Từ đầu năm 2017 đến nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta đã có hàng loạt hoạt động ngoại giao với các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn, các nước láng giềng.
Đây là những hoạt động bình thường nhằm tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta nhằm mở rộng quan hệ quốc tế, tiếp tục duy trì và nâng cao các quan hệ đã có, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ và lợi ích quốc gia-dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Thế nhưng bên cạnh những cái nhìn thiện cảm, những nhận định, đánh giá khách quan về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và thành công từ những chuyến thăm và các hoạt động ngoại giao nổi bật ấy, đây đó vẫn còn những cái nhìn thiển cận, những ý kiến phiến diện, suy diễn chủ quan của một số nhân vật thiếu thiện chí, phần tử bất mãn, phản động chuyên tìm cách chống phá Việt Nam.
Cả trước, trong và sau mỗi chuyến thăm, thông qua một vài trang mạng ở nước ngoài, những nhân vật ấy lại cố tình xuyên tạc về mục đích, ý nghĩa và kết quả các chuyến thăm.
Đáng lưu ý có người hồ đồ nói rằng, Việt Nam đang có sự điều chỉnh trong quan hệ đối ngoại nhằm tìm kiếm đối tác chiến lược, thiết lập liên minh mới để đối phó với những quốc gia đang gây áp lực với mình...
Lại có kẻ còn trắng trợn nói rằng, Việt Nam đang ngấm ngầm “theo chân” nước này để chống nước kia...
Ảnh minh họa trên qdnd.vn |
Một điều chúng ta chẳng lạ là trong thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng Việt Nam, đối ngoại là lĩnh vực trọng điểm mà các thế lực thù địch, phản động nhằm vào để chống phá.
Bằng nhiều chiêu trò, chúng mưu toan đẩy mạnh tuyên truyền, tán phát những thông tin sai lệch, bịa đặt, phủ nhận những thành tựu của công tác đối ngoại, xuyên tạc quan điểm, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và quan hệ của Việt Nam với các nước đối tác;
Xuyên tạc đường lối, phương châm đối ngoại, hòng gây nghi kỵ quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới, hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế...
Những động thái nói trên không có gì mới và không nhằm mục đích nào khác là tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đi ngược lại lợi ích quốc gia-dân tộc, chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước đối tác, nhất là các nước lớn, các nước láng giềng, phá hoại môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước của nhân dân Việt Nam.
Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng những năm qua, đặc biệt trong hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng trong công tác đối ngoại.
Quan hệ của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Quan hệ đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng được mở rộng và tăng cường với các chính đảng ở các nước khác nhau trên thế giới theo hướng đa phương và đa dạng hóa các quan hệ.
Công tác đối ngoại của Đảng cùng ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được kết hợp hài hòa đã tạo nên những thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao, góp phần tạo nên môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước...
Dù có giở chiêu trò gì đi chăng nữa, các thế lực thù địch, phản động cũng không thể phủ nhận được những thành tựu trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Quan điểm, chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam là rất rõ ràng.
Trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn kiên trì phương châm là bạn với tất cả các nước, đa phương hóa, đa dạng hóa trên cơ sở độc lập tự chủ và nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Mục đích của Việt Nam là tạo được lợi ích chung với các nước-đó là duy trì hòa bình, ổn định. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ.
Việt Nam không bao giờ liên minh, liên kết với một nước khác để chống lại nước thứ ba, không đi với nước này để chống nước kia.
Trong giải quyết những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định là phải trên cơ sở quán triệt và thực hiện tốt đường lối đối ngoại hòa bình hữu nghị, độc lập, tự chủ... bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế...
Chủ trương và cách giải quyết đó của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân cũng như toàn xã hội, được dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ.
Trước những diễn biến mới của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại được Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII là:
"Bảo đảm lợi ích quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế nhằm “phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”[1].
Như vậy có thể thấy, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là rất rõ ràng, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Những gì đã được Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII thêm một lần nữa khẳng định: Việt Nam không bao giờ liên minh với một nước khác để chống lại nước thứ ba.
Nếu ai đó nói rằng Việt Nam dựa vào nước này để chống nước kia thì đó là hành động cố tình xuyên tạc, bịa đặt nhằm mưu đồ xấu, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, hòng làm cho tình hình thêm phức tạp, gây hoài nghi, mất ổn định, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Để không mắc mưu dẫn đến tiếp tay cho chúng, mọi cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân ta cần đề cao cảnh giác, chủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh, phản bác, loại bỏ những luận điệu ấy ra khỏi đời sống trong nước và quan hệ hợp tác quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.34-35.