Vinatas chỉ rõ 2 nguyên nhân khiến hàng Việt "thoi thóp" trên sân nhà

23/08/2013 07:19
Hoàng Lực
(GDVN) - "Doanh nghiêp, thương hiệu Việt phải song song hai nhiệm vụ vừa liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mà và đẩy mạnh đầu tư làm thương hiệu, có chiến lược marketing rõ ràng về phân khúc sản phẩm, khách hàng…" - Ông Vương Ngọc Tuấn cho biết.
Phải bán thương hiệu, tuyên bố phá sản hay bán lại cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài, không ít doanh nghiệp và thương hiệu Việt đang ngày càng khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng một phần nguyên nhân xuất phát từ người tiêu dùng trong nước khi họ “quay lưng” không chọn thương hiệu Việt.  Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, nếu người Việt không đặt niềm tin vào sản phẩm của mình thì chắc chắn thương hiệu Việt vẫn chật vật trên sân nhà.
TS Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).
TS Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).
Vì sao nhiều người Việt vẫn thờ ơ với hàng Việt? Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Vương Ngọc Tuấn - Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).- Có một thực tế trên thị trường hiện nay là nhiều thương hiệu Việt chưa thu hút được người tiêu dùng khi đứng cạnh các sản phẩm ngoại khác cùng chủng loại, ông nghĩ sao về điều này?TS Vương Ngọc Tuấn: Theo tôi nhận định này hoàn toàn không đúng, người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm chất lượng đảm bảo, giá cả cạnh tranh, mẫu mã đẹp phù hợp với giá trị sử dụng. Không thể cứ là hàng Việt, thương hiệu trong nước là “bắt” người tiêu dùng phải lựa chọn, phải sử dụng. Vì thế đặt ra vấn đề một bộ phận nhỏ thôi người tiêu dùng “quay lưng” với thương hiệu, hàng hóa trong nước thì có lẽ cũng không nên chỉ trách người tiêu dùng. Có nhiều nguyên nhân tác động đến niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt. Trong đó bản thân doanh nghiệp, thương hiệu Việt cũng có trách nhiệm.
- Vậy theo ông, trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp, thương hiệu Việt là gì?

TS Vương Ngọc Tuấn: Theo tôi doanh nghiệp Việt hiện nay đang có hai vấn đề tồn tại mà cần phải thay đổi lấy lại niềm tin của người tiêu dùng:

Thứ nhất,
doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt đa số chưa quan tâm đúng mức bỏ tiền đầu tư vào việc quảng bá, marketing sản phẩm thương hiệu của mình. Chính vì vậy không lạ khi một sản phẩm, một thương hiệu dù rất lạ lẫm chỉ vào Việt Nam trong khoảng thời gian vài tháng nhưng đa số người tiêu dùng đều ít nhất biết tên thương hiệu, sản phẩm chính của thương hiệu hay ít nhất là mầà sắc, hình ảnh, logo thương hiệu đó.

Trong khi đó có những thương hiệu Việt có tuổi đời hàng hai ba mươi năm nhưng chỉ những người sống ở cùng giai đoạn đầu thương hiệu mới xuất hiện trên thị trường là biết, còn lại lớp người tiêu dùng mới tức là người tiêu dùng hiện này hầu hết ít người biết đến.

Từ đó có thể thấy doanh nghiệp, thương hiệu Việt thua kém rất nhiều cách làm marketing, quảng bá nâng tầm thương hiệu từ doanh nghiệp nước ngoài vì vậy doanh nghiệp trong nước cần phải học, nên học cách làm thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ hai,
trong sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp Việt tồn tại tình trạng chung là sản phẩm ban đầu làm ra rất tốt, chất lượng đảm bảo, mẫu mã không kém sản phẩm nước ngoài, giá cả hợp lý vì vậy nhận được niềm tin yêu của người tiêu dùng. Nhưng sau đó có thể do nhiều nguyên nhân, từ vấn đề bao quát quản lý hoặc tư tưởng “chộp giật” của một số doanh nghiệp thương hiệu Việt khiến chất lượng hàng hoá giảm dần theo thời gian, mẫu mã ít được cải tiến.

