Biết rõ cả điểm yếu, điểm mạnh vì sao DN cà phê Việt vẫn lao đao?

13/08/2013 09:54
Hoàng Lực
(GDVN) - Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, nhận định: Sẽ rất khó để cạnh tranh với DN FDI khi những khó khăn của DN cà phê Việt chính là điểm mạnh của DN cà phê FDI.
Mới đây ngày 10/8 giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục có phiên tăng thứ 3, tăng thêm từ 500-600 nghìn đồng/tấn tùy vùng lên 40,7-41 triệu đồng/tấn. Trong khi giá cà phê robusta giao tại cảng giá FOB tăng 39 thêm USD/tấn lên 1.973 USD/tấn. Tuy nhiên, câu chuyện giá cà phê lên xuống lúc này dường như không quá quan trọng với doanh nghiệp (DN) cà phê Việt khi không ít DN đang phải đau đầu tìm phương án giải quyết các khoản nợ. Có nhiều nguyên nhân đã được ra để lý giải cho bức tranh ảm đạm của ngành cà phê cũng như những khó khăn của DN cà phê Việt. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê và Cao su Việt Nam (Vicofa), nguyên nhân quan trọng nhất là DN cà phê Việt là không gắn được với vùng sản xuất dẫn đến không chủ động được vùng nguyên liệu. Cũng theo ông Vinh, những cái khó của DN cà phê Việt lại chính là điểm mạnh của các DN cà phê FDI. Điều đó càng khiến cho khoảng cách trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường càng lớn.
Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê và Cao su Việt Nam (Vicofa)
Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê và Cao su Việt Nam (Vicofa)
- Ngành cà phê Việt Nam được nhận định là đang rất khó khăn, điều này có tác động như thế nào đến DN cà phê thưa ông?Ông Nguyễn Viết Vinh: Rõ ràng ngành cà phê Việt Nam hiện nay đang rất khó khăn, những khó khăn này được thể hiện rất rõ qua giá cà phê giảm từ 2.400 USD/tấn xuống còn 1.800-1.900 USD/tấn, năng xuất cà phê giảm do diện tích cà phê già tăng cao, chi phí đầu vào cho sản xuất… Theo dự báo, xuất khẩu cà phê tháng 7/2013 ước đạt 93 ngàn tấn với giá trị kim ngạch 200 triệu USD, giảm 23,7% về khối lượng và giảm 22,4%  về giá trị so cùng kỳ năm 2012.
Những khó khăn đó dù ít dù nhiều cũng ảnh hưởng một cách trực tiếp, gián tiếp đến DN cà phê trong nước mà chủ yếu là DN nội. Tuy nhiên những doanh nghiệp cà phê mà gắn được vùng sản xuất ở khu vực Tây Nguyên thì ít gặp khó khăn và phần nào vẫn giữ được mức tăng trưởng. Còn nếu chỉ là doanh nghiệp kinh doanh thuần túy thì hầu hết gặp khó khăn. Những khó khăn thể hiện qua con số nợ xấu của doanh nghiệp cà phê Việt đang ngày càng tăng, theo một báo cáo mới đây của Hiệp hội Cà phê & Ca cao Việt Nam (Vicofa), nợ xấu, nợ quá hạn của các doanh nghiệp cà phê vay tại các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiện vào khoảng 6.330 tỉ đồng. - Vậy theo ông, nguyên nhân từ đâu khiến bức tranh doanh nghiệp kinh doanh cà phê Việt Nam lại ảm đạm đến vậy?Ông Nguyễn Viết Vinh: Ở đây phải nói doanh nghiệp cà phê gặp khó khăn chủ yếu là doanh nghiệp kinh doanh thuần túy thương mại vì những doanh nghiệp này không chủ động được vùng nguyên liệu. Vì vậy mặc dù giá cà phê tương đối ổn định nhưng các doanh nghiệp kinh doanh thuần túy thời gian qua gặp 3 khó khăn lớn nhất.Thứ nhất những doanh nghiệp này phải vay và chịu lãi suất tín dụng đồng Việt Nam rất lớn (từ 18 đến 20%/năm) dẫn đến nợ xấu của doanh nghiệp ngày càng tăng. Thứ hai nguồn lực tài chính của hầu hết doanh nghiệp cà phê trong nước đều rất thấp do vậy nguồn vốn đều được vay tín dụng với lãi suất cao.Thứ ba quan trọng nhất, khó khăn với doanh nghiệp cà phê Việt là không gắn được với vùng sản xuất dẫn đến không chủ động được vùng nguyên liệu. Với diễn biến giá cà phê lên xuống thất thường có trường hợp doanh nghiệp kinh doanh dù ký hợp đồng mua hàng với người dân nhưng vẫn không mua được hàng. Từ trước đến nay các doanh nghiệp cà phê nội thường thực hiện giao dịch mua bán cà phê trước cả vài tháng đến cả năm, thuật ngữ kinh doanh gọi là giao dịch mua bán kỳ hạn. Tức là chưa có hàng nhưng đã giao dịch, khi giá cà phê không ổn định sẽ dẫn đến việc khó thu gom hàng. Ví dụ như hiện nay tháng 8 nhưng đã thực hiện ký kết giao dịch với đối tác tháng 10 mà trong tay chưa có nguồn hàng ổn định. Sau khi ký hợp đồng xong thì mới tổ chức thu mua khi đó giá cả biến động từ đó gây ra rủi ro trong kinh doanh với doanh nghiệp cà phê nội.- Đó là câu chuyện của những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Theo ông vì sao doanh nghiệp kinh doanh chế biến cà phê Việt vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường Việt Nam với gần 90 triệu dân?

