Vì sao lại dùng nhân sự, trường lớp để phục vụ sân chơi Violympic của FPT?

17/08/2023 09:05
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiệu trưởng sẽ thành lập Hội đồng thi của trường và tổ chức cho HS tham gia thi theo hướng dẫn tại Công văn số 59/FPT-VIO của Ban Tổ chức Violympic

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải các bài viết:

Con tức tưởi rời phòng thi Violympic, Vioedu, phụ huynh hỏi chỉ nhận sự im lặng

Vụ Giáo dục Trung học có tham gia "tổ chức" Violympic cho Tập đoàn FPT?

Những vấn đề xung quanh việc tổ chức các sân chơi, cuộc thi trên mạng do các công ty triển khai trong trường học thu hút rất nhiều sự quan tâm của phụ huynh, các chuyên gia.

Những dấu hỏi xung quanh các văn bản liên quan về việc tổ chức sân chơi Violympic cho học sinh phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Sở Giáo dục và Đào tạo; Phòng Giáo dục và Đào tạo có rất nhiều vấn đề cần làm rõ.

Huy động giáo viên, phòng học, dùng thời gian năm học để tổ chức sân chơi Violympic

Theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế, trong năm học 2022-2023, sở, phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục ở một số địa phương đã huy động giáo viên, phòng học để tổ chức sân chơi Violympic của Công ty Cổ phần FPT.

Đơn cử trong năm học 2022-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) đã có công văn gửi các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn về việc tổ chức Cuộc thi Violympic (tên chính thức Sân chơi Violympic nhưng trong văn bản này đã được chuyển thành Cuộc thi Violympic - Phóng viên) Tiếng Việt, Toán tiếng Việt và Toán Tiếng Anh cấp quốc gia năm học 2022-2023.

Theo Công văn số 191/PGDĐT của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình ban hành ngày 31/3/2023, căn cứ được viện dẫn cho việc tổ chức cuộc thi Violympic là Công văn số 5943/BGDĐT-GDTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Công văn số 350/CV-FPT của Công ty Cổ phần FPT; Công văn số 59/FPT-VIO ngày 27/3/2023 của Ban Tổ chức Violympic cấp quốc gia về việc tổ chức vòng quốc gia cuộc thi giải Toán, Vật lí qua internet năm học 2022-2023.

Văn bản số 191 do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình ban hành.

Văn bản số 191 do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình ban hành.

Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình đã có những hướng dẫn cụ thể với các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tổ chức cuộc thi Violympic có nội dung đáng chú ý như sau: "Nhà trường chủ động bố trí địa điểm phù hợp, chuẩn bị phòng, máy tính, đường truyền mạng...đảm bảo chất lượng để học sinh tham gia đạt kết quả tốt".

Đối với nội dung thành lập Hội đồng thi và tổ chức thi, Phòng chỉ đạo: "Hiệu trưởng sẽ thành lập Hội đồng thi của trường và tổ chức cho học sinh tham gia thi theo hướng dẫn tại Công văn số 59/FPT-VIO ngày 27/3/2023 của Ban Tổ chức Violympic.

Hình thức tổ chức: Thi tập trung tại các phòng thi do nhà trường bố trí".

Về việc giám sát trực tiếp tại các điểm thi, Phòng chỉ đạo: "Phòng Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng giám sát và yêu cầu mỗi trường cử 01 giáo viên tham gia giám sát tại các điểm thi".

Phân công như bảng dưới:

Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình phân công nhân sự giám sát chéo tại 27 điểm thi (Ảnh chụp Công văn 191).

Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình phân công nhân sự giám sát chéo tại 27 điểm thi (Ảnh chụp Công văn 191).

Như vậy, với 27 điểm thi tại cấp tiểu học, trung học cơ sở, sẽ có 27 giáo viên được sắp xếp giám sát chéo với các trường cùng cấp, chưa kể các thành viên trong Hội đồng giám sát là cán bộ của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Để có thêm thông tin về việc tổ chức cuộc thi Violympic theo công văn trên, ngày 15/8 vừa qua, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình cô Lương Thị Thanh Vân.

Về việc tổ chức chỉ đạo, phân công thực hiện tổ chức cuộc thi Violympic của Phòng tại Công văn số 191, cô Lương Thị Thanh Vân cho biết, đơn vị căn cứ theo văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình.

Vị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình cũng cho hay, sẽ tìm lại văn bản chi tiết hướng dẫn của Sở Giáo dục và gửi thông tin cho phóng viên sau.

Phóng viên nêu câu hỏi, công văn trên có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các trường tổ chức cuộc thi Violympic, vạy đơn vị nào sẽ trả kinh phí cho các giáo viên tham gia?

Trả lời câu hỏi trên cô Vân cho hay: "Đây là hoạt động được tổ chức trong buổi học chính khóa nên không phải trả công cho giáo viên".

Khi được hỏi về kinh phí tổ chức cuộc thi, cô Vân cho hay, việc tổ chức được chi theo kế hoạch chi của nhà trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm học 2021-2022, phòng giáo dục và đào tạo ở địa phương cũng huy động nguồn lực của ngành giáo dục để tổ chức Violympic.

Phòng Giáo dục và Đào tạo nhiều địa phương tổ chức hội đồng coi thi cuộc thi Violympic. Ảnh: website phòng giáo dục.

Phòng Giáo dục và Đào tạo nhiều địa phương tổ chức hội đồng coi thi cuộc thi Violympic. Ảnh: website phòng giáo dục.

