Sự ích kỷ, thực dụng của người lớn đang làm hỏng con trẻ

05/04/2019 06:09
Tùng Dương
(GDVN) - Trẻ nhỏ sẽ nhìn vào cách cha mẹ, thầy cô ứng xử với chúng và những người xung quanh để học hỏi, và thường chúng học thói xấu nhanh hơn cái tốt.

Thời gian gần đây đã có nhiều cảnh báo về thói vô cảm trong xã hội ngày càng lan rộng, đặc biệt là xảy ra ở giới trẻ. Họ dửng dưng với tất cả mọi việc xảy ra: Gặp người bị nạn không cứu; thấy cướp giật thì thờ ơ, tránh xa và coi đó không phải việc của mình; xả rác bừa bãi nơi công cộng rồi coi đó là chuyện đương nhiên, cố leo trèo lên những khu vực cấm để chụp ảnh chỉ để đưa lên mạng xã hội khoe…

Những sự việc thờ ơ, vô cảm như vậy là hiện tượng xấu, xuống cấp văn hóa, đi ngược với một xã hội văn minh.

Trèo vào đường tầu hỏa trên cầu Long Biên để chụp ảnh, phớt lờ lệnh cấm. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Trèo vào đường tầu hỏa trên cầu Long Biên để chụp ảnh, phớt lờ lệnh cấm. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Trao đổi vấn đề này với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam, chia sẻ: “Trước đây, khi thấy một vụ tai nạn ngoài đường thì gần như tất cả mọi người cùng xúm vào hỗ trợ, ai cũng rất nhiệt tình, nhưng nay nhiều người lảng tránh, thậm chí đứng xem - chụp hình, quay clip chứ không sẵn sàng hỗ trợ người gặp nạn”.

Phải chăng đó là mặt trái của cơ chế thị trường, lợi ích cá nhân được đề cao, lợi ích tập thể hay lợi ích công ít được đề cập đến, và thật đáng tiếc là một bộ phận giới trẻ hiện nay chạy theo lợi ích cá nhân theo xu hướng tiêu cực.

Sự ích kỷ, thực dụng của người lớn đang làm hỏng con trẻ ảnh 2

Nhiều người học vị cao nhưng văn hoá... "lùn"

"Họ có cảm giác việc cứu giúp người khác không bắt buộc phải làm, không có liên quan gì đến mình. Gia đình, bố mẹ thường căn dặn, ra đường gặp những sự việc không hay, con hãy tránh xa ra, chẳng phải đầu cũng phải tai, rắc rối.

Tất nhiên những lời dặn ấy như một mệnh lệnh, dẫn đến việc giới trẻ thực hiện vô điều kiện, mà không hề có suy xét cá nhân trước từng sự việc cụ thể", ông Sơn nói.

Những hành động vô cảm của nhiều bạn trẻ hiện nay đã vô tình lan ra và ảnh hưởng dần tới những người khác, chẳng ai quan tâm đến ai ở ngoài đường nếu việc đó không có lợi cho họ. Lối suy nghĩ ấy là hoàn toàn sai lầm, nó khiến cho bản thân con người ấy tụt lùi trong tư duy, trong ứng xử với mọi việc xung quanh mình.

Nếu cứ sống theo cách đó thì cuối cùng chính những người "vô cảm" cũng phải hứng chịu sự "vô cảm" của những người khác, bởi vì khi họ không sẵn sàng giúp người khác thì đương nhiên họ cũng không nhận được sự giúp đỡ.

Viết bừa bãi tại những nơi công cộng với tư duy muốn nổi trội, hơn người. Ảnh: Nguyễn Nam.
Viết bừa bãi tại những nơi công cộng với tư duy muốn nổi trội, hơn người. Ảnh: Nguyễn Nam.

Sự việc thờ ơ, dửng dưng này cũng có phần nguyên nhân từ chính những người được giúp đỡ và cách ứng xử của cán bộ của cơ quan công quyền.

Tiến sĩ Sơn nêu thí dụ: “Đã có những trường hợp cứu giúp tai nạn trên đường, khi đưa nạn nhân vào viện cấp cứu thì người đưa vào thường gặp rắc rối, phiền phức, có thể bị người nhà nạn nhân hiểu lầm thành người gây ra tại nạn, nên không ít trường hợp người cứu giúp bị hành hung, đợi thanh minh được thì đã muộn.

Những người cứu giúp, đưa nạn nhân vào viện thường bị các cơ quan điều tra yêu cầu phải hợp tác, cung cấp thông tin về vụ tai nạn (theo luật quy định), mà đâu phải một lần đã xong, điều đó gây ảnh hưởng không ít tới sinh hoạt, công việc của họ. Nên chăng các cơ quan Công an cần rút kinh nghiệm cách làm việc này.

Nhiều trường hợp, hiện trường xảy ra tai nạn không có người làm chứng, nên chuyện người giúp đưa nạn nhân vào viện cấp cứu bị cơ quan điều tra hiểu lầm thành người gây ra tại nạn, người giúp đỡ đó cũng bị tạm giữ, điều tra.

Những cán bộ trực tiếp làm việc có thái độ ngờ vực, hỏi chuyện như hỏi cung, thiếu tôn trọng người đã cứu giúp, khiến những người trẻ có nghĩa cử đẹp ấy cảm thấy bị tổn thương, tự ái, lo sợ.

