TS Nguyễn Nhã: Nền tảng của văn hóa Việt là “yêu nước trong xây dựng”

29/10/2013 07:30
Hoàng Lực
(GDVN) - “Yêu nước là nền tảng văn hóa để người Việt vươn ra thế giới nhưng không chúng ta không chỉ yêu nước trong đấu tranh mà người Việt phải biết yêu nước trong xây dựng, giá trị văn hóa này cần được bảo tồn phát huy, phát triển lên tầm cao mới trong thời đại ngày nay”, TS Sử học Nguyễn Nhã cho biết.
Điều gì làm nên sức mạnh của người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đâu là nhân tố giúp người Việt vươn mình ra thế giới khẳng định sức mạnh, vị thế Việt Nam? theo TS Sử học Nguyễn Nhã - Trưởng Đề án Bếp Việt (tiền thân là Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam) và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù & hát thơ Lạc Việt cho rằng, tất cả phải dựa vào tinh thần yêu nước. Yêu nước trong xây dựng TS Sử học Nguyễn Nhã cho rằng, nét đẹp nhất trong văn hóa người Việt Nam là tinh thần yêu nước, yêu tự do, độc lập. Chính vì thế trải suốt chiều dài lịch sử Việt Nam là liên tiếp những cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, tinh thần yêu nước trở thành thứ văn hóa thiêng liêng của người Việt, có sẵn trong mỗi người Việt từ bao nhiều đời nay.
TS Sử học Nguyễn Nhã - Trưởng Đề án Bếp Việt (tiền thân là Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam) và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù & hát thơ Lạc Việt cho rằng, sức mạnh người Việt nằm ở tinh thần yêu nước.
TS Sử học Nguyễn Nhã - Trưởng Đề án Bếp Việt (tiền thân là Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam) và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù & hát thơ Lạc Việt cho rằng, sức mạnh người Việt nằm ở tinh thần yêu nước. 
TS Nguyễn Nhã cũng khẳng định, trong chiến tranh vệ quốc mỗi người Việt Nam luôn là những chiến sĩ dũng cảm, mưu trí. Đường lối chiến tranh của Việt Nam là chiến tranh nhân dân, nét văn hóa cộng đồng cố kết khiến sức mạnh trong chiến đầu tăng lên gấp bội. Tuy nhiên khi đất nước hòa bình, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mình hiện nay lòng yêu nước phải được đẩy lên tầm cao mới đó là yêu nước trong xây dựng. “Lâu nay nói đến yêu nước chúng ta luôn tự hào là một dân tộc anh hùng đánh thắng những kẻ thù sừng sỏ nhất. Tuy nhiên trong hòa bình chúng ta đang thiếu đi tinh thần yêu nước trong xây dựng. Từ tinh thần yêu nước trong đấu tranh người Việt phải kế thừa đưa lên trở thành yêu nước trong xây dựng”, TS Nguyễn Nhã nói.
TS Nguyễn Nhã kể, khi tham dự lễ hội ẩm thực Việt - Nhật TS Nguyễn Nhã gặp một người Nhật và được ông này chia sẻ: Tôi không hiểu tại sao thanh niên Việt Nam chỉ nhằm đi kiếm tiền tận đâu mà không thấy chính giá trị văn hóa, giá trị ẩm thực Việt Nam có thể làm ra tiền. 

“Điều anh bạn người Nhật muốn nói đến đó là nếu thanh niên, những người trẻ tuổi hiểu biết văn hóa, hiểu biết lịch sử của đất nước mình sẽ là động lực để phát triển xây dựng đất nước”, TS Nguyễn Nhã lý giải.

TS Nguyễn Nhã cho rằng, Việt Nam nên học Nhật Bản về tinh thần yêu nước, xây dựng đất nước chính nhờ lòng tự hào văn hóa về lịch sử. Trong khi đó, lịch sử văn hóa Việt Nam hơn Nhật Bản về chiều dài đấu tranh dựng nước và giữ nước nhưng chúng ta chỉ có yêu nước trong đấu tranh, đó là tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập tổ quốc thôi là chưa đủ phải có tinh thần yêu nước trong xây dựng.

Tại Nhật Bản, mỗi doanh nghiệp trong nước đều lấy tiêu chí phát triển kinh tế gắn với xây dựng đất nước họ không làm gì ảnh hưởng đất nước mình. “Điều gì có lợi cho đất nước Nhật, cho người dân Nhật thì doanh nghiệp luôn nỗ lực để thực hiện, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải làm như vậy”, TS Nguyễn Nhã nêu ví dụ.

