Những tỷ phú “nông dân” Nam Định: Không có gì chúng tôi không làm được

01/07/2013 11:12
Nguyễn Đỉnh - Hà Trang
(GDVN) - Điều ấn tượng nhất với những nông dân tỷ phú này chính là câu nói: “Anh cứ trình bày ý tưởng, không có gì mà chúng tôi không làm được, trừ khi ý tưởng ấy quá.. ảo tưởng” khi có khách hàng muốn đặt hàng một chiếc máy mới liên quan đến nghề nông, chưa có trên thị trường.
Bằng khát vọng vươn lên thoát khỏi cái đói, cái nghèo, những người nông dân ở xã Xuân Tiến, Xuân Trường, Nam Định đã xắn tay vào lao động sản xuất, không ngừng sáng tạo và trở thành tỷ phú ở mảnh đất thuần nông.
Làng nghề thuần nông quá nhiều… tỷ phú
“Ở cái làng này, người có từ 10 đến 15 tỷ không hiếm, còn từ 3 tỷ trở lên cũng có khoảng vài chục người”, ông Đinh Tân Việt - một tỷ phú từ làng nghề cơ khí Xuân Tiến từng phát biểu như thế vào năm 2007. Sau 6 năm, bức tranh kinh tế Xuân Tiến còn tươi sáng hơn và số lượng tỷ phú thời điểm này có lẽ không thể thống kê hết được.
Trạm y tế Xuân Tiến được một "nông dân" tỷ phú" xây tặng cho xã Xuân Tiến.
Trạm y tế Xuân Tiến được một "nông dân" tỷ phú" xây tặng cho xã Xuân Tiến.
Cơ khí Xuân Tiến vốn có xuất phát điểm từ làng nghề đúc đồng Kiên Lao có truyền thống lâu đời. Những
sản phẩm đúc từ đồng như nồi, mâm, chậu... được làm từ bàn tay tài hoa của người thợ Kiên Lao đã có mặt trong các gia đình người Việt từ hàng trăm năm nay. Cùng với đúc đồng, nghề thủ công cơ khí cũng phát triển rất mạnh ở mảnh đất này. Những năm 1960, khi địa phương chủ trương quy tụ lao động có tay nghề vào sản xuất tập thể, những người thợ Kiên Lao đã tập hợp lại. Hợp tác xã Xuân Thanh (sau đổi tên thành HTX Thống Nhất) đã ra đời, mở ra thời kỳ phát triển thịnh vượng. Nhưng những hạn chế của nền kinh tế tập thể đã khiến chất lượng sản phẩm sụt giảm. Phải tới khi xóa bỏ bao cấp, chuyển sang kinh tế thị trường và HTX Thống Nhất giải thể, nghề cơ khí mới được vực dậy. Bằng bàn tay, khối óc, kinh nghiệm và sự sáng tạo, cơ khí Xuân Tiến đã có những bước phát triển nhảy vọt. Không dừng lại ở những sản phẩm thủ công, người dân Xuân Tiến mày mò làm ra những sản phẩm tinh xảo đòi hỏi công nghệ cao, đặc biệt là chế tạo máy.Câu chuyện của chiếc máy đập lúa Chúng tôi đã gặp ông Đinh Tân Việt, một tỷ phú tiêu biểu đất Xuân Tiến để nghe ông kể về hơn 20 năm phát triển của làng nghề cơ khí. Bắt đầu từ năm 1990, khi vừa mới xóa bỏ bao cấp và bước đầu chuyển sang kinh tế thị trường. Nhà nước thời điểm ấy có trang bị cho một số xã máy đập lúa liên hoàn thương hiệu Cửu Long được sản xuất trong miền Nam. Sản phẩm này bộc lộ nhiều nhược điểm như quá cồng kềnh, bất tiện, không phù hợp với chân ruộng nước ngoài Bắc và ít chức năng. Đặc biệt là những chiếc máy đập lúa Cửu Long có giá thành cao ngất ngưởng. Người dân Xuân Tiến khi ấy đã bắt tay vào mày mò nghiên cứu, cải tiến với mục đích cho ra đời chiếc máy đập lúa liên hoàn phù hợp với điều kiện sản xuất. Những người đi đầu là 5 anh em trong gia đình ông Ðinh Thanh Thiểm, một thợ cơ khí kỳ cựu đất Kiên Lao, đặc biệt là công sức của người anh cả Đinh Tân Việt và người em Đinh Thành Giang. “Phải mất 2 năm mày mò thì đến năm 1992, chiếc máy đập lúa liên hoàn đầu tiên mới ra đời”, ông Tân Việt chia sẻ. Điều kiện sản xuất khi ấy gặp nhiều khó khăn, vốn liếng còn mỏng, đầu tư cho thử nghiệm tốn kém mà hiệu quả chưa ai cầm chắc. Ðể hoàn chỉnh một chiếc máy đập lúa tính ra phải sử dụng hàng chục chủng loại nguyên vật liệu với hơn 200 mã chi tiết, phụ tùng. Đã có thời điểm ông Việt phải vay mượn để mua nguyên vật liệu cho thử nghiệm sản xuất.
Dàn máy đập lúa đang chờ hoàn thiện và xuất xưởng tại xí nghiệp Tân Việt, thuộc cụm công nghiệp Xuân Tiến, Xuân Trường, Nam Định.
Dàn máy đập lúa đang chờ hoàn thiện và xuất xưởng tại xí nghiệp Tân Việt, thuộc cụm công nghiệp Xuân Tiến, Xuân Trường, Nam Định.
