Việt-Nga ký kết thỏa thuận về thủ tục tàu chiến Nga đến Cam Ranh
Truyền thông Nga đưa tin, Việt Nam và Nga đã ký kết thỏa thuận đơn giản hoá thủ tục cho tàu chiến Nga cập cảng vịnh Cam Ranh của Việt Nam.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm Nga vừa qua |
Hãng tin ITAR-TASS Nga dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng cho biết, văn kiện này được ký tại Sochi vào ngày 25 tháng 11 trong thời gian Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Nga.
Khi đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi.
Theo nguồn tin, căn cứ vào thỏa thuận, tàu chiến Nga cập cảng ở vịnh Cam Ranh chỉ cần thông báo cho nhà cầm quyền ở cảng là có thể được, không cần thực hiện thủ tục tiếp theo.
Việt Nam là quốc gia thứ hai đạt được thỏa thuận tương tự sau Syria.
Hai bên Việt-Nga còn ra Tuyên bố chung "Tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga".
Theo bài báo, tháng 8 năm 2013, khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh thăm Nga, phía Nga cho biết, mong muốn Việt Nam đơn giản hóa thủ tục cho tàu chiến Nga cập cảng Cam Ranh để tàu chiến Nga sửa chữa và nhân viên nghỉ ngơi trong thời gian diễn tập.
Vịnh Cam Ranh, Việt Nam |
Bài báo cho rằng, căn cứ quân sự vịnh Cam Ranh là cảng quân sự quan trọng của Việt Nam. Năm 1979, Liên Xô và Việt Nam ký kết thỏa thuận, thuê vịnh Cam Ranh 25 năm "dùng để kiểm soát khu vực Đông Nam Á và vùng duyên hải".
Vào thập niên 1980, Liên Xô tiếp tục tiến hành mở rộng vịnh Cam Ranh, làm cho nó trở thành căn cứ quân sự lớn nhất ở nước ngoài của Liên Xô.
Sau khi Liên Xô giải thể, Nga không muốn trả tiền thuê 200 triệu USD/năm, trước khi thỏa thuận đến hạn, đã rút toàn bộ lực lượng hải quân khỏi vịnh Cam Ranh.
Cuối tháng 10 vừa qua, các trang mạng Trung Quốc cũng đã đăng tải nhiều hình ảnh về vịnh Cam Ranh và cho rằng hầu hết tài sản của Hải quân Việt Nam được bố trí ở vịnh Cam Ranh, trong đó có tàu chiến tiên tiến nhất – tàu ngầm lớp Kilo; các tàu hộ vệ tàng hình….
Tuy nhiên, có tin cho là nếu Trung Quốc hoàn thành xây dựng (bất hợp pháp) căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, thì vịnh Cam Ranh sẽ nằm trong “phạm vi tấn công” của Quân đội Trung Quốc.
Trong lịch sử, Trung Quốc đã cất quân xâm lược quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào các năm 1974, 1988… Trung Quốc đã xây dựng bất hợp pháp các công trình quân sự như sân bay ở đảo Phú Lâm và đang có nhiều dấu hiệu xây dựng căn cứ quân sự (sân bay) ở đá Chữ Thập, tiến hành “biến đá thành đảo” ở nhiều đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tàu chiến Hải quân Việt Nam ở vịnh Cam Ranh |
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã tăng cường sử dụng lực lượng quân sự, hải cảnh, tàu bán vũ trang đội lốt ngư dân… đẩy mạnh các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt là từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014 đã kéo giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 cùng một lực lượng quân sự, bán quân sự khổng lồ xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam trong thời gian.
Quân đội Trung Quốc gần đây cũng đẩy mạnh các cuộc tập trận ở Biển Đông với nhiều khoa mục có đối tượng rõ ràng như tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo, phòng không, săn ngầm, tấn công người nhái… Đồng thời đang gia tăng triển khai tàu chiến, tàu đổ bộ hiện đại ở Biển Đông.
