GS Nguyễn Lân Dũng: "Bảo tồn văn hóa là đừng đánh mất mình"

15/10/2013 10:39
Hoàng Lực
(GDVN) - "Bảo tồn văn hóa đó là đừng đánh mất chính mình, nhất là với thế hệ trẻ", GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
Nhìn vào thực trạng văn hóa hiện nay, không ít người cho rằng, họ đang thấy một mớ hỗn độn giữa văn hóa truyền thống và văn hóa lai căng. Dẫu biết rằng, các giá trị văn hóa truyền thống không phải tất cả đều đúng và hợp lý trong cuộc sống hiện đại, cũng không phải tất cả văn hóa du nhập đều xấu, tuy nhiên nhiều người vẫn băn khoăn: "Làm thế nào để nhận ra tinh hóa văn hóa Việt Nam để giữ gìn, bảo tồn và phát huy?". Ở góc nhìn của mình, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng - Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa X, XI, XII. cho rằng: Khi nói đến Văn hóa Việt Nam là nói đến văn hóa của cả cộng đồng các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam, trong đó người Việt (người Kinh) chiếm tuyệt đại đa số. Theo nhiều học giả nước ngoài thì nước ta có trên 2.500 năm lịch sử (không phải 4.000 năm). Đó là một thời kỳ lịch sử lâu dài và đủ để tạo dựng nên một nền văn hóa có bản sắc riêng, không giống các quốc gia khác. Bản sắc ấy biểu hiện qua phong tục, tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, ẩm thực, trang phục,ngôn ngữ, kiến trúc, võ thuật, văn học, nghệ thuật...  mặt nào cũng có những tinh hoa riêng.
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng
Rất khó để nói đâu là cái tinh hoa nhất. Tất nhiên qua một quá trình lịch sử lâu dài văn hóa Việt Nam cũng chịu tác động của các nền văn hóa trên thế giới nên có những biến đổi không ngừng và cần có một sự vận động để duy trì những bản sắc cốt lõi của văn hóa Việt. Vì thế, việc bảo tồn văn hóa ở đây là đừng đánh mất chính mình, nhất là với thế hệ trẻ. Chúng ta có thể giỏi nhiều ngoại ngữ, điều đó rất quan trọng. Tuy nhiên tiếng Việt đủ phong phú và đã đủ sức giảng dạy tại bậc Đại học và sau Đại học. Không có lý gì một số bọn trẻ thích nói lẫn lộn tiếng Việt và tiếng Anh trong đời sống cộng đồng.
Ngôn ngữ tuổi teen có cái thú vị riêng khi nhắn tin, nhưng tuyệt đối không thể lạm dụng trên ngôn ngữ viết. Chẳng hạn Nhân dịp Năm mới mà viết "x dịp 5 mới" thì thật không thể chấp nhận được. Còn trong đời sống nhiều bạn trẻ đã làm hỏng ngôn ngữ, kiểu như "Yết Kiêu vừa thôi(!), Tiền ăn bữa này Campuchia nhé(!)" ... Trong kiến trúc không nên đánh mất những Làng tôi xanh bóng tre để thay vào đó những kiểu nhà có chóp, có mái lửng (chỉ nhô lên ở mặt tiền), chỉ quét vôi phía trước bất chấp mọi quy hoạch (của đô thị và Thủ đô). Việc thế hệ trẻ quay lưng lại với dân ca và nhạc cách mạng để chạy theo lối âm nhạc "thời thượng" với lời ca vô nghĩa làm thế hệ lớn tuổi không sao hiểu nổi. Văn học, nghệ thuật lai căng với danh nghĩa "hậu hiện đại" làm biến mất các tinh hoa truyền thống. Nhìn vào điệu múa của các nước biết ngay là thuộc dân tộc nào, còn vũ đạo Việt Nam chỉ được nhận ra do có tờ áo dài, nón lá hay tung quốc kỳ... (!) Về đạo đức thì sự suy thoái làm mất hết truyền thống "Đói cho sạch, rách cho thơm" của dân ta. Chỉ cần làm thật nghiêm việc giải trình tài sản của mọi viên chức và xử lý thật nghiêm cũng đủ loại trừ ngay "bầy sâu" như đánh giá của Chủ tịch Nước... Việc thiếu bồi dưỡng cán bộ trẻ khiến khi lớp giáo sư đầu ngành nghỉ hưu thường tạo nên sự hẫng hụt ở nhiều trường Đại học, nhiều Viện nghiên cứu  cũng là điều đi ngược lại với truyền thống "Con hơn cha là nhà có phúc"... Song, nếu bỏ qua cái nhìn quá khắt khe, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng khẳng định: Với đa số người dân lao động, nhất là lớp người cao tuổi, phần lớn cư dân nông thôn thì văn hóa truyền thống vẫn được tự giác bảo tồn. Đó là lòng yêu nước, yêu lao động, tôn sư trọng đạo, yêu trẻ kính già, nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách, tin vào luật Nhân quả để tránh làm điều bất nhân, duy trì văn nghệ dân gian địa phương,... Còn với nhiều người thuộc diện thoái hóa, biến chất, hoặc với lớp trẻ đang thiếu sự hướng dẫn chu đáo thì truyền thống văn hóa đang bị sói mòn như đã dẫn chứng ở phần trên. Nếu muốn nhìn sự tha hóa gần đây của một bộ phận làng quê vốn dĩ yên bình hàng nghìn năm lịch sử chỉ cần đọc cuốn "Trinh tiết Xóm Chùa" (NXB Hội Nhà văn, 2005) của nữ nhà văn Đoàn Lê cũng đã đủ thấy rõ.
Tuy nhiên, có một thực tế: Hiện nay, trong tiến trình hội nhập, giới trẻ Việt Nam đang tiếp nhận rất nhanh văn hoá các nước trên thế giới. Điều này khiến nhiều ý kiến lo lắng Việt Nam đang tồn tại một nền văn hóa hỗn độn. Thừa nhận điều này, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng ông thấy hết sức lo ngại và nuối tiếc. "Tất nhiên về mặt tốt thì ai cũng thấy rõ. Tôi tự hào về chuyện sau khi về hưu đã góp phần xây dựng được một Viện nghiên cứu cấp Nhà nước với 40 cán bộ trẻ mà trong đó nhiều bạn thực sự đã giỏi giang hơn tôi và đang từng bước tiếp cận với trình độ khoa học và kỹ thuật hiện đại", GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

