Vì sao Khoa Kinh tế - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam lại “hot” nhiều năm nay?

28/12/2023 06:42
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khoa Kinh tế với quy mô tuyển sinh hàng năm khoảng 600 sinh viên, điểm chuẩn các chuyên ngành đào tạo của khoa luôn cao nhất Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Khoa Kinh tế của Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam được biết đến là một đơn vị quản lý chuyên môn có lịch sử 60 năm, trong sự phát triển chung của trường.

Từ một khoa chỉ đào tạo 1 chuyên ngành Kinh tế Vận tải Biển, đến nay Khoa Kinh tế đang phụ trách 6 chuyên ngành đào tạo đại học (tương ứng với 8 chương trình đào tạo), 1 chương trình đào tạo thạc sĩ và 2 chương trình đào tạo tiến sĩ.

Trong số đó, 6 chương trình đào tạo đại học và 1 chương trình đào tạo tiến sĩ đều được đưa vào triển khai trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây.

Hiện nay, Trưởng khoa Kinh tế là Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Công Xưởng. Phó trưởng khoa là Tiến sĩ Nguyễn Thị Thuý Hồng và Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức.

Sinh viên năm thứ nhất của Khoa Kinh tế được trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp (Ảnh: Lã Tiến)

Sinh viên năm thứ nhất của Khoa Kinh tế được trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp (Ảnh: Lã Tiến)

Ưu thế về chương trình đào tạo

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thuý Hồng – Phó trưởng khoa Kinh tế, những năm gần đây, đội ngũ giảng viên của khoa cũng đã có sự phát triển về nhanh về lượng và chất. Hiện tại, 90% trong số hơn 70 cán bộ, giáo viên của khoa là thạc sĩ trở lên.

Nếu như vào năm 2013, toàn khoa chỉ có 5 tiến sĩ và 32 thạc sĩ thì đến nay, số lượng giảng viên có học hàm tiến sĩ đã vượt con số 20, tăng 4 lần chỉ trong 10 năm và dự báo còn tiếp tục tăng nhanh trong những năm sắp tới.

Với qui mô tuyển sinh hàng năm khoảng 600 sinh viên đại học (chưa kể hệ đào tạo tiên tiến và chất lượng cao), khoa Kinh tế dẫn đầu toàn trường về số lượng tuyển sinh hàng năm.

Đặc biệt hơn, điểm chuẩn các chuyên ngành đào tạo của khoa luôn ở top đầu trong trường. Có những chuyên ngành có điểm tuyển sinh đầu vào gần ngang bằng các trường đại học top đầu cả nước trong nhiều năm liên tục.

Điểm chuẩn các ngành đào tạo của Khoa Kinh tế - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam năm 2023 (Ảnh: LT)

Điểm chuẩn các ngành đào tạo của Khoa Kinh tế - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam năm 2023 (Ảnh: LT)

Chương trình đào tạo của Khoa Kinh tế được chia thành 2 phần: kiến thức cơ sở và kiến thức chuyên ngành. Sinh viên các chuyên ngành sẽ học chung hầu hết các học phần cơ sở trong khoảng 2 năm đầu. Từ năm thứ 3 sẽ tách ra theo các chuyên ngành riêng để học sâu hơn về chuyên môn.

Trong chương trình đào tạo, sinh viên được tham gia trải nghiệm thực tế ở năm thứ nhất; cùng với đó là 2 kỳ thực tập chuyên ngành (6 tuần) và tốt nghiệp (10 tuần) ở những học kỳ cuối khoá.

Trong suốt quá trình đào tạo, sinh viên thường xuyên được tham dự toạ đàm với các chuyên gia là những nhà quản lý chuyên môn và lãnh đạo doanh nghiệp. Khoa Kinh tế cũng đang thí điểm kết hợp với doanh nghiệp để cùng tham gia giảng dạy nhằm gia tăng kiến thức thực tế cho sinh viên. Ngoài ra, khoa cũng có nhiều hoạt động giúp sinh viên làm quen với văn hoá doanh nghiệp như thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ với doanh nghiệp…

Sinh viên năm thứ nhất được tham gia trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp (Ảnh: LT)

Sinh viên năm thứ nhất được tham gia trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp (Ảnh: LT)

Đặc biệt, Khoa Kinh tế còn có câu lạc bộ kết nối doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên tìm địa điểm thực tập và việc làm đã và đang hoạt động hiệu quả. Mỗi năm, hàng trăm lượt sinh viên được giới thiệu đến các doanh nghiệp thực tập và khoảng 1/3 trong số đó được tiếp nhận làm việc sau khi kết thúc thực tập tốt nghiệp.

