Đại sứ Israel tại VN: Tinh thần khởi nghiệp của VN rất gần với Israel

22/10/2013 08:22
Hoàng Lực - Nguyên An
(GDVN) - Theo bà Meirav Eilon Shahar - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Israel tại Việt Nam: Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp rất gần với Israel. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở vững chắc để tạo nên một thương hiệu quốc gia khởi nghiệp.
Khi nói đến Israel ngày nay, người ta vẫn gọi đất nước này là “quốc gia khởi nghiệp”. Cái tên xuất xứ từ tên cuốn sách của hai tác giả Dan Senor, từng là cố vấn cho ứng cử viên Tổng thống Mỹ Mitt Romney và Saul Singer. Cuốn sách đã được Công ty CP Tập đoàn cà phê Trung Nguyên phối hợp với nhà sách Alpha Books dịch và giới thiệu đến đông đảo bạn đọc Việt Nam vào tháng 6 vừa qua. “Quốc gia khởi nghiệp” là câu chuyện viết về sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Israel từ lúc lập quốc cho đến khi trở thành quốc gia có nền công nghệ hàng đầu thế giới. Tính trung bình trên đầu người, Israel có nhiều công ty công nghệ khởi nghiệp và thu hút vốn đầu tư mạo hiểm cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Và trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng vừa qua, nền kinh tế Israel cũng chỉ bị tròng trành chút đỉnh.
Bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Israel tại Việt Nam.
Bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Israel tại Việt Nam.
Nắm được tinh thần Israel qua quyển sách này, nhiều người tự hỏi, liệu rằng Việt Nam, liệu các doanh nhân Việt Nam có thể học được gì từ sách Quốc gia Khởi nghiệp. Hay xa hơn, liệu thế hệ trẻ Việt Nam và người Việt Nam học được gì từ những câu chuyện lịch sử và thành tựu của dân tộc Do Thái, của đất nước Israel? Và liệu chúng ta có thể cùng nhau hy vọng vào tương lai đất nước sẽ xuất hiện những doanh nhân lớn biết cách làm giàu bằng trí tuệ cao, bằng sự sáng tạo, bằng bản lĩnh và tư duy lớn, đủ sức để cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn trên thế giới, và để phát triển dân tộc Việt, đất nước Việt? Trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh đề tài này, bà Meirav Eilon Shahar - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Israel tại Việt Nam chia sẻ: Dù đến Việt Nam lần đầu tiên từ khi học phổ thông nhưng phải đến khi vào đại học, bà mới được biết thêm về Việt Nam và rất ấn tượng với đất nước Việt Nam, đặc biệt về văn hóa. Vì vậy ngay khi có cơ hội, bà Meirav Eilon Shahar đã đến Việt Nam du lịch vào năm 1991 với cuộc hành trình đi dọc từ Nam ra Bắc trong vòng một tháng rưỡi. “Thực sự trước khi đến Việt Nam, tôi chỉ biết đến Việt Nam qua khía cạnh lịch sử, qua các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nhưng khi được đặt chân đến Việt Nam, tôi ngay lập tức bị thu hút bởi sự đa dạng về văn hóa và sự thân thiện, hồn hậu của người dân nơi đây. Người Việt Nam vừa cởi mở, vừa quan tâm đến những người khác, họ ân cần hỏi thăm xem tôi từ đâu tới, sẽ đi những đâu, v.v…”, bà Meirav Eilon Shahar chia sẻ.
Sau chuyến đi du lịch, đặc biệt ở cương vị Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar cho biết: “Tôi rất thích làm việc với người Việt Nam bởi các bạn rất có đầu óc kinh doanh, luôn có sáng kiến và không ngừng vươn lên phía trước”. Tuy nhiên, theo cảm nhận của bà Meirav Eilon Shahar điểm yếu của người Việt là không nói thẳng thắn, khiến người khác khó hiểu vấn đề.