Bảo tồn văn hóa: Lỗi thuộc về giáo dục

TS Nguyễn Nhã khẳng định, văn hóa rất quan trọng khi góp phần xây dựng tinh thần dân tộc của một đất nước, một vùng lãnh thổ. “Chúng ta nhận ra điều này và biết văn hóa rất quan trọng tuy nhiên thực tế chưa làm được nhiều, từ trước đến nay nói đến nét văn hóa tiêu biểu người Việt Nam là nói đến tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Nói các khác yêu nước trong đấu tranh người Việt luôn có thừa nhưng yêu nước trong xây dựng còn thiếu”, TS Nguyễn Nhã nhận định. 

Trong khi đó hiện nay nhiều thanh niên không mấy quan tâm đến tinh thần yêu nước trong đấu tranh, không tìm thấy tự hào gì trong xây dựng. Đây là hạn chế rào cản phát triển của người Việt nhất là trong việc xây dựng phát triển đất nước hiện nay.

TS Sử học Nguyễn Nhã cho rằng, có thể thấy giáo dục văn hóa của mình còn kém. Ông lấy ví dụ như Thái Lan, trước mỗi cổng trường học người ta trưng bày nhạc cụ dân tộc, để học sinh hiểu về văn hóa dân tộc, trong khi ở ta thì rất hiếm trẻ em biết nhạc cụ dân tộc. Hay như ca dao truyền thống, thơ ca Việt Nam, tôi biết không có dân tộc nào có thể phổ thơ thành nhạc dễ như Việt Nam, trong thơ có nhạc đây là điều rất quý nhưng chúng ta không coi trọng quan tâm.

Văn hóa Việt Nam nói chung trong đó có thơ ca, âm nhạc dân tộc chính là nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam góp phần làm nên sức mạnh, sự trường tồn của người Việt. 

“Tôi nhớ mẹ tôi khi bà 90 tuổi, tuổi già lẫn nên khi ở với con cái lại đòi về về quê nhưng chỉ cần tôi đọc câu đầu trong truyện kiều “Trăm năm trông cõi người ta…” thế là mẹ tôi lại đọc vanh vách là tự về giường ngồi. Mẹ tôi là người mù chữ, tuổi già lẫn nhưng chỉ cần đọc vần thơ khiến bà nghĩ mình đang ở quê, hồn quê văn hóa Việt thấm nhuần vào mỗi người Việt qua câu ca dao, lời ru hay câu thơ”, TS Nguyễn Nhã chia sẻ.
Cũng theo TS Nguyễn Nhã, trong xã hội có sự phân ly về văn hóa phân ly lòng người. Trong đó phân ly về văn hóa đang xảy ra giữa lớp người cũ được tiếp cận với văn hóa truyền thống trọn vẹn và những người trẻ tiếp nhận văn hóa phương Tây và dần dần lãng quên văn hóa truyến thống. Sự lãng quên văn hóa truyền thống dân tộc chạy theo văn hóa phương Tây nhưng không có sự sàng lọc, định hướng từ giáo dục trong gia đình, nhà trường. Vì vậy nếu một người có vốn văn hóa truyền thống dân tộc thì khi tiếp nhận cái mới là nét văn hóa phương Tây vào anh cũng sẽ tiếp nhận với thái độ khác, có sự sàng lọc.

Ngược lại khi bản thân không có vốn văn hóa truyền thống dân tộc làm nền tảng thì khi có cái mới anh tiếp nhận đầy đủ và không có ý thức dẫn đến hành động không đúng đi ngược với truyền thống văn hóa dân tộc. Để xóa bỏ ngăn trở phân ly văn hóa, nền tảng phải là gia đình, văn hóa gia đình. 

“Trong văn hóa người Việt ý nghĩa của gia đình rất quan trọng, gia đình trong văn hóa người Việt bao hàm nhiều ý nghĩa là gia đình riêng có 2 thế hệ, đại gia đình nhiều thế hệ cho đến đại gia đình Việt Nam tức là mỗi người dân Việt Nam là một thành viên trong gia đình vì chúng ta có cùng Quốc tổ”, TS Nguyễn Nhã phân tích.

Từ ý nghĩa gia đình như vậy, nếu mỗi gia đình có sự quan tâm yêu thương nhau sẽ là hạt nhân cho cộng đồng xã hội có sự gắn kết. Từ đó mỗi người dân có sự gắn kết cùng thể hiện tinh thần yêu nước trong xây dựng. Cũng từ đó có thể đưa đất nước phát triển đi lên.
Hoàng Lực