Ông Nguyễn Viết Vinh:
Vấn đề ở đây là chất lượng, doanh nghiệp cà phê nội gặp khó khăn là chất lượng cà phê do xuất phát từ vấn đề sản xuất. Ví dụ ở các nước, quy trình sản xuất cà phê được quy định rõ ràng riêng việc thu hái cà phê phải là cà phê chín từ 90 – 95% thu hái làm hai đợt hái toàn bộ quả chín. Còn của ta thì tuốt hết cả cành gồm cả quả chín quả xanh đến khi đưa vào chế biến rang xay dẫn đến chất lượng không đồng đều.
Cùng với đó là công nghệ chế biến ướt hay khô, nếu thu hái cả phê không đồng đều cộng với chế biến thủ công là chế biến khô sẽ dẫn đến chất lượng cà phê không đảm bảo. Vì vậy phải đặt ra vấn nâng cao chất lượng cà phê bắt đầu từ khâu thu hái đến bảo quản.
- Có một điều dễ nhận thấy là trong khi các doanh nghiệp cà phê nội đang loay hoay với bài toán khó khăn như thế thì các doanh nghiệp cà phê FDI có vẻ thảnh thơi hơn, theo ông vì sao lại thế?

Ông Nguyễn Viết Vinh:
Sẽ rất khó để cạnh tranh với doanh nghiệp FDI khi những khó khăn của doanh nghiệp cà phê Việt chính là điểm mạnh của doanh nghiệp cà phê FDI.
Ví dụ so sánh với mức vay lãi suất tín dụng tính bằng đồng, các doanh nghiệp Việt Nam lên chịu mức lãi  suất 18 hoặc 20%/năm, trong khi lãi suất vay USD của doanh nghiệp cà phê FDI chỉ từ 3-4%. Cùng với đó, việc vay bằng ngoại tệ nên không lo trượt giá cùng với đó thị trường tiêu thụ ổn định từ công ty mẹ ở nước ngoài. Từ đó có thể thấy doanh nghiệp cà phê FDI có thuận lợi hơn rất nhiều so với doanh nghiệp cà phê nội.
Khó khăn của các doanh nghiệp cà phê cũng làm cho hoạt động thu thuế tại nhiều tỉnh, đặc biệt là Đắk Lắk, nơi có sản lượng cà phê lớn nhất nước, bị ảnh hưởng mạnh.