Mặc dù vậy khi đã thành công, sản phẩm được tung ra thị trường với nhiều tính năng cải tiến và giá thành rẻ hơn nhiều so với máy Cửu Long vẫn không được đón nhận bởi khách hàng còn hoài nghi về chất lượng của máy. Không nản chí, 5 anh em tiếp tục cải tiến, hoàn chỉnh sản phẩm. Phải tới năm 1994 khi chất lượng đã được kiểm chứng, người dân mới đổ về Xuân Tiến để tìm mua máy đập lúa. Năm 1997, 5 anh em đã chung tay thành lập công ty TNHH Cơ khí Nhật Việt với 3 xí nghiệp thành viên Nhật Tân - Thanh Hải - Thành An. Sản xuất liên tục mở rộng và năm 2008, người anh cả tách ra thành nghiệp doanh nghiệp Tân Việt.Thành công nhờ khát vọng lớn Ngày nay nghề cơ khí ở xã Xuân Tiến, Xuân Trường, Nam Định không dừng lại ở một vài cơ sở sản xuất nhỏ lẻ kiểu hộ gia đình. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng cụm công nghiệp nông thôn, mở rộng sản xuất, cụm công nghiệp Xuân Tiến đã ra đời trên khu đất rộng 15,6 ha với hàng chục công ty, xí nghiệp cùng hoạt động. Nhiều hộ trong xã cũng mở xưởng sản xuất máy đập lúa và các sản phẩm khác. Riêng doanh nghiệp Tân Việt của ông chủ cùng tên mỗi năm xuất xưởng trung bình 2.000 chiếc máy đập lúa liên hoàn, giá thành dao động từ 10-14 triệu đồng/chiếc. Quy mô sản xuất cũng không ngừng được mở rộng theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, ngoài máy đập lúa thì các mặt hàng khác như máy ép gạch, máy trộn bê-tông, máy bóc lạc, tách ngô… đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Sản phẩm của cơ khí Xuân Tiến nói chung và doanh nghiệp Tân Việt nói riêng đã có mặt trên thị trường toàn miền Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Mặt bằng nhà xưởng xí nghiệp Tân Việt.
Mặt bằng nhà xưởng xí nghiệp Tân Việt.
Một điều đặc biệt là lực lượng sản xuất của cơ khí Xuân Tiến từ xưa đến nay, từ chủ cho tới thợ đều chủ yếu là nông dân với tỷ lệ gần 100%. Ông Tân Việt, một trong những doanh nhân tiêu biểu của mảnh đất này cũng không phải ngoại lệ. Trước khi vào bộ đội, ông Việt là nông dân. Sau khi xuất ngũ năm 1978, ông tham gia sản xuất tại HTX Thống Nhất. Khi HTX giải thể, ông Việt trở về sản xuất tại gia đình. Là một tấm gương điển hình của sản xuất thời kỳ đổi mới, làng cơ khí Xuân Tiến đã nhiều lần được các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đến thăm. Riêng công ty Nhật Việt từng vinh dự được đón Chủ tịch nước Trần Đức Lương, các phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phạm Gia Khiêm. Ông Đinh Tân Việt và các em cũng nhiều lần tham dự và nhận giải thưởng tại các triển lãm nông nghiệp trong cả nước. Riêng ông Việt từng được nhận bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2006. Làng cơ khí Xuân Tiến ngày nay đã trở thành làng tỷ phú, những tỷ phú có chung xuất phát điểm là nông dân. Vậy nhưng các doanh nhân nơi đây rất kín tiếng khi nói về bí quyết thành công của mình. Trò chuyện với chúng tôi, ông Việt tỏ ra rất kiệm lời. “Cũng vì cuộc sống mưu sinh cả thôi. Chúng tôi biết rằng nếu chỉ trông vào đồng ruộng thì khó mà đủ ăn, đủ mặc nên phải tìm kiếm một nghề khác để nuôi sống gia đình. Do đã có sẵn tay nghề cơ khí nên chúng tôi tập trung làm cơ khí”, ông nói với giọng điệu bình thản, khiêm nhường nhưng đôi mắt sắc sảo ánh lên khát vọng. Vị tỷ phú nông dân 60 tuổi ấy bảo ông không thích nói về mình, chúng tôi đành phải tìm hiểu về ông qua những người khác, đặc biệt là những người đã gắn bó với ông trong sản xuất từ những ngày đầu. Ai nấy đều nói tốt về ông. Hàng năm ông Việt đều trích lợi nhuận của doanh nghiệp mình chi cho các hoạt động phúc lợi xã hội, cho những người khó khăn trong vùng vay tiền làm vốn sản xuất, tặng học bổng cho học sinh nghèo. Đặc biệt ông còn xây tặng xã một trạm y tế hai tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi để khám chữa bệnh cho người dân trong vùng. Ông Việt cũng như các tỷ phú đất Xuân Tiến không nói nhiều về mình nhưng nhìn cơ ngơi khang trang của họ với hàng nghìn lao động đang làm việc trên một cụm công nghiệp rộng hàng chục héc-ta là đủ để thấy được ý chí, khát vọng và sự sáng tạo của họ lớn thế nào. Thậm chí khi có khách hàng muốn đặt hàng một chiếc máy mới liên quan đến nghề nông, chưa có trên thị trường, những người nông dân tỷ phú này tự tin trả lời: “Anh cứ trình bày ý tưởng, không có gì mà chúng tôi không làm được, trừ khi ý tưởng ấy quá.. ảo tưởng”.
Nguyễn Đỉnh - Hà Trang