Biển Đông-Hoa Đông: Trung Quốc biên chế 2 tàu hộ vệ mới
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc như CCTV ngày 28 tháng 11 đưa tin, sáng ngày 28 tháng 11, lễ biên chế, đặt tên và nhận cờ của tàu hộ vệ tên lửa kiểu mới Triều Châu số hiệu 595 đã tổ chức ở một quân cảng thuộc tỉnh Quảng Đông.
Theo bài báo, tàu này là tàu hộ vệ hạng nhẹ mới Type 056, do Trung Quốc tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, có năng lực tác chiến tổng hợp “rất mạnh”. Sau khi biên chế, nó sẽ đảm nhiệm tuần tra cảnh giới, hộ tống ngư dân, độc lập hoặc hiệp đồng với các lực lượng khác thực hiện các nhiệm vụ như tác chiến săn ngầm, tác chiến đối hải.
Lễ biên chế tàu hộ vệ hạng nhẹ Triều Châu số hiệu 595 ngày 28 tháng 11 năm 2014 |
Tờ “Giải phóng quân” Trung Quốc ngày 28 tháng 11 cũng đưa tin, 10 giờ sáng ngày 28 tháng 11, lễ biên chế, đặt tên và trao cờ tàu hộ vệ tên lửa kiểu mới Chu Châu đã tổ chức ở một quân cảng của Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Điều này đánh dấu tàu Chu Châu gia nhập Hạm đội Đông Hải, chính thức bắt đầu đi vào hoạt động.
Như vậy, tàu Chu Châu chính thức triển khai ở biển Hoa Đông, chứ không phải biên chế cho Hạm đội Nam Hải, triển khai ở Biển Đông như một số tin đồn trước đó.
Tàu Chu Châu là chiếc thứ 2 của “tàu hộ vệ tên lửa kiểu mới” (Type 056A) Trung Quốc, thuộc một khu thủy cảnh của Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc, có số hiệu là 594. Tàu này sử dụng công nghệ và trang bị tiên tiến nhất hiện nay của Trung Quốc, có năng lực tác chiến tổng hợp “tương đối mạnh”.
Tờ Tân Kinh báo ngày 28 tháng 11 dẫn lời nhà nghiên cứu Trương Quân Xã, Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc cho rằng, tàu Chu Châu thuộc tàu hộ vệ tên lửa Type 056 phiên bản cải tiến thứ hai.
Sau khi tàu Chu Châu bàn giao cho khu thủy cảnh thuộc Hạm đội Đông Hải, sẽ hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ với tàu Tam Môn Hạp mới gia nhập trước đó.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Tam Môn Hạp đã được làm lễ biên chế, chính thức gia nhập hàng ngũ chiến đấu Hải quân Trung Quốc vào sáng ngày 13 tháng 11 năm 2014, đây là “tàu hộ vệ tên lửa kiểu mới” đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế, có số hiệu là 593.
Lễ biên chế tàu hộ vệ hạng nhẹ Triều Châu số hiệu 595 ngày 28 tháng 11 năm 2014 |
Theo mạng sina Trung Quốc ngày 28 tháng 11, tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 có kích cỡ và lượng giãn nước vừa phải, khả năng thích nghi tốt hơn tàu tên lửa, chu kỳ tuần tra dài, phạm vi kiểm soát lớn, chi phí sử dụng, bảo trì thấp hơn so với tàu hộ vệ thông dụng, rất thích hợp cho thực hiện nhiệm vụ tác chiến phức tạp ở biển gần, đã trở thành loại tàu quan trọng tác chiến chống hạm, săn ngầm và tuần tra cảnh giới ở biển gần.
Tàu này dài 88,9 m, rộng 11,14 m, lượng giãn nước 1.300 tấn, tốc độ tối đa 25 hải lý/giờ. Vũ khí trang bị bao gồm 1 khẩu pháo 76 mm, 2 khẩu pháo cỡ nhỏ ngắm chuẩn quang điện, 2 bệ bắn tên lửa YJ83, đuôi tàu có thiết bị bắn tên lửa phòng thủ gần 8 nòng, thân tàu bố trí 2 thiết bị bắn ngư lôi săn ngầm…