HỒNG