Đơn cử, tại Quyết định 251 ban hành ngày 22/4/2022 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Bù Đăng (Bình Phước) về việc thành lập Hội đồng coi thi kỳ thi Violympic cấp quốc gia đặt tại Hội đồng huyện Bù Đăng năm học 2021-2022 bao gồm 8 thành viên trong Hội đồng (3 cán bộ Phòng và 5 giáo viên trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn).

"Hội đồng coi thi kỳ thi Violympic cấp quốc gia có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức coi thi quy chế và thể lệ cuộc thi và các hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo Bù Đăng và các văn bản hướng dẫn hiện hành", trích nội dung văn bản.

Tại Quyết định số 32 ban hành ngày 9/1/2023 của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vũng Tàu (Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về việc thành lập Hội đồng coi thi trong đó có sân chơi Violympic qua mạng Internet cấp tiểu học, trung học cơ sở thành phố Vũng Tàu năm học 2022-2023, Phòng cũng tổ chức hội đồng coi thi cho sân chơi này.

Theo đó, Chủ tịch Hội đồng thi là một Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vũng Tàu cùng 3 thư ký công tác tại phòng và các thành viên.

"Các đơn vị trường học thực hiện chi trả kinh phí cho các thành viên Hội đồng coi thi và giám sát tại các điểm thi theo quy định hiện hành", trích nội dung văn bản.

Vấn đề cần làm rõ là việc huy động nhân sự (cán bộ phòng, chuyên viên, giáo viên) tham gia coi thi Violympic lấy nguồn từ đâu để chi trả, chi trả theo quy định, căn cứ nào? Nếu nhân sự tham gia không được chi trả thì thầy cô đi phục vụ sân chơi Violympic của Tập đoàn FPT không công? Việc sử dụng thời gian trong năm học để tổ chức sân chơi Violympic có xâm phạm đến kế hoạch dạy học? Tất cả những câu hỏi này cần được ngành giáo dục làm rõ.

Tại sao các sở giáo dục và đào tạo phải có "trách nhiệm" với sân chơi do một công ty tư nhân tổ chức?

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 10/11/2022, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành ký công văn số 5943/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Công ty Cổ phần FPT về việc tổ chức sân chơi Violympic cho học sinh phổ thông như sau: "Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất trí với nội dung của "Đề án sân chơi Violympic dành cho học sinh phổ thông", Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Công ty Cổ phần FPT hoàn chỉnh nội dung Đề án và gửi cho các Sở Giáo dục và Đào tạo Thể lệ sân chơi Violympic để các Sở xem xét, phối hợp triển khai thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 5814/BGDĐT-GDTH ngày 7/12/2017 về tổ chức cuộc thi dành cho học sinh phổ thông từ năm 2017-2018".

Có hai vấn đề đặt ra từ công văn này cần phải được làm rõ. Thứ nhất, căn cứ nào để Vụ Giáo dục Trung học thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo "nhất trí với nội dung "Đề án sân chơi Violympic dành cho học sinh phổ thông" của Tập đoàn FPT?

Thứ hai, đề án sân chơi của Tập đoàn FPT được xây dựng trên cơ sở pháp lý nào mà Bộ phải cho ý kiến?

Thứ hai, sở giáo dục và đào tạo các địa phương được đề nghị phối hợp triển khai với một công ty tổ chức cuộc thi, sân chơi theo quy định nào? Có nằm trong chức năng, nhiệm vụ được giao hay không? Cơ chế phối hợp triển khai thực hiện theo cơ sở nào?

Theo tìm hiểu, căn cứ để các sân chơi, cuộc thi qua mạng cho học sinh phổ thông tổ chức là Công văn số 5814/BGDĐT-GDTH ngày 7/12/2017 về tổ chức cuộc thi dành cho học sinh phổ thông từ năm 2017-2018

Trong công văn trên, Vụ Giáo dục Trung học nhắc đến việc triển khai thực hiện của các Sở theo hướng tại Công văn số 5814/BGDĐT-GDTH ngày 7/12/2017 về việc tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông từ năm học 2017-2018.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công văn số 5814 do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ thời điểm đó ký nêu rõ: "Đối với Cuộc thi giải Toán và Vật lý trên mạng, Cuộc thi tiếng Anh trên mạng, Cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay: Các đơn vị chủ trì tổ chức rà soát và đổi mới nội dung, hình thức thi gắn liền với đổi mới hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá của chương trình giáo dục phổ thông, đăng công khai đề án tổ chức trên mạng và báo cáo Bộ GDĐT để theo dõi. Các sở GDĐT, phòng GDĐT cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và các cơ sở giáo dục có trách nhiệm theo dõi, giám sát trong quá trình diễn ra cuộc thi, đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả, theo nhu cầu thực tế của học sinh, không tạo áp lực cho học sinh, không thu kinh phí, không yêu cầu các trường tổ chức đội tuyển, không lấy thành tích cuộc thi để đánh giá thi đua đối với đơn vị tham gia" thiết thực và hiệu quả, theo nhu cầu thực tế của học sinh, không tạo áp lực cho học sinh, không thu kinh phí, không yêu cầu các trường tổ chức đội tuyển...".

Căn cứ nào để Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và các cơ sở giáo dục có trách nhiệm theo dõi, giám sát trong quá trình diễn ra cuộc thi? Các công việc này có nằm trong trách nhiệm theo quy định của Sở, Phòng, cơ sở giáo dục và đào tạo hay không?

Vậy ngoài Công ty Cổ phần FPT, các doanh nghiệp tư nhân khác muốn tổ chức các “sân chơi” tương tự trong các trường học, các sở, phòng giáo dục và đào tạo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và các cơ sở giáo dục có trách nhiệm phối hợp không?

Mạnh Đoàn