“Có vẻ các bạn ít khi thẳng thắn nói "không", thường các bạn không hay đề cập vấn đề một cách trực tiếp nên nhiều khi tôi phải đoán xem các bạn thực sự muốn nói gì. Điểm này khác hẳn với người Do Thái: chúng tôi luôn thẳng thắn, trực tiếp nói ra quan điểm của mình”, bà Meirav Eilon Shahar nói.

Bà Meirav Eilon Shahar nhận định, Việt Nam và Israel có nhiều điểm tương đồng cùng có xuất phát điểm là một quốc gia nghèo với nền kinh tế lạc hậu. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 60 năm lập quốc vượt qua những ảnh hưởng bởi chiến tranh Israel đã trở thành một trong những “vườm ươm công nghệ” năng động và phát triển bậc nhất thế giới.

Và chìa khóa làm nên thành công của Israel chính là xuất phát từ tinh thần khởi nghiệp. Tinh thần đó được thể hiện ở tư duy sáng tạo, thái độ dũng cảm, táo bạo, dám nghĩ, dám làm và phải làm cho xong. Theo bà Đại sứ Meirav Eilon Shahar, Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp rất gần với Israel. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở vững chắc để tạo nên một thương hiệu quốc gia khởi nghiệp.

Để làm được điều ấy ngoài việc đầu tư cho khoa học kỹ thuật, Việt Nam phải biết phát huy giá trị văn hóa, tinh thần Việt. Theo cảm nhận của bà Meirav Eilon Shahar, Việt Nam có nền văn hóa rất đa dạng, mỗi vùng miền đều có những dân tộc khác nhau với bản sắc văn hóa rất riêng biệt và độc đáo.

Vì thế “dù Việt Nam đang ở quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa, tôi nghĩ các bạn vẫn nên bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo này. Đây là một việc làm cần thiết và không hề dễ dàng, không những chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả quốc gia”, bà Meirav Eilon Shahar nhận định. 

Bà Meirav Eilon Shahar cũng cho rằng: “Không phải mọi thứ mới mẻ đều tốt và không phải những gì xưa cũ là không hay. Điều căn bản là chúng ta phải tìm được sự cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa”.

Nói về sự phát triển của Việt Nam hiện nay, bà Meirav Eilon Shahar nhận định: “Việt Nam hiện giờ khác rất nhiều so với lần đầu tôi đến (năm 1991), đất nước các bạn đã phát triển và hiện đại hơn rất nhiều trên rất nhiều lĩnh vực. Giao thông, đường xá, phương tiện đi lại cơ sở hạ tầng, viễn thông và cả du lịch nữa. Thực sự Việt Nam đang phát triển rất nhanh”.
"Người Việt Nam chăm chỉ nhưng hơi thiếu sáng tạo
"
Cũng chia sẻ cảm nhận về văn hóa, con người Việt Nam, anh Amit Hadad - Chuyên viên IT (IT manager) của ĐSQ Israel tại Việt Nam hào hứng cho biết: Trước khi tới Việt Nam, tôi hầu như chẳng biết gì về đất nước, văn hóa và con người ở đây. Sinh ra và lớn lên tại Israel, tôi biết rất ít về "Viễn Đông", cách chúng tôi gọi Đông Nam Á và Tây Á tại Israel. Nhưng khi đặt chân tới đất nước này hai năm trước, tôi nhận ra những gì tôi biết về Việt Nam trước đó đều hoàn toàn mù mờ và sai lầm.
Amit Hadad - Chuyên viên IT của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam: Người Việt Nam chăm chỉ, trung nghĩa và không ngừng vươn lên, nhưng hơi thiếu sáng tạo.
Amit Hadad - Chuyên viên IT của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam: Người Việt Nam chăm chỉ, trung nghĩa và không ngừng vươn lên, nhưng hơi thiếu sáng tạo.
Sống ở Việt Nam hai năm, tôi rất ngạc nhiên khi được chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng ở đất nước này. Từng làm việc tại các cơ quan ngoại giao ở châu Mỹ Latinh, Tây Phi và châu Á trong 4 năm nên tôi nhận thấy rõ sự phát triển khá nhanh của Việt Nam, nhưng vẫn giữ văn hóa và truyền thống của mình. Người Việt Nam chăm chỉ, trung nghĩa và không ngừng vươn lên, nhưng hơi thiếu sáng tạo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Hà Nội có lẽ là bằng chứng điển hình nhất về sự tác động của tăng trưởng kinh tế lên các giá trị truyền thống. Một mặt người ta có thể thấy ngành công nghiệp đang được Âu hóa và các công ty lớn hội nhập quốc tế hàng ngày. Thậm chí cuộc sống về đêm cũng có những sự thay đổi lớn, các quán Karaoke nhỏ lẻ chuyển mình thành những hộp đêm hạng sang, nơi mà thậm chí một Đại sứ cũng có thể được phục vụ đồ uống một cách lịch thiệp. Nhưng mặt khác, văn hóa Việt Nam cũng vẫn phát huy được các giá trị xưa cũ như âm nhạc truyền thống, thực phẩm và truyền thống đám cưới, đám tang. Người bình dân có thể thưởng thức đồ uống ở những quán Bia hơi (BiaHois), hàng ngàn người đã có mặt tại các công viên từ bốn rưỡi sáng để tập thể dục, các cặp đôi trẻ uống dừa ven hồ. Ngoài ra, nhân dân Việt Nam coi văn hóa của họ như một phần cốt lõi của bản sắc dân tộc và chắc chắn rằng điều đó sẽ thu hút du khách nước ngoài. "Đó là lý do tại sao tôi tin rằng sự tăng trưởng kinh tế sẽ không làm thay đổi dù cả những cộng đồng xa xôi nhất của Việt Nam. Họ sẽ tìm thấy sự cân bằng giữa văn hóa và truyền thống ở cả trong tương lai. Khi một người (Israel) trẻ tuổi như tôi thích thú khám phá Việt Nam thì đất nước các bạn vẫn sẽ còn hút được nhiều du khách”, anh Amit Hadad khẳng định


