Máy bay chiến đấu J-7 được Trung Quốc xuất khẩu cho một số nước |
Tạp chí “Kanwa Defense Review” Canada vừa đăng bài viết “Từ triển lãm trang bị quốc tế nhìn sự trỗi dậy của Trung Quốc” của tác giả Andrei Chang. Bài viết đã đánh giá tình hình tham gia triển lãm quốc phòng quốc tế của Trung Quốc trong 20 năm qua và sự nhìn nhận của đồng nghiệp nước ngoài đối với vấn đề này.
Nhà quan sát quân sự Andrei Chang cho rằng, thực lực công nghiệp quân sự của Trung Quốc tăng nhanh, vì vậy Trung Quốc ngày càng tự tin, tác động phần nào đến tâm trạng của phương Tây.
Từ thận trọng đến chủ động hành động
Andrei Chang cho rằng, ông đã chú ý tới hoạt động tham gia triển lãm quốc phòng quốc tế của Trung Quốc từ năm 1992 đến nay. Theo ông, toàn bộ thập niên 90 của thế kỷ 20, đoàn đại biểu thương mại quân sự Trung Quốc rất dễ nhận ra tại các triển lãm quốc tế, không phải do người Trung Quốc có màu da vàng, tóc đen, mà là các đại diện Trung Quốc mặc âu phục bình thường, bên trong có áo len sợi, hơn nữa tìm mọi cách né tránh phóng viên, nếu có gặp phóng viên thì nói năng kín đáo.
Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, thực lực kinh tế của Trung Quốc không mạnh lắm, các đoàn đại biểu thương mại quân sự Trung Quốc đều tự mang theo thực phẩm hoặc tự làm cơm tại khách sạn. Tương ứng, các sản phẩm quân sự tham gia triển lãm của Trung Quốc trong thời gian đó ít có những điểm sáng gây thu hút, trình độ công nghệ có khoảng cách rõ rệt so với Mỹ, châu Âu và Nga.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ JF-17 do Trung Quốc-Pakistan hợp tác phát triển, dùng để xuất khẩu. |
Theo Andrei Chang, đặc điểm của các đoàn đại diện thương mại quân sự Trung Quốc khi đó là “kín đáo, bí ẩn”. Ông cho rằng, đây rất có thể là Trung Quốc ít có kinh nghiệm tham gia triển lãm và vũ khí nội địa phát triển chậm chạp. Không phải chỉ Trung Quốc, người Hàn Quốc cũng cơ bản như vậy, họ né tránh trả lời các câu hỏi của phóng viên, thậm chí còn gọi phóng viên là gián điệp của CHDCND Triều Tiên.
Bước vào thế kỷ 21, biểu hiện của các đoàn đại diện thương mại quân sự Trung Quốc đã có sự thay đổi nhanh chóng. Trước hết về y phục, việc thiết kế và điệu bộ đều rất được chú ý, thậm chí ăn vận đẹp hơn cả một số phóng viên phương Tây.
Thứ hai, đại diện thương mại quân sự Trung Quốc ngày càng thoải mái, tự tin trước phóng viên, không chỉ chủ động chào phóng viên, mà còn trả lời hầu hết các câu hỏi của phóng viên, thậm chí tận dụng truyền thông, chủ động giới thiệu các chỉ tiêu của vũ khí, lo phóng viên không đưa đủ tin.
Điều quan trọng hơn là, những sản phẩm tham gia triển lãm của phía Trung Quốc được đổi mới hàng năm, , đáng chú ý là các trang bị như rocket tầm xa, rocket dẫn đường, bom dẫn đường, tên lửa đạn đạo tầm gần, đã từng bước mang màu sắc riêng.
Hệ thống rocket phóng loạt tầm xa AR1A 300 m do Trung Quốc chế tạo |
Theo Andrei Chang, “sau khi bước vào thế kỷ mới, số lượng tham gia triển lãm quốc phòng quốc tế của Trung Quốc tăng mạnh, ngoài đoàn đại diện thương mại vũ khí tập trung vào chào bán trang bị vũ khí nội địa, còn có rất nhiều đoàn đại diện, nhân viên kỹ thuật, phóng viên tham gia với mục đích là tham quan và giao lưu. Người Trung Quốc hầu như xuất hiện ở mọi nơi, điều này có sự đối lập rõ rệt so với thập niên 90 của thế kỷ trước”.
Làm doanh nghiệp phương Tây bắt đầu “mất tự tin”?
Theo bài báo, đứng trước những biểu hiện ngày càng tích cực của Trung Quốc, các nhà sản xuất vũ khí trang bị phương Tây tham gia triển lãm ngày càng cảm thấy áp lực, thậm chí áp dụng các biện pháp ứng phó với Trung Quốc, chẳng hạn niêm phong những trang bị then chốt, không cho tiếp cận.
“Chúng tôi không tiếp người Trung Quốc!”. Andrei Chang cho biết, ông từng tận tai nghe thấy đoàn tham gia triển lãm của hãng Lockheed Martin Mỹ la hét người tham quan Trung Quốc: “Không được chụp ảnh!”.
Huyết thống người Hoa của Andrei Chang cũng làm cho công việc của ông bị ảnh hưởng. Andrei Chang cho biết: “Trước năm 2008, tôi viết bài về vũ khí phương Tây rất dễ dàng, bởi vì các doanh nghiệp quốc phòng phương Tây mang theo đầy đủ các tài liệu đến triển lãm, giới thiệu chi tiết về tính năng của vũ khí.
Nhưng, bắt đầu từ năm 2009, họ chấm dứt phát tài liệu về vũ khí, chuyển sang giới thiệu miệng. Công ty Boeing giải thích là họ muốn tiết kiệm giấy! Trong khi giao dịch vũ khí hàng năm của Boeing lên đến chục tỷ USD! Nhân viên Mỹ giải thích là để đối phó với việc sao chép vũ khí, nhất là đối với Trung Quốc”.
Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 Trung Quốc |
Theo bài viết, sự cảnh giác, đề phòng của các doanh nghiệp phương Tây đối với Trung Quốc cho thấy: Một là khoảng cách tính năng giữa vũ khí Trung Quốc và phương Tây giảm đi, đáng chú ý là hoạt động tranh thầu tên lửa đất đối không ở Thổ Nhĩ Kỳ giữa tên lửa HQ-9 Trung Quốc, tên lửa Patriot Mỹ và tên lửa của Pháp kéo dài.
Hai là sự tự tin của phương Tây đang giảm đi. Phương Tây từng khinh thường vũ khí Trung Quốc, không lo ngại Trung Quốc xem hình dáng, cầm tài liệu có thể chế được vũ khí tiên tiến. Sau khi bước vào thế kỷ 21, phương Tây nhìn thấy Trung Quốc liên tục đưa ra những sản phẩm cùng loại thì họ bắt đầu đa nghi, cho rằng Trung Quốc thông qua ăn cắp bản quyền mới có được những thành quả như vậy, lập tức áp dụng các biện pháp đối với người Trung Quốc tại các triển lãm quốc phòng.
Ba là Trung Quốc tập trung phát triển vũ khí tiên tiến, sự đề phòng của phương Tây đối với người Trung Quốc cho thấy phía Trung Quốc đã tập trung tìm kiếm công nghệ tiên tiến, tích cực tìm hiểu vũ khí tiên tiến của nước ngoài tại các triển lãm quốc phòng, thu thập tài liệu, chụp ảnh các mô hình, sản phẩm quốc phòng, ra sức tìm hiểu vấn đề công nghệ có liên quan…
Tàu hộ vệ F-22P Trung Quốc xuất khẩu cho Algeria |