Theo báo cáo của Cục thuế tỉnh Đắk Lắk, các cơ sở kinh doanh cà phê, nông sản đóng góp khoảng 30% tổng thu thuế, phí trên địa bàn, tương đương 1.000 tỉ đồng. Có những huyện, thị xã trọng điểm cà phê có số thu từ hoạt động kinh doanh nông sản này lên đến 80%. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong nhiều năm, 6 tháng đầu năm 2013, Đắk Lắk chỉ thu được 1.400 tỉ đồng, đạt 38% dự toán pháp lệnh, bằng 82% so với cùng kỳ.
Trong khi nguồn lực tài chính của hầu hết doanh nghiệp trong nước đầu rất thấp thì nguồn vốn của doanh nghiệp FDI rất lớn. Khi được vay với lãi suất thấp, chính sách thuế được ưu đãi khi đầu tư vào Việt Nam cùng với nguồn tài chính dồi dào và thị trường ổn định, rõ ràng doanh nghiệp FDI đang chiếm thế thượng phong hơn doanh nghiệp cà phê nội. - Biết rõ cả những điểm yếu, điểm mạnh như thế theo ông, liệu doanh nghiệp cà phê Việt có thể tìm ra con đường để phát triển?
Ông Nguyễn Viết Vinh:
Hiện nay có đến 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê số lượng doanh nghiệp như vậy là quá nhiều trong khi nguồn hàng không ổn định đây là điều bất cập. Đáng ra chỉ nên duy trì mức khoảng 40 đến 50 doanh nghiệp xuất khẩu với lượng cà phê lớn là phù hợp.
Còn hiện nay trong số hơn 200 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, số doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ lẻ cũng rất nhiều. Chính những doanh nghiệp này tự đẩy giá cao hơn giá thị trường và thấp hơn giá cà phê ngoài trong quá trình cạnh tranh thu mua cà phê nguyên liệu trong dân. Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam cũng đang kiến nghị nên giảm bớt doanh nghiệp thu mua cà phê như với mặt hàng gạo, duy trì lượng doanh nghiệp nhất định. Để giải quyết được vấn đề chất lượng, doanh nghiệp cà phê nội phải chủ động nguồn nguyên liệu, vùng sản xuất tức là đầu tư vào trồng chăm sóc cây cà phê, tiếp theo là vấn đề thu hái, vấn đề chế biến, vấn đề bảo quản, xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chế quy chuẩn cà phê để nâng cao chất lượng cà phê mà muốn làm được điều này thì các doanh nghiệp phải thực hiện sản xuất kinh doanh theo một chuỗi quy trình khép kín. Nhìn sang doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp cà phê nội phải học hỏi cách làm đó là chủ động nguồn nguyên liệu. Như Nestlé Việt Nam mới đây khánh thành nhà máy chế biến cà phê mới đặt tại KCN Amata TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 238 triệu USD. Nhưng trước đó Nestlé đã tiến hành tập huấn cho khoảng 19.600 nông dân trồng cà phê. Doanh nghiệp cà phê Việt Nam nên học doanh nghiệp cà phê FDI ở cách làm chuyên sâu, đầu tư từ sản xuất, vùng nguyên liệu để có quy trình sản xuất chế biến kinh doanh khép kín. Như vậy vừa chủ động được giá, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao thu nhập và thương hiệu.
Hiện nay chỉ một số ít doanh nghiệp cà phê Việt Nam tìm ra hướng đi riêng và phát triển trong đó có Cà phê Trung Nguyên
Hiện nay chỉ một số ít doanh nghiệp cà phê Việt Nam tìm ra hướng đi riêng và phát triển trong đó có Cà phê Trung Nguyên
- Cái khó doanh nghiệp cà phê Việt hiện nay là nguồn vốn và xử lý nợ xấu. Nói cách khác, doanh nghiệp Việt đang chờ những chính sách vĩ mô của ngành nông nghiệp và Chính phủ, theo ông cần có chính sách nào để giúp doanh nghiệp cà phê nội?
Ông Nguyễn Viết Vinh: Trước hết Chính phủ cần phải hỗ trợ doanh nghiệp cà phê giải quyết vấn đề nợ xấu bằng cách cho giãn nợ, khoanh nợ. Sau 2 – 3 năm tiếp tục cho các doanh nghiệp cà phê vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh để từ đó có điều kiến trả nợ. Nhưng cũng phải tùy doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ xấu do giá cả cà phê trên thị trường biến động thì nên có chính sách hỗ trợ nói các khác với doanh nghiệp cà phê thua lỗ do đầu tư ngoài ngành thì cần phải xem xét. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang muốn có hợp tác công – tư trong sản xuất mặt hàng nông sản nói chung và cà phê nói riêng. Hợp tác công tư có nghĩa là việc hợp tác giữa các bộ ngành và hợp tác giữa các doanh nghiệp cà phê với nhau đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam kể cả doanh nghiệp FDI. Thu hút doanh nghiệp gắn vào đầu tư vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng cà phê, xây dựng được chuỗi giá trị gia tăng cho cây cà phê. Từ đó đi sâu và chế biến, hiện nay xuất khẩu cà phê thô của Việt Nam ra thị trường quá lớn khiến giá thành cũng như lãi xuất giảm hàng chục lần. Con số 5-65 cà phê xuất khẩu là cà phê đã qua chế biến tinh là con số quá ít. Đồng thời phải nâng cao tiêu thụ trong nước, khi mà thị trường trong nước gần 90 triệu dân là một thị trường rất lớn mà muốn chiêm lĩnh được thị trường trong nước thì phải nâng cao chất lượng.

- Xin cảm ơn ông!
Hoàng Lực