Đến dự buổi Tọa đàm “Quyền tự chủ tuyển sinh của các trường tư thục khi triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019”, do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức vào ngày 2/10, Luật sư Nguyễn Kiến Thiết - Trưởng văn phòng luật sư Kiến Thiết, chia sẻ ý kiến cá nhân về tự chủ tuyển sinh đối với trường tư thục hiện nay.
Mô hình trường tư thục hơn 30 năm nay đã có sức lan tỏa mạnh và mang tính tất yếu của thời đại, một xã hội phát triển không chỉ lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo như ngày xưa, mà bây giờ phải nhìn kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường phát triển như vũ bão.
Nhà nước chỉ đứng ra làm công tác quản lý về mặt pháp lý và cơ chế chính sách, chính vì vậy mà không phải ngẫu nhiên đồng chí Tổng Bí thư đã nói: Đã đến lúc chúng ta phải đối xử công bằng với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp ở đây có phải là các trường tư thục không? Và đây cũng là một mô hình của các trường tư thục. Có thể đến một lúc nào đó cũng sẽ xóa bỏ như chế độ tem phiếu, và mô hình công lập chỉ còn là một kỷ niệm.
Sự giám sát của phụ huynh học sinh rất tốt, bởi theo tôi thì không có ai giám sát đồng tiền của mình bằng chính mình. Khi đồng tiền không phải của mình và cũng không cái gì là của mình thì giám sát cũng chỉ là hình thức thôi.
Mô hình trường tư thục hôm nay chúng ta bàn tới một mắt xích cơ chế chỉ tiêu tuyển sinh, anh cho người ta tự chủ nhưng anh giữ lại phần quan trọng nhất, tức là cho anh tự chủ tất cả nhưng không có con người thì tuyển sinh cái gì?
Thay vì chúng ta đi vào vấn đề xin cho, nếu như thuộc về vấn đề an ninh quốc phòng thì nhất định không thể bàn giao cho ai cả ngoài nhà nước quản lý. Nhưng có những cái như Y tế, Giáo dục thì nên xã hội hóa và tốt nhất là nhà nước nên đóng vai trò là quản lý nhà nước.
Quản lý nhà nước thông qua vai trò của pháp luật, thông qua cơ chế về quản lý chính sách, kiểm soát thanh tra. Ví dụ: Một trường A vừa xây dựng được một cơ sở Giáo dục thì dứt khoát họ sẽ phải cân đối xem xin bao nhiêu chỉ tiêu.
Theo tôi vấn đề xin bao nhiêu thì nhà nước không cần quan tâm, mà chỉ cần xem một lớp có quá 35 học sinh hay không, xem đội ngũ giáo viên, môi trường sư phạm…mà việc này là sở giáo dục sẽ kiểm tra và cũng không nên báo trước hay kiểm tra định kỳ.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có dẫn ra điều 60 điểm B khoản 1 về công tác tuyển sinh, rồi điều 60 khoản 3 bộ luật Giáo dục năm 2019, điều 104 quản lý nhà nước về Giáo dục.
Chỉ thị 2268 của Bộ Giáo dục ngày 8/8 về phân cấp tự chủ đối với cơ sở Giáo dục, sau đó lại được điều chỉnh bằng thông tư số 11 năm 2014 và gần đây nhất là thông tư số 05 năm 2018 có hướng dẫn sửa đổi một số về quy chế tuyển sinh, nhưng đều không có mục nào nói đến vấn đề cản trở hoặc gây khó khăn, chế định về chỉ tiêu tuyển sinh.
Trường tư thục đã khó trăm bề về cơ sở vật chất, về mặt bằng và còn khó về giáo viên, vậy mà bây giờ còn gánh thêm nhiều khoản khống chế nữa thì làm sao mà phát triển được.
Các cơ quan ban ngành quản lý giáo dục, mà nhất là ở Hà Nội bây giờ lại khống chế về chỉ tiêu thì rõ ràng là đi ngược lại xu thế phát triển xã hội hóa Giáo dục và ngược lại với chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước.
Trong trường hợp này tôi có quan điểm về pháp lý: Cái gì pháp luật không cấm thì chúng ta làm, mà đã làm thì phải tuân theo pháp luật.
Tôi đề nghị, thứ 1, các sở giáo dục phải làm đúng chức năng quản lý về giáo dục và đào tạo, và tạo điều kiện cho giáo dục phát triển theo xu hướng chung của xã hội.
Thứ 2, cơ quan quản lý nhà nước hãy thực hiện đúng chức năng quản lý về giáo dục, không lạm quyền và tạo ra những rào cản ngoài quy định của pháp luật để hạn chế sự phát triển của giáo dục.
Thứ 3, các trường phải thực hiện đúng các chức năng tự chủ, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan hữu trách.
Cũng cần kiến nghị thêm là đối xử với các trường tư thục bình đẳng như các trường công lập.