Vì vậy khi người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm thấy rõ sự khác biệt, thấy chất lượng giảm dần, giá thành lại cao hơn chẳng hạn! Trong trường hợp đó niềm tin của khách hàng bị tổn thất, người tiêu dùng sẽ mất lòng tin vào sản phẩm thương hiệu Việt đó. 

Doanh nghiêp, thương hiệu Việt phải song song hai nhiệm vụ vừa liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mà và đẩy mạnh đầu tư làm thương hiệu, có chiến lược marketing rõ ràng về phân khúc sản phẩm, khách hàng…

- Ông từng đề cập đến tâm lý chuộng hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng Việt, ông có thể  nói rõ hơn?

TS Vương Ngọc Tuấn: Đó chỉ là một khía cạnh, thực tế trước đây vào thời bao cấp khi các sản phẩm thiết yếu phục vụ người dân thì chủ yếu là hàng hóa thương hiệu nước ngoài có uy tín, trong nước chưa có hoặc chưa lớn mạnh khẳng định được chất lượng, ví dụ hàng điện tử thì Panasonic, Sony… khi đó tâm lý ưa chuộng hàng ngoại nặng nề hơn rất nhiều. Còn hiện nay tâm lý này chỉ còn ở một bộ phận người tiêu dùng, nhiều người tiêu dùng hiện nay ưu tiên sử dụng sản phẩm thuần Việt rất nhiều chứ, đặc biệt với thương hiệu Việt lớn có uy tín. Nên tâm lý chuộng hàng ngoại không phải nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng trong nước “quay lưng” với hàng Việt.

Nguyên nhân chính như tôi đã nói đó là việc thương hiệu Việt chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến cùng với đó là chất lượng của một số mặt hàng Việt so với sản phẩm nhập khẩu vẫn còn chênh lệch.

- Nói như vậy vấn đề vẫn là chất lượng hàng Việt?

TS Vương Ngọc Tuấn: Tôi nghĩ là như vậy, vì chỉ có đi lên khẳng định bằng chất lượng thì thương hiệu Việt mới có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Thực ra nhiều thương hiệu Việt hiện nay có chất lượng rất tốt có được thị phần ở những thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu như Vinamilk chẳng hạn. Điều đó để nói rằng thương hiệu Việt nếu được quan tâm đúng, đầu tư đúng chất lượng không hề thua kém thương hiệu, sản phẩm nước ngoài.

Đặc biệt vừa qua với những nghi vấn sữa có nguồn gốc từ Newzeland nhiễm khuẩn hay những thương hiệu sữa ngoại có nghi vấn nhiễm khuẩn sẽ đánh thức người tiêu dùng. Qua đó người tiêu dùng cũng đã có nhìn nhận lại chất lượng sản phẩm sữa ngoại và có sự quan tâm tìm hiểu nhiều hơn sản phẩm sữa nội. 

Thực ra chất lượng sản phẩm của nhiều mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu thậm chí giá cả cạnh tranh hơn do không phải mất chi phí PR, quảng cáo nhưng chính do thiếu cách làm thương hiệu chuyên nghiệp, thiếu chiến lược marketing đúng nên nhiều thương hiệu Việt vẫn gặp khó ngay ở thị trường Việt Nam.

- Ông nghĩ sao nhiều thương hiệu Việt như Vinamilk, Trung Nguyên quyết định “mang chuông đi đánh xứ người” lúc này?

TS Vương Ngọc Tuấn: Đây là điều đáng mừng vì khi càng nhiều thương hiệu Việt ra nước ngoài càng chứng tỏ chất lượng hàng Việt nâng cao. Trước đây một loạt thương hiệu Việt bị bán lại cho tập đoàn, công ty đa quốc gia của nước ngoài khiến nhiều người cho rằng không còn thương hiệu thuần Việt nữa. Chỉ có điều hiện này vẫn có quá ít doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt “xuất khẩu” ra nước ngoài thành công.

- Xin cảm ơn ông!
Hoàng Lực