Vào lớp một khó hơn… lên giời

04/05/2012 14:53
Theo SGGP
Công tác xét tuyển, thi tuyển đầu cấp tại TPHCM mới chính thức khởi động, song cuộc chạy đua tìm kiếm một suất vào các trường chất lượng theo ý muốn của phụ huynh đang “nóng” từng ngày.

Đủ chiêu chạy trường

Nhiều năm nay, cứ gần đến mùa tuyển sinh là y như rằng hiện tượng “lựa trường”, chạy suất học trái tuyến cho con của các bậc phụ huynh lại rộ lên.

Ngoài một số kiểu chạy trường truyền thống như “chạy hộ khẩu”, chạy suất trái tuyến từ một số giáo viên các trường, các mối quan hệ kiểu bắc cầu thì hiện nay hình thức “chạy thư tay” các lãnh đạo ngành, lãnh đạo quận hay tự nguyện đóng góp dưới hình thức xã hội hóa giáo dục cho trường muốn vào cũng được phụ huynh áp dụng triệt để.

"Mùa" chạy đua vào tiểu học sắp bắt đầu (Ảnh minh họa)
"Mùa" chạy đua vào tiểu học sắp bắt đầu (Ảnh minh họa)

Nhiều phụ huynh có con mới 5 tuổi (chưa đến tuổi ra lớp) nhưng đã đến đặt vấn đề ngay từ trước một năm với hiệu trưởng, rồi thường xuyên tham gia đóng góp, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội hóa giáo dục với nhà trường hòng “đặt” một suất với hiệu trưởng.

Là một địa bàn có nhiều trường tiểu học chất lượng và có tiếng của TPHCM nên quận 1 có thể xem là một trong những địa bàn luôn “nóng bỏng” với những đợt sóng ngầm “chạy trường” từ phụ huynh. Đại diện lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận 1 cho biết: Mặc dù quận có khá nhiều trường tiểu học tốt nhưng không hiểu sao phụ huynh cứ “chạy” vào vài ba trường ở trung tâm như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Ngọc Hân, Hòa Bình, Trần Quang Khải, Nguyễn Du… Nếu không chạy được cách này họ chuyển qua cách khác. Chính vì thế một vài trường luôn phải đối mặt với áp lực sĩ số. Trước mỗi mùa tuyển sinh chúng tôi đều có họp bàn và thống nhất với nhau (từ trưởng phòng cho đến hiệu trưởng)  tuyệt đối thực hiện nghiêm chính sách tuyển sinh, hạn chế tối đa tình trạng học sinh trái tuyến đổ về, em nào hộ khẩu tại địa bàn chưa qua 3 năm tuyệt đối không nhận. Tuy nhiên, hiện tượng trên vẫn không mấy thuyên giảm vì một bộ phận phụ huynh vẫn quá mê tiếng một vài trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định: Mặc dù ngành giáo dục TPHCM không ngừng chống “chạy” trường, nhưng vấn nạn này luôn diễn ra một cách âm thầm. Đặc biệt là đầu cấp 1, nhiều phụ huynh có tâm lý bằng mọi giá phải cho con vào học ở những trường có tiếng tăm đã tạo ra một làn sóng chạy trường ngày càng rộng. Mỗi mùa tuyển sinh chúng tôi đều quán triệt chặt chẽ từ trên xuống về phương án tuyển sinh. Đặc biệt, hiệu trưởng không được quyền quyết định việc nhận hồ sơ trái tuyến mà phải do hội đồng tuyển sinh nhà trường quyết định. Trong thực tế, bất cứ giải pháp tuyển sinh nào cũng sẽ bị phụ huynh “lách” và “chạy”. Từ việc chạy hộ khẩu cho đến chạy mối quan hệ. Chính vì thế, giải pháp hiệu quả nhất là công tác tuyên truyền để phụ huynh hiểu và thông cảm với nhà trường.

