Trường đại học linh hoạt kế hoạch giảng dạy, “gỡ khó” cho sinh viên học online

09/09/2021 06:30
Tuệ Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sinh viên gặp khó khi học trực tuyến, đặc biệt với những nội dung mang tính thực hành, các trường đại học “gỡ khó” ra sao?

Chi phí thiết bị tự thực hành quá lớn

Trước đợt bùng phát dịch thứ 4 tại Việt Nam, nhiều trường đại học, cao đẳng trong nước tiến hành kế hoạch giảng dạy trực tuyến cho sinh viên. Học trực tuyến trong mùa dịch là giải pháp hữu hiệu nhất đối với hệ thống giáo dục hiện nay.

Tuy nhiên, qua hiệu quả thực tế, việc học trực tuyến đã làm giảm khả năng tương tác giữa thầy cô giáo với học sinh, sinh viên đồng thời không phải ở ngành học nào, cấp học nào cũng thực hiện suôn sẻ. Điều này đặt ra những câu hỏi, vấn đề cần được ngành giáo dục khắc phục, giải đáp.

Sinh viên Phạm Thị Ngọc Anh (ngành Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: “Vì chuyên ngành mà em theo học chuyên về thực hành, điều này khiến em và các bạn trong lớp phải băn khoăn khá nhiều. Có lúc, em cũng muốn tự xoay xở, mua thiết bị về nhà làm thí nghiệm nhưng chi phí cho dụng cụ thí nghiệm quá đắt, chưa kể không phải hóa chất nào cũng được phép bán trên ngoài thị trường”.

Sinh viên Trần Văn Thành (lớp Tự động hóa hệ thống điện D15, Trường Đại học Điện lực) cũng tâm sự: “Trước khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội, trong lịch học của em cũng có một môn học thực hành. Tuy nhiên, do không thể đến trường, môn học này đã bị dời lại, chờ đến khi nào có thể đi học trở lại thì mới có thể bắt đầu.

Hiện tại, em cũng không ngừng theo dõi số ca mắc Covid-19 mỗi ngày và cập nhật tình hình giãn cách tại Hà Nội qua các phương tiện thông tin đại chúng, bởi em rất mong ngày có thể đi học tại trường. Nếu còn phải học online thì những môn học thực hành rất khó có thể thực hiện. Em lo ngại, điều này sẽ ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành chương trình học và ra trường của chúng em”.

Sinh viên Trần Văn Thành lo ngại, học online không thể triển khai với nội dung thực hành, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chương trình. (Ảnh: Tuệ Minh).

Sinh viên Trần Văn Thành lo ngại, học online không thể triển khai với nội dung thực hành, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chương trình. (Ảnh: Tuệ Minh).

Trong khi đặc thù môn học phải tiếp xúc và thực hành trong phòng thí nghiệm nhiều, khiến sinh viên Vương Thị Ngọc Tuyết (ngành Công nghệ Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Cần Thơ) cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình học trực tuyến.

Tuyết cho biết: “Thời gian đầu khi dịch bệnh chưa phức tạp, em vẫn được thầy cô trong trường tạo điều kiện lên phòng thí nghiệm để hoàn thiện khóa luận tốt nghiệp.

Nhưng từ cuối tháng 7, liên tiếp các quyết định giãn cách xã hội, điều này buộc em phải ở lại phòng trọ, tạm hoãn chương trình thí nghiệm phục vụ khóa luận tốt nghiệp. Các dữ liệu được lấy từ kết quả thí nghiệm vì vậy việc chậm tiến độ và có thể hoãn báo cáo sang kỳ II, đồng nghĩa với việc ra trường của mình cũng sẽ bị ảnh hưởng”.

“Gỡ khó” cho nội dung thực hành

Đối với sinh viên, học viên bậc đại học, việc học thực hành đã là một phần quan trọng và điều tất yếu trong chương trình học. Nhận thấy những khó khăn trong mùa dịch mà sinh viên đang gặp phải, các nhà trường đã có giải pháp hỗ trợ để sinh viên có nhiều thời gian thực hành nhất.

