Sự lựa chọn - Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa

25/11/2021 06:38
Tường Vy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Sự lựa chọn- Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa” được Tiến sĩ Edith Eger viết trong 10 năm kể từ khi bà 80 tuổi.

Hơn cả một cuốn hồi ký gây tò mò về một thảm họa diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người, “Sự lựa chọn - Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa” (Tân Việt Books và NXB Dân trí ấn hành) còn là một cuốn sách nhân ái, đầy trí tuệ, mang đến hy vọng và niềm an ủi, có thể giúp chữa lành tổn thương, thay đổi cuộc đời cho nhiều thế hệ độc giả.

Edith Elefant sinh năm 1927, là con gái út trong một gia đình Do Thái trung lưu tại Hungary. Khi ấy bà là một vũ công ba lê và vận động viên thể dục giỏi nhất trong những vận động viên được đào tạo để đại diện cho Hungary thi đấu tại Thế vận hội.

Tuy nhiên, năm 1944, Edith cùng chị gái cả, cha mẹ và các gia đình Do Thái khác bị đưa vào trại tử thần Auschwitz. Trong khi bà buộc phải khiêu vũ để mua vui cho Thiên thần chết chóc, Tiến sĩ Josef Mengele, cha mẹ bà đã bị hành quyết.

“Sự lựa chọn- Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa” được Tiến sĩ Edith Eger viết trong 10 năm kể từ khi bà 80 tuổi.

“Sự lựa chọn- Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa” được Tiến sĩ Edith Eger viết trong 10 năm kể từ khi bà 80 tuổi.

Không chỉ bị đối xử một cách tàn tệ, thường xuyên phải chịu các cảnh tra tấn, đói khát, Edith cùng người chị gái cả và những người phụ nữ Do Thái trẻ tuổi khác liên tục bị đưa đi từ trại giam này đến trại giam khác, từ Ba Lan đến Áo trong các cuộc hành quân tử thần. Họ đã dựa vào nhau, nỗ lực kiên cường từng ngày để có thể sống sót đến khi được giải phóng.

Khi lính Mỹ giải phóng trại vào ngày 4 tháng 5 năm 1945, Edith và chị gái nằm lẫn lộn với những người đã chết. Bà thậm chí không thể cất lên tiếng nói hay cử động cánh tay để đáp lại tiếng gọi tìm kiếm người còn sống của lính Mỹ. May thay chị gái bà còn đủ sức để thu hút sự chú ý của một người lính bằng cách sử dụng lon cá mòi để ra hiệu. Khi được cứu sống họ như những khung xương bọc da, người đầy chấy rận và các vết lở loét. Edith còn bị gãy sống lưng, viêm phổi, thương hàn…. Họ thuộc 10% ít ỏi nạn nhân sống sót từ các trại tử thần của Đức quốc xã.

Trong cuốn hồi ký “Sự lựa chọn - Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa” Edith dành một phần tư dung lượng đầu tiên của cuốn sách để mô tả cuộc sống và sự nỗ lực, đấu tranh của bà cùng chị gái để có thể sống sót trở về từ địa ngục của trần gian.

Điều mang đến cho bà sức mạnh là niềm tin của mẹ bà về trí thông minh của cô con gái út, những lời mẹ bà chia sẻ “chỉ cần nhớ lấy không ai có thể tước đoạt khỏi con những gì con đặt trong tâm trí mình” và cả hy vọng, hồi tưởng về người yêu đầu tiên, hy vọng về một ngày mai tươi sáng: “Nếu tôi sống sót hôm nay, ngày mai tôi sẽ được tự do ”…

Edith Elefant nhận ra rằng bà có những lựa chọn khác nhau. Thoát khỏi chốn địa ngục kinh hoàng, những người như bà thể dành phần đời còn lại để nguyền rủa, căm thù những con người, chế độ đã reo giắc bất hạnh, khổ đau cho gia đình và cá nhân bà. Nhưng thay vào đó, Edith chọn cách nhìn về tương lai.

Không lâu sau khi bình phục, Edith kết hôn với một doanh nhân giàu có người Do Thái và trở thành Edith Eger. Biến động chính trị sau đó khiến gia đình trẻ của bà phải từ bỏ gia sản và đến Hoa Kỳ sinh sống với hai bàn tay trắng. Tại đây sau một thời gian dài nỗ lực vật lộn với cuộc sống của những người nhập cư ở đáy cùng xã hội để vươn lên, cuộc sống của gia đình Edith đã được cải thiện rõ rệt.