Ngoài ra, Khoa kinh tế còn có Phó trưởng khoa là Giám đốc Trung tâm Logistics Tiểu vùng sông Mê Kông Nhật Bản nên rất thuận lợi trong công tác đào tạo, vì trung tâm thường xuyên mở các khoá học ngắn hạn đào tạo nghiệp vụ logistics. Sinh viên tham gia các khoá học ngắn hạn có thể hiểu biết sâu sắc hơn về nghiệp vụ, lại được ưu tiên giảm học phí.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thuý Hồng, sinh viên của Khoa Kinh tế ra trường thực tế đạt tỉ lệ cao. Cụ thể, năm học 2021-2022 (khoá 59) có 569/626 tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 90.9%. Năm học 2022-2023 (khoá 60), đến thời điểm tháng 12/2023 có 471/624 sinh viên tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 75.5%. Đặc biệt, tỷ lệ sinh viên của Khoa Kinh tế ra trường từ 95-99% đều có việc làm sau 6 tháng.

Ưu thế thu hút nguồn lực phục vụ đào tạo

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thuý Hồng cho rằng, Khoa Kinh tế hiện nay có nhiều lợi thế đặc thù trong việc thu hút nguồn lực phục vụ công tác đào tạo.

Thứ nhất, khoa có lịch sử 60 năm hình thành và phát triển dẫn đến hình thành tự nhiên một lực lượng hùng hậu cựu sinh viên. Nhiều người trong số đó hiện đang nắm giữ các vị trí quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đặc biệt, khảo sát không chính thức lĩnh vực kinh doanh hàng hải, rất nhiều kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế vận tải biển, Kinh tế vận tải thuỷ hiện đang giữ các vị trí quan trọng từ chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc đến trưởng các phòng ban, bộ phận tại các doanh nghiệp, đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành.

Thêm nữa, do đặc thù lĩnh vực đào tạo, nhiều cựu sinh viên của các chuyên ngành Kinh tế ngoại thương, Logistics và Chuỗi cung ứng cũng đang là lãnh đạo của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và sản xuất kinh doanh khác.

Khoa Kinh tế có nhiều ưu thế đặc thù trong việc thu hút các nguồn lực phục vụ đào tạo (Ảnh: LT)

Khoa Kinh tế có nhiều ưu thế đặc thù trong việc thu hút các nguồn lực phục vụ đào tạo (Ảnh: LT)

Thứ hai, các chuyên ngành đào tạo của khoa Kinh Tế được đánh giá phù hợp với nhu cầu xã hội. Từ chuyên ngành truyền thống Kinh tế Vận tải Biển, Kinh tế Vận tải thuỷ đến các chuyên ngành khác như Kinh tế Ngoại thương, Logistics và chuỗi cung ứng đều đang là các ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm đến để tiến hành trao đổi, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về đào tạo và sử dụng nhân lực do khoa cung cấp.

Thứ ba, sự phát triển xã hội đòi hỏi các doanh nghiệp, ngoài mục tiêu lợi nhuận phải theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững. Nhiệm vụ cụ thể đặt ra với doanh nghiệp là phải thực hiện các hoạt động phục vụ cộng đồng.

Trong đó, một trong những hoạt động mà các doanh nghiệp rất quan tâm, đó là tham gia hỗ trợ giáo dục vì ngoài việc đảm bảo mục tiêu vì cộng đồng, hoạt động này mang lại cho doanh nghiệp nhiều giá trị về cả chiến lược phát triển nhân lực và quảng bá hình ảnh, uy tín trên thị trường.

Thứ tư, các giảng viên đã từng công tác và làm việc tại khoa hiện đang là lãnh đạo các doanh nghiệp đều rất nhiệt tình trong việc làm cầu nối giữa Khoa và các đơn vị sản xuất kinh doanh, sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp về cả vật chất và tinh thần cho các hoạt động đào tạo của khoa.

Cuối cùng nhưng rất quan trọng là uy tín và hình ảnh đẹp của Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam đã mở đường cho các hoạt động hợp tác hiệu quả và lâu dài với các doanh nghiệp. Nhiều đại diện doanh nghiệp đến với khoa đều bày tỏ sự tin tưởng vào truyền thống và danh tiếng của nhà trường, coi đó là cơ sở quan trọng để đặt vấn đề trong hợp tác đào tạo.

Ngoài ra, Khoa Kinh tế cũng từng bước nâng cao kết quả thu hút nguồn lực từ cựu sinh viên và doanh nghiệp cho mục đích đào tạo.

Đơn cử, với sự hỗ trợ của Hội Cựu sinh viên và Hội Cựu giáo chức của Khoa, năm 2017, đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm thành lập khoa, Quỹ Khuyến học Khoa Kinh tế đã được thành lập, hoạt động thiết thực, có hiệu quả.

Bằng nguồn lực từ cựu sinh viên, Khoa Kinh tế đã cải tạo Phòng hội thảo, lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác đào tạo sinh viên…

LÃ TIẾN