Nhưng đã bao giờ, người Việt Nam tự hỏi lại mình một câu hỏi: Chúng ta đã nuôi dưỡng khát vọng làm giàu, khát vọng kiếm tiền chân chính như thế nào?
Chỉ vài ngày trước, hàng triệu người Việt Nam dùng internet hân hoan khi Flappy bird của chàng trai trẻ Nguyễn Hà Đông trở thành game được tải nhiều nhất trên các thiết bị di động.
Nhưng khi thông tin chàng trai ấy có thể kiếm được 50.000 USD mỗi ngày từ sản phẩm đó, bắt đầu xuất hiện những ý kiến kiểu như: Nguyễn Hà Đông ăn may, Nguyễn Hà Đông vi phạm bản quyền, cần phải truy thu thuế của Nguyễn Hà Đông...
Nếu ai từng theo dõi cuộc thi Britain's got talent, chắc hẳn không thể quên sự xuất hiện của giọng ca thiên thần ẩn sau thân hình xấu xí của cô Susan Boyle. Giống như Nguyễn Hà Đông, ngay sau khi nổi tiếng, đời tư của Susan Boyle bị soi mói, cuộc sống cá nhân của cô bị can thiệp, đến mức cô phải nhập viện điều trị vì trầm cảm.
|
Cơn sốt game Flappy bird. |
Khác với Susan Boyle, Nguyễn Hà Đông không chọn cách bước ra sân khấu, nhưng anh vẫn buộc phải đối diện với sân khấu cuộc đời với hàng loạt những bình phẩm, khen chê, thị phi. Nhưng những thị phi ấy, có thể sẽ giết chết ước mơ làm giàu chân chính của một người thanh niên nói riêng. Và nguy hiểm hơn, nó có thể thui chột ước mơ làm giàu chân chính của hàng triệu thanh niên khác.
Giám đốc Công ty ePi Technologies Nguyễn Anh Tuấn khi trả lời một tờ báo điện tử, đã nói rằng: "Tôi đánh giá hiện tượng Flappy bird còn có giá trị thực tế đối với giới trẻ Việt Nam hơn nhiều so với sự kiện giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields. Vì bản chất Flappy Bird ai cũng biết, ai cũng hiểu nó là cái gì - từ trẻ con đến người lớn, thậm chí rất rất nhiều người có thể học và làm theo từ sự thành công của nó".
Quả vậy, có thể hàng trăm năm Việt Nam mới có được một giáo sư Ngô Bảo Châu, nhưng chúng ta lại có hàng nghìn kỹ sư máy tính tốt nghiệp mỗi năm, bất cứ ai trong số họ cũng có thể trở thành một Nguyễn Hà Đông thứ hai, mang về 50.000 USD mỗi ngày để làm giàu cho đất nước.
Việc Flappy bird của Nguyễn Hà Đông có vi phạm bản quyền hay không, đã có các cơ quan pháp luật lo lắng. Nếu Nguyễn Hà Đông có kiếm được 50.000 USD hoặc số tiền lớn hơn thế nữa, anh sẽ không thể trốn tránh nghĩa vụ với cơ quan thuế.
Dù Việt Nam là một nước nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của nho giáo và đã có giai đoạn - nghề buôn nằm cuối cùng trong tứ nghiệp "sĩ nông công thương", những người buôn bán bị miệt thị bằng danh từ không mấy thiện cảm "con buôn". Nhưng có được sự thay da đổi thịt như ngày hôm nay, không thể không nhắc tới khát vọng kiếm tiền, khát vọng sáng tạo được hun đúc từ tầng lớp doanh nhân thời kỳ đổi mới.
Nếu như Flappy bird của Nguyễn Hà Đông không tiếp tục đập cánh, những ước mơ chinh phục đỉnh cao của thế giới để trở nên giàu có một cách chân chính của hàng nghìn thanh niên khác cũng theo đó mà gãy cánh.
Vậy thì chúng ta đừng hỏi tại sao Việt Nam chưa có những thương hiệu lớn, chưa có những doanh nhân tầm cỡ thế giới khi chính chúng ta chưa bao giờ biết nuôi dưỡng khát vọng kiếm những đồng tiền sạch sẽ của những người bắt đầu khởi nghiệp./.
Theo Tuấn Ngọc/Một thế giới