Họ có thêm con cái. Năm 32 tuổi Edith quyết định theo học chương trình cử nhân về tâm lý. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm kể từ khi được giải thoát khỏi sự tra tấn của Đức quốc xã, Edith vẫn phải chịu đựng những tổn thương tinh thần sâu sắc. Bất cứ điều gì gợi nhớ đến quá khứ kinh hoàng đó đều khiến bà cảm thấy sợ hãi, tê liệt, thậm chí cảm thấy bị cầm tù trong lựa chọn hôn nhân của mình.

Cho đến khi một bạn học đưa cho bà cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” của Viktor Frankl, từng là tù nhân tại trại Auschwitz cùng thời với Edith. Cuốn sách của Frankl đã trở thành nguồn sáng dẫn lối Edith tiến xa hơn trên con đường học hỏi, trở thành một nhà tâm lý học trị liệu chữa lành tổn thương cho hàng nghìn người, đồng thời cũng chữa lành tổn thương cho chính bản thân mình. Trong 30 năm tiếp theo, bà tiếp tục học tập để lấy được bằng cử nhân, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ trong tâm lý học.

Từ đó đến nay Edith Eger là chuyên gia trị liệu tâm lý và điều trị PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương) cho rất nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là cho các cựu chiến binh và các quân nhân phải chịu đựng các tổn thương sau quá trình tham chiến.

Và ¾ dung lượng còn lại của cuốn hồi ký “Sự lựa chọn - Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa”, Edith Eger dành để viết về hành trình bà chịu đựng, rồi đối mặt để chữa lành tổn thương của chính bà, cũng như rất nhiều bệnh nhân khác.

Bằng câu chuyện của chính mình, cũng như câu chuyện của nhiều bệnh nhân khác, bà đã chứng minh khả năng thoát khỏi chấn thương, đau buồn và sợ hãi là khả thi nếu mỗi người dám đương đầu với đau khổ và đưa ra lựa chọn chữa lành. Bà giúp mỗi người khám phá cách bản thân có thể bị giam cầm trong tâm trí của chính mình và chỉ cho họ cách tìm ra chìa khóa dẫn đến tự do.

Vì vậy, hơn cả một cuốn hồi ký gây tò mò về một thảm họa diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người, “Sự lựa chọn - Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa” còn là một cuốn sách nhân ái, đầy trí tuệ, mang đến hy vọng và niềm an ủi, có thể giúp thay đổi cuộc đời cho nhiều thế hệ độc giả. Càng tuyệt vời hơn nữa, khi cuốn sách được viết một cách hấp dẫn, lôi cuốn với lối viết hiện tại, quá khứ đan xen, hành văn mượt mà, đầy cảm xúc, khiến độc giả bị cuốn theo đến tận dòng cuối cùng.

“Sự lựa chọn- Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa” được Tiến sĩ Edith Eger viết trong 10 năm kể từ khi bà 80 tuổi. Ra mắt lần đầu năm 2017, cuốn sách đã nhanh chóng trở thành tác phẩm bán chạy ở nhiều quốc gia trên thế giới và nhận được nhiều đánh giá cao từ các tờ báo lớn và nhân vật nổi tiếng như Bill Gates, Oprah Winfrey, Tổng giám mục đạt giải Nobel Hòa bình Desmond Tutu. Cuốn sách cũng được trao Giải thưởng sách Quốc gia Do Thái và Giải thưởng Christopher.

Nhận xét về “Sự lựa chọn- Nơi ngục tối không thể ngăn hy vọng nở hoa” báo New York Times viết: “Khó có thể tìm thấy thông điệp dành cho thời hiện đại nào quan trọng hơn cuốn sách này. “Sự lựa chọn” là khúc khải hoàn, và là cuốn sách cần phải đọc cho bất kỳ ai quan tâm đến sự tự do của tâm hồn và tương lai của nhân loại”.

Trong khi đó, Michael Berenbaum, Cựu Giám đốc Dự án Bảo tàng tưởng niệm Holocaust Hoa Kỳ viết: “Một cuốn sách được viết bằng cả đam mê và sự sâu sắc… gợi ra những góc nhìn mới lạ về bản chất đau khổ của con người, cũng như khả năng chữa lành vết thương. Việc so sánh với cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” là điều không thể tránh khỏi, nhưng tác phẩm này thậm chí còn táo bạo hơn”.

Tường Vy