Không màng đến học lực của con

Nguyên nhân và hậu quả của nạn “chạy trường”  hoàn toàn có thể nhận thấy ngay được. Các bậc phụ huynh vừa là thủ phạm cũng vừa là nạn nhân. Có khi chỉ vì ham danh, ganh đua với bạn bè, đồng nghiệp mà họ ép con cái vào những trường có tiếng cho đỡ mất mặt, dù học lực của con không cao.

Một trong những trường hợp cụ thể của cái gọi là “con gà tức nhau tiếng gáy” là phụ huynh Ng.H.Ph. nhà ở quận Gò Vấp. Thấy con chị bạn hàng xóm (học Trường THCS chuyên Nguyễn Du) đăng ký thi vào Trường chuyên THPT Lê Hồng Phong, chị cũng đăng ký cho con mình (học Trường THCS Phạm Văn Chiêu) thi vào Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, dù học lực con chị chỉ ở mức trung bình.

Bất chấp nguyện vọng của con chỉ muốn thi vào Trường THPT Gò Vấp, chị bỏ tiền ra mời gia sư, thầy giỏi về kèm cặp, ôn luyện cho con với mục tiêu phải vào bằng được Trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Kết thúc kỳ thi tuyển, trong khi con chị hàng xóm đậu với điểm gần thủ khoa thì con chị “rơi” gần chạm đáy trung bình môn. Không những không vào được trường mơ ước mà con chị phải ngậm ngùi ra học Trường tư thục Phạm Ngũ Lão vì điểm quá thấp, không thể xét tuyển vào các trường khác trên địa bàn. 

Thực tế hiện nay cũng cho thấy, không ít trường hợp chỉ vì theo đuổi “giấc mơ” của cha mẹ mà phải trả giá. Trường hợp của em Nguyễn Th. A., học sinh Trường Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức) là ví dụ rõ nhất: Tốt nghiệp bậc THCS với học lực khá, A. chỉ đủ tự tin xét tuyển vào Trường THPT Tam Phú, nhưng cha mẹ A. thì muốn em vào Trường Nguyễn Hữu Huân. Vậy là không hiểu bằng cách nào, phụ huynh của A. đã giúp em trúng tuyển vào trường trên. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm theo học tại đây, sức học của A. ngày càng sụt giảm và không thể theo kịp các bạn trong lớp, không cách nào khác A. đành năn nỉ cha mẹ chuyển cho em về trường THPT khác bởi áp lực em đang chịu là quá lớn. “Do cha mẹ không đồng ý nguyện vọng trên nên em đã phản kháng bằng cách nghỉ học suốt một tuần liền. Đến khi cha mẹ em chấp nhận nguyện vọng chính đáng, việc học của em mới trở lại cân bằng và áp lực học tập của em mới thật sự được gỡ bỏ” – A. chia sẻ.

Hai trường hợp trên chỉ là số ít trong hàng trăm, hàng ngàn trường hợp học sinh đang phải “gánh” trên mình áp lực học hành từ sự kỳ vọng và hậu quả “chạy trường” của chính phụ huynh. Và để đối phó với những “xảo thuật” của nhiều phụ huynh, tránh tình trạng tuyển sinh không minh bạch, nhiều phòng GD-ĐT mùa tuyển sinh năm nay đã yêu cầu các trường khi tiếp nhận phải kiểm tra kỹ hồ sơ, đặc biệt phải kiểm tra sự trùng khớp các thông tin về cá nhân học sinh trong giấy khai sinh, hộ khẩu, học bạ (lớp 6). Nếu thấy trùng khớp thì hiệu trưởng ký và đóng dấu xác nhận và xét duyệt còn không thì từ chối dưới bất cứ hình thức nào.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Hưng Yên: Hiệu trưởng mầm non bị tố nhiều sai phạm

Chùm ảnh: Những bữa cơm đạm bạc của SV thời bão giá

Con đường học vấn đáng mơ ước của Tổng thống Jimmy Carter

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam từ 1945-2012

GS.Nguyễn Xuân Hãn: “Giáo dục Đại học Việt Nam sính ngoại thái quá”

Học sinh, sinh viên "khúm núm" dưới nắng nóng Hà Nội

Theo SGGP