Zohar Ianovici - Chuyên viên kinh tế (Economist) của Mekong Economics: "Các đồng nghiệp người Việt của tôi đôi khi quá nhút nhát"

Tôi nghe kể về Việt Nam lần đầu từ khi còn nhỏ, qua những câu chuyện của một người Israel vừa trở về từ một chuyến thăm Đông Nam Á.

Trước khi đến đất nước này, tôi nghĩ rằng Việt Nam có trình độ phát triển thấp, những người tôi có thể gặp sẽ chủ yếu là nông dân, nhưng những gì tôi thấy sau chuyến du lịch tới miền Bắc và miền Trung đó đã chứng minh rằng tôi biết rất ít về đất nước này.

Làm việc với người Việt Nam, tôi nhận thấy có cả những lợi ích và thách thức. Các đồng nghiệp người Việt của tôi rất chăm chỉ, có kỷ luật, luôn đúng giờ và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Nhưng họ đôi khi quá nhút nhát trong việc thể hiện ý kiến của mình tại những cuộc họp, điều đó sẽ khiến họ khó có thể chia sẻ khó khăn hoặc giải quyết những bất đồng khi làm việc trong tập thể. Những hạn chế trong giúp tiếp có thể cản trở công việc.

Văn hóa Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển và khó có thể xác định được bất kỳ khía cạnh cụ thể nào. Ví dụ, miền Bắc và miền Nam, thành thị và nông thôn cũng có rấy nhiều điểm khác biệt nhau.

Sau một năm sống ở đất nước các bạn, tôi nghĩ rằng Việt Nam nên củng cố một nền văn hóa thống nhất trên cả nước, trong đó tất cả mọi người từ Bắc đến Nam, từ người nông dân đến những người kinh doanh có thể chia sẻ và cùng tuân thủ nó.

Ngày lễ độc lập và thống nhất đất nước khác nhau nên được kỷ niệm nhiều hơn nữa để nhắc nhở mọi người nhớ về sự hi sinh để trở thành một quốc gia độc lập thống nhất.

Hoàng Lực - Nguyên An