Với 1.192.000 đồng/HS/tháng, thầy cô căng mình để lo cho học trò nội trú

19/12/2022 06:46
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mức học bổng chính sách tương đương 80% mức lương cơ sở, là 1.192.000 đồng/tháng. Với số tiền này, các thầy cô rất "đau đầu" để lo đủ cho học sinh.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu việt trong trong việc quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhất là chăm lo cho các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo động lực cho việc phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách về giáo dục, đào tạo và chất lượng cuộc sống giữa các vùng, các địa phương.

Tuy nhiên, thực tế có những chính sách đã được áp dụng một thời gian dài, không còn phù hợp nhưng chưa có chính sách thay thế khiến nhiều trường trên địa bàn vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe và đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, học tập cho học sinh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lý Xuân Tiến – Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Bắc Mê (Hà Giang) cho biết:

“Trường đang có 386 học sinh học nội trú, trong đó, cấp trung học cơ sở là 250 học sinh và cấp trung học phổ thông là 136 em. Mức học bổng hỗ trợ các em nhận được đều như nhau là 80% mức lương cơ sở, tương đương 1.192.000 đồng/học sinh/tháng .

Với mức hỗ trợ học bổng như vậy, so với giá cả hiện nay, để chi tiêu cho 1 tháng rất khó khăn. Các thầy cô giáo vẫn đang cố gắng lo cho học sinh ở mức tạm đủ. Tuy nhiên, phải nói thật là các thầy cô rất vất vả trong việc cân đối tiền hỗ trợ với những nhu cầu thiết yếu của các em khi học nội trú.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Bắc Mê trong một lần nhận quà từ thiện. Ảnh: LC

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Bắc Mê trong một lần nhận quà từ thiện. Ảnh: LC

Chất lượng dinh dưỡng các bữa ăn cho các em theo vật giá hiện tại đang là bài toán "đau đầu" với các thầy cô.

Trong bối cảnh giá cả ngày càng đắt đỏ, thì mức hỗ trợ này đã không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu cho các em học tập, sinh hoạt tại trường”.

Bên cạnh đó, thầy Tiến cũng cho biết, việc cấp phát đồ dùng cho học sinh cũng có nhiều vấn đề bất cập. Học sinh được phát đầy đủ chăn màn, quần áo... nhưng chỉ tiến hành vào năm đầu tiên, ở đầu mỗi cấp học. Những năm sau, các em sẽ chỉ được cấp bổ sung. Do vậy, sau năm đầu tiên, học sinh thiếu trước, hụt sau tư trang, đồ dùng nên rất vất vả cho các em.

Cũng như nhiều trường nội trú khác, thầy Lý Xuân Tiến cho biết, vị trí việc làm trong các trường nội trú cũng đang khiến nhà trường khá “đau đầu”. Với nhiều vị trí không có trong biên chế, nhà trường phải hợp đồng bằng nguồn chi thường xuyên. Ví dụ như vị trí nấu ăn, bảo vệ…

“Việc phải cân đối nguồn chi sẽ khiến cho phần kinh phí để bảo trì sửa chữa, đầu tư cơ sở vật chất sẽ bị hụt đi…”, thầy Lý Xuân Tiến nói.

Cũng trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Mua Thị Hồng Minh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đồng Văn (Hà Giang) cho biết:

"Trước hết, mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú là loại hình trường công lập, chuyên biệt, dành cho con em các dân tộc thiểu số từ nhiều năm qua, mô hình này đã phát huy hiệu quả trong việc chăm sóc và phát triển học sinh trong vùng.

Hiện nay học sinh nội trú được hưởng chế độ theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT, ngày 29/5/2009 của liên Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.

Nhờ có chính sách hỗ trợ, học sinh đã yên tâm học tập; việc duy trì sĩ số, chất lượng dạy và học cũng được nâng lên.

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, một số chính sách đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú hiện nay không còn phù hợp.

Trước hết về mặt đội ngũ, cán bộ quản lý, theo Nghị định 120/2020/NĐ-CP, ngày 7/10/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, quy định đơn vị sự nghiệp công lập không quá 2 cấp phó; Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT cũng quy định trường phổ thông dân tộc nội trú huyện... được bố trí 2 phó hiệu trưởng.

Hiện Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đồng Văn có 2 cấp học, nhưng chỉ có 2 phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn (1 phụ trách cấp trung học cơ sở; 1 phụ trách cấp trung học phổ thông), chưa có phó hiệu trưởng phụ trách công tác nội trú (nhà trường phải phân công phó hiệu trưởng kiêm nhiệm, nên bị áp lực về khối lượng công việc; với đặc thù trường nội trú thì công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh tại trường rất quan trọng).

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đồng Văn trong một giờ sinh hoạt nội trú. Ảnh: Website nhà trường

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đồng Văn trong một giờ sinh hoạt nội trú. Ảnh: Website nhà trường

Về nhân viên trường học, hiện trường đang thiếu nhân viên công nghệ thông tin, nhân viên giáo vụ (nhà trường phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm).

Ngay cả nhân viên bảo vệ và nhân viên phục vụ, nhà trường cũng phải tự cân đối nguồn thu để hợp đồng các nhân sự lao động này”.

Cũng theo lãnh đạo nhà trường, Đồng Văn là huyện xa xôi, hàng hóa khan hiếm, chi phí vận chuyển cao nên giá cả rất đắt đỏ. Mức học bổng hỗ trợ bằng 80% mức lương tối thiểu/tháng/học sinh khiến các thầy cô rất khó khăn cho việc bảo đảm mức ăn hàng ngày cho các em.

Bên cạnh đó, quy định học sinh khi nhập học được nhà trường trang cấp bằng hiện vật một lần số đồ dùng cá nhân như: chăn bông, màn, áo bông, chiếu, nilon đi mưa, quần, áo dài tay... không đáp ứng được cả khóa học và một số hiện vật không phù hợp với thực tế hiện nay.

Về sách giáo khoa, lãnh đạo nhà trường cũng phân tích thêm, theo Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT/BTC-BGDĐT thì sách giáo khoa là dùng chung, sử dụng lâu dài, hàng năm trường được mua bổ sung số sách giáo khoa bằng 10% số đầu sách giáo khoa của tủ sách dùng chung.

Tuy nhiên, hiện nay thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT, ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong các trường phổ thông, thì mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở một khối lớp lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa, nên sẽ khó khăn cho nhà trường.

Về các hoạt động chi cho học sinh dân tộc thiểu số xa nhà, cũng như các trường dân tộc nội trú khác, nhà trường được tổ chức hai lần trong năm cho số học sinh phải ở lại trường không về nhà trong dịp nghỉ lễ, Tết với mức chi 50.000 đồng/học sinh/lần ở lại. Mức chi này còn thấp.

Cùng với đó, việc chi các hoạt động các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao, các hoạt động tuyên truyền và cổ động mang tính quần chúng của nhà trường chỉ được dự toán chi trong phạm vi 5% quỹ học bổng của học sinh. Mức này còn quá ít, nhà trường rất khó đảm bảo để tổ chức các hoạt động/năm học.

Các chi phí như nước nóng cho học sinh vùng cao khi rét đậm rét hại, chi phí sửa chữa… đều rất eo hẹp. Các thầy cô giáo đều phải cố gắng hết sức có thể để đảm bảo đủ cho học trò.

Hi vọng thời gian tới, các cơ quan liên ngành sẽ có những chính sách gỡ khó cho học trò trường nội trú.

Trần Phương