Giới trẻ nảy sinh tâm lý tự bảo vệ bản thân, mặc kệ nạn nhân trên đường, mặc dù trong thâm tâm cũng có thể áy náy".

Có một thực tế, khi ở nhà bố mẹ thường dặn con cái, ra đường gặp những chuyện không hay thì tránh xa, còn ở trường thì giáo dục các em là phải giúp đỡ người gặp hoạn nạn. Vậy tại sao giới trẻ lại không thực hiện những việc có ích như thầy, cô dạy?

Tiến sĩ Sơn phân tích: “Có thể hiểu, việc cô giáo dạy theo kiểu bao quát, chung chung không thành phong trào, đó là cơ chế mềm, nên trẻ sẽ nghĩ không nhất thiết phải làm theo.

Còn bố mẹ thì dặn rất cụ thể, rằng con tuyệt đối không được tham gia, tránh thật xa, đấy không phải việc của con. Lời dặn này như là mệnh lệnh ngầm, được nhắc đi nhắc lại hàng ngày nên đã ngấm vào tư duy của trẻ, lâu dần thành thói quen, cứ thấy những việc không hay xảy ra thì chúng chỉ đứng nhìn hoặc bỏ đi.

Cũng khó có thể thể trách lớp trẻ, mà chúng ta nên xem lại từ suy nghĩ và lối hành xử của người lớn. Nhiều người đang làm hỏng con cái bằng lối sống ích kỷ, chỉ muốn những điều tốt, những gì có lợi cho mình”.

Coi thường pháp luật, xả rác vô tư trên phố, nơi công cộng. Ảnh: Anh Tuấn.
Coi thường pháp luật, xả rác vô tư trên phố, nơi công cộng. Ảnh: Anh Tuấn.

Thói vô cảm không chỉ có ở giới trẻ, mà còn xuất hiện ở một số cán bộ nhận thức yếu kém, quan liêu, vô cảm, chuyện vào sáng 17/3/2019, nhóm bạn trẻ tổ chức buổi dọn rác dọc một số con kênh thuộc phường Thảo Điền, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh với sự góp mặt của gần 100 người.

Nhưng đến khi hoạt động chuẩn bị diễn ra thì cơ quan chức năng địa phương có mặt và hỏi giấy phép dọn rác. Buổi dọn rác bị hủy vào phút cuối vì không có ai cấp phép. (1)

Sự ích kỷ, thực dụng của người lớn đang làm hỏng con trẻ ảnh 5Ích kỷ, vòi vĩnh và những hành vi lệch chuẩn văn hóa

Trước đó, cư dân mạng xôn xao chuyện 4 người đàn ông nước ngoài, mặc quần nilon lội xuống dọn cống thối ngập rác ở cuối ngõ 381/55/4 đường Nguyễn Khang (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).

Thực tế, 4 người đàn ông này đã không quản ngại vất vả, mất gần nửa ngày với các công cụ thô sơ để dọn sạch rác tại đoạn cống lộ thiên có nước đen ngòm này.

Trong khi chúng ta ngưỡng mộ hành động tự nguyện dọn rác của 4 người nước ngoài, thì ông Hoàng Trung Kiên - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Yên Hòa lại nói rằng "tạo điều kiện, giúp đỡ hết sức" nhưng không báo cáo chính quyền sở tại là sai nguyên tắc.

Trong khi đó, anh James (một thành viên của nhóm dọn rác) nói rằng, không hề biết việc dọn rác phải xin ý kiến chính quyền sở tại. Chỉ đơn giản là thấy con mươn chưa đủ sạch nên rủ bạn bè làm sạch hơn, muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người về việc xả rác thải. (2)

Đọc được phát biểu của vị Chủ tịch phường, có người đã bình luận chua chát: Xả rác thì vô tư, không cần giấy phép, nhưng khi dọn rác làm sạch môi trường thì lại phải xin phép?

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn: “Những việc như vậy rất tốt cần được nhân rộng để khuyến khích, giáo dục lớp trẻ. Nhưng ở đây, vị Chủ tịch phường lại đề cao cái quyền của mình, quyền của một chú 'lính lệ' gác cổng nhà quan ngày xưa, quen thói hạch sách, ra oai. Những thói vô cảm đó cũng ảnh hưởng rất nhiều vào ý thức của lớp trẻ hiện nay”.

Như vậy có thể nói, thói vô cảm, ích kỉ, cá nhân, đề cao cái tôi của mình không chỉ hoàn toàn xảy ra ở lớp trẻ, mà nó có nguyên nhân đến từ sự ứng xử của nhiều người lớn.

“Nhà trường cần coi trọng hơn nữa môn học Giáo dục công dân, đây là môn dạy làm người, nó quan trọng hơn những môn khác, nhưng thực tế hiện nay môn học này đang bị xem nhẹ và coi là môn phụ, thật sự đáng tiếc”, Tiến sĩ Sơn bày tỏ.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/muon-boi-thuyen-vot-rac-tren-song-rach-phai-xin-phep-20190318094030283.htm

(2) https://dantri.com.vn/xa-hoi/gap-chang-tay-loi-muong-thoi-vot-rac-o-ha-noi-20160518075040892.htm

Tùng Dương