Không ít TS nếu ở lại nước ngoài làm việc có thể nhận mức lương mức lương tháng 5.000-6.000 USD nhưng đã vui vẻ về nước phục vụ với mức lương tháng 150-200 USD. "Không phải nước ta chỉ có một Ngô Bảo Châu mà các bạn của Châu từ hồi học cấp I (khi đó tôi làm Chủ tịch Hội phụ huynh học sinh) mà tôi theo dõi đều thấy rất thành đạt trên nhiều cương vị khác nhau (bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, nhà văn hóa, nhà doanh nghiệp, nhà ngoại giao...). Tuy các bạn này không làm vinh dự được cho nước nhà được như Châu, nhưng cống hiến cho nhân dân thì chắc chắn là không thua kém gì Châu", Giáo sư Dũng cho biết.

Về mặt tiêu cực, khi hội nhập quốc tế trong bối cảnh thì ai cũng có thể kể ra vô vàn chuyện đau lòng. Hãy bình tĩnh đọc chậm rãi cuốn "Mười lẻ một đêm" của nhà văn đang được yêu thích Hồ Anh Thái, cũng đủ hình dung ra nghịch cảnh của việc hội nhập thiếu chọn lọc trong giai đoạn toàn cầu hóa ở nước ta hiện nay.
Hoàng Lực