Sinh viên Phạm Văn Tiến Dũng (ngành Xây dựng dân dụng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết: “Nhà trường hỗ trợ sinh viên rất nhiều, có môn thực hành được thầy cô gửi video cụ thể, quan sát và tiến hành làm báo cáo, nhưng cũng có những môn, buộc phải đợi đến khi hết dịch để đến trường, mới có đầy đủ dụng cụ, mới có thể thực hành được”.

Những nội dung thực hành là thách thức với cả nhà trường và sinh viên khi học online. (Ảnh: Tuệ Minh).

Những nội dung thực hành là thách thức với cả nhà trường và sinh viên khi học online. (Ảnh: Tuệ Minh).

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp (Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội) cũng thông tin: “Sinh viên hiện nay cũng đã dần “bắt nhịp” với học trực tuyến, bởi đã quen với trạng thái “bình thường mới”, tuy nhiên, với những môn học thực hành, thực sự không thể truyền tải với hình thức này. Chính vì vậy, nhà trường quyết định giảng dạy toàn bộ chương trình lý thuyết cho sinh viên và phần thực hành sẽ được thực hiện ngay sau khi Hà Nội hết giãn cách. Tức là phải ứng biến linh hoạt trong kế hoạch giảng dạy.

Thời điểm này, dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nên thời gian quay trở lại trường học của các bạn sinh viên vẫn chưa được xác định cụ thể. Thời gian tới, nhà trường và giáo viên cần tiếp tục giảng dạy và triển khai tốt những phương pháp giúp sinh viên có thể tiếp cận được với các môn học thực hành.

Hiện tại, những môn học thực hành chiếm 30% trong tổng số học phần của sinh viên, nên trong 10 tháng học, chỉ cần có tổng thời gian được trở lại trường khoảng 3 tháng là có thể hoàn thành những nội dung thực hành.

Chúng tôi chủ trương, chỉ cần khi dịch bệnh lắng xuống, sinh viên được trở lại trường là ngay lập tức, các thầy cô gác lại hết những nội dung có thể học online, đưa ngay nội dung cần học thực hành vào dạy”.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp cho hay, nhà trường phải chủ động linh hoạt trong kế hoạch giảng dạy để kịp chương trình cho sinh viên. (Ảnh: HICT).

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp cho hay, nhà trường phải chủ động linh hoạt trong kế hoạch giảng dạy để kịp chương trình cho sinh viên. (Ảnh: HICT).

“Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất giúp cho sinh viên có thể hoàn thành được chương trình học của mình mà vẫn đảm bảo được chất lượng “học đi đôi với hành”.

Trong giai đoạn này, nhà trường cũng tăng cường hỗ trợ cho sinh viên, giảm học phí để sinh viên có thêm tiền trang trải và sử dụng mạng để học online. Đồng thời, chúng tôi cũng nỗ lực giúp đỡ sinh viên bị “kẹt” lại Hà Nội, trong thời điểm này là gần 2.000 sinh viên”, vị Hiệu trưởng thông tin thêm.

Tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sinh viên cũng nhận quyết định lùi thời gian thực hành lại và “đành đợi” hết dịch, sinh viên lên trường và tiến hành các buổi học thí nghiệm theo đúng tiến độ của chương trình học tập.

Giải pháp trước mắt của Trường Đại học Cần Thơ cũng là khuyến khích sinh viên rút các học phần thực tập, thực hành trong kỳ học này. Nếu học kỳ sau được học tập trung, nhà trường sẽ tạo điều kiện cho các nhóm sinh viên đăng ký học phần thực hành.

Đồng thời, thầy cô giáo của trường cũng truyền tải nội dung bài học bằng nhiều hình thức khác nhau trong trường hợp sinh viên gặp khó khăn như không có kết nối Internet hoặc đang bị cách ly.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Tuệ Minh